NHÀ THƠ THẠCH QUỲ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 14999
Giới thiệu nhà thơ Thạch Quỳ, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
Nhà thơ Thạch Quỳ
Họ và tên thật: Vương Đình Huấn
Sinh năm: 1941
Quê quán: làng Đông Bích, Xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Hiện đang sinh sống tại thành phố Vinh, Nghệ An.
Tác phẩm:
Sao và đất
Nguồn gió và cơn mưa
Cuối cùng vẫn một mình em
Con chim Tà Vặt
Đêm Giáng sinh
Bức tượng
Tuyển 99 bài thơ Thạch Quỳ
THƠ THẠCH QUỲ
.
BÁN MẶT TRỜI
Ai mua mặt trời không?
Chẳng ai mua cả!
.
Thuở nhỏ tôi theo ông đi bán mặt trời
Ông bán mặt trời đeo chuỗi cườm ở cổ
Lấp lánh Kim Cương
Để râu dài theo phong cách ông tiên
.
Ai mua hoa?
Mặt trời là hoa đang nở!
Ai mua quả?
Mặt trời là quả chin trên cây!
Ai mua vòng, mua chuỗi, mua dây?
Ai mâm, bát, cồng, chiêng, gạt tàn thuốc lá?
Cứ tròn tròn là mặt trời đó cả!
.
Có một thuở mặt trời đắt giá
Tôi lẽo đẽo theo ông đi bán mặt trời
2007
NƯỚC
Biển không kham nổi nước
Nước lên trời
Bốc hơi!
.
Trời không kham nổi nước
Nước hóa mù
Mưa rơi!
.
Nước trở về với đất
Đất không kham nổi nước
Nước vào sông, suối
Trôi!...
.
Nước ba lần hóa kiếp
Vẫn trong cuộc luân hồi
Người mấy lần hóa kiếp
Cho nên một kiếp người?
2006
CÁC NHÀ THƠ UỐNG RƯỢU VỚI NHAU
Lặng phắc chẳng nói gì
Rượu nhà thơ không nhắm với tiếng thở dài
Và nụ cười vẫn vậy!
.
Từ lâu, rượu và nhà thơ chia rẽ đôi đường
Rượu vẫn xưa
Mà thơ đã khác!
Rượu khinh thơ như rác
Rượu giành quyền lặng im
Thơ tỉnh queo cần chi đến rượu?
Rượu nép mình trong giá trị thơ
Thơ mất giá thơ hoài phí rượu
.
Các nhà thơ uống rượu với nhau
Rượu lặng phắc cúi đầu
Thơ ngẩng mặt ồn ào triết thuyết
Cái rượu biết chừ thơ không biết
Cái thơ ca chừ rượu không ca!
.
Hai ngả đường thơ, rượu chia xa
Trong quán cóc
Các nhà thơ uống rượu…
2007
NGƯỜI LẶN BIỂN
Đáy khẳm đại dương chừng như hiểu hết
Rồi lên bờ, cởi trần, ngồi lẫn giữa những người chăn vịt
Chẳng phải khiêm tốn, khiêm tung gì, quá mệt
mỏi nên anh vẫn ngồi im thin thít
Gió đại dương vẫn thổi vù vù
Tai điếc đặc âm âm u u
Lời trong sóng khi không khi có
Lời trong gió khi có khi không
.
Xuống biển thua tôm cá
Lên trời thua Hải âu
Anh ngồi trên hòn đá
Nhìn bãi bờ trắng xóa
.
Vẫn tiếng người trong gió
Khi có lại khi không
Tiếng gió méo mó tiếng sóng
Tiếng sóng đồng bóng tiếng gió
.
Tai điếc đặc mờ mờ tỏ tỏ
Người đang nói điều chi chẳng rõ
Ngỡ như người chăn vịt thì nói về kỹ thuật chăn vịt
Hóa ra họ thao thao bất tuyệt
Về các địa tầng thủy tầng trong đáy đại dương…
10.2009
BỨC TƯỢNG
Em đã sống bình yên như tượng
Chẳng đàn ông, em chẳng đàn bà
Mưa hay nắng
Cứ trôi
Ngoài vỏ
Nằn hay mưa
Cứ trổ
Ngoài da
Chẳng đàn ông, em chẳng đàn bà
Em đã sống bình yên như tượng…
.
Anh đấy ư?
Thiên thần?
Quỷ dữ?
Ai thổi vào tượng đá một con tim
Ai biến tượng thành người
Biến đá thành em!
.
Những ngày tháng bình yên đã chết
Kể từ khi tượng biến thành người
Những năm tháng êm đềm cũng chết
Nông nỗi nào quay quắt trái tim ơi!
.
Anh kẻ mang phép màu thượng đế
Hãy dắt em đến trước cửa người
Xin cho em trở về kiếp đá
Đá hóa thành bức tượng giống người thôi!
4.2006
GIẤY LOẠI
Đống giấy loại cao dần
Đống giấy loại cao chưa từng thấy
Chúng cao hơn báo chí, văn chương…
.
Quá khứ niệm chú trong giấy loại
Tương lai trong giấy loại mơ màng
.
Nhà văn ư?
Nhà báo ư anh?
.
Lời nói đang nhiễu xạ âm thanh
Và chữ viết, bôi nhòa giấy trắng
.
Đống giấy loại cao dần
Trọc lóc rừng xanh!
2008
CON SÊN
Con sên bò trên đường rớt dãi ngoằn ngoèo của nó
Với đôi mắt mù lòa vừa bò vừa rớt dãi
Không phải bò từ đâu đến đâu và bò để làm gì
Con sên tạo nên những nét hoa văn trên quỹ đạo đường đi
Những nét kỷ hà diệu kỳ
Và để lại thiên nhiên một bức tranh diệu kỳ trên lá…
Tam Đảo 7/9/2011
ÔNG GIÀ NGHỄNH NGÃNG
Chạy đến ga cuối cùng con tàu dừng lại
Ông già không xuống tàu
Quay lại ga đầu tiên con tàu dừng lại
Ông già không xuống tàu
Người lái tàu hỏi ông già về đâu?
Ông già hỏi con tàu về đâu?
Ga cuối ga đầu
Ga đầu ga cuối
Ông già lảm nhảm
Người bán vé tàu cứ bán
Chạy đến ga cuối cùng, con tàu quay lại
Chạy về ga đầu tiên, quay lại con tàu
Người lái tàu không hỏi thêm gì nữa
Rằng ông già nghễnh ngãng
Đi đâu và về đâu?
Tam Đảo 6/9/2011
SƠN TINH THỦY TINH
Giá thuở ấy Mỵ Nương được phép nói lên
Rằng yêu ai do trái tim lựa chọn
Giá thuở ấy vua cha và thần núi thần biển
Có khái niệm sơ khai về quyền của trái tim
Thần núi chẳng dương oai…
Thần biển không diễu võ…
Gác mái gươm đao con đường máu đổ
Đâu dễ lát đường để đến tình yêu…
Tam Đảo 7/9/2011.
ĐỢI EM NGÀY GIÁP TẾT
Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước
Góc vườn con hoa mận đã đơm khuy
Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc
Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về
QUẠT CHO BÀ NGỦ
Ơi chích chòe ơi
Chim đừng hót nữa
Bà em ốm rồi
Lặng cho bà ngủ
Bàn tay bé nhỏ
Vẫy quạt thật đều
Ngấn nắng thiu thiu
Đậu trên tường trắng
Căn nhà đã vắng
Cốc chén lặng im
Đôi mắt lim dim
Ngủ ngon bà nhé
Hoa xoan, hoa khế
Chín lặng trong vườn
Ba mơ tay cháu
Quạt đầy hương thơm
VỚI CON
Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.
Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!
Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.
Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con.
*
CỐT CÁCH NGƯỜI MIỀN TRUNG QUA THƠ THẠCH QUỲ - TỪ MỘT GÓC NHÌN
Mai Văn Hoan
Tác giả Mai Văn Hoan
Miền Trung là vùng đất “gió Lào cát trắng”, bão lụt triền miên; là nơi phải chịu đựng bao cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc; cũng là vùng đất có nhiều phong cảnh kỳ thú… Tất cả đó đã góp phần tạo cho con người miền Trung những đặc điểm riêng, những cốt cách riêng. Nếu như người miền Bắc lịch lãm, mềm mỏng, tao nhã; người miền Nam phóng khoáng, hào hiệp, cởi mở thì người miền Trung cứng rắn, khảng khái, thật thà. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai từng khái quát: “Người Nghệ - Tĩnh can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, tằn tiện đến cá gỗ”. Điều đó không chỉ đúng với người dân Nghệ - Tĩnh mà rất đúng với người dân miền Trung nói chung. Nét riêng này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của các tác giả gắn bó khăng khít với mảnh đất miền Trung, trong đó có Thạch Quỳ.
Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941, tại làng Đông Bích, dưới chân núi Quỳ Sơn (dân địa phương gọi là rú Cuồi) thuộc xã Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An, trong một gia đình trí thức Nho học. Ông nội nhà thơ thuộc dòng dõi khoa bảng, ông ngoại từng thi đỗ ba khoá tú tài, bà ngoại và mẹ là cả một kho tàng văn học dân gian. Cho đến nay, Thạch Quỳ đã cho ra mắt 8 tập thơ: Sao và đất (in chung, 1967); Tảng đá nhành cây (1973); Nguồn gốc cơn mưa (thơ thiếu nhi 1978); Con chim Tà Vặt (1985)); Cuối cùng vẫn một mình em (1996); Đêm giáng sinh ((2004). Tuyển thơ Thạch Quỳ (2009); Bức tượng (2010). Anh là một trong những tên tuổi sáng giá của thế hệ những cây bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và vững bước trên con đường thi ca đầy chông gai cho đến bây giờ.
