NHÀ THƠ TRẦN THU HÀ
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 14043
Giới thiệu nhà thơ Trần Thu Hà, hội viên Hội VHNT Nghệ An.
Nhà thơ Trần Thu Hà
Bút danh Hà Thái Hoà
Sinh năm 1950
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An
- Đã từng là nhạc công đoàn văn công nghệ thuật Nghệ An (chơi đàn thập lục)
- 2007 học lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khoá 1.
- TÁC PHẨM:
+ 2006 TÌNH BẬC THANG(Nxb Hội Nhà văn) Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. ĐT: 01865138005
+ 2007 MẶT CẮT (Nxb Hội Nhà văn)
+ 2009 TRÁI ĐẤT TỰ QUAY (Nxb Hội Nhà văn)
.
- Giải thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật VN cho tập thơ "Trái đất tự quay" giải C
(không có giải A) năm 2010 .
- Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
- ĐT: 01686138005
*
ĐỒNG DAO RU MÌNH
Tung hê giải yếm
Ước mơ
Nhấp nhô
Nỗi niềm xanh lơ
Tim mình
Ướp lạnh
Kéo cày bàn phím
Vỗ cánh chữ thiền
Tay nâng tiếng ngọc
Ướt miền hoang vu
Cồn cào lời ru
Nét cười úa lạnh
Nõn nà vỗ cánh
Bẻ ghi lối về
Nghìn năm nhặt gió
Giờ ru hiên nhà
Nay thành rêu phủ
Gói lời đồng dao.
.
BIẾN TẤU LƯỠI
Lưỡi- giải khát qua lăng kính nồng nàn phép lạ
Lưỡi- đầu thai hơi thở dùm nhau
Lưỡi- kông kênh trên bước chân chạy
Lưỡi- đánh bóng từng đôi giày chủ nhân
Lưỡi- cái cân dâng hiến đầy toan tính
Lưỡi- hồn nhiên ôm eo đường chân trời đấu giá các vì sao
Lưỡi- tam giác quỷ ma lột da từ con giun đất, hăm hở gặm mòn sự thật
Lưỡi- giệt tấm thảm hỗn hợp làm tê liệt mọi dấu ấn thời gian
Lưỡi- ổ khoá đa năng đóng mở theo sở thích
Lưỡi- ham chơi tò he đánh trống thổi kèn
Lưỡi- sợi dây thòng lọng treo lơ lửng với bình hơi hết hạn
Lưỡi-
Lưỡi-
Lưỡi-
Lưỡi-
Lưỡi-
Và biết bao cái lưỡi
Cứ dài ra, dài ra, dài ra
Đấu thầu nhân quả.
.
ANH TÔI
(Thương tiếc anh trai liệt sĩ sau 40 năm tìm được)
Anh nằm nghiêng
Không tăng, không bạt
Bốn mươi năm anh nằm lại bìa rừng
Bốn mươi năm anh hoá người dưng
Nắm xương gửi rừng – Không bia không mộ
Đâu rồi
Khuôn mặt thơ ngây chưa một lần tim vỡ - Vô tư hát vang rừng
Tuổi Hai mươi xem cái chết dửng dưng
Trên đầu anh mặt trời bao giờ cũng đỏ!
Bình minh chết cho một ngày nắng đẹp
Trận giáp lá cà
Anh tôi nằm đo thời gian…
.
Bốn mươi năm nơi anh nằm nay thành phố thị
EAKA Đắc Lắc
Nước mắt Mẹ Cha cạn lăn theo anh
Phố thị bán mua
Ai mua ký ức?
Trận giáp lá cà
Anh tôi nằm nghiêng không tăng, không bạt!
Bốn mươi năm – Nhát cuốc bổ ánh ngày dựng tóc
Những hốc mắt
Sống – Chết – Nhìn
Nỗi buồn xông đất
Nén nhang đỏ…đỏ như mắt người thân
Bốn mươi năm
Chim ngưng hót sau rừng cây lá mục
Cửa đã mở…
Ước muốn
Hồn người không bị xơ cứng.
