TỪ VỈA HÈ ĐẾN VĂN CHƯƠNG NGHỆ THUẬT - Lê Huỳnh Lâm.
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 4561
Giới thiệu tập sách DƯỚI TÁN CÂY LONG NÃO nhiều tác giả:: Thảo Mỹ Am, Bảo Cường, Ngô Đình Hải, Nguyễn Thái Hòa, Đỗ Văn Khoái, Lê Huỳnh Lâm, Nhất Lâm, Bùi Ngọc Long, Kim Long, Lê Ngã Lễ, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Thiền Nghi, Đặng Như Phồn, Nguyễn Văn Quang, Võ Quê, Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Vĩnh Thái, Đinh Thu, Ngàn Thương, Nguyên Tiêu, Thịnh Taxi, Đặng Mậu Triết, Duy Từ, Hồ Đắc Từ, Nguyễn Tuấn, Lãng Hiển Xuân, Nguyễn Văn Vũ. NXB Thuận Hóa 2014.
Có thể không còn ai nhớ được là vào lúc nào, mọi người chỉ biết đó là buổi sáng. Là khoảng thời gian đọng lại bên vệ đường. Những mái tóc xanh và trắng, những gương mặt cũ và mới... người là nhà giáo, tiến sỹ, bác sỹ, người kỹ sư, anh là họa sỹ, là nhà thơ, lái xe, công nhân, nhà báo,... người còn làm việc, người đã về hưu và có những người “không làm gì cả” trong cuộc sống này. Từ những mẫu truyện “cười ra nước mắt” trên báo, những câu chuyện của thời trước, những hài hước hôm qua, những nỗi buồn hôm nay và cả những phẫn nộ,... tất cả rồi cũng trôi qua, như dòng nước xanh ngời dưới chân cầu Trường Tiền. Còn chăng, một chút tình đọng lại, một thoáng giận vu vơ, những tiếng cười, những hình ảnh,... và rồi cũng qua nhanh. May ra, còn tán cây Long não làm nhân chứng, cây sẽ kể chuyện hôm nay, hôm qua và ngày mai vào một ngày xa tận trong tương lai. Cây cũng lắng nghe câu chuyện con người để xanh lên vào mùa xuân, tỏa bóng mát giữa mùa hạ, vàng phai vào mùa thu và lặng lẽ giữa mùa đông. Con người cũng vậy, theo cái lẽ tự nhiên của bốn mùa, theo sự biến dịch của thời gian, có người đã rời khuất cuộc đời, người còn bên vỉa lề cuộc đời... Nhưng cái vỉa hè này đã hình thành câu chuyện văn hóa, để khai sinh tập sách “Dưới tán cây long não”, cũng là dưới vòm trời xứ Huế.
Trong lịch sử âm nhạc và thi ca Việt Nam viết về vỉa hè có nhạc sỹ Phạm Duy với “Vỉa hè ca” gồm các bài “Sức mấy mà buồn”, “Nghèo mà không ham”,... và thi sỹ Bùi Giáng ứng khẩu bao nhiêu là thơ vỉa hè: “Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ/ Có ai ngờ xó chợ cũng thương nhau” hay thi sỹ Phạm Công Thiện đã từng lang thang khắp vỉa hè Paris trong nỗi heo hút của cuộc đi, còn nhà thơ Đinh Thu một tác giả trong tập “”Dưới tán cây long não” có câu: “Lên mây chẳng biết ngồi đâu / Vỉa hè không có, gầm cầu cũng không”, đọc đến đây tôi chợt nhớ tên tuổi các thi sỹ, văn hào và danh họa thế giới như: Simone de Beauvoir, Jean-Paul Sartre, Hemingway, Picasso và Henry Miller... cũng có những vỉa hè cà phê trên các con đường: quán Cafe de Flore -172 đại lộ Saint Germain, quán Le Select - 99 đại lộ Boulevard du Montparnasse thuộc thành phố có bề dày văn minh như Paris.
Ở đời, con người thường bị hình thức bên ngoài mê hoặc, nhưng cái đẹp bên trong mới bền lâu. Cái vỉa hè này có anh Minh chủ quán rất nghệ, anh cứ cười và nhìn mọi sự trôi qua các giác quan của mình, bây giờ vỉa hè đã mở ra trang sách đầu tiên trong tập “Dưới tán cây long não”, tôi chợt nhớ Trịnh Công Sơn có câu: “Vui buồn hội ngộ trong kiếp con người”. Thôi thì cứ vui buồn, cho dù là ở đâu trên mặt đất này, salon hoặc vỉa hè,...
Lê Huỳnh Lâm
18/1/2014
Một số tác giả trong tập sách DƯỚI TÁN CÂY LONG NÃO, NXB Thuận Hóa 2014 dưới tán cây long não sáng 27.1.2014: Từ trái: Nguyễn Thái Hòa, Tuất Nguyễn, Quynh Le Tan, Nguyễn Tuấn, Đặng Mậu Triết, Thảo Mỹ Am, Lê Vĩnh Thái, Lê Ngã Lễ, Que Vo. Ảnh Huỳnh Doanh