Thời niên thiếu, anh vừa đi học vừa phải chăn trâu, cắt cỏ dưới chân núi Quỳ. Cái bút danh Thạch Quỳ sinh ra từ đó (Thạch Quỳ là tảng đá ở núi Quỳ). Những vần thơ đầu tiên anh ngồi viết trên tảng đá ấy là những vần thơ bắt chước những bài hát đồng dao của lũ trẻ chăn trâu quê anh: Nhổ lác nhổ từng cây/ Nhổ năn măn từng rễ/ Lưng cúi gập suốt ngày/ Bắp chân đầm máu đĩa… (Bài hát của những người nhổ cỏ năn, cỏ lác ở vùng đồng chiêm trũng). Nếu không phải là người trong cuộc chắc không thể viết được những câu thơ giàu chất hiện thực như thế. Anh kể: thời đó, anh cùng với nhà thơ Vương Trọng từng đội những giành phân đầy, bụng đói cồn cào, cố hết sức leo dốc, vượt qua đỉnh núi Quỳ. Có lẽ phải trải qua những tháng năm khó khăn ấy mà sau này, khi viết về cái nghèo, cái đói không nhà thơ nào ở xứ ta diễn tả sinh động như anh, hóm hỉnh như anh, thấm thía và sâu sắc như anh: Cái nghèo đội nón cời và nhón chân từng bước/ Cười sưa răng trên miệng ấm sứt vòi. Anh nhân cách hóa cái nghèo thành một kẻ vô cùng ranh mãnh: Mày núp trong vừng trán mẹ răn reo/ Mày ẩn dưới gót chân em nứt nẻ / Mày luồn lọt qua trăm ngàn mối chỉ/ Để nằm trong mảnh vá áo con ta/ Đêm ta ngủ thì mày hóa kiến/ Bò nôn nao trong ruột đói của ta… Anh nhận ra đằng sau cái nghèo là những thế lực vô cùng độc ác: Cái nghèo có nọc/ Đốt cha ông từ thuở chẳng chăn màn (Cái nghèo). Chính bọn chúng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái nghèo, cái đói của dân. Nhưng người dân quê anh nói riêng và người miền Trung nói chung không cam chịu cảnh nghèo. Họ cố tìm đủ mọi cách để thoát khỏi đói nghèo. Cái mà nhà nghiên cứu Đặng Thái Mai đúc kết “tằn tiện đến cá gỗ” là muốn nói đến nghị lực dùi mài kinh sử của những ông đồ xứ Nghệ. Thạch Quỳ cũng đã thể hiện cái ý chí, cái nghị lực phi thường ấy theo cách riêng của mình: Lòng viên sỏi vẫn giữ màu máu đỏ/ Núi nghiêng vai vác con đường lên (Tặng những cô gái đập đá bên đường không tên); Giọt mưa gom hạt bụi hóa phù sa (Gom nhặt trên bãi bom B.52); Nửa phần đời chong mắt đèn xó tối/ Nửa phần đời khép mắt ngóng ngày lên (Nửa phần đời)… Những nhà thơ thành danh quê anh phần lớn định cư ở thủ đô, riêng anh vẫn bám trụ trên mảnh đất Nghệ An một cách kiên cường, gan góc. Bàn bè chí cốt của anh nhiều lần khuyên và tạo điều kiện để gia đình anh “dời đô”, song anh vẫn một mực chối từ. Về con người Thạch Quỳ, nhà thơ Võ Văn Trực nhận xét: Vì yêu quê đến câu nệ, đến "cố chấp”, anh cố giữ được bản tính của quê hương đôi lúc gàn dở và cực đoan - người ta thường gọi là "cái gàn của anh đồ Nghệ”. “Bản tính của quê hương” mà nhà thơ Võ Văn Trực nói đến ở đây cũng chính là cốt cách của người miền Trung. Những giai thoại về cái gàn của “ông đồ nghệ Thạch Quỳ” đã phần nào thể hiện bản tính thẳng thắn, khảng khái của những con người ở vùng đất từng được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Một bạn đồng nghiệp của tôi kể rằng: Thời mới chia tỉnh (1991), các nhà văn Xuân Hoài, Đức Ban… trở về Hà Tĩnh. Lãnh đạo Hội Văn nghệ Nghệ An chỉ còn lại Dương Huy và Thạch Quỳ. Nhà thơ Thạch Quỳ được phân công giữ chức Thường vụ trực. Ông Hồ Phi Phục (lúc đó làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) vốn ngưỡng mộ tài năng thơ ca và bản tính thẳng thắn, cương trực của anh nên gới ý cho Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh giới thiệu anh vào danh sách đề cử đại biểu Quốc hội (danh sách 3 người ngoài đảng được MTTQVN Nghệ An giới thiệu hồi đó gồm: Thạch Quỳ, Tạ Quang Hải và Lê Duy Nguyên). Nhà thơ Thạch Quỳ từ chối mãi không được. Hôm lấy ý kiến cử tri tại dãy nhà C/9, khu tập thể Quang Trung, anh kiếm cớ không đến tham dự bởi nghĩ rằng sự có mặt của mình sẽ khiến bà con e ngại. Quả đúng như vậy! Nhờ sự vắng mặt của anh mà bà con phát biểu về anh hết sức thoải mái. Bà con thừa nhận anh là người có tài, cương trực, thẳng thắn nhưng tác phong chưa thật gương mẫu “quần loe, tóc dài”; thường xuyên không tham gia làm vệ sinh cầu thang ngày chủ nhật hàng tuần; ít đi thăm hỏi bà con khu phố trong những dịp lễ tết… Khi nghe ông Chủ tịch Mặt trận TQVN tỉnh thông báo lại ý kiến cử tri, anh thở phào nhẹ nhõm và xác nhận bà con góp ý hết sức chính xác. Anh bị gạch tên khỏi danh sách đề cử bởi những lý do có thể nói là hết sức vớ vẩn. Cũng vì những lý do hết sức vớ vẩn ấy mà Quốc hội bỏ sót một đại biểu tài năng, một tiếng nói thẳng thắn, trung thực. Cái bản tính thẳng thắn, khảng khái, cương trực của anh không chỉ được thừa hưởng từ ren di truyền mà còn được thừa hưởng từ các bậc tiền bối vùng quê Nghệ - Tĩnh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu…
Đọc lại toàn bộ thơ Thạch Quỳ, điều dễ nhận nhất là cái khí chất mạnh mẽ và đầy bản lĩnh của một cây bút từng trải: Trơ trơ tảng đá/ Đá đổ mồ hôi/ Biết hay không biết/ Lầm lì mồ côi (Tảng đá); Cả cái chết đợi chờ tôi trước mặt/ Hù dọa tôi, tôi chấp nhận lâu rồi. Đó cũng là khí chất, bản lĩnh của một số nhà thơ miền Trung như Phùng Quán (Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu); Hải Kỳ (Tôi là tôi như thế tự ngày xưa); Hồng Nhu (…nguyện làm cây sét đánh/ Chết trong tươi xanh và ương ngạnh đâm chồi)… Thạch Quỳ là một con người đầy kiêu hãnh – một sự kiêu hãnh hết sức chính đáng. Bởi anh nói rất trung thực bản tính và tài năng của mình: Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khỏe/ Tôi cao hơn đất đá mọi công trình/ Tôi không phải sơ đồ bản vẽ/ Tôi cao hơn người máy, thần linh” (Tôi); Toàn bộ loài cây – một cau mọc thẳng/ Toàn bộ loại chim – một cò thân trắng (Đêm vườn rừng). Đọc những câu thơ này, tôi chợt nhớ đến Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ: Trong triều ai ngất ngưởng bằng ông! Đó là cái ngất ngưởng, cái kiêu hãnh của những người chân tài. Thật ra thì Thạch Quỳ rất tự biết mình: Không bé nhỏ tầm thường, không vĩ đại/ Có thể vứt đi trong xó tối u buồn / Có thể đứng trên đôi chân vững chãi/ Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng…(Tôi). Mặc dù trải qua bao gian nan, thử thách song anh vẫn không nguôi khát vọng: Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc / Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn / Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết / Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn. Anh khảng khái tuyên bố: Những đau khổ không làm tôi gục xuống (Tôi). Có người nói đùa: ruột Thạch Quỳ còn thẳng hơn ruột ngựa, tính cách Thạch Quỳ còn rắn hơn cả những tảng đá ở núi Quỳ!
