VƯỜN CỔ TÍCH HÓA HẠT MẦM THÀNH THƠ - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5269
Tiếp theo Tản mạn thơ, Bên kia tít tắp đai dương nhà thơ Võ Thị Như Mai lại sáng tạo thêm một công trình thi ca mới: Vườn Cổ tích*. Từ Tây Úc xa xôi, Tình vẫn là chủ đề xuyên suốt trong nguồn cảm hứng của tác giả khi giới thiệu với người yêu thơ sắc thái, không gian tình cảm mới với phong phú đề tài được tác giả dụng tâm mà không dụng công khi thể hiện.
Có một cổ xe mùa đông
Thưa anhl
Thả em vào khu vườn cổ tích
…
vườn cổ tích anh lồng lộng vì tinh tú
đừng hỏi vì sao em hóa hạt mầm
Và Vườn cổ tích đã mở ra trước mắt người thơ những câu chuyện kể về người về đời, về nhân tình thế thái, về tình yêu lứa đôi, tình thương ruột thịt, tình bằng hữu nghĩa khí, tình đất nước lắng sâu!
đất nước đã đi qua ngàn cuộc bão giông
trăng đã lên cau đã rụng hoa mận trắng đã nở
chúng mình đã yêu kỷ nguyên mới đã mở
chung tay nào gìn giữ đảo yêu thương
Điều đáng chú ý là Vườn Cổ Tích có một số bài thơ với cái nhan đề như tên các bức tranh mỹ thuật: Gió trở 1, Gió trở 2, Gió trở 3…; Hồi sinh, Hồi sinh 2…; Rất là thanh, Rất là thơ, Rất là kim… Bên trong các tên gọi giản đơn ấy lại chuyển tải rất nhiều tâm cảm. Bạn yêu thơ tìm thấy nơi Vườn Cổ Tích một Võ Thị Như Mai đang làm mới mình; đang muốn mọi điều tốt đẹp, thần thái an lành của kiếp người đều khơi nguồn từ sự giản đơn toàn bích.
5 tản văn trong Vườn Cổ Tích cũng là một nét mới của tập sách. Đi và viết; Đọc và viết; Nghe và viết… đã thành nguồn năng lượng chính cho các dòng văn giàu có chất thơ của một bút lực đang rất tự tin, sinh động, đang chịu khó khám phá, tìm tòi phương pháp sáng tạo mới. Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ… những nơi chốn người thơ đi qua đang lưu ảnh, lưu tình đậm đà trên tâm thức. Nhờ cảm nhận, thẩm thấu hồn đất, thần thái cỏ cây hoa lá, tình người trên mỗi trang đời ấy mà tác giả Vườn Cổ Tích đã rất vi tế khi viết về những thi phẩm, ca khúc của bạn bè, thi hữu bằng những tên đề rất gợi: Sài Gòn rực rỡ sắc màu, Nơi ấy bốn mùa-Nơi ấy một trái tim, Rưng rung cùng “Tháng Ba hoa gạo”, Mùa xuân của tuổi hai mươi… cùng tiếng lòng thiết tha khi Nghe bài hát tình mẹ: “… Cả ba yếu tố - thơ đằm thắm, nhạc trữ tình da diết luyến láy và giọng hát ngân nga – đã kết hợp thật nhuần nhuyễn lay động lòng người. Nghe bài hát này, con nhớ mẹ vô cùng. Con nghĩ rắng ai đó nếu tình cờ lắng nghe ca khúc này sẽ cảm thấy yêu mẹ của mình nhiều hơn và cảm nhận được sự hi sinh vô bờ bến của những người mẹ trong thời bình, trong thời chiến…”
9 bài thơ do nhạc sĩ Trần Thái Quang phổ thành ca khúc tuyển vào Vườn Cổ Tích được xem như một thành công mới của Võ Thị Như Mai. Chính những bài thơ có tính tạo hình đa sắc, gợi ảnh tương phản; những bài thơ khi đoc lên nghe mang nhiều âm hưởng, giai điệu đã khơi nguồn cảm hứng như nhiên cho âm nhạc. Các ca từ hòa thanh cùng cung bậc Quấn quýt tầm xuân một đời có có không không/ Trăm năm hóa kiếp hồn vào hư vô…
Đọc, thưởng thức toàn bộ tác phẩm Vườn Cổ tích, không hiểu sao tôi lại tâm đắc, chí thú với bài thơ Làng hỏi em đến từ đâu. Cũng như trong nhiều bài thơ khác của Vườn Cổ Tích, bài thơ này có nhiều hình ảnh đẹp, cuốn hút, gợi tình. Cái tình vừa sáng trưng, tinh khôi “mùa vẫn tươi nguyên tháp vẫn cao/ vòm trời đầy mây xanh”; Cái tình vừa nhức nhối, oái ăm đến rợn người “gai xương rồng chạm vào tim rướm máu”. Thì ra, quy luật cuộc sống trên cõi đời khi nào cũng vậy. Hạnh phúc, khổ đau luôn đồng hành với phận người trần thế. Làng hỏi em đến từ đâu. Trong bàng bạc gió, trong bàng bạc thơ, trong lung linh tháp nắng, dường như tôi nghe có tiếng trả lời rất thanh, rất trẻ của người thơ:
“Em đến. Em đi từ Vườn Cổ tích!”
Võ Quê
9.1.2016
- * Vườn cổ tích thơ Võ Thị Như Mai, NXB Hội Nhà văn 2016.