Hoa của thời gian, hoa của con người - Hoàng Diệp Lạc
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4079
Hoa của thời gian, hoa của con người
· Hoàng Diệp Lạc
Thời gian và hoa. Như cặp phạm trù mỹ học sung triệt lẫn nhau. Nếu không có hoa thì thời gian trở nên vô nghĩa. Nhưng thời gian là kẻ tòng phạm khiến đời hoa qua nhanh. Vì thế tôi gọi thời gian và hoa là cặp phạm trù mỹ học sinh triệt lẫn nhau. Thật ra, mọi vật đều chịu chung một quy luật như vậy cả, chỉ có điều, hoa là biểu tượng của cái đẹp, sự thăng hoa lộng lẫy của hành trình sống, như một bài học của thiên nhiên dạy cho đối tượng chiêm ngắm mà khản giả chính là con người phải biết chịu ơn của tạo hóa. Ngày nay để đáp lại hàm ơn đó người ta kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường. Đó là trực nhận và suy diễn của tôi khi nhìn nhan đề của tập tản văn Nhưng giỏ hoa thời gian của Lê Tấn Quỳnh, do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành 2013, bìa và trình bày Thái Ngọc Thảo Nguyên, không chỉ là sự gợi tưởng đó, mời bạn đọc bước vào thế giới “Những giỏ hoa của thời gian” để nghe sự chia sẻ từ tấm lòng của tác giả. Lê Tấn Quỳnh được biết đến như một nhà thơ, anh đã có những thành công trong quá khứ: Giải Nhất thơ Bút mới do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 1996, giải Khuyến khích thơ Tạp chí Sông Hương năm 1998, cùng với những tập thơ: Linh Ngọc - 1998, Vông Vang - 2009 và tập thơ Năm mặt đặt tên, in chung 2011.
Có thể nói tản văn của Quỳnh là tập hợp của những tính từ và hình ảnh của cuộc chuyển động giữa bầu trời xúc cảm bất định. Nơi vùng trời đó, như một khung vải trắng được căng lên theo từng trạng thái cảm xúc, Quỳnh tha hồ vung vãi những sắc màu của thiên nhiên để tạo nên từng tiết nhịp cho riêng mình.
Đối tượng đi vào trong tản văn của Lê Tấn Quỳnh là những sự vật xung quanh nhản quan của tác giả hoặc một mảnh ký ức vừa thành hình, như: Cọng cỏ bên sông, áng mây trắng tháng giêng, những cánh hoa suốt bốn mùa,... cho đến màu xanh của ngôi làng cổ, rồi mùa hoa lau bên bến sông, những sắc vàng của hoa chuỗi ngọc, sắc tím của bằng lăng, những đường cong của mái đò, đường chéo của cơn mưa trắng đục đất trời, những nét chấm phá của mùa lễ hội làm điểm nhấn cho xứ sở Thần kinh, những nò sáo dích dắc của sóng nước Tam giang ,... đôi khi sợi dây liên tưởng khơi dậy những hình ảnh trong tầng sâu của ký ức rồi gán vào hình ảnh của hiện thực qua tâm trạng và tài diễn đạt của tác giả đã cho người đọc những câu thơ trong tản văn: “Chiếc lá cũng như những cái vẫy tay của thời gian”, hay những lúc cảm xúc dâng trào, mà chủ nhân của nó không kìm lại được, không hướng sự dâng trào theo dẫn dắt của lý tính để rồi nó bùng lên thành đám cháy, thành cơn bão: “Đám sương cuối cùng cũng qua đi và thay vào đó là những tia nắng long lanh đến bất ngờ. Nắng dường như cũng không đủ cái nồng ấm sau khi men qua lớp sương dày đặc ấy, tiếp tục đi qua những tán cây rậm để đến với chúng tôi là những đám pháo - bông - nắng lung linh đủ màu”
Bên cạnh thành quách rêu phong, những phiên chợ trần gian là những cơn mưa ngút ngàn đã dẫn dắt tác giả vào mê cung của nổi buồn: “Cái dầm dề của cơn mưa cứ níu trải lòng ta xuống. Nỗi buồn nào có bất chợt hiện ra rồi cũng sẽ thoắt biến đi... chỉ còn lại tiếng mưa thanh thản trong hoài thai nỗi nhớ...”
Tản văn đầy chất thơ của Quỳnh như lời tự sự của anh với từng vùng đất mà bước chân anh đã ngang qua. Kể cả trong những giấc mơ hư ảo của cuộc đời, Quỳnh bất giác thấy mình: “Chẳng còn là ta nữa trong cơn lất phất ngổn ngang gam trời lồ lộ. Có thứ men rượu nào đủ say như men mưa Huế.” Chỉ tiếc một điều, trong cơn say ấy, người say thường lặp đi lặp lại những ngữ ngôn khiến độc giả nghĩ tác giả như lạc vào cánh rừng của từ láy mà chưa tìm được lối ra. Hay có thể đó là phong cách của tác giả để nhấn nhá làm đậm thêm nỗi buồn vốn dĩ đã chực chờ quanh ánh mắt người thơ. Cũng như trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều từ láy được sử dụng rất tài tình và có tỉ lệ xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm, đặc biệt là những từ láy biểu cảm về âm thanh. Thực ra, với tranh phong cảnh những danh họa rất kiệm màu trên mỗi tác phẩm. Người ta thường chia trên khung vải thành những điểm vàng, và nhắc nhở chúng ta nên thả vào những điểm vàng một cách tiết kiệm từng vệt son cảm xúc. Đọc tản văn của Lê Tấn Quỳnh, mới thấy rằng, “Những giỏ hoa thời gian“ chính là hoa của dòng sông, hình ảnh dòng sông đã xuất hiện rất nhiều trong tản văn của Lê Tấn Quỳnh. Đó là dòng Hương giang mà Quỳnh đã soi bóng, nơi đã hình thành ký ức và tính cách của tác giả. Hoa của thời gian chính là cái đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người. Quỳnh như muốn nhắn nhủ với độc giả hãy quý mến thiên nhiên, quý mến từng giỏ hoa trong ký ức bất tận, những giỏ hoa trong cuộc sống này.
H.D.L
Những ngày sau cơn bão Nari, 10/2013
Tác giả Hoàng Diệp Lạc