TÂM HƯƠNG KHÁT NGUYỆN CỦA NGƯỜI THƠ - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 3662
Đời ơi! Tiếng kêu của người thơ ngân vọng giữa cõi người vừa thiết tha, vừa trầm thống.
ĐỜI ƠI! Là tên gọi chung của tập thơ thứ ba của nhà thơ Ngô Đình Hải sau tập thơ đầu tay SÂN TRƯỜNG (1978) và tập thơ NHỎ ƠI! (2012).
Không dụng công mà dụng tâm, thơ trong ĐỜI ƠI! thành một bức tranh xã hội rất đời đa hình, đa sắc với đa thanh. Sâu sắc và tế nhị, tác giả chạm tới những cung bậc buồn vui cuộc sống. Từ điều đơn giản đến phức tạp. Từ nỗi riêng tư đến cái chung nhất của thế gian.
Nhờ có một vốn sống được trải nghiệm qua tháng năm, người thơ Ngô Đình Hải đã biết chắt lọc, nâng niu những hình ảnh, ngôn từ giữa đời thường để chỉ bằng những nét đan thanh của thơ mà ghi nhận từng tương phản, trắng đen tạo nên tứ cho mỗi bài thơ:
Địa ngục trong trái cấm
Chúa dặn không được ăn
Chừng em đưa ta cắn
Thiên đường ngọt lịm răng
(8 tháng 3)
Với bốn bài thơ có từ rượu trong nhan đề, người thơ Ngô Đình Hải đã khái quát được phần nào về thân phận người, về tình yêu, về nhân sinh từ quá khứ đến hiện tại này mà mỗi thời khắc đều có những mảng tối sáng khổ đau, hạnh phúc cũng những trăn trở của người thơ:
rượu nồng men từ một đời người góp lại
rượu chắt chiu từ những dài ngắn tháng ngày
rượu rát bỏng môi từ thành bại
rượu dịu ngọt từ tình nghĩa
tù chia sớt nhỏ nhoi
những giọt rượu chảy qua tôi sớm tối
(Rượu này làm từ gì, hả em?)
Giọng thơ Ngô Đình Hải trong ĐỜI ƠI! có khi tưng tửng, là lạ khác người. Đằng sau cái điều tưởng như tinh nghịch, bỡn cợt lại là những hàm ý sâu sắc, những cách đặt vấn đề rất ý nhị:
Thí dụ như em cởi áo
mà bắt tôi quay mặt đi
khác nào mời tôi uống rượu
mà không dám rót đầy ly…
(Mời rượu)
Chúa nhìn xuống Eva
cái xương sườn quá tuyệt
rồi Chúa lại nhìn ta
từ sai lầm khủng khiếp
(Nỗi buồn của Chúa)
ĐỜI ƠI! của Ngô Đình Hải càng đọc chậm càng thấm. Đọc nhiều lần càng ngấm. Mỗi đề tài, mỗi nội dung biểu lộ một sự đồng cảm sâu sắc đến cuộc đời, đến thân phận, kiếp người. Từ đó để thấy người thơ Ngô Đình Hải rất có trách nhiệm khi viết những bài thơ tâm huyết. Tình yêu trong ĐỜI ƠI! không phải chỉ để dành riêng cho hai người trong mối tình đôi lứa. Em là cái cớ để người thơ luận về thế thái nhân tình, luận về những hoạt cảnh sống trần trụi đang hiển hiện mỗi ngày làm nhói tim thơ:
cơn mưa muộn vội vã thưa trời nắng
cây cỏ reo hò thưa dòng nước mát ngày khô hạn
cô gái khoe thân thưa đồng tiền bất hạnh
thằng bé loanh quanh thưa tờ vé số
và khi đã mệt mỏi
vì đã thưa qua nhiều ông chủ
(Kính thưa… em)
Đọng lại trong tôi khi khép tập thơ ĐỜI ƠI! là bài “Tâm hương”. Đời sẽ đẹp biết mấy, đáng yêu biết mấy, hạnh phúc biết mấy khi “con người thành… con người”. Khát nguyện thiết tha trước đất trời thiêng liêng của người thơ là vậy. Phải chăng “đời ơi!” của Ngô Đình Hải là da diết gọi “người ơi!” rất nhân văn!
nguyện tâm hương
đừng phải là mùi thơ và khói
xin thưa chuyện với đất trời
cho
con người thành… con người
(Tâm hương)
Võ Quê
(Sài Gòn cuối mùa mưa 24.11.2014)