20/10/2008
Trần Thu Hà
.
CHẢY VỀ ĐÂU?
6 giờ
Chim bói cá bất mãn kéo co với bình minh giành giật sự sống với người, lươn, rắn nước cuộc phiêu diêu ngàn năm.
Chảy về đâu?
Em giẫy chết trong gương bởi trận cười thế kỷ, thôi mặt người thôi vội múa mi cong
Em miết thời gian lên dấu khói, mà đâu xoá được dấu vân tay ngoãn mục, mà đâu ngăn được tiếng nức nở cầu xin Thượng đế, con đường thôi ruột gà, sỏi đá, phân trâu
Em đã vét nhẵn đấu mồ hôi trên vú mẹ
Lớn lên
Chòng chành thác người
Hoàng hôn em từ buổi bình minh
Rồi một ngày em phát tài trên đường biên ký ức trái ngực uống cạn trăng dồn mây thành áp thấp kẻ đường viền trên mắt bão kiêu sa
Em thôi buồn, mình trần, tóc mây kiễng chân làm tình với sao bên dốc người chạng vạng
Đêm đêm giấc mơ mổ vào quả trứng chú vịt con xoè đuôi giục vọng, tưởng che được hết bầu trời, tưởng mình là đốm thiên di…
Lấp lánh ước lệ trái vú đam mê quên đường về, những ngón tay búp măng bấm vào đức hạnh nắn mãi không tan giọt dại khờ.
Một ngày.
Em khóc đổ mùa, cố nhào nặn niềm vui đại hạ giá bằng dấu chấm hỏi cổ đại
Chảy về đâu?
6 giờ…
.
CÂY KÝ ỨC
Cây ký ức
Nở trái xanh lá đỏ
Lửng lơ trên túi thời gian
Em cười
Hồn nhiên như sóng
Nhìn đôi còng gió cõng nhau đi
Em đến trú
Dưới căn nhà của bão
Rách mướp, te tua, sướt mướt vai gầy
Giày vạn dặm
Em gửi nhờ cây lá đỏ
Mùa nắng lên
Phơi mái trọ trần gian.
05/8/2007
Trần Thu Hà
.
AI XUI
Giá trị không hoàn lại
Sau cơn mưa
Bì bõm rác và bùn lẫn lộn
Đã lâu rồi
Lồng ngực bỏ hoang
Để
Bàn tay khước từ bàn tay
Dấu ngắt nhịp không đúng chỗ, tạo nên đảo phách liên hồi
Ai xui dấu chấm dôi
Cho con tim lạc lối.
Để
Lời hứa trượt dài trên độ cong trái cấm
Phát huy hết quyền năng tự có
Ai xui cặp mắt viền chỉ đỏ…
Để
Bước chân lang thang
Giá trị không hoàn lại
Nực cười
Khi
Nhìn vịt trời mượn xiêm áo thiên nga
Ai xui
Vay hơi thở
Khi
Bình ôxy hết hạn.
.
TAY THÁP BÚT
Tay tháp bút
Che nắng, che mưa, che cao, che thấp
Che bảy sắc cầu vồng, che khuyết vầng trăng
Này là anh
Này là em
Này là nụ cười, là vòng tay lộc biếc
Mây ngũ sắc loạn trời dâng tiệc
Em dậy thì
Em dậy thì
Mê tơi rằm trăng
Là bàn tay búp măng
Che nắng, che mưa, che cao, che thấp
Che từng bước anh đi
Che từng ly rượu mạnh
Em dậy thì
Em dậy thì
Mê tơi rằm trăng
Này là búp măng
Này là bàn tay tháp bút
Bời bời thức
Bời bời say
20/2/2008
.