Thạch Quỳ không chỉ có thế. Anh là nhà thơ của những suy tư, trăn trở: Bàng hoàng giữa một ngày/ Mình sống hay chẳng sống?”(Không đề); Nghìn năm mưa đã từng mưa/ Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào? (Lời nghìn năm); Tôi chờ ai nữa? Mùa thu rộng/ Gió thả bên trời lá liễu bay (Mây trắng mùa thu)… Anh là nhà thơ của những triết lý, chiêm nghiệm: Lưỡi gươm ròng ròng máu tươi/ Nước mắt ướt đầm yên ngựa/ Chỉ có đất với trời và cỏ/ Hiểu đường đi của giọt máu người” (Qua đền Cuông ghi chuyện cũ); Cụ đi tìm chân kinh/ Ở thứ kinh không chữ (Bên mộ Nguyễn Du); Với Lan Châu ngấn sóng ánh trên tường/ Luôn luôn động theo nhịp trời, nhịp biển (Trở lại Lan Châu); Cái nghèo xơ trên bộ cánh làm sang/ Cái nghèo xác lại nằm trơ đáy đĩa (Cái nghèo)… Anh còn là nhà thơ của tình yêu lứa đôi: Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước/ Góc vườn con, hoa mận đã đơm khuy/ Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về (Đợi em ngày giáp tết); Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau/ Một khẽ chạm tay, rung toàn cơ thể (Không đề); Đó là chiều nắng nhạt lá thông rơi/ Đó là sớm kim chi màu cỏ biếc. Tôi trở lại sau mười năm cách biệt/ Bên em trước cỏ lặng yên ngồi (Huế)… Nhưng theo tôi: cái cứng rắn, cái thẳng thắn, cái khảng khái trong thơ Thạch Quỳ thể hiện cốt cách của người miền Trung rõ nét hơn cả. Điều đó đã góp phần quan trọng giúp cho thơ anh có sức lan tỏa và sức sống lâu bền.
Mảnh đất miền Trung là mảnh đất giàu truyền thống thơ ca. Nhiều nhà thơ tài danh đã sinh ra trên mảnh đất này. Thời trung đại có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tùng Thiện Vương, Nguyễn Hàm Ninh… Thời Thơ Mới có Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có Hoàng Trung Thông, Hữu Loan, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Thanh Thảo… Bằng tài năng và tâm huyết của mình các nhà thơ miền Trung đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nền thơ ca nước nhà qua các thời đại. Tìm hiểu cốt cách người miền Trung trong thơ Thạch Quỳ cũng chính là tìm hiểu bản sắc riêng của tác giả, của từng vùng miền khác nhau. Thơ dù đổi mới, cách tân đến đâu nhưng nếu đánh mất bản sắc của mình, của quê hương mình, của dân tộc mình thì khó lòng có sức lan tỏa và sức sống lâu bền.
Trại viết Tam Đảo, tháng 9 – 2011
Mai Văn Hoan
***
THẠCH QUỲ, ÔNG ĐỒ GÀN XỨ NGHỆ
Nguyễn Quang Lập
Mấy hôm đi chơi khu 4, tới Vinh vào buổi trưa nắng gắt, mấy anh em tìm chỗ nào mát mẻ nghỉ ăn trưa, nhác thấy khách sạn 3 sao có tên Thượng Hải, bình thường chẳng dám sờ vào mấy khách sạn lắm sao này đâu nhưng thấy cái tên hơi lạ, nói thật là ngứa mắt nên rủ nhau kéo vào, xem thử chủ khách sạn có phải là ông Tàu không.
Té ra không phải, chủ khách sạn có tên là Thượng Hải thì lấy tên khách sạn thế thôi. Giám đốc điều hành là một anh đẹp trai lồng lộng thấy Đỗ Trung Quân thì mừng lắm hết lòng đón tiếp, anh em được bữa no say nhờ Quân, ai nấy cười tít mắt. Khi tiễn mình ra xe, anh Giám đốc điều hành ghé sát tai mình thì thầm, nói anh Lập về Vinh không ghé thăm bác Thạch Quỳ chút à, mình chẳng biết nói sao chỉ cười trừ.
Mình gọi điện cho Tuyết Nga, nói Thạch Quỳ dạo này thế nào. Tuyết Nga cười hi hi, nói ôi giời như một bộ rể bị bật ra khỏi đất, đắp chăn ngủ suốt ngày, chán đời lắm. Lại còn đẻ ra trường phái thơ bộ xương. Mình nói thơ gì, Tuyết Nga lại cười hi hi hi, nói thơ bộ xương. Mình nói thơ bộ xương là thơ gì, Tuyết Nga cười hi hi hi, nói em có biết thơ gì đâu, ông này mỗi ngày không đẻ ra một cái gì mới là không chịu nổi.
Kỳ thực trong bụng cũng muốn gặp Thạch Quỳ lắm nhưng chương trình đã set up từ Hà Nội mình chẳng dám thay đổi, sợ phiền anh em. Thêm nữa mình đã hai chục năm rồi không đến nhà anh, quên mất nhà, điện thoại lại không có. Đó cũng chỉ là chuyện nhỏ, cái chính là mình sợ anh em không quen tính cách ông đồ gàn xứ Nghệ, mất vui.
Cái ông đồ gàn này đẻ ra dưới chân núi Quỳ tính cách cứng như đá, đến xứ Nghệ hỏi trăm người thì có đến trăm rưỡi người biết anh nhưng đa phần đều nể sợ, chơi thân thì rất hiếm. Mình đến Hội văn Nghệ hỏi nhà Thạch Quỳ đâu, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, hẹn đến chơi nhà anh thì mắt trước mắt sau nói cười nhàn nhạt, kiếm cớ chuồn hẳn.
Tính gàn có từ thời trẻ, làm giáo viên toán dạy cực siêu nhưng soạn giáo án chẳng giống ai, lên lớp chẳng giống ai, chấm điểm chẳng giống ai, đối xử với học trò cũng chẳng giống ai. Anh nói với học trò tôi ăn lương nhà nước không phải để đi truyền thụ kiến thức đâu nhé, các anh chị đừng có mơ, lương nhà nước trả tôi chỉ vừa đủ cho tôi gợi mở kiến thức thôi, kiến thức không phải mấy món đồ mồi thầy cô bày ra cho các anh chị chén đâu, muốn giỏi giang thì liệu thần hồn tự đi mà kiếm lấy .
Có người nghe được hỏi anh tại sao lại nói với học trò như vậy, anh cười khấc khấc, nói bởi vì học trò của tôi không phải là những con vẹt, chúng là con người, con người viết hoa hẳn hoi đấy nha chứ không phải hạng cá ươn như các anh đâu. Từ khi vác ô đi làm anh công chức nhà nước Thạch Quỳ đả đồng sự kiểu đó nhiều vô thiên lủng, người ngoài nghe sướng rêm, kẻ trong giận tím ruột.
Khoảng năm 1967, 1968 chi đó khi anh còn dạy ở miên tây Nghệ An, nghe có người xin ra HTX, nhà trường cử anh về tận nhà gặp gỡ động viên giải thích cho người này. Anh tới hỏi răng bác bỏ HTX? Người này cười cái hậc, nói tui như con gà, muốn ở trong chuồng lắm chớ! Nhưng trong chuồng có con cáo, có ai bắt cáo cho mô mà vô. Thạch Quỳ gật gà gật gù, nói hay hay giỏi giỏi, rồi đi kể chuyện khắp nơi. Ông xếp huyện gặp Thạch Quỳ, nói anh là thầy giáo tại sao lại đi tuyên truyền lời lẽ của bọn phản động. Thạch Quỳ cười khấc khấc, nói chính bác mới là thằng phản động, bởi vì bác cấm đoán những lời nói thật.
Tất nhiên sau đó Thạch Quỳ mất dạy, hi hi. Anh bỏ giáo dục sang hẳn làng văn nghệ, tình hình chẳng khá hơn, đồ gàn gặp đồ lót đồ hèn đồ dơ chịu làm sao thấu. Năm 1979, 1980 chi đó anh làm bài thơ Với con ai cũng khen hay, báo Nhân dân đăng lại đàng hoàng nhưng trong tỉnh nổi lên một cơn sóng thần phản ứng dữ dội. Xuân Diệu ba chân bốn cẳng chạy về Vinh, Hội nhà văn cử hết đoàn này sang đoàn khác về giải thích này nọ nhưng chẳng ăn thua, cơn sóng thần ngày một lan toả, ai cũng lo cho anh, mình cũng lo. Mình gặp anh ở Hà Nội, nói răng rồi tình hình răng rồi, anh nhăn răng cười, nói tình hình là rất tình hình. Rồi anh nốc cạn ly rượu, nhổ nước bọt cái toẹt, nói è he, mần cặc chi tao.
Dạy học bỏ dạy, làm tạp chí văn nghệ được mươi số cãi nhau với mấy ông khóm róm không xong, anh phất áơ “ từ quan”, nói è he ẻ ẻ quẹt quẹt, ba vạn cũng bỏ. Năm 1996 gặp anh ở Hà Nội, anh kéo mình vào quán, nói này, ông làm báo với tôi nhé, thằng bạn tôi ở Bộ giao thông mời tôi ra làm báo Tiếng còi. Mình cười hì hì, nói anh thổi còi hay bạn anh thổi còi? Nếu hơi của anh còn việc thổi là của bạn, anh có chịu không. Anh uống cạn chén rượu, nhổ nước bọt cái toẹt, nói rứa thì ẻ vô.
Được vài tháng gặp anh ở ga, anh kéo vào quán, nói tôi lại về Nghệ đây. Mình hỏi sao, anh ngồi yên không nói, uống rượu tì tì, một lúc nhổ nước bọt cái toẹt, vỗ vai mình cái bộp, nói này ông, tôi sống với mấy đứa ác còn dễ chịu hơn sống với mấy đưa ngu. Mình chẳng biết nói sao, chỉ khẽ vỗ nhẹ vai anh, nói thôi anh về quê tiếp tục công tác rượu chè gái gú cho khoẻ xác. Anh nhăn răng cười, nói phải phải, mạng tôi chỉ hợp với gái thôi, chẳng hợp với thằng đéo nào.
