Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ THƠ HOÀNG VŨ THUẬT

 

Giới thiệu nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam


 

 

 

Hoàng Vũ Thuật sinh năm 1945 tại làng Thạch Xá Hạ, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình;

Hội viên Hội Nhà văn VN.

Tác phẩm:

Những bông hoa trên cát

Thơ viết từ mùa hạ

Gửi những ngọn sóng

Giàn bí đỏ (thơ thiếu nhi)

Thế giới bàn tay trái

Cỏ mùa thu

Đám mây lơ lửng (đã tái bản)

Tháp nghiêng

Giải thưởng:

- Hai giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ 1981 và 1985.

- Giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2000.

- Hai lần đoạt giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư (1991-1995) và (1996-2000).

- Giải thưởng thơ của Tổ chức Cứu trợ Thụy Điển và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng nhiều giải thưởng khác.

.

.


TẠM BIỆT



khép lại bảy giờ

chào nhé bông hoa của bốn mùa

sớm sớm đợi tôi

nở

những bé trai kháu khỉnh

ngồi trên xe đẩy giơ bàn tay nhỏ xíu

ngón ngón sương mai

hôm kia chú bông lau

líu lo vào lúc này

giờ còn nghe ngòn ngọt

lưỡi

tạm biệt chim non và những đứa bé

con đường hẹp xum xuê tán nhản tán đào

ngã tư ngập ngừng

bạn bè tôi vơi đi gần hết

viết

làm ăn

bới đào

lừa đảo

cầu may đúng ngày chín tháng chín năm chín

giữa các phương trời tức ngực

đã có nhiều cuộc

cãi lộn mắng chửi khước từ

vô duyên

về cuộc đời này vốn đã

có nhiều tiếng khóc không thành tiếng

rượt đuổi nhau trận lốc thân xác

nhoáng

nhoàng

sau lưng

tưng tửng đùi non

.                   
TẠI VÌ



tại vì con đường dài hơn con đường thường khi em vẫn đến

gió lạnh thổi tắt cơn sốt

trên chót đỉnh bà nà treo ta lơ lửng cùng đám sương

lơ lửng tấy lên chốn kiệt tận



tại vì sông gianh một thời hằn sâu nhát dao khắc nghiệt

cuộc tình cổ xưa hai trăm năm lênh đênh

và tình ta lênh đênh con thuyền ấy



tại vì biển nhật lệ mỗi ngày mỗi hẹp

cát trắng bảo ninh mỗi ngày mỗi đen

người mỗi ngày mỗi lạ

nên mỗi ngày ta lại thấy buồn thêm


29 / 11 / 2009

.

TRÙNG PHÙNG



anh quay lại khi anh không còn nữa

bước vào nhà và sẽ

gọi tên em

ngồi chiếc ghế em vẫn ngồi

lưu ảnh

dù môi anh chẳng thể cất lời

dù mắt anh đong đầy cát bụi

dù tai anh ù ù gió nổi

dù trái tim xào xạc lá

rừng khô



anh quay lại

với mưa nguồn tất bật

với nắng chiều từng mảng đổ bên thềm

như bão từng cơn mùa tiếp mùa rung chuyển

như đám cháy

tro tàn

hơi ấm



em chải nỗi buồn óng mượt

phô bày trong suốt gương trời

không bóng hình không dấu chân anh

cuộc trùng phùng huyền bí

.
1 / 12 / 2009

.

ĐÁM MÂY LƠ LỬNG

.

Đám mây lơ lửng trước hiên

Đám mây đứng yên từ sáng sớm

Tôi chống gậy trông lên

Dưới ánh nắng ban mai mở cửa

.

Đám mây như hơi thở

Của tôi

Vừa phà ra sau bao ngày vất vả

.

Cái khổ nhất của người ta

Phải đi bằng ba chân

Một chân tòng teng gậy gỗ

Dẫn qua lối hẹp sân nhà

.

Đám mây không chân không cánh

Vẫn ngự trên xanh từ sáng tới giờ

Còn tôi như đứa trẻ, lại như người già

Bật khóc khi cơn đau, hạt cơm khi nhạt miêng

.

Những giọt máu trong tim

Tưởng chừng không cháy nữa

Soi con đường tôi qua

.

Tôi bẻ đôi chiếc gậy

Đứng thẳng bằng chân mình

Lòng nhập vào mây trắng

27-6-1999

(Bài thơ rút trong tập  thơ Đám mây lơ lửng)

.

.

.