HOA ĐỊNH MỆNH
Chắp vá
Chắp vá
Tôi cố khâu tiếng cười chưa rộ chân chim
Gửi e-mail tặng Xuý Vân giả dại
Hết chỉ
Mượn tia nắng xâu qua lỗ kim
Cứ tưởng
Cứ tưởng… vành khuyên là hạnh phúc
Ô hay
Lỗ kim tròn định mệnh
Tôi xâu thời gian
Hạt lép lọt tay
Hạt dày ngâu lút mắt
Thời gian
Tôi xâu thành cườm treo trên cổ leng keng úp mở thị phi
Thời gian
Tia nắng bò qua lỗ kim
Nở hoa văn
Định mệnh.
.
XUÂN
Em vấn lại
Một bờ trăng
Con gái
Gió cuồng say
Thả tóc
Cưỡi lưng ong
Sông vẫn chảy
Đôi bờ sa nhũ ngọc
Chốn bồng đào
Khuất nẻo
Dấu chân son
Em chạm bến
Trái bòng xanh trổ biếc
Cánh tay mềm
Thắt dải yếm
Mưa ngâu
Trái tim hát
Gọi bầy mưa con gái
Rủ nhau về
Dáng ngọc phập phồng xuân.
12/12/2008
TRẦN THU HÀ
.
THẾ GIỚI VẬT LIỆU TỐI
Nhắm mắt
Một thế giới không có ánh sáng
Tiếng cười bị khoá chặt
Con sóc có bộ lông màu hạt dẻ thích lúc lắc khoe đuôi sẽ bị hoá thạch
Loài hoa thích toả hương mỉm môi khô đét
Non tơ giấu mình trong hộp đêm sẽ làm đại tiệc cho đất
Thăm thẳm đen
Không cao thấp- giàu nghèo!
Bóng đen không thể trao vương miện cho loài chim có giọng hát hay làm nghiêng ngả sân chơi
Bóng đen không thể cấp môn bài cho ngôn ngữ đã bị nhuộm chàm, bị chấn hưng bởi loài thuốc kích thích
Dấu lặng đòi phát sóng
Tín hiệu của loài trê vàng quẫy đuôi trong nhà mồ
Mở mắt
Triệu triệu đoá hoa khoe môi hồng mê hoặc, một dòng chảy trong vắt từ kiếp trước vắt qua vai em mười bảy
Đường cong phố núi hiện ra
Tiếng khèn môi chở hơi thở em lóng lánh ươm phố bổ sung đường bay một chiều
Cài chiết áp vào giấc mơ
Không kịp rêu.
NỐT TRẦM
Người ơi
Trầu têm cánh phượng trăm năm, đợi ngày về một đêm cỏ hát
Bạc mặt người…Vỗ trắng phau phau
-Ta như bờ hoang mà sao người bón xới sợ lạc rằm xui mắt rưng rưng
Ngày giới nghiêm mắt còn e quá trẻ
Không kịp nhận ra mùi mật ngọt trong hoa
Thời gian
Mút tay thon con gái
Lặng câm ngân một nốt trầm
Em khản giọng kiếm tìm dấu xưa
Gặp đường mê gấp khúc
Gặp nghĩa địa không màu
Em mở mắt nhận nụ hôn phù phiếm
Mưa đầu ghềnh, em tím tái phía hoàng hôn
Mặc niệm giấc mơ phải tôn vinh trò ảo thuật
Gặm mòn ước lệ, uống mòn mắt cay
Người ơi
Ta như ngã say mà sao người phải lụy, ta như trái me non chưa kịp chua mà sao người phải kiếm tìm?
Người ơi
Trăm năm
ngân một
nốt trầm
Trái tim
tỉnh - thức
ngấm dần
nỗi đau.
.
.
MỘT MÌNH
Ngày hoe xanh
Em
Tu viện ngâm mình trong đáy mắt đại dương anh mênh mông mênh mông
Nâu sồng đường chân trời
Em toạ thiền trong giấc mơ đúp miên man miên man
Một mình em
Vâng
Đốt ngày chưa kịp hoá
Nghìn nghịt sóng em
Nghìn nghịt vân tay cùng điểm chỉ
Bươn bả
Xói mòn
Rồi
Lặng lẽ bóc mình ngoài cuộc
Ngày hoe xanh
Em
Loi choi trong dòng chảy.