Mình cười khì, nói anh phét vậy thôi chứ anh tán gái vụng bỏ cha. Mấy cô yêu thương ngưỡng mộ thì anh coi người ta bằng nửa con mắt, mấy cô coi anh bằng nửa con mắt thì anh đánh đu suốt đời, cuối cùng xôi hỏng bỏng không. Anh cười khấc khấc khấc, nói rứa mới đồ gàn. Tôi mê gái từ lúc sáu tuổi, không nói phét đâu nhé, các cô gái đẹp trong làng tôi đều mê, bất kể họ hơn tôi vài chục tuổi. Ra đồng tôi cứ bám theo họ, lắm khi họ phát điên, đuổi đánh chí chết. Đường từ làng ra đồng có hai hàng cây xương rồng, cứ một đoạn tôi lại khắc tên một cô tôi mê vào cây xương rồng, sáu bảy chục cô cả thảy. Cô nào cười chồng tôi mò đến đám cưới đứng đầu ngõ đái một phát rồi bỏ chạy, coi như trả thù xong. Dứt lời anh cười to, nói bây chừ thì đi mô cũng mò về mụ Nhã, ẻ vô gái gú, quẹt quẹt.
Chị Nhã vợ anh xưa xinh đẹp nhất làng, yêu anh từ 13 tuổi, đến 16 tuổi thì theo anh bôn ba cho đến bây giờ, khổ đau đói nghèo đắng cay đủ hết không một lời ca thán. Hôm mình đến chơi nhà, bất ngờ thấy chị quá xinh đẹp so với anh. Chị lúi húi tất tả hết vào bếp xáo nấu, ra vườn hái rau, xuống bể rửa chén, nói mãi chị mới chịu ngồi vào mâm. Hồi này xứ Nghệ có phong trào nuôi hươu sao, một con hươu cái đến mấy chục triệu. Anh khoác vai chị hôn cái chụt, nói em có biết anh mơ gì không, anh mơ sáng mai ngủ dậy, bên anh không phải là em mà là một con hươu sao.
Mọi người cười, chị cũng cười rất tươi. Mình nói anh nói thế mà chị không giận anh à. Chị lườm yêu anh, nói cả tỉnh cả nước giận ông này rồi, chị giận nữa thì ông sống với ai. Anh cười khấc khấc khấc, nói anh nói chơi vậy thôi, bây giờ anh vô dụng rồi, anh ước anh biến thành con hươu sao để em bán đi lấy tiền nuôi con không thì cực quá.
Chị không cười, nước mắt rân rấn. Anh cười khấc khấc khấc, chẳng phải cười, nghe như anh cố khạc ra mấy cục đắng ngắt.
N.Q.L
http://quechoa.info/2010/05/26/thach-quy-ong-do-gan-xu-nghe/
THẠCH QUỲ, MỘT CÁI TÔI NHƯ ĐÁ RẮN
Nga Linh Nga
.
Xứ Nghệ từ bao giờ đã nổi danh là xứ của những con người hay chữ, tính cách gai góc, bản lĩnh sắt đá; xứ của chuyện trạng, của thơ… Mang trong mình một chút dị biệt giống như những người ít nhiều dính líu tới chữ nghĩa ở đất Nghệ, Thạch Quỳ được nhiều người biết. Sinh ra từ cái làng nhỏ dưới chân núi Quỳ thuộc huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An, Thạch Quỳ là một trong những tên tuổi của thế hệ những cây bút chống Mỹ. Màu sắc đặc biệt của cái Tôi riêng nơi những quan niệm, những sáng tác của Thạch Quỳ, từng gây được chú ý cho bạn bè đồng nghiệp cũng như độc giả.
Tên thật của Thạch Quỳ là Vương Đình Huấn. Anh sinh trưởng trong một gia đình khá đặc biệt. Theo gia phả, gốc gác tổ tiên anh là một ông quan Thượng thư Bộ Hình triều Minh, bị đuổi đánh phải rời Bắc Kinh dong buồm đến Hội An sống cuộc sống lưu vong. Ông tổ của dòng họ là một đứa trẻ được một người lính quân của Nguyễn Ánh nhặt đưa về xứ Nghệ cho làm con nuôi.
Ông nội Thạch Quỳ là người thông tuệ đặc biệt. Chính ông là người đã đem đến cho anh nguồn tri thức thâm thuý từ văn học cổ điển. Riêng ngọn gió mát lành của văn học dân gian thì Thạch Quỳ được hưởng từ bà nội và mẹ. Mẹ anh là cả một kho tàng văn học truyền miệng. Bà là con gái một nhà nho hào hoa phong nhã, học vấn cao nhất vùng.
Không biết trí tuệ mẫn tiệp nơi những người đàn ông và tâm hồn phong phú nơi những người đàn bà của dòng họ, hay ngọn gió núi Quỳ và hạt cát làng Đông Bích, đã hun đúc nên con người nhà thơ có cái Tôi như đá rắn – Thạch Quỳ.
Người luôn tự làm khó cho mình
Mới học lớp 7 Thạch Quỳ đã viết truyện ngắn, làm thơ. Anh mơ ước thi vào trường đại học Tổng hợp để trở thành nhà nghiên cứu nhưng rồi lớn lên lại vào học ở một trường đại học sư phạm. Yêu văn học nhưng anh chọn lựa làm một thầy giáo dạy toán. Chàng học trò Thạch Quỳ ngày ấy có ý nghĩ độc đáo: văn thì tự đọc cũng có thể hiểu được nên có thể tự học, riêng toán không có thầy thì chịu, nên cần phải được học.
Thạch Quỳ kể ngày còn là sinh viên khoá 2 của trường Đại học Sư phạm Vinh, anh thường phải thức trong bóng tối để viết ra những suy nghĩ, những bài thơ bằng chiếc bút chì nhỏ, sáng ra mới mò mẫm chép lại.
Ngày ấy, để rèn luyện nếp sống tập thể, nhà trường bắt buộc tất cả các sinh viên phải nhất loạt cùng dậy lúc 5h và cùng ngủ lúc 11h, nếu ai không thực hiện được điều đó thì coi như vi phạm kỷ luật và bị khiển trách. Là một chàng trai lãng mạn, thông minh, đầy tài năng, chỉ thích đắm mình vào những suy tưởng, những giấc mơ của riêng mình, “phớt Ăng-lê” trước mọi chuyện, Thạch Quỳ trở thành một sinh viên “cá biệt”: thiếu ý thức kỷ luật, trốn thể dục tập thể buổi sáng, lên lớp muộn… và sớm trở thành người “có vấn đề” trong tác phong, lối sống.
Năm 1962, tốt nghiệp đại học, anh về một huyện nghèo dạy học và bắt đầu số phận không bình lặng của một kẻ lập thân mà không biết “tối hạ thị văn chương”. Là một giáo viên dạy giỏi nổi tiếng, được phân công làm chủ nhiệm, nhưng anh không phải là đoàn viên. Cách lên lớp, cách soạn giáo án, nhất là lối sống “tập thể” mang đầy tính hình thức đã làm Thạch Quỳ cảm thấy nhàm chán và bị ức chế.
Là người sâu sắc, nhạy cảm với các vấn đề của đời sống, lại có khiếu quan sát tinh tế, luôn muốn được chia sẻ, Thạch Quỳ đã hơn một lần tự làm khó cho bản thân bằng chính các phát hiện của mình. Ngày dạy học ở miền núi, có một gia đình học sinh của Thạch Quỳ xin ra khỏi Hợp tác. Ngày ấy ra khỏi Hợp tác xã là một chuyện tày trời, lý lịch sẽ có một vết đen và tương lai của cậu học sinh đó coi như mù mịt. Là giáo viên chủ nhiệm, anh có trách nhiệm phải tìm hiểu sự thật. Anh đến nhà và hỏi ông chủ của gia đình, một người Thổ: “Cụ nghĩ gì mà lại xin ra khỏi hợp tác xã?”, người đàn ông trả lời: “Ta như con gà! ta cũng muốn ở trong chuồng lắm chớ! Nhưng trong chuồng có con cáo, có ai bắt cáo cho mô mồ” (tiếng địa phương “mô mồ” nghĩa là “đâu”). Thấy ngộ nghĩnh, Thạch Quỳ đem kể cho bạn bè nghe và thế là anh bị coi như đã tuyên truyền, ủng hộ cho một thứ tư tưởng tiêu cực.
Một lần khác, khi về một huyện nhỏ, Thạch Quỳ thấy người ta phá đi cả một làng trù phú để đưa dân lên núi, cây nhãn cổ thụ của làng đội một mâm hoa vàng rực rỡ, bị máy húc đẩy đi hàng trăm mét nhưng không đổ, cứ đứng trơ mà chết, anh đã đem kể với mọi người và gọi đó là một “cây nhãn Từ Hải”, tình thế lại giống với câu chuyện trên.
Chính cái Tôi đời thường xù xì, không được vừa vặn với khuôn thước cho lắm đã làm nhiều người biết đến Thạch Quỳ từ rất sớm. Như người phải mặc chiếc áo hẹp với khổ của mình, anh cựa quậy, chật vật bức bối trước cuộc sống.
