CỐ ĐÔ HUẾ - DẤU ẤN THỜI GIAN - Võ Quê
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 2100
(Tranh bìa: Họa sĩ Phạm Trinh)
“Cố đô Huế - Dấu ấn thời gian” là công trình nghiên cứu thứ ba do nhà xuất bản Đại học Huế cấp giấy phép, tiếp theo 2 ấn bản “Dấu tích văn hóa thời Nguyễn” (in năm 1996 và 2 lần tái bản có bổ sung năm 1998, 2000); “Giữ hồn cho Huế” (2006) của nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh.
“Cố đô Huế - Dấu ấn thời gian” gồm 19 tham luận được mời tham gia các hội thảo khoa học ở trong nước và quốc tế có giá trị cao, tiếp tục khẳng định sự cống hiến không ngưng nghỉ trong công cuộc chung vì xứ Huế dấu yêu. Điều ấy phản ảnh rõ nét trong bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Thanh, một người bạn chí cốt của tác giả Hồ Vĩnh:
“Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh sinh ngày 15/11/1959 tại phường Vĩnh An, Thành nội Huế, nay là phường Thuận Lộc, thành phố Huế; nguyên quán làng Vĩnh Xương, xã Điền Môn, huyện Phong Điền. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Gia Hội, anh theo học lớp Đại học báo chí thuộc Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội). Với các bút hiệu Dĩnh Quốc Anh, Quốc Anh hoặc ký tên thật là Hồ Vĩnh, từ năm 1989, anh đã bước chân vào nghề báo và tham gia cộng tác với nhiều tờ báo như Lao Động, tạp chí Sông Hương, Huế Xưa Và Nay, Kiến thức Ngày Nay, Thừa Thiên Huế, tập san Nghiên Cứu Huế v.v… Trong làng báo Hồ Vĩnh là một cây bút chuyên viết phóng sự về đề tài di sản văn hóa trong mối quan hệ với các vấn đề của cuộc sống đương đại và trong cái nhìn đa diện về xã hội và con người qua lăng kính thời gian. Anh đã vinh dự được Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế trao hai giải thưởng (1994,1995), được nhận tặng thưởng về tác phẩm hay nhất trên tạp chí Sông Hương (1994), của tạp chí Huế Xưa Và Nay (1999). Một số bài phóng sự hay của ảnh đã được chọn in trong nhiều tập sách như tập phóng sự “Đôi nét miền Trung”, Nxb Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1996. Không chỉ viết phóng sự, anh còn tham gia viết kịch bản phim tài liệu cho Đài truyền hình Huế như các phim “Bia đá cho đời” (1999), “Những người giữ bóng thời gian” (2001) v.v…
Điều đặc biệt ở Hồ Vĩnh là bên cạnh công việc viết báo, anh còn có thêm một sự nghiệp khác ở trên lĩnh vực sử học và nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế. Từ lúc còn niên thiếu, anh may mắn được thân phụ là cụ Hồ Quýnh, một người am tường tinh thông kinh sách dịch lý Nho gia tận tâm dìu dắt, dạy bảo về vốn cổ văn hóa dân tộc, cộng với sự nhiệt tình ham mê học hỏi, tự tìm tòi nghiên cứu nên anh đã tích lũy được nhiều kiến thức và tự nguyện dấn thân vào công việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa Huế bằng cả tấm lòng đầy nhiệt huyết và tình yêu say đắm. Anh thuộc lớp hội viên đầu tiên của Hội Khoa Học Lịch Sử Thừa Thiên Huế năm 1994, là thành viên sáng lập nhóm nghiên cứu Đan Dương năm 2017”.
Với bài viết công phu, trung thực trên đây của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Thanh đã cho chúng ta hiểu rõ chân dung Hồ Vĩnh, một người rất Huế, tài hoa, năng động, khiêm cung. Tiếc nhà nghiên cứu văn hóa Trần Thanh đã ra đi sớm, không còn được đồng hành với người bạn tâm giao của mình trên những con đường Huế cổ kính, giàu trầm tích lịch sử văn hóa.
Khác với một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế thường chỉ chú trọng vào nguồn tư liệu sách báo, ấn phẩm được lưu hành, gìn giữ trong các thư viện, tủ sách gia đình… nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh đặc biệt sớm tiên phong chuyên tâm đưa ngành thực địa học vào công việc khảo sát điền dã, thực hiện nhiều chuyến đi hữu ích đến những di tích lịch sử có nguy cơ chìm khuất để xác minh, đánh thức, hồi quang góp phần phục dựng những giá trị văn hóa của cảnh quan, chứng tích. Chính do sở trường đó mà nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh đã được Sở Văn Hóa Và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nhiều lần mời tham gia vào Hội đồng giám định cổ vật. Và hiện nay anh là thành viên sáng lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản Văn hóa Huê năm 2020.
Cũng từ phong cách nghiên cứu điền dã, trực tiếp thâm nhập thực địa, phỏng vấn các nhân chứng mà anh đã thu thập, lưu giữ được nhiều tư liệu quý báu, độc đáo. Hiện nay, nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh được xem là người có bộ sưu tập tài liệu quý giá về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bộ sưu tập tư liệu về giáo dục với mong muốn đóng góp vào Bảo tàng Giáo dục Huế sau này. Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh không những lưu giữ, bảo tồn mà bằng tấm lòng tha thiết yêu các di sản văn hóa dân tộc anh đã nhiệt thành hiến tặng nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử quý hiếm cho các bảo tàng, cá nhân trong ngoài tỉnh, đồng thời tích cực tham gia ý kiến, cung cấp tư liệu cho các bảo tàng thực hiện các cuộc trưng bày di sản văn hóa Huế cũng như được mời báo cáo các chuyên đề về cổ vật, di tích lịch sử văn hóa Huế cho các lớp sinh viên. Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh còn tận tâm, nhiệt tình giúp một số nghiên cứu sinh trong và ngoài nước hoàn thành xuất sắc các luận án Tiến sĩ về đề tài di sản văn hóa Huế.
Với quá trình cống hiến, công tâm bằng trách nhiệm công dân, bằng tình yêu Huế lắng sâu trong sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Huế, nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh đã nhận được Giấy khen của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Thừa Thiên Huế (2010); Giấy khen của Sở Văn Hóa Và Thể Thao Thừa Thiên Huế (2016) và vinh dự đạt Giải Nhì (nhóm tác giả) Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ 9 (2019).
Cùng hân hoan với những thành quả trên của nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh, nay chúng ta lại chung niềm vui với anh khi tác phẩm “Cố đô Huế - Dấu ấn thời gian” được hoàn thành. Qua 19 bài tham luận trong “Cố đô Huế - Dấu ấn thời gian”, với văn phong mạch lạc, khúc chiết cùng những lượng thông tin chính xác, sự kiện quý giá được phát hiện, khám phá, nghiên cứu chắt lọc, tinh tế anh đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc cố đô Huế thân yêu.
Tài hoa, năng động, khiêm cung… với đức tính ấy, hy vọng và tin tưởng nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh sẽ còn tiếp tục phát hiện, khám phá những công trình, di sản khác từ cố đô Huế văn vật, đẹp và thơ!
Võ Quê
(Bài đăng trên tạp chí Sông Hương đặc biệt số 40, tháng 3.2021)
Từ phải: Nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Vĩnh, họa sĩ Phạm Trinh, Võ Quê.