.
NƯỚC MẮT KHÔNG THỂ TRƯNG BÀY
Giữa trận kiếp mê hoặc
Không thánh đồ
Không kịp nhận ra nhau
Một kiếp phù du, đơn điệu giữa dàn nhạc khổng lồ, thanh la nhịp phách, luyến láy cô đơn.
Ta lăn lóc giữa tiết tấu bật sáng, giữa giọng hát khê nồng, lửa mê hoặc ngút ngát thiêu.
Ta đã kịp nhận ra ta
Sống hộ ai đó, nói hộ ai đó, cười khóc hộ ai đó.
Nước mắt không thể trưng bày
Khi- những ý nghĩ vẹo vọ.
Cặp vú thời thượng tưởng mình to hết cỡ ước mơ của sắc màu kỳ nhông
Ta đã nhận ra giữa hoang không thậm thĩ
Thời gian là dòng chảy huyền thoại
Bao tên người, dòng họ khuất lấp
Ôi! Những dấu chân bạc màu, những ngôi mộ cổ…san bằng mọi ham muốn
Nước mắt không thể trưng bày
Khi
Dòng chảy huyền thoại găm vào tim nghẽn mạch.
.
THÁNG 5
Tháng 5
Nghiêng vai đội cơn khát
Tong tả
Giọt giọt số phận
Rỉnh rảng ngày
Hỉ hả
Tháng 5
Tầng tầng kiến trúc người mở khoang trời tập vi vu nói
Tập
Dư dật nhân từ
Tập
Mau mau quên
Tập
Mau mau nhớ
Thả phanh
Sợi ròng rọc tự do chạy khúc khích số phận
Rỉnh rảng ngày
Bước
Hầm hập
Thành quách nắng
Ồn ã bóng
Rêu phong ngói
Tháng 5.
.
VIẾT TRONG NHỮNG NGÀY MƯA HÀ NỘI
Mưa trắng đường
Hà Nội, băng băng nước
Gỡ những giọt mưa găm vào tim buôn buốt
Mưa
Sụt sùi va đập
Ẩn ức giật
Lều phều rác
Bước chân ngập
Ngày buồn – không ai chống chèo ngõ cụt
Long tong
Những giọt lương tâm leo qua cửa thiền vụng về
Ánh sáng tranh nhau thở
Phố dăng dăng
Tiếng lòng nhão
Mắt vũ điệu
Mưa cuồng si
Bản tấu phút giây thác nghiệt
Hà Nội nước và nước
Nhà nhà thành ốc đảo
Tự xé mình bằng những câu thơ kết tủa như loài thuỷ mặc
Ô giăng – xì xụp – công kênh – mò mẫm
Hãy gồng mình tỉnh táo, tránh sập hầm sập cống
Nắng đã lên
Mặt trời là vọng gác
Nhắc chi những ngày ở cùng với nước
Cũng hay
Nếu không mưa
Biết nơi nào cao thấp.
.
GIẤC MƠ BỘI THỰC
Em nghìn tuổi chân dài môi thế kỷ
Hát về một thời hoàng kim mất ngủ
Ru trên tay với giấc mơ tiên
Một ngày. Vi rút xâm nhập, tầng Ô Dôn bị thủng trái đất già lên men.
Mọi người chạy xô trên cầu bập bênh trượt giá
Dập cầu dao _ Đô la _ Vàng vẫn chảy máu không ngưng.
Thịt tăng trọng sạch ư?
Rau xanh qua một đêm tăng tốc
Cuộc sống hối hả như ngựa phi nước đại
Những cao ốc nhà lầu, sân gôn mọc lênbán mua nhân cách
Trên cao.
Hành tinh cũng đấu giá các vì sao
Nói chi đến lẹt phẹt mấy giải cờ người bọn chân dày đá què chân đất.
Trọng tài ư?