THẾ GIỚI TƯƠNG HỢP TRONG THƠ
HOÀNG VŨ THUẬT

(PHẦN I)

Hồ Thế Hà

Hành trình thơ Hoàng Vũ Thuật trải dài gần 40 năm với những thăng trầm, vinh quang và hệ lụy. Và ở từng chặng hành trình, Hoàng Vũ Thuật đã lấy thơ ca làm cứu cánh, làm chứng chỉ văn chương và tâm thức sáng tạo của mình với quan niệm nghệ thuật sáng rõ như trong lời tự bạch, anh viết: "Với tôi, hầu như tất cả những sản phẩm sáng tạo đều xuất phát từ một chuyện buồn, một niềm cô đơn, vật vã. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt. Cô đơn là một đặc tính của con người. Trong ý niệm tương đối, cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp. Tôi coi trọng cái riêng con người, chất cá thể con người, nên có lúc bài thơ bật ra trong trạng thái vô thức. Thơ chính là mảnh tâm trạng, cõi riêng thân phận, một cảnh huống đơn độc của con người"(1). Đến với thơ Hoàng Vũ Thuật, tôi chọn chìa khóa nội tâm này để tìm ra cơ chế tâm lý sáng tạo trong hai tập thơ "song sinh" của ông được xuất bản năm 2010: Ngôi nhà cỏ (Nxb Hội Nhà văn) và Màu (Nxb Lao động).

Điều nhận xét đầu tiên và tổng quan của tôi về hai tập thơ này là ở chất đời, chất triết lý nghiệm sinh được tác giả nghiền ngẫm từ kinh nghiệm buồn của chính mình và thế giới chung quanh trên chất liệu ngôn từ được tổ chức và tư duy theo "một hệ thi pháp" mang tính sáng tạo riêng độc đáo, mới mẻ hơn so với các tập thơ trước. Sự tiết kiệm ngôn từ và ưu tiên thể hiện chất thơ trên trục lựa chọn mà nhà thi học R. Jakobson quan tâm chính là ý thức sáng tạo mà Hoàng Vũ Thuật đã theo đuổi và thành tựu. Chính điều đó đã làm cho chất thơ và sự tạo sinh nghĩa trong thơ Hoàng Vũ Thuật trở nên đa dạng, biến ảo, lấp lánh lời giải đáp về những điều muôn thuở của cuộc sống và hiện sinh con người. Chỉ riêng phẩm chất ấy thôi cũng đủ để thơ ông hấp dẫn độc giả bằng những tầm đón đợi và đón nhận khác nhau. Với ý nghĩa đó, hai tập thơ đã trở thành thông điệp da diết về cõi người, kiếp đời vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận.

Bài thơ Chân dung có thể xem là cái nhìn đồng cách hóa để Hoàng Vũ Thuật nói lên quan niệm của mình về sứ mệnh của thi ca:

hiện ra trên trang giấy những gương mặt

ông đã vẽ trang trọng và

mực thước

chằng chịt đường gân thớ thịt căng phồng

lửa đèn tắt sáng nụ cười trên môi

thời sủng ái

...

trên trang giấy gương mặt ông vẽ

máu thấm bao cánh hoa

không còn hương sắc

những cánh hoa

bốc cháy

nơi miền đất chết

(Chân dung)

Ở đó, nhà thơ tự vực dậy những hiện hữu và hư vô, những tiềm thức, vô thức và ý thức để nhận biết bóng tối và ánh sáng, ngày và đêm, bão tố và bình yên, dịu dàng và cuồng nộ, qua đó, thấy hết những đối lập và sinh thành của vạn vật cũng là một thực tế có tính bản thể triết học mà con người phải đối diện để tồn tại và hành động như một chủ thể hiện sinh tự nghiệm: "mấy vạn cánh chim đến được phương ấy - khoảng cách ngày và đêm - đủ nhận biết vũ trụ... mấy vạn bước chân đến được miền ấy - khoảng cách tối và sáng - đủ nhận biết thế giới... mấy vạn lời nguyền đến được chốn ấy - khoảng cách bão tố và bình yên - đủ nhận biết nhân gian... mấy vạn hơi thở đến được cõi ấy - khoảng cách yêu và giận - đủ nhận biết mình" (Nghiệm). Qua thơ, Hoàng Vũ Thuật luôn nghĩ và đặt ra những câu hỏi trùng điệp về những điều có tính hằng cửu và tính khoảnh khắc của cuộc sống và con người, như cách để tự nhận thức và kêu gọi mọi người cùng nhận thức:

một cái gì đó hiện hữu sẽ tốt lên rất nhiều

cho mỗi thời khắc sống hướng về phía trước

anh đã bước không mệt mỏi

bằng đôi chân nối dài

mảnh ghép quả cảm

Cứ thế, nhà thơ làm người hành trình đơn độc trong đêm tối, có khi vấp ngã, nhưng liền đứng dậy và mong thấy một cái gì đó hiện hữu trước mặt mình để được tin yêu và có hình bóng để làm điểm tựa tinh thần "dẫm lên cơn đau đơn độc - đạp đổ khoảnh khắc bóng tối nhìn ra vĩnh hằng và - anh tìm thấy - một cái gì đó" (Một cái gì đó). Phải tin vào những quy luật tương đối của tự nhiên và cuộc sống xã hội như thế thì mới mong nhận thức và tìm  lối thoát trong tư tưởng và cảm tính để đối diện với sự thật:

có lẽ nghìn năm đã trôi qua

trong giấc ngủ không là giấc ngủ

trong tỉnh thức không là tỉnh thức

trong cái chết không là cái chết

(Giao cảm)