Tôi" là một hình tượng bao trùm và cũng là ấn tượng mạnh mẽ nhất trong sáng tác của Thạch Quỳ. Đây không chỉ là cái tôi trữ tình toát lên đằng sau những sáng tạo nghệ thuật. Đây là cái tôi được thể hiện như một đối tượng trực tiếp, xuyên suốt của thơ. Dường như một “đường thẳng hình học” đã được thiết lập, nối từ nhà thơ đến độc giả.
"Tôi"mạnh mẽ, tỉnh táo, tự tin trực diện với người đọc: “Tôi một nửa nam-mô / Một nửa a-men / Một phía ngóng trời, một phần ngóng đất / Thân thể tôi như chiếc cột ăng-ten / Vừa phát sóng, vừa tự mình rỉ rét” (Tự khúc mùa xuân); “Không bé nhỏ tầm thường, không vĩ đại / Có thể vứt đi trong xó tối u buồn / Có thể đứng trên đôi chân vững chãi / Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng /… Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã / Tôi áo cơm no đói với ngày thường” (Tôi).
"Tôi"thẳng thắn, lạnh lùng: “Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc / máu tuôn trào, sẹo đóng tự trong hồn / Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết / nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn” (Tôi); “Chiêm bao thấy mộ mình không mọc cỏ / riêng điều này là nỗi sợ của tôi” (Bên lề cỏ Uýtman); “Cái mất đi hú gọi không về / cái còn lại trơ mòn sỏi đá / nửa phần đời mắt chong đèn xó tối / nửa phần đời khép mắt ngóng ngày lên” (Nửa phần đời);
"Tôi"một sự nếm trải đến tận cùng thân phận, sắc sảo và chát chúa trong những cảm nhận về đời sống: “Cái nghèo / Mày núp trong vầng trán mẹ răn reo / Mày ẩn dưới gót chân em nứt nẻ / Mày luồn lọt qua trăm ngàn mối chỉ / để nằm trong mảnh vá áo con ta / mày sinh ra khi chưa sinh ta” (Cái nghèo).
"Tôi"trong thất vọng kiếm tìm vẫn căng tràn nhiệt huyết: “Cuối cùng vẫn một mình em / Nhưng anh đã khô kiệt cùng đá sỏi / Nhưng anh đã kêu kiệt cùng tiếng gọi / Nhưng anh đã mơ cạn kiệt giấc mơ / Cuối cùng vẫn một mình em / Nhưng em ở nơi đâu ? em ở” (Cuối cùng vẫn một mình em).
"Tôi"khát khao muốn được dâng hiến, được thấu thị: “Và nếu cần tôi sẽ hoá thân tôi / Thành thuốc đắng, thành chanh chua, quả ngọt / Thành chi nữa… trời ơi tôi muốn biết / Phút lặng im bạn đã muốn mong gì…”
Một cái Tôi rắn, lạnh, đầy ứ khát vọng… một cái Tôi không nguôi yên, không cách gì xoa dịu: “Tôi gọi hồn về trong những câu thơ / Giam trong ngục tối con chữ / Hồn ơi, hồn hãy ở tù / Để xác tôi yên giấc ngủ”.
Thạch Quỳ kể những ngày đầu làm thơ, anh tự đề ra cho mình một bảng Cấm: Cấm viết chữ người khác đã viết; Cấm viết ý nghĩ người khác đã nghĩ; Cấm viết mông lung không dính líu đến sự thật; Cấm viết sự thật trần trụi không cảm xúc, thiếu thẩm mỹ.
Dưới ngòi bút của Thạch Quỳ các khái niệm cũng trở thành vật sống: “Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn”; “Cái nghèo đội nón cời và bước đi từng bước / cười sưa răng trên miệng ấm sứt vòi”… và những câu thơ toát lên thứ âm nhạc nghe thật lạ: “Thương nhớ mười năm loang như khói / có thể thành mây, có thể mất hút đi trong núi / nhớ chi mà lặng bên bờ / con chèo bẻo về bay trong mưa và lúc đó đầu tôi ngoảnh lại / hoa dứa dại bên bờ đang lặng lẽ bay…” (Hoa Dứa); “Con người tự biết mình / trong trái tim cá thể / chạy trốn sự cô lẻ / bằng tình yêu hai người / hạnh phúc đơn giản vậy? / Hạnh phúc thì thế thôi !” (Không đề)…
Cá tính hay tài năng?… chỉ biết là với sự thể hiện này, Thạch Quỳ đã có được dấu ấn của cái Tôi riêng. Trong đời sống xã hội hiện đại, một xã hội nghiền nát cái Tôi cá thể trong tính dây chuyền, tính công nghệ, trong sự giao lưu, hoà nhập của nó, biểu hiện của cái Tôi riêng gần như là một thách thức. Trong sáng tạo nghệ thuật, màu sắc cái Tôi của người nghệ sĩ càng quan trọng. Nó gần như là vấn đề sống còn của một tên tuổi, một sự nghiệp. Với một “bản ngã nguyên chất” và một ý thức mạnh mẽ về cái Tôi riêng, như một sự tuyên chiến với xu thế luôn muốn đánh tráo, đồng hoá của đời sống, Thạch Quỳ đã tạo được dấu ấn về cá tính.
Nhà thơ không phải là con diều giấy
Một ý nghĩ nhỏ về thơ, thưa anh ?
Thơ có cái gì đó mà người ta muốn tìm hiểu. Nhưng cái đó là gì thì không ai biết nổi. Cái đã biết chưa phải là thơ. Nó là thế mà không phải là thế…
Quan niệm của anh có vẻ thần bí.
Thần bí là bản chất của cuộc sống, và vì thế mới có thơ. Thử hỏi trên đời này loài người đã hiểu hết được con kiến chưa? Một con kiến có thể cảm nhận được thời tiết, biết cõng những chiếc trứng của mình đi tránh mưa, tránh lũ trước hàng tháng. Như vậy mà không thần bí à? Theo tôi cái không hiểu được mới là bản chất tận cùng của thế giới.
Vậy phải viết như thế nào thì mới…?
Dẫu thơ biến hoá thế nào, nếu không chứa những ý nghĩ sắc sảo, mới mẻ, xé toang những ý niệm cũ, triết học cũ, thì cũng không thể hay được.
Thế mối quan hệ giữa nhà thơ, đời sống và thời đại?
Thời đại là gió, nhưng nhà thơ không phải là con diều giấy!
Có vẻ như nếu được bắt đầu lại từ đầu, anh sẽ…?
Tôi sẽ chỉ viết văn thôi, không lãng phí nữa và chỉ viết những thứ mình thích, mình nghĩ, không nghe theo, không đầu hàng.
Thêm một quan niệm nữa, về con người
Ban đầu khi mới được sinh ra, con người cũng như con kiến, con ong, con chuồn chuồn. Con người là động vật cao cấp của tự nhiên. Sau đó trong quá trình đấu tranh để sinh tồn, kẻ mạnh đưa ra luật chơi, đưa ra hệ thống lý thuyết. Chính hệ thống lý thuyết bắt nguồn tự sự hèn kém (phục vụ kẻ mạnh). Ví dụ Khổng Tử không mạnh bằng kẻ mạnh nên mới đưa ra Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Tôi cho rằng giữa chân lý và điều kiện sống của con người, có một chút trí khôn ở đó. Với tôi, hạnh phúc là dưới mức đau khổ.
Hà Nội tháng 11/2004
N.L.N
http://vietbao.vn/Phong-su/Thach-Quy-Mot-cai-Toi-nhu-da-ran/20354413/262/
.
BỨC TƯỢNG THẠCH QUỲ - Hoàng Thụy Anh
Tác giả Hoàng Thụy Anh.
Thạch Quỳ đến với thơ khá sớm, lúc ông đang còn là học sinh trung học cơ sở. Từ dạo ấy, thơ trở thành nơi trú ngụ hằng cửu tinh thần của Thạch Quỳ. Và đó cũng là hệ quả của: Sao và đất, Tảng đá nhành cây, Nguồn gốc cơn mưa, Con chim tà vặt, Cuối cùng vẫn một mình em, Đêm giáng sinh, Bức tượng... Xuyên suốt các tập thơ, người đọc thấy rõ một cái tôi đầy bản lĩnh và một phong cách kiểu Thạch Quỳ. Cái tôi ấy vượt qua khó khăn, gian khổ của đường đời và đường thơ để tự khẳng định mình: “Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khỏe/ Tôi cao hơn đất đá mọi công trình/ Tôi không phải sơ đồ bản vẽ/ Tôi cao hơn người máy, thần linh” (Tôi). Với cách thể hiện cái tôi của mình, Thạch Quỳ tạo ra được cái vị thế của nhà thơ “ngông”. Một cái “ngông” quyến rũ. Ngông để tri kỷ với thơ, để không bao giờ dứt tình – thơ, dẫu “một đời cuốc mót dưới sao thưa”. Trong các tập thơ, tập “Bức tượng”[1] thể hiện rõ cá tính ấy. Tác giả Hoàng Thụy Anh.
“Bức tượng” không nhiều về số lượng (25 bài thơ) nhưng lại dày về tâm thế của một cái tôi luôn “bùng nổ”.Thạch Quỳ gói gọn cái tôi của mình bằng sự nhất quán: từ một cái tôi cô đơn đến một cái tôi thèm khát tự do.