Họ còn lo làm đẹp … Thần tài
Chao ôi! Chỉ có đớn hèn gặm mòn sự thật
Còn mấy giọt lương tâm leo lét trước cửa thiền
Chuông chùa vẫn đổ
Mõ chùa vẫn vang
Phật vẫn cười _ Mấy nghìn năm một nụ cười độ lượng khi lá ngọc cành vàng đang nghi ngút sớm hôm
Em nghìn tuổi lưng ong môi thế kỷ
Tự lúc nào thành tiết tấu bão dông
Đánh sập kiến trúc bao đời bẻ cong công lý
Những con sâu đục than nuốt chửng mùa xuân
Em bán hết danh phận mua chút phấn son lòe loẹt
Nào ngờ… Dị ứng
Mất hết gia tài không đủ chuộc mùa đau
Bội thực giấc mơ
Siêu âm thấy điều giả dối, vết thương lòng tấy đỏ di căn
Em nghìn tuổi chân dài môi thế kỷ
Mơ một lần thế chấp cả tuổi xuân
Đã đến lúc
Không còn tin mình nữa
Bởi - Điều mình đang tin
Và
Không dám tin vào điều mình đang thấy.
11/9/2011
.
***
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG TRÁI ĐẤT TỰ QUAY
HOÀNG THỤY ANH
.
Tác giả Hoàng Thụy Anh
NVTPHCM- Trái đất tự quay là chuyện thường của cõi đời. Nó quay, chuyển mình theo trục đứng. "Trái đất tự quay"[1] của Trần Thu Hà cũng quay nhưng quay theo vòng quay của người đàn bà. Người đàn bà tự quay, tự "bão hòa" mình với những vòng quay nghiệt ngã của cuộc sống. Chị thao tác từng bước để quen, để khỏi ngỡ ngàng trước những cám dỗ của thế giới hiện thực. Vòng quay ấy quen dần và chị thành "con rối" tự bao giờ.
Lê Tiến Dũng khi bàn về phong cách nhà văn, nhận định: "Phong cách của nhà văn là những đặc điểm tư tưởng nghệ thuật độc đáo của nhà văn có ý nghĩa thẩm mĩ và có tính chất ổn định tạo ra diện mạo tinh thần riêng của nhà văn đó"[2]. Trần Thu Hà có cái riêng của mình. Không chỉ xáo trộn, ngẫu hứng khi sử dụng các con chữ mà chị còn xoay chúng bằng vòng quay của chị. Vòng quay ấy đang tranh đua với vòng quay của trái đất. Tiếp xúc với mỗi vòng quay, người đọc mở ra các khía cạnh của cuộc đời người đàn bà.
Vòng quay từ độ xuân thì đến "cuối mùa tàn"
Chị không sex ngôn từ một cách táo bạo. Nhưng những mạch ngầm nổi loạn của cơ thể như đang kiềm tỏa ý thức của người đọc. Ngay cả ngón tay cũng trở thành điểm nóng của sự dậy thì trong người thiếu nữ. Bằng cách lặp cú pháp và chọn đúng từ, chị đã đẩy hết nội lực hừng hực:
Là bàn tay búp măng
Che nắng, che mưa, che cao, che thấp
Che từng bước anh đi
Che từng ly rượu mạnh
Em dậy thì
Em dậy thì
Mê tơi rằm trăng
Này là búp măng
Này là bàn tay tháp bút
Bời bời thức
Bời bời say
(Tay tháp bút)
Tuy nhiên, vòng quay xuân thì không dài. Từ giấc mơ “mê tơi” xuân thì, chị phân thân để tìm sự kỳ thú trong tình cảm đích thực. Ngôn từ không "bội thực", không sex nhưng lòng ham muốn tìm lại dấu yêu ngày xưa đã thổi tình vào khao khát của người đàn bà: Húp vã nhau/ Thánh thiện/ Những mảnh đời xì xụp găm vào sự ngọt ngào/Em phân thân/ Thắp sáng// Thói đời// Đoản hơi// Xin đừng hóa người dưng// Cho một lần/ Phân thân kỳ thú (Phân thân). Vớt vát niềm vui sau cùng của mình, nhan sắc cũng trở thành di sản – thứ di sản "cuối mùa tàn: Xa xỉ một xứ ngày/ Dấu chấm hỏi ngân dài quyền đặc trị ta bạc màu tim ta đi ngông/ Thin thít những khoang đùi nuồn nuột réo/ Ký ức như cái bóng/ Gì kia!/ Nhan sắc rêu phong...(Nhan sắc rêu phong). Để tái tạo lại nhan sắc thời trẻ, chị cố níu thời gian bằng mọi phương tiện có thể của người đàn bà: Lớp kem Mascarra sẽ làm "nỗi đau không rỉ"; thời gian được giấu bằng ngực nõn căng phồng... Chị hóa trang trong "trò chơi thẩm mỹ": Đêm sờ tay xoa dịu những dại khôn/ Mà chờ / Mà mong/ Mà vớt mình trên cọng rêu nhan sắc/ Ép la tích dấu ngày/ Em cố rót có đọng rồi lại rót tự nhiên với sở thích nhâm nhi cho hết ngày, bên em những khuôn mặt được cài đặt sắp sẵn hình thước thợ (Lời của đá).