Hoặc:

hết con đường gặp con đường lại con đường

thăm thẳm

dấu chân mờ tiếp dấu chân chồng dấu chân

cuộc chạy trốn phiêu pha nghiệt ngã


sẽ rụng rơi như trái chín qua thời

sẽ vụn nát những điều chưa tới

thất vọng còn thất vọng nữa

(Thất vọng còn thất vọng nữa)

Trong hai tập thơ, ta bắt gặp một thực tế có tính dụng điển của Hoàng Vũ Thuật. Đó là hình tượng và tư tưởng lạc lối hay mất tích cũng thế. Đó phải chăng là sự vô nghĩa lý và bất ổn của cuộc sống trước những rào cản của hiện thực mà con người quyền lực cố tình bày ra để hạn chế con người nhỏ bé mà F. Kafka đã nhìn thấy từ lâu trong Lâu đài Vụ án. Đó có thể xem là tâm lý hậu hiện đại kiểu "như người điên đi trong dầm dã - hai mươi năm sau - không biết nơi nào để dừng" (Mưa trên mười ngón tay dài):

- anh ngược con đường

để trở về con đường khác

(Ngược)

- đi trọn một năm vẫn không

ra khỏi vùng ám tượng

lưỡi hái thần chết

đốn ngã linh hồn

...

đi trọn một đời vẫn không

ra khỏi cuộc tranh giật

nghìn cánh tay giơ cao

biểu quyết

không biết nữa cái gì xảy ra

ý tưởng chắp nối lạc vần

rung trên sợi dây mặc cảm

lửa

(Ý nghĩ vụt hiện)

Bài thơ K đặt vấn đề về hiện tồn và hư vô khi chính con người không thể trả lời cho những câu hỏi day dứt do chính mình đặt ra: "liệu chúng mình còn sống được tới hôm sau - bốn bề núi và núi - bốn bề đá và đá - bốn bề suối và suối - sương âm u run rẩy bốn bề - trái đất chật chội thế này ư". Và một nỗi cô đơn đồng hiện hữu:

biết nói thế nào với k

ba vạn chín nghìn bậc ta chưa hết một nghìn

thôi ngủ đi ngày mai biết đâu rồi khác

ta gõ tiếng chuông cho số kiếp lạc loài

mây trắng chở về miền thiên hư


ngủ đi ngủ đi k

đàn bướm ngoài kia đã ngủ

ngọn nến vàng rũ xuống từ lâu

mặt trời cuộn tròn đêm

trắng

Hình như không chỉ có con người - chủ thể có ý thức mới cảm nhận được nỗi cô đơn và lạc lõng ấy. Hoàng Vũ Thuật đã thấy được cả sự mất tích và lạc loài của các sự vật, hiện tượng trong không gian. Bài chó con là một trường hợp đáng thương như thế:

đứng trước cổng nhà

ngơ ngác

người người bận rộn vô ra

một con chó con tội nghiệp

quên mất đường về

lang thang

(Chó con)

Với bài thơ Đọc Kafka, theo tôi là một thực tế cho thấy, ở một ý nghĩa có tính triết lý, con người là một thế giới xa lạ với thế giới thực tồn. Khi ấy, muốn cô đơn cũng không được phép cô đơn, muốn trả lời cho những nghi vấn cũng không thể trả lời cho những nghi vấn, chỉ còn biết dùng phép thắng lợi tinh thần,  ước mơ vào một thế giới trời ban cho trong tưởng tượng:

trốn chạy thế giới nghiệt ngã

câm lặng nấm mồ chật hẹp

dưới vực thẳm tình yêu

em trao hết anh tất cả thuần khiết

mà thế gian gạt bỏ


chết miền phục sinh

phôi thai từ thế giới khác

em gọi thế - giới - trời - ban - cho

không có hạnh phúc giống nhau

không có cay đắng giống nhau

gương mặt anh và em hai nửa trái đất hợp lại


đơn lẻ cơn đau đến mức không hiểu nổi

ai sinh ra ta và ta sinh ra ai

chỉ tiếng khóc vỡ òa tồn tại

đứa bé

rời bụng mẹ bước ra ngoài


như chiếc lá khan buồn mất ngủ

trên nhành cây cạn kiệt thân hình

ta ngù ngờ u mê ương dại

thế giới là ai

và ta nữa là ai

(Đọc Kafka)

Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng về mục đích và khát vọng sáng tạo thi ca, Hoàng Vũ Thuật quan niệm dứt khoát: "viết để giải tỏa ẩn ức luôn đeo đẳng mình, viết cho mình. Tôi quan niệm rằng, thơ là dấu ấn cá nhân. Dấu ấn từng cá nhân làm nên dấu ấn xã hội. Một xã hội tốt đẹp hay không, hãy nhìn vào từng cá thể ấy. Tôi cự tuyệt với những thứ thơ chung chung, những thứ thơ lấy đề tài, chủ đề làm thước đo cho nghệ thuật. Vì thế, các nhà thơ đích thực, họ luôn cô đơn trước đám đông, thậm chí bị khích báng, lên án hoặc chỉ trích"(2). Như vậy là đã rõ. Trong hai thi phẩm Ngôi nhà cỏ Màu, Hoàng Vũ Thuật đã tạo được tâm thức sáng tạo khớp với quan niệm và  tư tưởng trên. Và may thay, những khát vọng thi ca ấy không mất hút giữa rổn rang câu chữ, mà chúng biến thành thế giới tương hợp mới mẻ trong thơ. Nhiều bài thơ hay được cấu trúc theo trục lựa chọn với kiến trúc hiện đại, hình thức tự do, tổ chức câu thơ theo dòng tâm trạng, có khi vô thức, trực giác và vắt dòng theo nhịp cảm xúc thế sự, triết lý. Kết cấu theo nhịp thơ lỏng và chặt, đan xen, kiệm lời làm cho thế giới hình tượng lung linh, lạ hóa nhưng lại có sức năng động, bùng nổ bên trong, bên sau, bên xa của bề mặt câu chữ. Tôi gọi đó là thơ tạo nghĩa hay thơ ẩn dụ, thơ tượng trưng cũng thế.