1. Những niềm vui, nỗi buồn đều được cất dấu trong thơ. Tuy nhiên, nỗi buồn, sự cô đơn bao giờ cũng là cú hích tinh thần thơ của người nghệ sĩ. Cái buồn, cái cô đơn ấy là cái đẹp, là tố chất cần thiết cho thơ. Nói như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: “Trong sáng tạo, cái riêng con người, chất cá thể con người làm nên cá tính sáng tạo. Mà cái riêng, chất cá thể đó luôn đẩy con người về phía cô đơn. Vậy thì cô đơn là một biểu hiện tâm trạng. Thơ ca khai thác tâm trạng đó để sáng tạo tác phẩm. Ở góc độ thẩm mỹ, tôi nghĩ, trong ý niệm tương đối cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp”[2]. “Bức tượng” thuộc phạm trù cái đẹp. Trước hết, nó là cái đẹp của một cái tôi cô đơn:
Anh quên gì?
Chẳng quên gì!
Anh nhớ gì?
Chẳng nhớ gì!
Anh nghĩ gì?
Chẳng nghĩ gì!
Tương lai
Hiện tại
Lăn tròn viên bi...
(Viên bi)
Những câu hỏi như bày ra sự cô đơn, không ý nghĩa gì của nhà thơ trước sự san phẳng của cuộc sống. Số phận nhà thơ, số phận thơ cũng như viên bi lăn tròn. Ngay cả nhà thơ - người trăn trở với đời nhất cũng chẳng rõ mình là ai: “Không nằm/ Không ngồi/ Không đứng/ Không đi/ - Hỏi ta là ai?/ - Chính ta chẳng rõ! Thế giới rộng mênh mông/ Mình ta trong nấm mộ!” (Nấm mộ). Hỏi mà chất vấn. Không phải chỉ chất vấn mình mà dường như đang chất vấn cả thế giới. Sự đối lập giữa thế giới và nấm mộ của nhà thơ chính là câu trả lời đầy sắc sảo và tinh diệu của Thạch Quỳ. Đó cũng là con đường đi của ông. Chấp nhận cô đơn để tự do ngay trong sự cô đơn của chính mình. Trong nấm mộ ấy, nhà thơ chỉ mở cửa cho nàng thơ của mình mà thôi:
Anh là kẻ mang phép màu thượng đế
Hãy dắt em đến trước cửa người
Xin cho em trở về kiếp đá
Đá hóa thành bức tượng giống người thôi!
(Bức tượng)
2. Trong cô đơn, Thạch Quỳ và thơ đồng hành. Nhưng cái tôi cô đơn ấy vẫn chưa bằng lòng với chính mình, vẫn muốn “ngông” với đời. Thạch Quỳ “ngông” không chỉ khẳng định cái tôi mà còn đúc cái tôi ấy thành bức tượng đá “trơ trơ” giữa cõi đời-thơ. Nói về cái “ngông”, Đặng Tiến cho rằng: “Ngông nơi nhà thơ, ở đây là một tâm thế, một ứng xử với đời, với người và cảnh. Ngông, nơi đây là một phong thái, lối xử lý không gian, thời gian và nhân gian, bằng Thơ. Ngông, ở đây là Sống Thơ”[3]. Thơ Thạch Quỳ có tâm thế “ngông” đó. Ông hóa giải cô đơn bằng sự vượt rào đối diện với thực tại. Cái tôi vô cùng triết lý: “Học cách sống giữa rừng hoang hú gọi/ Học cách ngồi trên đá lặng im/ Cách đứng/ Cách đi/ Cách kiếm/ Cách tìm/ Những phong cách/ THIÊN NHIÊN/ SÁNG THẾ...” (Vâng, đúng vậy!). Thì ra, nhà thơ tìm đến cô đơn để tịnh tâm, để tiến tới cõi Thiền. Thiên nhiên trong sáng là nguồn bồi đắp tinh thần vô giá cho những người nghệ sĩ như Thạch Quỳ. Từ điểm nhìn của cõi Thiền, nhà thơ còn vận vào mình những trăn trở thời đại:
Nước ba lần hóa kiếp
Vẫn trong cuộc luân hồi
Người mấy lần hóa kiếp
Cho nên một kiếp người?
(Nước)
Vạn vật nằm trong sự tuần hoàn vô tận. Con người lại hữu hạn khi chọn chiều vec-tơ. Sự đối sánh những lần hóa kiếp giữa nước và người là một khoảnh khắc đốn ngộ của nhà thơ. Cõi trần vướng lụy đâu dễ dàng hóa kiếp. Vì thế, nhà thơ mừng cho bạn cũng là lẽ hiển nhiên: “Bác Phùng về dưới mộ/ Hẳn tâm đắc một điều/ Diêm vương và địa ngục/ Rất rạch ròi ghét yêu!” (Bác Phùng dưới mộ).
Bàn về chuyện sướng khổ, Nguyễn Khắc Phê cho rằng: Nhà không có gì đáng giá, đêm nóng cứ mở toang cửa mà ngủ (Tản văn: Thử bàn chuyện sướng, khổ). Như vậy, mới sướng, mới thoải mái. Thạch Quỳ cũng vậy, chẳng bận tâm gì, sống thoải mái với đất trời. Chọn lối là tự ở ta:
Ta bát ngát thôn quê, từ làng đến phố
Và sống ở ngôi nhà không cửa sổ
Bốn tường kia cửa bít kín mất rồi
Lối đi về ta mở. Tự ta thôi!
(Cửa sổ)
Cách thể hiện cái tôi tự do cũng là cách Thạch Quỳ hướng tâm vào cõi Thiền. Cái tôi cô đơn đã tìm được ngôi nhà trú ngụ.
Khi nhà thơ “Thiếu vốn sống tác phẩm sẽ nhạt nhẽo, èo uột, bất túc. Thiếu vốn chữ tác phẩm sẽ thô vụng, sống sượng, suy dinh dưỡng” (Lê Đạt)[4]. Cả vốn sống và vốn chữ đều chất đầy trong cái bụng thơ của Thạch Quỳ, nó chứng minh cho một quan niệm sáng tạo nhất quán. Giao thoa giữa thể thơ truyền thống và hiện đại, giữa chuyện xưa và chuyện nay, giữa giọng điệu thân mật và giọng điệu lạnh lùng... ít nhiều Thạch Quỳ đã xây nên bức tượng thơ cho mình. Một bức tượng đá cô đơn, bản ngã: “Trơ trơ tảng đá/ Đá đổ mồ hôi/ Biết hay không biết?/ Lầm lì mồ côi” (Tảng đá). Một bức tượng không vô cảm, vô hồn trước những biến động cuộc đời. Nó phân biệt rạch ròi giữa cái ghét và cái đáng yêu:
Ghét cái không đáng ghét
Yêu cái chẳng đáng yêu
Thà làm quách tảng đá
Nằm vô tư trong chiều
(Bác Phùng dưới mộ)
Trong sự giao thoa ấy, hình như Thạch Quỳ chưa dứt khoát về góc độ sử dụng biện pháp nghệ thuật ngôn từ để khắc đậm vào tâm thức độc giả. Sự nhập nhằng này giảm bớt lưu lượng cái ngông thi sĩ. Cuồng tín và khai phóng ngôn ngữ là con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng trạng huống tâm lý, ngôn từ sẽ tăng lên sức mạnh bội phần. Cái ngông thi sĩ trở nên độc chiêu, đắc địa.
Tuy vậy, cái tôi dẫu cô đơn nhưng luôn luôn trong tâm thế nổi loạn, hướng đến tự do đã làm nên dấu ấn cho “Bức tượng”. Có thể nói Thạch Quỳ là một nghệ sĩ điêu khắc, biết sắp đặt cấu trúc sao cho “Bức tượng” của mình hài hòa, hợp lý trong không gian thơ.
Mở đầu tập thơ là khát vọng được trở thành bức tượng như xưa, chứ không muốn là “người bị đuổi giữa chiêm bao”, kết thúc là một tảng đá kiên cố, trơ lì. Cách trình bày thế này, Thạch Quỳ đã nói hết duyên thơ trọn vẹn trước sau như một của mình. Hóa thân vào bức tượng không phải là sự chối bỏ cuộc sống mà để trêu ngươi, để thách thức với thời thế. Đây cũng là cách nhà thơ khẳng định cốt cách thi sĩ của mình, đúng như cái tên của nhà thơ: Thạch Quỳ - “một hòn đá thơ”.
H.T.A
---------------------
[1]. Thạch Quỳ, Bức tượng, NXB Nghệ An, 2009.
[2]. Nguyễn Đức Tùng, Thơ đến từ đâu, NXB Lao động, 2009, tr 424.
[3]. Đặng Tiến, Thơ - thi pháp & chân dung, NXB Phụ nữ, 2009, tr 55.
[4]. Lê Đạt, Đối thoại với đời và thơ, NXB Trẻ, 2008, tr 66
Nguồn:http://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/2686-qbuc-tuongq-thach-quy.html
*
NHÀ THƠ THẠCH QUỲ
từng đến tận nơi Lênin đi đày…
TÔ HOÀNG
NVTPHCM- Với cuốn sổ tay “ăn xin”, Thạch Quỳ đã vượt qua cả một đoạn đường rất dài, đã đi cắt ngang nước Nga mênh mông, để tìm tới cái thị trấn xa xôi nơi Lênin từng bị đày ở vùng Siberia tuyết trắng để… thăm cậu con trai.