Âm thanh não nùng của tiếng dế cộng cảm tiếng ru tâm hồn của người quả phụ, rung lên từng khoảnh khắc lo sợ của người đàn bà. Chúng hiện hữu ngay trong từng vết nứt của bàn chân. Đó là vết nứt của thời cuộc, của thời gian đời: Vũ trụ trắng/ 21 vòng khứ hồi – âm dương chẵn lẻ/ Giấc mơ đại lộ vượt cung cấm trườn về miền cổ tích/ Đánh dấu thập kỷ đôi vương miện. Hành hạ đôi chân trần được đo bằng vết nứt thời cuộc/ Ta nghe rõ hơi thở gấp gáp trong từng sợi tóc chuyển hệ/ Bái phục/ Những đứa con Hoang thăng hoa, đội vòng nguyệt quế (Vẫn còn nguyên khối).
Vòng quay của trái đất tuần hoàn, đều đặn. Vòng quay của đời người là hạn hữu. Nắm được quy luật ấy, chị hướng về những cái gì thánh thiện nhất, tươi đẹp nhất của hiện tại để tạo dựng một tương lai tuyệt đẹp: Ta hữu hạn giữa vòng quay vô định/ Nhìn hơi thở khoác gông cùm/ Ôi! Trong đêm tối đen ngòm khi tôi nghĩ về điều tồi tệ nhất/ Phải thiêu đốt con tim man trá, đừng khoác áo cầu vồng trốn chạy thực tại// Một ngày/ Hãy thư giãn/ Để mọi căng thẳng đớn hèn rời bỏ thân xác (Ta hữu hạn giữa vòng quay vô định). Khi vòng quay đến thời kì "cuối mùa" như nhan sắc của người đàn bà thì chị lại khát khao được trở về với chính mình – nơi cái ta có thể hiện hữu an toàn nhất trước thời cuộc này. Ở đó, chị đã tìm thấy chính mình, tìm thấy vòng quay đích thực của thơ và của đời: Ta đã uống căng ê hề chữ/ Không khí chữ, tạp âm chữ, con còng chữ thất bát mù khơi/ Cho ta về với ta mùa trăng nghèo lạm phát/ Xin một đêm chín tái, nhắm nhau, giấc mơ thiền không độ.../ Này ơ!/ Cho ta về với ta (Ta về với ta).
