"VẮC XIN LÀNH" TỪ LỜI YÊU THƯƠNG TRONG TẬP THƠ TỨ TUYỆT COVID - 19 - Hải Hạc
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 2490
Nhà thơ Võ Quê vừa ra mắt tập thơ Tứ tuyệt Covid 19 với 50 bài thơ do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Tác phẩm là lời yêu thương đong đầy tình đời, tình người mà tác giả ví như “mật thơm” làm “vắc xin lành” dâng tặng người đọc sự lạc quan để cùng nhau đi tới ngày chiến thắng đại dịch.
Tứ tuyệt Covid 19 nhanh chóng chiếm tình cảm của nhiều người đọc. Nhà thơ làm người “thầy thuốc tâm hồn” lên “liệu trình” xoa dịu nỗi buồn lo để làm hành trang bền bỉ chiến đấu đại dịch với những lời: hướng thiện, đầy tin yêu và ấm tình người.
Từ Tây Úc, nhà giáo - nhà thơ Võ Thị Như Mai (sinh năm 1976) khi được tiếp cận với bản thảo Tứ tuyệt Covid 19 đã cảm nhận sâu sắc những thông điệp đẹp đẽ của tập thơ và dày công chuyển ngữ để ra mắt độc giả tập thơ song ngữ Anh – Việt trong năm 2021 này. Từ đây, bạn đọc Quốc tế cũng có dịp hiểu thêm về “cuộc chiến” tinh thần đầy kiên cường của người Việt Nam trước thử thách đại dịch Covid.
Qua niêm luật quen thuộc của thể loại thơ tứ tuyệt đã có từ lâu, những bài thơ của nhà thơ Võ Quê vẫn trở nên mới mẻ với tứ thơ độc đáo, đầy đặn về cảm xúc và gần gũi trong hình ảnh, ngôn từ mà vẫn khơi lên trong người đọc nhiều trăn trở, suy tư.
Trong bài mở đầu tập thơ, tác giả dẫn dắt người đọc đi đến không gian im vắng lạ thường bởi sự giãn cách xã hội từ nơi đó cất tiếng nói nhỏ bé thậm chí lẻ loi của mình với nguyện ước “dâng nguồn hi vọng” đến thế giới đang rệu rã, xa cách khi dịch bùng phát. Nhà thơ Võ Quê viết: “Chuông giáo đường thanh thoát vang ngân/Tôi một mình trời trưa đứng bóng/Nương lời chuông tôi dâng nguồn hi vọng/Dịch tan rồi thế giới nảy mầm xuân”.
Thế nhưng, càng về sau, lời cầu nguyện được cộng hưởng thành dàn đồng ca, đồng lòng thực hiện với tinh thần ý chí Việt Nam. Mọi đối nghịch đều được hóa giải trong yêu thương: “Những bài ca chống dịch ngân vang/Vừa bi tráng vừa lạc quan nhân ái”. Tác giả dùng ngôn từ để kết nối người với người trở nên đoàn kết trước một tình yêu chung dành cho thế giới không kể sắc tộc, màu da: “Khi nhiễm dịch dễ thương vong tang tóc/ Ta tìm nhau trìu ái tương thân/Những tị hiềm hận thù đối nghịch/ Nhờ tình yêu nhân loại tan dần”.
Qua thơ, tác giả nhẹ nhàng làm người thắp đèn chỉ lối cho những ai đang lạc giữa hoang mang, nghi ngại: “Thời đại gì mà khi đứng bên nhau/cũng sợ lây truyền bất hạnh/Thôi xin trao nhau ánh nhìn hy vọng/Đến khi nào mới được bắt tay”. Ông kêu gọi mọi người đừng ác tâm gieo tin giả, tin xấu để con người có thể bình tâm hướng thiện cùng nhau chống dịch. Mỗi câu, tứ đều khơi lên ánh sáng của lòng nhân ái, làm vơi đi những lời thở than bởi những xáo trộn trong cuộc sống hàng ngày, bớt lại lo lắng đôi khi cũng như “đại dịch” lan từ người này đến người khác.