Trước khi được gặp và làm quen với Thạch Quỳ trong đợt sang Liên Xô dự lớp tập huấn 3 tháng tại Học viện Văn học Gorki ở Moskva, thú thật tôi chỉ biết tới anh vỏn vẹn qua hai câu thơ:
Đất nơi đây đào nơi nào cũng đỏ,
Đập đá ra có ánh lửa ngời...
Đâu đó từ cuối năm 1968 trở đi, máy bay Mỹ phong toả gắt gao đoạn đường số 1 từ cầu Hàm Rồng vào tới phà Bến Thuỷ. Lính tráng bổ sung cho chiến trường Bắc Quảng trị - Đường 9 hoặc vượt Trường Sơn vào các chiến trường sâu đành đi qua đường Bò Lăn, lên Thanh Chương, Đô lương, đến một trạm nào đó ở Nam Đàn thì nghỉ lại, chờ tới tối sẩm hôm sau đi tiếp. Qua một đêm bị xe lắc, ngủ gà ngủ vịt, khoảng 8 giờ, 8 rưỡi sáng hôm sau chúng tôi bừng tỉnh trong tiếng lao xao họp chợ ngay phía bên kia bờ giậu. Những tiếng chào mời, mà cả, xen lẫn tiếng lợn kêu vịt cạc giữa thời buổi chiến tranh nghe sao như muốn níu kéo cánh lính chúng tôi trở về với cuộc đời thanh bình, yên ả đến vậy? Càng lạ lùng hơn tiếng chào mời, mà cả kia lại theo một đơn vị tiền tệ xa xưa hình như đã biến mất từ lâu: một tiền, một tiền rưỡi có bán không?... Nhào dậy khỏi võng, chạy ra sân định tìm tới giếng nước rửa mặt, đã nghe thấy tiếng cười tung toé của các cô gái. Chao, con gái vùng này mới xinh làm sao? Áo nâu non xẻ tà để hở một mảng lườn hồng hồng, săn chắc; mắt tròn to đen thăm thẳm; đôi môi tươi tắn lúng liếng nụ cười ghẹo trêu! Chạy ngược vào nhà, lấy gương ra soi. Đến lượt chúng tôi phá ra cười: Quần áo, mặt mũi, râu tóc thằng nào thằng nấy nhuộm sậm bụi đất đỏ bazan! Thứ đất đỏ ấy, mãi những năm còn sống sót sau này mới hay là rất đặc trưng cho vùng Thanh Chương, Đô Lương. Chưa kịp định thần các cô gái xứ Nghệ dạn dĩ đã ào tới, kéo tay chúng tôi đến bên những chiếc giếng đá ong đáy sâu tun hút, múc những gàu nước mát lạnh gíup chúng tôi gội đầu, rửa mặt. “Đất đỏ xứ Nghệ rứa đó! Các anh đi đâu, ở đâu cũng đừng quên đất đỏ quê em nghe...”. Các cô gái ríu ran. Hứa hẹn. Ghi vào sổ lưu niệm quê quán, địa chỉ của nhau. Để khi chiều tắt nắng đành bịn rịn, dùng dắng chia tay. Và thế rồi cho tới khi tóc bạc, da mồi cũng không tìm được dịp may nào trở về nơi trú quân có những chiếc giếng đá ong, có phiên chợ buổi sáng kỳ lạ và những con đường đất đỏ, mỗi khi trời đổ mưa lòng đường đỏ sậm lại như một thân gỗ mới xẻ.Đành bám lấy hai câu thơ của Thạch Quỳ mà tự làm dịu đi những nhung nhớ, tiếc nuối của một thời trai trẻ…
Thạch Quỳ lên lớp nghe các nhà giáo, nhà văn Nga thuyết trình đâu đó chưa đầy nửa tháng, anh bỗng ngỏ ý với lớp trưởng là nhà thơ Lê Chí và phiên dịch viên là tôi muốn đi thăm người con trai đang lao động xuất khẩu đâu đó tận Siberia. Anh đưa tôi xem chiếc phong bì ghi địa chỉ nơi làm việc của con trai anh. Tôi quen biết nhiều cánh lao động Việt Nam xuất khẩu đang làm việc tại các vùng ngọai ô Moskva như Klin, Naghinxcơ... hay xa hơn như Riadan, Togliatti… nhưng cái địa danh nơi con trai nhà thơ làm việc sao rất xa lạ, chưa từng nghe thấy bao giờ. Nhà thơ Lê Chí nhờ tôi tìm hiểu xem nơi đó xa gần, phương tiện đi lại ra sao? Buổi chiều tôi tìm xuống thư viện nhà trường, không khó khăn gì tôi đã thu thập được một lượng thông tin dữ dằn. Điều đầu tiên cô thủ thư Nga cho biết thị trấn ấy ở cách Moskva khoảng 3500 hay 4000 cây số. Đi máy bay thì không kể làm gì, đáp tầu lửa chừng mất cả nửa tháng vừa đi vừa về. Cô gái Nga nheo nheo mắt cười cho biết điều thứ hai còn ghê gớm hơn: thị trấn ấy chính là nơi xưa kia, dưới thời Sa Hoàng, trước ngày Cách mạng tháng Mười bùng nổ, vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga Vladimir Iliyich Lênin đã từng bị đi đày. Nhiều năm trôi qua, bây giờ tôi không còn nhớ đích xác tên cái thị trấn nằm giữa vùng băng tuyết heo hút Siberia, nhưng tôi đoan chắc với các bạn nó đã được ghi rành rõ trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô hoặc Tiểu sử Lênin! Nghe tôi báo tin ấy không chỉ đoàn trưởng Lê Chí mà các đoàn viên như Trung Trung Đỉnh, Chu Lai, Bế Kiến Quốc, Pờ Sảo Mìn, Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo, Ngô Thị Kim Cúc… đều phát hoảng cả lên. Đường xá xa xôi cách trở như vậy, nhà thơ xứ Nghệ lại mới ra nước ngòai, mới đến nước Nga lần đầu, tiếng Nga hoàn toàn không rành. Nhỡ anh lạc đường hoặc đau ốm, cảm mạo thì sao đây? Cũng không ai có thể bỏ dở chương trình tập huấn để tháp tùng anh cả. Còn chuyện nhờ vả nhà trường trợ giúp xem ra rất phiền phức, lôi thôi. Đoàn trưởng Lê Chí nói với chúng tôi cùng xúm vào khuyên Thạch Quỳ mau gạt phắt dự định đó đi. Nghe vậy, Thạch Quỳ nổi quạu:
- Tau sang đây đi học là phụ, đi thăm con là chính- Thạch Quỳ thủng thẳng nhưng cương quyết- Bọn mi đặt vào địa vị tau mà coi- con làm ăn, luơng bổng ra răng, sống chết ra răng thằng cha không hay, liệu ngồi học chữ có vô đầu?
Ai đó nhẩy vào cuộc:
- Đấy là nơi xưa kia cụ Lênin bị đi đầy, ông biết chứ?
- Ông Lênin bị đi đầy ở đó đâu có chết mà vẫn trở về làm được cả một cuộc cách mạng. Bay dọa tau, tau nỏ sợ mô!
Cứ thế! Nhà thơ không chịu thua ai.
Ba ngày sau, Thạch Quỳ khoe Lê Chí và tôi tấm vé tầu anh đã mua. Anh kéo tôi ra một góc, móc túi trao cho tôi một cuốn tập vở học trò. Tôi chưa biết chuyện gì xẩy ra, nhà thơ nói luôn:
- Sách XIN ĂN đấy! Tau học tập bọn giặc lái Mỹ đó mà! Chương mục đã chia đàng hoàng. Phía tiếng Việt tau đã ghi rành rõ, mi dịch cho tau qua tiếng Nga.
Chờ Thạch Quỳ đi khỏi, tôi lật từng trang cuốn vở tập học trò mà không khỏi bật cười. Cuốn tập được chia như một thứ tự điển, có những tiểu mục hẳn hoi, tên tiểu mục ghi bằng bút đỏ. Ví như: XUẤT XỨ, LẠC ĐƯỜNG, MẤT TIỀN-XIN ĂN, MẮC BỆNH. Dưới mỗi tiểu mục là những dòng chữ Việt xếp thành hàng ngang, tôi sẽ giúp anh chuyển ngữ sang tiếng Nga. Ví như ở tiểu mục XUẤT XỨ. Tên: Thạch Quỳ. Công dân: Nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghề Nghiệp: Nhà thơ. Công tác: Hiện đang theo học khóa bồi dưỡng viết văn tại Viện Văn học Gorki. Địa chỉ cần liên hệ: Thành phố Moskva. Đường phố… số nhà...Điện thọai… Ví như tiểu mục MẤT TIỀN-XIN ĂN. Lý do xin ăn: bị mất sạch cả tiền. Đã chịu đói mấy… ngày. Cám ơn đã nuôi sống tôi… ngày. Mua cho tôi tấm vé trở về Moskva và cung cấp cho tôi… ngày thực phẩm, nước uống... Ví như ở tiểu mục MẮC BỆNH. Thấy người ớn lạnh, hâm hấp sốt. Tôi không mang theo nhiệt kế, hãy đo nhiệt độ cho tôi. Tôi bị đau bụng đã… ngày không khỏi. Tiền sử nghi bị loét bờ cong dạ dày…
Hôm sau khi trao lại cuốn tập vở cho nhà thơ, tôi sững người hỏi anh:
- Tôi dịch chuẩn cả rồi! Nhưng anh không biết tiếng Nga, sao anh phát âm nổi để người Nga hiểu?