Mới khát khao về với ta, về với bản ngã của mình, chị lại tuyên ngôn "Thông điệp của sự hồi sinh". Chị không chịu lệ thuộc, tâm thế bị động mà luôn tìm cách để bứt phá khỏi guồng quay mặc định của cuộc đời. Nguồn cảm hứng thơ đã giúp chị đứng vững trên đôi chân của mình:
Cõng trên lưng nguồn cảm hứng, bóc hết vỏ sần sùi
Nắn lại dòng chảy
Vượt qua chính mình
Không nhìn lũ kiền kiền
Không nghe lũ khiếu
(Thông điệp của sự hồi sinh)
Như vậy, tiếp bước, dõi theo hành trình quay của người đàn bà, từ sự chấp nhận, thỏa hiệp, bứt phá đến sự vượt rào về với bản ngã và di ngôn: "Ngày mới/ Lấp đầy khoảng trống/ Hôn lên dấu chân em là sự tỉa tót của dòng chảy" (Thông điệp của hồi sinh), chúng ta mới thấu hiểu nghị lực của người đàn bà thơ. Mượn thơ để đánh đu cuộc chơi của mình với đời.
Vòng quay "huých bầm tim chị"
Ở "Trái đất tự quay", người đọc còn chứng kiến vòng quay của nỗi nhớ, tiếc thương về những người thân của chị. Đó là hình ảnh em trai mang theo tuổi xuân của mình vào chiến trường. Nụ cười tuổi mười sáu mãi mãi vùi trong đất. Nhưng nụ cười ấy không tan biến mà hóa thành vẻ đẹp bất tử: Sục sôi/ Chị nghe con tim tứa máu/ Em trai ơi/ Tuổi mười sáu/ Có nụ cười vùi trong đất hóa trăng (Em trai tôi). Trần Thu Hà đã chuyển tải hết thảy tình cảm của mình dành cho em. Trên vai ấy, là gánh của nước mắt chị, của mẹ, là niềm vui của em: Chị cõng em/ Cõng cả niềm vui mới lớn/ Cõng cả chiếc ba lô lỗ chỗ vết thủng/ Cõng cả mùi súng đạn còn vương/ Cõng cả dấu vân tay còn in trên vô lăng tàu phóng lôi ngày ấy/ Yên nào/ Giờ chị cõng em về với mẹ (Về những trái thủy lôi chưa phóng...)
Mỗi nhà thơ là một sáng tạo. Họ mang đến những trường liên tưởng đầy nghệ thuật. Trần Thu Hà phát huy liên tưởng của mình bằng hình ảnh ấn tượng: Tôi đứng lặng trước tượng đài các chị/ Ngắm nhìn/ Vệt khói hương vẽ cong hình chữ S (Vòng hoa trắng). Chữ S đã trở thành tâm điểm của bài thơ. Nén nhang dành cho người của 40 năm trước thỏa khát vọng hồn người:
Bốn mươi năm – nhát cuốc bổ ánh ngày dựng tóc
Những hốc mắt
Sống – chết – Nhìn
Nỗi buồn xông đất
Nén nhang đỏ... đỏ như mắt người thân
Bốn mươi năm
Chim ngưng hót sau rừng cây lá mục
Cửa đã mở...
Ước muốn
Hồn người không bị xơ cứng
(Anh tôi)
Nếu ở vòng quay trước, người đàn bà thể hiện khát vọng giải thoát thì ở vòng quay này, nước mắt không chực chảy ra ngoài mà nó đã ngấm vào bên trong, cô đặc trái tim tím bầm trước mất mát vô biên của người đàn bà. Tấm lòng đầy nhân bản của chị như bay lên cùng đài hoa trắng.
Nhưng cuộc chơi ấy đâu chỉ có sắc thái của vòng quay mà còn là chất liệu của vòng quay.
Vòng quay của con chữ
Chị không câu nệ câu chữ, nhưng con chữ cứ như một ma lực tự dấn thân vào guồng siêu thực: Ngực nhú đá/ Hú gọi/ Mầm lách tách/ Nhụy thơm dâng tràn (Hú gọi). Chị đến với những giấc mơ kỳ lạ, giấc mơ kỳ nhông, giấc mơ quấn mình trong tổ kén anh. Giấc mơ kỳ lạ được lắp ghép bằng những mảnh vỡ của thân xác để mở ra những đường biên của nó, nhịp giấc mơ cũng chính là nhịp thiên đường:
Tiếng dế quả phụ
Mẫn cảm với vương quốc của mình
...