 


(1) Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội nhà văn, tr. 289.

.

THẾ GIỚI TƯƠNG HỢP TRONG THƠ
HOÀNG VŨ THUẬT

(PHẦN II)

Hồ Thế Hà

Những bài thơ hay đều có những đặc điểm thi pháp nói trên như: Hạt cúc Thăng Long, Trên cánh đồng anh, Mắt đêm, Phác thảo, Khát, Ảo giác, Dấu lặng, Gãy khúc, Vô thức, Những mảnh vỡ không nhìn thấy... (Ngôi nhà cỏ), Đọc Kafka, Màu, Điều ấy có nghĩa gì, Viết dưới tượng Exênin, Đo, Lăng tẩm, Chân dung, K, Nghiệm, Tại vì, Tháp, Mãi viên trà... (Màu). Hai tập thơ xuất bản cùng thời gian và có lẽ cũng sáng tác cùng thời gian nên thống nhất về phương thức biểu hiện và giọng điệu. Nghệ thuật hiện đại và dấu ấn hậu hiện đại được quan tâm tăng cường đã làm cho thơ Hoàng Vũ Thuật có những phẩm chất nghệ thuật mới, nhưng vẫn dựa vào cảm xúc chân thành và triết luận thâm thúy thời hiện đại. Vì vậy, tránh được sự làm dáng đáng trách như một số nhà thơ trẻ thường mắc phải. Ý thức cách tân thơ luôn thường trực trong từng cảm giác bé nhỏ của mình trước hiện thực cuộc sống đang từng giờ thay đổi đã thôi thúc Hoàng Vũ Thuật phải cách tân bút pháp, phải tạo ra mối quan hệ hài hòa mới giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ: "Nghệ thuật vì thế không thể bằng lòng với những gì đã có, rập khuôn, trùng lặp cái xưa cũ. Nghệ thuật phải làm cuộc cách mạng tự thân để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới của công chúng... Có điều, sự thay đổi của thơ không phải sự thay đổi thiên về mặt chữ nghĩa, nặng về hình thức. Cảm xúc con người không đứng yên, luôn ở trong thế vận động. Cảm xúc không thăng hoa, không nhập thần, thơ sẽ trở thành thứ xác chữ. Con sông sáng tạo chẳng khác nào mặt hồ phẳng lặng, buồn tênh"(3).

Những giả định "giá như mọi vật đồng nghĩa với cái không tồn tại - giá như cứ thế mà xa cứ thế mà quên" luôn xuất hiện trong thơ Hoàng Vũ Thuật, như là những mệnh đề thao thức thơ về nhân tình, thế thái. Chúng như những "bông hoa vỡ ngàn cánh máu - rỏ xuống lót ổ câu thơ - bào thai thiên thần". Hàn Mặc Tử cách đây hơn nửa thế kỷ cũng đã có những liên tưởng kỳ lạ như thế: "Sao bông phượng nở trong màu huyết - Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu" nhưng không táo bạo như Hoàng Vũ Thuật:

sao không được làm sao đổi ngôi

đốt cháy đêm đông đặc

sao không cuộn tròn hạt nước

chìm vào thâm u

sao không được làm đá sỏi

rơi theo nhau nát vụn cùng nhau

(Hoa vỡ)

Nỗi hẫng hụt để biết đời đang thường trực những nỗi buồn thánh thiện lại là những ý nghĩ cứu rỗi dính kết vào nhau để linh hồn được phiêu diêu trong cỏ cây, hoa lá, để chứng thực những mảnh đời bé mọn đang từ bi dưới cánh lá bồ đề: "nấp dưới cánh lá bồ đề màu phật - một cô bé một thiếu nữ một người mẹ - cô bé vắt tuổi thơ qua đồi sim - thiếu nữ mười sáu lần trăng đỏ - người mẹ đội nước lên chùa" (Mãi viên trà). Và cũng chỉ có cách đó, nhà thơ mới chứng kiến những hiện thực đang diễn ra trước mắt mình:

mười lăm phút dư thừa đói nghèo khôn dại

chiếc gương phản chiếu hành tinh

trẻ và già gái và trai hiền và dữ

tóc nâu tóc vàng tóc xanh

cuối mùa thu rừng phong trút lá

trơ trọi mình họa sĩ giữa khung đêm

(Họa sĩ trong công viên kuntura)