Nhà thơ nạt nộ:
- Học hành chi cho lắm mà vẫn ngu rứa? Tau không cần đọc tiếng Nga của bọn bay. Cần nói điều gì, tau tìm câu tiếng Việt mà dùng ngón trỏ di ngang sang câu mi đã dịch qua tiếng Nga, người Nga khắc hiểu.
Nói như cánh M.C bây giờ, tôi huơ tay cao trên đầu và reo vang: Tuyệt! Vâng, với cuốn sổ tay “ăn xin” đó, Thạch Quỳ đã vượt qua cả một đoạn đường rất dài, đã đi cắt ngang nước Nga mênh mông, để tìm tới cái thị trấn xa xôi ở vùng Siberia tuyết trắng kia thăm cậu con trai. Mũ lông, thả cả hai dải che tai xuống, buộc chặt ở cầm; chiếc áo dạ màu nâu vừa cũ vừa đã sờn rách, không rõ nhà thơ mượn ở đâu, buông vạt lệt xệt chấm gót chân; chiếc balô lép kẹp lắc lẻo phía sau lưng, nom nhà thơ xứ Nghệ vừa giống một nhà truyền giáo Nga thế kỷ 16, vừa giống một gã mudic Nga nghèo đói đương đại, cứ thế lên tầu nhắm hướng Đông thẳng tiến! Một ngày, ba ngày, một tuần trôi qua vẫn biệt vô âm tín. Thuở đó chưa hề có điện thọai di động. Tàu chạy băng băng, chắc nhà thơ cũng khó tìm ra chòi bưu điện ở những ga xép trên đường mà nhắn tin cho chúng tôi. Hoặc anh đã quyết chí đi, việc thông báo anh đã đến đâu, khỏe hay bệnh- theo anh cũng là điều vô ích?
Nói thành thật, khi chúng tôi hầu như quên bẵng sự hiện diện của Thạch Quỳ trong khóa học lần đó, nhà thơ bỗng sừng sững xuất hiện ngay trước mặt chúng tôi. Vẫn như một nhà truyền giáo hay một gã mudic, song vui vẻ, tươi tắn, đầy tự tin, Thạch Quỳ lặp đi lặp lại chỉ một câu: “Bọn bay thấy chưa! Có chết được mô?”.
Nhà thơ cho biết con trai anh khỏe mạnh, lương bổng hậu hĩ, ăn uống đầy đủ, lên 3 ký, không những không xin tiền bố mà còn gửi bố tiền để bố mua quà mang về cho mẹ, cho các em. Có ai đó cất tiếng hỏi, cả đoạn đường đi, về có lúc nào anh cần phải dùng tới cuốn sổ XIN ĂN không, nhà thơ cười hơ hơ hồn nhiên, tay xua xua thủng thẳng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện sau đây…
Nằm cuộn tròn trên chiếc giường áp sát trần tầu một đêm và nửa ngày, nhà thơ bỗng cảm thấy phí thời gian, anh quyết định ngay trên tầu phải “thâm nhập” cuộc sống của người Nga. Lợi dụng một lúc thuận tiện, anh nhẩy xuống sàn tầu, vỗ tay vào ngực mình kêu to: “Việt Nam! Việt Nam!”. Đám hành khách trong toa sững sờ một lát, chợt hiểu ra nhẩy cẫng lên hò reo: “Viet nam pobeda! Voina conchit! “American go home!” (Việt Nam chiến thắng! Chiến tranh đã kết thúc! Mỹ đã xéo về nước!”. Sau những tiếng reo hò ấy, những bình rượu vốt ca ủ trong làn mây, bị cói được kéo ra. Cá muối, thịt xông khói, bơ miếng, hành lá, rau mùi...được kéo ra. Ly cụng ly chan chát. Rượu chảy xuống bao tử Nga, bao tử Việt ồng ộc. Thêm một vài ly nữa, cao hứng nhà thơ xứ Nghệ đập tiếp vào ngực mình, thốt ra một chữ tiếng Nga khá chuẩn: “Poet” (nhà thơ). Lập tức những tràng vỗ tay, những tiếng “Ura, ura” (Hoan hô) rộ lên hưởng ứng.
- Ông đọc thơ bằng tiếng Nga sao? – Có ai hỏi móc máy.
Thạch Quỳ:
- Tau nỏ biết tiếng Nga, nhưng tau đọc thơ tau theo kiểu ông Maiakovsky. Sợ chi mô! Nghĩa là vung tay ra, rút tay vào, ngửa mặt nhìn lên trời, cúi mặt nhìn xuống đất, tiến lên một bước, lùi lại môt bước...Đám hành khách Nga hiểu hết những điều thơ mình định nói. Cứ thế lu bù say ngày qua ngày, đêm qua đêm. Rượu vốtca và tuyết trắng vùng Siberia, còn gì hài hòa, uyển chuyển hơn! Tốp hành khách này xuống ga, họ liền giới thiệu tau với tốp hành khách khác. Tầu tới ga, họ còn đưa tau tới tận nơi thằng con trai tau làm việc. Đi cũng tưng bừng, vui vẻ như thế. Mà về cũng vui vẻ, tưng bừng vậy. Chẳng tốn cắc bạc nào!
Câu chuyện trên xẩy ra vào những ngày đầu đông năm 1988. Mùa hè năm 2001, tôi được đi trong chuyến xuyên Việt với các văn nghệ sĩ tên tuổi do hãng Toyota tài trợ. Mười chiếc xe mới cóng thong dong từ Hà Nội đưa chúng tôi lên thăm Nà Lừa, thị xã Cao Bằng, hồ Ba Bể, sau đó tiếp tục xuôi về qua Hà Nội, rẽ vào thăm cố đô Hoa Lư, Nam Đàn quê Bác. Buổi chiều đoàn dừng ở Vinh, Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An mở tiệc khoản đãi khá thịnh soạn. Tôi nhận ngay ra bóng dáng cao gầy cùng vẻ khắc khổ của Thạch Quỳ từ xa. Vốn ngại ngồi chung bàn với những tên tuổi văn chương quá nổi tiếng, tôi muốn tới bắt tay anh song lưỡng lự, chần chừ. Nhưng Thạch Quỳ đã nhận ra tôi, anh chạy tới xiết chặt tay tôi, thăm hỏi rối rít. Giữa chừng câu chuyện nhà thơ đột ngột hỏi tôi:
- Còn nhớ chuyến mình tới nơi ông Lênin đi đầy thăm thằng con năm sang Nga không? Chui cha, cái thời đó cực chi là cực! Tôi gật liền mấy cái. Bỗng nhà thơ tươi tỉnh, vui vẻ hẳn- Cái thằng theo ông Lênin sang Siberia đi đầy nớ đó, chừ làm ăn khá lắm. Thành ông chủ rồi!
Tôi chúc mừng Thạch Quỳ và trong đầu bỗng bật nhớ hai câu thơ của anh về đất, về đá xứ Nghệ:
Đất nơi đây đào nơi nào cũng đỏ.
Đập đá ra có ánh lửa ngời… Nguồn:
T.H
Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/thach-quy-tu-di-day-o-siberia.html
*
MỖI TUẦN MỘT CHÂN DUNG VUI
Trần Nhương
Thạch Quỳ quê ở Nghệ An
Thơ hay ngơ ngác Nam Đàn, Quỳnh Lưu
Làm thày vội vã hồi hưu (1)
Làm thơ vào cuộc thấy nhiều cam go
Sao và đất ây trời cho
Ô hay Nguồn gió cơn mưa nhập nhèm
Cuối cùng vẫn một mình em
Con chim Tà Vặt nằm im mất rồi
Đêm Giáng sinh cũng thế thôi (2)
Đô Lương thì vẫn một thời Đô Lương (3)
Bây giờ ít thịt nhiều xương (4)
Thạch Quỳ một chút họ Vương để đời…(5)
-------
(1) Nhà thơ Thạch Quỳ vốn là thày giáo.
(2)- Các chữ in đâm, gạch dưới là tên tác phẩm của Thạch Quỳ.
(3)- Quê ông ở Đô Lương, Nghệ An.
(4)- Thạch Quỳ gày da bọc xương.
(5)- Thạch Quỳ chính tên là Vương Đình Huấn.
Nguồn: http://tayhaco.com/Xuanloc/vuicuoi/thachquy.htm.
.
Nhà thơ Hồng Nhu & Nhà thơ Thạch Quỳ, Tam Đảo ngày 9.9.2011. Ảnh: Võ Quê.
.
Nhà thơ Thạch Quỳ & Nhà thơ Mai Văn Hoan, TP. Vĩnh Yên ngày 13.9.2011. Ảnh: Võ Quê.
.
Nhà thơ Võ Quê & Nhà thơ Thạch Qùy, TP. Vĩnh Yên ngày 13.9.2011. Ảnh: Vũ Thị Khương.
.
Nhà thơ Thạch Quỳ, Tam Đảo ngày 9.9.2011. Ảnh: Võ Quê.