Trong Tứ tuyệt Covid 19, lời yêu thương được nhà thơ gói lại như một món quà tinh thần gửi đến những thân phận bấp bênh cuộc mưu sinh, hay đang loay hoay chỉ vì sinh hoạt ngừng trệ... Nhà thơ viết câu thơ nồng nàn thương cảm: “Bặt tiếng cầm ca mùa đại dịch/ Sau khẩu trang cũng giấu môi cười/ Chỉ biết thương nhau trong lặng lẽ/ Cho mắt nhìn ánh chút xuân tươi”. Có khi, thơ dành lời yêu thương đó để ngợi ca những lương y vất vả nơi tuyến đầu chống dịch: “Những bàn tay quen xoa dịu vết thương/Nay cùng ký chung đơn tình nguyện/Đem y đức tài năng lên đầu tuyến/Mong chữa lành những ca nhiễm nguy nan”.
Từ thương cảm những thân phận, nhà thơ dành lời yêu thương cho cả cành cây, chiếc lá, cho “Hương sen Huế tặng muôn phương” đến “Ngọ Môn chừ lặng lẽ đìu hiu”, khu chợ hoe vắng dường hiểu nằm lòng trong sự cô đơn khi thiếu du khách làm “u trầm thành cổ”. Hẳn phải nặng lòng với quê hương xứ Huế, quan sát, lắng nghe những biến chuyển bất thường do dịch bệnh nhà thơ mới viết được những câu thơ có sức lay động như vậy.
Nhà văn Trang Thùy bày tỏ cảm xúc khi đọc tập thơ: “Việc làm của Võ Quê – Võ Thị Như Mai là một sự tiên phong trong thời điểm chưa có một cuộc vận động sáng tác hay ấn phẩm văn học nào mang tính thời sự với những áng thơ đẹp và nhân văn như Tứ tuyệt Covid 19.
Trong lúc cả nước kêu gọi sự góp sức chung tay từ đội ngũ y bác sĩ; các bạn sinh viên tình nguyện đem sức trẻ đẩy lùi thảm họa thế giới thì nhà thơ âm thầm gửi tiếng lòng mình qua những bài thơ tứ tuyệt được chắt chiu từ cảm xúc rất thật…”
Nhà thơ Võ Quê đã có hàng chục tập sách xuất bản, có những tác phẩm đã để lại ấn tượng với độc giả như “Mười thương em bé”, “Thơ một thủa xuống đường” … Tứ tuyệt Covid 19 cũng là tập thơ nhất quán trong quan niệm nghệ thuật của nhà thơ sinh năm 1948 tỉnh Thừa Thiên Huế, rằng: “Cuộc sống và tác phẩm văn học là một. Nhà văn sống đẹp, sống tốt với đời, với người để mỗi trang văn, mỗi tứ thơ luôn lấp lánh hạnh phúc, ngợi ca sự hướng thiện”.
Một lời có thể sẽ là “chiếc đinh găm tường” rút ra vẫn còn mãi vết tích trong lòng, có khi sát thương vào nỗi đau và muộn phiền. Ở tuổi ngoài 70, nhà thơ Võ Quê đủ trải nghiệm để hiểu lời yêu thương có giá trị nâng đỡ tâm hồn con người trong những khốn khó, nguy nan. Có những câu thơ nhà thơ đã làm người đọc sực tỉnh có lẽ không chỉ trong mùa dịch mà có giá trị về cách ứng xử giữa đời: “Đời đã buồn đừng làm tội tình nhau/Lời là mật thơm, xin lời đừng dao nhọn/Nhói tim nhau giữa mùa dịch lớn/Lời yêu thương như vắc xin lành”.
Tứ tuyệt Covid 19 có phải là “vắc xin lành” hay không khi mỗi lời trong đó đều khiến người đọc sửa mình, kháng lại những bất an mà hướng đến vui sống, cổ vũ, sẻ chia … mỗi người đọc sẽ có những cảm nghiệm riêng.
Hải Hạc