Tất cả điều ấy có ý nghĩa đánh thức những tiềm lực, những va chạm và rạn vỡ khiến con người không thể thờ ơ trước những biến động của thời hiện đại, dù có lúc họ tỏ ra bất lực, bởi "mọi thứ  - dài - và - ngắn - hơn tôi tưởng", mọi thứ đều vụt hiện vụt biến:

vì những tháp chuông nhà thờ

nối với một ngôi sao

vì chú lạc đà trong công viên bỏ quên sa mạc

vì đôi chân trần bạch dương quyến rũ

(Điều ấy có ý nghĩa gì)

Cho nên con người cũng phải nương vào vũ trụ để tồn tại, để làm lại những tương hợp, sinh thành, dù điều đó không phải dễ: "làm lại thế giới đã khó - làm lại con người càng khó hơn", nhưng dù sao cũng phải làm lại từ đầu:

thế giới còn phải làm lại từ đầu

huống gì một con người

thế giới sắp xếp tưởng đã ngăn nắp qui củ

thế rồi xáo tung lên tất thảy


tôi cũng là thế giới

tự đảo lộn mình

đi đứng nói cười kiểu của mình

(Thế giới và tôi)

Tác giả thao thức về một cõi mê lộ có dấu chấm linh huyền để "cho tôi - thêm lần trời rộng - thêm lần mặt đất trinh bằng - cho tôi - từ không đến có - thêm lần hư thực - thực - hư" (Cõi ). Và một sự thánh thiện khác lại bắt đầu đánh thức những tiềm lực mới như "đàn kiến kia - với bài ca  diệu kỳ - bài ca cuộc hành trình vòng quanh trái đất" (Kiến). Và hệ quy chiếu hồi sinh cũng lại nảy mầm:

như suối nguồn thơm thảo

miên man

hết tháng cùng năm

hạt thánh

nảy nở muôn loài


như bừng bừng của lửa

làm nóng ran tế bào ngủ quên

rực rỡ trên đỉnh hoan lạc

uyển chuyển

vầng trăng cong

(Sự thánh thiện)

Trong thơ Hoàng Vũ Thuật, câu chữ thường lưu vong trong thế giới siêu thực để hư vô hóa những hệ lụy và bất ổn của cuộc sống hiện tại. Và sau miền hư vô, hoang tưởng ấy, nhà thơ phải thốt lên"a men - a di đà - tôi giật lùi và chắp tay lên ngực" để sau đó, chính mình lại được hiện hữu trong một vũ trụ tinh thần khác đầy tin yêu, hoan lạc: "anh ngược con đường - để trở về con đường khác". Ở đó, ngày đêm vần vũ theo nhau, chống chọi với cô đơn và tật nguyền để hiện về gương mặt đồng trinh thanh khiết:

từng ngày từng ngày từng ngày

từng đêm từng đêm từng đêm

cây khô lại mướt sao tàn lại hiện

(Năm ngày đêm)

Và một khát khao mới lại bắt đầu:

tôi bay khỏi hành tinh đến hành tinh khác

em vẫn đợi nơi ngõ nhà trái đất

tôi đứng một mình cây cột đèn

đêm đêm hắt bóng loài người đi qua

tôi bay giữa muôn chiều giãn nở phập phồng

cõi phù sinh

ẩn hiện biến tan trong bóng tối

(Khát)

Bài thơ Lăng tẩm là một tương hợp, một đúc kết mang tính khái quát vĩnh cửu về trầm luân kiếp người, không phân biệt đẳng cấp, hư vô hóa mọi thực thể:

nằm dưới kia

một ông vua một hoàng hậu một người hầu

một thanh gươm một tuấn mã một mê nón

một lệnh truyền một trống giục một lời van


nằm dưới kia

một hộp sọ một ống xương chân một đốt lóng tay

một trung thực một đớn hèn một điên loạn

một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà

một vận hạn một thức thời một nguyền rủa


nằm dưới kia

tất cả dưới kia

không tan chảy không đông đặc không biến hóa

không lắng xuống không đầy lên

hợp duềnh bể máu

(Lăng tẩm)

Thế giới màu trong thơ Hoàng Vũ Thuật hầu như bị khúc xạ và hóa thành những ảo giác, những  nghi vấn: "tôi quay sang trái - đen và đen và đen - tôi quay sang phải - đen và đen và đen" (Màu). Cuối cùng, khát vọng của con người vẫn là ước mơ vào những điều hằng cửu như "giá đỡ những trang sách mở ra số phận - cay đắng hạnh phúc" để mãi mãi niềm mong đợi thành huyền khải ban đầu, bởi vì: "thế giới tồn tại nhờ cứu rỗi - thế giới tồn tại nhờ tử tế" (Tử tế). Vậy tại sao con người không hy vọng và  mong đợi vào "tính bổn thiện" của con người?

trên đồng cỏ mượt mà loài dế nỉ non bài hát

tuổi thơ

về một thế giới xanh bất tận

trên cát bỏng xương rồng khô khan

tua tủa gai nhọn

chọc thủng trời sâu

trên sóng bạc đầu truyền kiếp hải âu sải cánh

dệt miền huyền thủy

trên mây tím thổn thức ngàn năm trôi dạt

không chốn nương thân

trên dư vị hoàng hôn đánh thức chán chường

cây lá dưới nắng và gió

anh đợi

(Anh đợi)

Anh đợi như cây thánh giá thay đồng hồ điểm giờ cho tháng năm dích dắc trên miền đất hoan cảm. Sự phục sinh trở nên kỳ diệu làm sao qua khát khao tương ngộ giữa con người và vũ trụ: "hãy đến cùng tôi hoa ơi - hãy đến - tôi mở tung cánh cửa ngực mình - trái tim tôi - chiếc bình không vỡ - sẽ là nơi cắm xuống mối tình" (Hoa ơi hãy đến).  Ở đó, những giọt đắng sẽ nâng bước ta đi: "ta đi hay đời đi - những bước chân khởi thủy - những bước chân hoang tàn - những bước chân hiện hữu" (Đắng). Dù có "phô bày trước ánh sáng - khỏa thân đêm tân hôn" thì cũng chỉ có đêm mới xóa đi tất cả. Và khi ấy, bóng tối trở thành màu cứu rỗi cho những tâm hồn nguội lạnh, cho những hồi sinh bắt đầu quên - nhớ từ những mảnh vỡ hư vô và hiện hữu. Cứ thế, thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn đang trên hành trình về phía da diết bản thể người. Với thơ, Hoàng Vũ Thuật mãi còn làm người nô lệ khuân vác chữ nghĩa đi trong hoàng hôn buồn bã, bình minh vui không phải chỉ cho mình mà chính là cho thi ca.

Hai tập thơ, một hành trình nghệ thuật chưa kết thúc, Hoàng Vũ Thuật đã vắt kiệt tâm hồn mình để đi và đến, để nhớ và quên, để yêu và giận, để  buồn và vui. Sau những câu thơ rướm máu là những giọt nghĩ đứt nối trong đêm không phải chỉ cho mình mà chính là cho những điều hằng cửu của cuộc sống và thi ca. Thế giới màu trong ngôi nhà cỏ của Hoàng Vũ Thuật lung linh mỗi sáng mà ở đó luôn có sự giao động giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ngày và đêm, giữa hiện hữu và hư vô, giữa hiện thực và siêu thực, giữa thất vọng và hy vọng. Nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ tài hoa, nhiều cấu trúc nghệ thuật mới mẻ đã làm nên tính hiện đại trong thơ Hoàng Vũ Thuật, nhưng rất tiếc, trong bài viết ngắn này, chúng tôi chưa thể thao tác để giải mã nghệ thuật cấu trúc của từng bài thơ được. Thế giới tương hợp trong thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn đang vẫy gọi sự đồng vọng của những độc giả đồng sáng tạo.

Vỹ Dạ, tháng 8 năm 2010

H.T.H

.

.

Vận mệnh thơ như vận mệnh con người

HOÀNG VŨ THUẬT

Giai thoại về Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông (1258-1308) giảng thiền, trả lời và giải thích cho các môn đệ về Phật, Pháp, Tăng đã được ghi lại trong sách nhà Phật. Nhà thơ Bằng Việt mượn lời Phật, viết:

Bảy trăm năm sau, tôi hành hương lên Yên Tử

Đêm - nằm mơ thấy Phật

Nhớ lại chuyện xưa bèn hỏi: “Bạch thầy, việc đời thế nào là đúng?”

Người ngậm ngùi: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”

Lại hỏi: “Thế nào là hạnh phúc trần ai?”

Người bật cười to: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”

Hỏi tiếp: “Vậy thế nào là thơ?”

Người lại phủi tay: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”

(Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm giảng thiền)

Tôi không bàn chuyện phận đời, phận người trong bài thơ này, dù ý tưởng ấy xuyên suốt, bao trùm toàn bài. Tôi muốn nói đến phận thơ mà Bằng Việt gửi gắm: Chấp theo lối cũ là không đúng.

Số phận thơ Việt Nam chúng ta quá thăng trầm. Thơ luôn đi trên con đường đầy chông gai thử thách. Các thế hệ nhà thơ luôn tự đặt câu hỏi: viết như thế nào để sinh mệnh bài thơ đích thực là nó sống cho chính nó, để đứa con tinh thần của nhà thơ ra đời sẽ không bị chết yểu?

Căn bệnh không rõ nguyên nhân đã thành sức mạnh bao trùm lên cả người đọc lẫn nhà biên tập, lâu ngày như một món ăn quen thuộc nhàm chán.

Điều kỳ diệu là, bảy trăm năm trước, một vị vua anh minh, thông tuệ bậc nhất triều Trần, hai lần lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng đế quốc Nguyên-Mông, rời ngai vàng, đi tu, luôn ý thức mọi việc trên đời không thể chấp theo lối cũ. Nhân tố sáng tạo bao giờ cũng mang đến cho người ta một thế giới mới mẻ, tươi sáng. Thơ ca nghệ thuật không thể nằm ngoài chân lý ấy.Thế nhưng sau bao năm đổi mới, nền thơ Việt dường như vẫn quằn quã trong cái ngôi làng lặng yên. Chúng ta không thể đổ lỗi hết cho chiến tranh, không thể đổ lỗi vì thời kì quá độ, mà phải tự nhận ra chúng ta tự trói lấy chúng ta, bảo thủ, tự bằng lòng thoả mãn với những gì có được.

Các chuẩn tắc ngôn ngữ tiếng Việt và chuẩn tắc thơ ca bấy lâu đã mặc định trong tiềm thức người viết. Sự làm mới và thay đổi các chuẩn tắc ấy không thể thực hiện bằng sự bắt chước về mặt hình thức mà phải từ nhận thức. Lịch sử xã hội và lịch sử văn học nước ta trong một thời gian dài đã sinh ra một thứ khuôn mẫu cả cho xã hội, cả cho thơ ca. Thơ tô son, làm đẹp một cách khiên cưỡng với những ngôn từ rỗng sáo đã như thứ hàng quen dùng, thứ áo quen mặc, nghĩa là cứ theo lối cũ mà đi. Thay đổi nó ư? Đâu dễ dàng. Việc nhận thức lại như Bằng Việt đã khó, huống gì bằng việc viết bài thơ ra trên giấy trắng mực đen.

Khlebnikov từng tuyên bố: một chữ in sai đôi khi là một nghệ sĩ tài danh. Do thiếu hiểu biết, những kiệt tác nhân loại bị đập phá tay, chân làm cho đời sau không thể phục chế những phần mất đi của tác phẩm. Các nhà điêu khắc thời nay đã chăm chú điều ấy, sản sinh ra những tác phẩm không hoàn chỉnh, từ đó một thứ đề dụ nghệ thuật ra đời.

Làm thế nào buông lỏng các chuẩn tắc thơ, nghĩa là, tự giải phóng mình thoát khỏi những ràng buộc vô hình như một sức mạnh ngự trị bấy lâu. Biên độ để tách bài thơ thoát khỏi chính nó là vô cùng. Trên vai ngôn ngữ, nhà thơ có thể nhân danh nhiều khuynh hướng khác nhau, nhân danh một khác biệt, một trật tự mới cho thơ ca.

Có thể có người mệt mỏi khi đọc những câu thơ sau đây của Trần Tuấn, một nhà thơ trẻ, sinh năm 1967, trong Ma thuật ngón:[1]

kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro

lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa

.

phải mất đi bao nhiêu ngón

phải thêm bao nhiêu ngón

mới đủ một bàn tay

Nhưng tôi yêu nó, nhìn thấy phía sau ngôn từ kia một thông điệp, phải tìm cách giải mã cho bằng được. Quả thực cái giá tàn tro lửa phải đổi, phải trả trong cuộc mưu sinh này quá đau thương. Bao nhiêu ngón tay phải mất đi, bao nhiêu ngón tay phải thêm vào mới đủ một bàn tay. Trần Tuấn không vin vào sự thật, không vin vào hiện thực một cách thô thiển, anh thả lỏng cảm xúc của mình như cái bóng siêu hình đi theo trường liên tưởng nhiều chiều. Người tiếp nhận thơ anh được tự do lựa chọn, tuỳ thuộc tâm trạng của mình. Cái ranh giới giữa thơ và hiện thực đời sống đã biến mất. Bài thơ trở thành nhật ký của lữ trình cảm xúc, chứ không phải là nhật ký đời sống mà bấy lâu thơ ca miêu tả thường làm. Không phải lúc nào nhà thơ cũng nhân danh hiện thực một cách cứng nhắc. Jakobson rất hóm hỉnh khi khẳng định: “thơ ca cũng là một sự dối trá, và nếu nhà thơ không sẵn sàng nói dối – nói dối từ cái đầu tiên mà không ngại ngùng – thì anh ta chẳng đáng gì cả”. [2]

Chớ coi nhẹ những hiện tượng không bình thường trong thơ ca. Sự tương phản, dị biệt, phản biện nhiều khi làm mầm mống cho cái mới hình thành. Nhận thức thuộc quyền của mỗi người, nhưng nhận thức tới lúc nào đó sẽ gặp nhau. Một bức tranh, một bản nhạc khi ra đời thông thường phải lãnh đủ mọi thứ nghiệt ngã. Nhưng giá trị đích thực của nó bao giờ cũng là nơi gặp gỡ của số đông.

Làm sao mỗi nhà thơ trở thành một vương quốc trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong tay nhà thơ trở nên ma thuật, có thể dẫn dụ độc giả đến những bến bờ lạ của cảm xúc, tạo ra một thế giới tinh thần mới mẻ. Muốn vậy, tôn trọng tự do sáng tạo chưa đủ, mà phải tìm đất cho sản phẩm của họ được công bố. Vì sao trong nước ta hình thành các nhóm thơ Mở miệng, Ngựa Trời, Thơ xuất bản bằng giấy vụn, Thơ photocopy?Tại vì sản phẩm của họ không được các tờ báo chính thống dùng, cho rằng thơ chữ nghĩa rối rắm, thơ bí hiểm, thơ ngoa ngôn. Tôi đã đọc ít nhiều của họ, bên cạnh cái được cũng có cái chưa được. Nhưng tôi khẳng định rằng, đó là một việc làm nghiêm túc, khi không có điều kiện in ấn xuất bản. Và, tên tuổi các nhà thơ ấy vẫn được neo vào độc giả trong và ngoài nước, như các nhà thơ khác.

Vận mệnh thơ như vận mệnh con người. Từ chối tự do sáng tạo như từ chối một con người. Còn gì đau đớn hơn khi tác phẩm nghệ thuật của họ bị chối bỏ? Tất nhiên thơ ca vốn không dung nạp sản phẩm trá hình, nó không phải là nó.

Ít nhất đã ba lần tôi gọi điện trực tiếp cho Tổng biên tập báoVăn Nghệ, cùng trao đổi làm sao nâng cao hơn về chất lượng thơ trên báo. Bạn đọc trong và ngoài nước đang đọc báoVăn Nghệ với niềm tin xem đấy là gương mặt văn học nước nhà. Thơ trên báo nhiều số chưa làm được điều đó, khi người biên tập chọn những sản phẩm không xứng đáng, những sản phẩm dùng làm minh hoạ gượng ép. Mọi hình thức thơ phải được tôn trọng, mọi đề tài phải được nâng niu, nhưng nhất quyết phải là thơ hay. Sự tiếp nhận của bạn đọc cho dù chưa quen, thậm chí không thích, nhưng lâu dần sẽ tìm được đồng cảm, nếu bài thơ có giá trị. Chúng ta đều biết mọi cuộc cách tân thơ ca không dễ dàng gì. Nếu các báo chí thời Thơ Mới đều tẩy chay thì phong trào Thơ Mới thật sự khó ra đời.

Ngôn ngữ thơ vốn đa dạng, muôn hình vạn trạng. Nhà thơ có thể làm tăng thêm hiệu lực ngữ nghĩa, tăng thêm sự biệt lệ, làm phong phú hình thức câu thơ. Vần luật xưa nay như một công cụ bất biến của bài thơ. Nhưng vần luật cũng tồn tại như một hệ thống nằm ngoài ngôn ngữ ở những bài thơ không theo thể thức truyền thống. Các nhà biên tập phần thì e ngại độc giả chưa hợp khẩu vị, phần thì bị trăm thứ khác chi phối. Độc giả bây giờ khác trước rất nhiều, bởi trình độ và khả năng thưởng thức ngày càng cao, khi mà các kênh truyền thông như cơn lốc tràn vào đời sống.

Sự sinh lợi của thơ ca luôn ở từ hai phía: người làm ra nó và người thưởng thức. Để một nền thơ phát triển, đất đai cho nó phải được mở rộng, dung nạp nhiều thể loại, xu hướng và khuynh hướng. Chúng ta không thể xem nhẹ hoặc khước từ mọi sự thể nghiệm. Công việc nghiên cứu thơ ca phải như công việc nghiên cứu khoa học vậy, phải chấp nhận cách thức và thủ pháp nghệ thuật. Thơ ca trong một nghĩa nào đó, đồng nhất với tôn giáo, thế giới thần linh của con người. Thơ ca có sức mạnh trực tiếp, đồng thời có sức mạnh làm mê dụ tinh thần con người, nó là tiếng đàn vô âm không phải lúc nào cũng dễ dàng nghe thấy.

Thơ Việt Nam ngày nay đã khác trước rất nhiều, không phải lúc nào cũng đối ẩm, có khi va đập như sóng, lại có khi như đá tảng trơ ra cùng mưa gió bão bùng.

Thơ đương đại Việt Nam sẽ già đi nếu không có những Trần Tuấn, Vi Thuỳ Linh, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thuý, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly... Họ ra đời trong sự bầm dập, không lúc nào được suôn sẻ. Nhưng các nhà thơ trẻ ấy đã mang được linh hồn Việt Nam thời nay, đã mở rộng đường biên thi ca ra với thế giới. Các nhà thơ trẻ không chỉ mang bức thông điệp cho thế hệ, mà còn thể hiện nhu cầu thời đại của dân tộc. Thơ ca phải thay đổi, chấp theo lối cũ là không đúng.

Đồng Hới, 8.5.2010

___________

[1] Trần Tuấn, Ma thuật ngón, tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2008. Giải thưởng Thơ Bách Việt lần thứ Nhất.

[2] Roman Jakobson, Thi học và ngữ học (Lý luận văn học phương Tây hiện đại), NXB Văn học, 2008.

.

Một góc hình ảnh của nhà thơ Hoàng vũ Thuật

.

Hoàng Vũ Thuật với đêm thơ Núi Nhạn, Phú Yên.

Từ trái: Mai Văn Hioan , Đỗ Hoàng, Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật

Từ trái: Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Khoa Điềm, Hà Khánh Linh tại Vỹ Dạ Festival 2010.

Từ trái: Hoàng Vũ Thuật, Võ Quê, Hà Khánh Linh tại Vỹ Dạ, Festival 2010.

 


 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.