Giấc mơ
Vũ trụ trắng
21 vòng khứ hồi
Có còn nguyên khối?
Tiếng dế quả phụ lánh lót rung chuông
(Vẫn còn nguyên khối)
Hướng về mặt khác của vòng quay, người đàn bà ấy đang đè nén những nỗi đau thương của mình trước sự nghiệt ngã của thời gian. Thời gian của tuổi xuân thì nhưng cũng là thời gian của sự lo lắng. Chị lo lắng về tuổi tác, nhan sắc của mình. Lo lắng khi tuổi xuân qua đi là duyên tiền định của tất cả những người phụ nữ. Nỗi niềm nỉ non như tiếng dế ngoài xa.
Trái đất tự quay bằng trục riêng của nó. Thơ Trần Thu Hà cũng quay bằng trục riêng: trục lặp, trục phân rã, trục liệt kê, trục bậc thang... Không cố định mỗi vòng quay, thơ chị mở ra những vòng ngắn, vòng dài. Vòng ngắn nhất cho sự sinh nở câu thơ là 1 chữ. Vòng dài nhất là 48 chữ. Dạng thức kết hợp này tạo nên những đứt nối trong chiều sâu nội dung thơ của chị. Với câu 1 chữ, tứ thơ chông chênh, chao đảo nhưng vẫn kiên định bởi chị đã tập cho mình thói quen không chóng mặt. Người đọc cũng theo đó mà tập. Tập ngay từ vòng quay đầu tiên. Và đó cũng là sự bám trụ của người đàn bà giữa "vòng xoáy cuộc đời": Em/ Nhón chân nhẹ nhàng bước qua ô cửa óng ả mưa/ Múi thịt hân hoan/ Ngực làm đòng/ Đường cong ríu rít thở// Em/ Người đàn bà tập ru mình thon thả giữa cơn giông (Người đàn bà tập ru mình thon thả). Người đàn bà sẵn sàng háo hức kể chuyện mình mà bày với anh, với cả đất trời, vũ trụ về nỗi nhớ, nỗi chờ đợi, nỗi buồn và nỗi khát... như vầng trăng độ dậy thì, như biển thửa hồng hoang, cháy hết mình với "vầng trăng đam mê". Dòng chảy ấy miên man theo nhịp lòng và tuôn trào một cách tự do:
Em háo hức kể về quá khứ, về tương lai về những hạt bụi đời em sẽ bay... bay qua kẽ nhớ, lọt xuống kẽ tay, trở về ngày hồng hoang dày mắt nhớ, cái nhìn chai dại như nhật nguyệt ăn nhau
Đâu rồi
Anh
Thương nhớ biếc
Xóm nghèo xòe hoa mê
Em còm cõi vác nỗi buồn đi giấu
Ngoài kia bóng nắng rơi xiên
(Biển cháy)
Duyên nợ "Tình bậc thang"[3] đồng vọng, ngân dài hơn ở "Trái đất tự quay". Nếu "Tình bậc thang" là thanh âm của hai lần nhịp thì ở "Trái đất tự quay" là bản hòa tấu như người gieo vãi hạt giống thơ bằng nhịp bằng trắc. Nhịp bằng như bậc thang bước 2 lần. Nhịp trắc như bậc thang trải 3 bước. Ngỡ hồ, chúng hỗn độn nhưng bên trong là sự kết dính tinh tế của nội lực: em – xuân.
Em vấn lại
Một bờ trăng
Con gái
Gió cuồng say
Thả tóc
Cưới lưng ong
Sông vẫn chảy
Đôi bờ sa nhũ ngọc
Chốn bồng đào
Khuất nẻo
Dấu chân son
(Xuân)
Nhịp biến tấu như những đường cong trên cơ thể người đẹp. Trần Thu Hà đâu chỉ để ngôn từ diễn đạt cơ thể mà hình thức trình diễn thơ cũng đã phô bày đường cong của em.
Bậc thang đôi, bậc ngắn và bậc dài cũng được chị xâu chuỗi lồng vào những giả định – điều không thể xảy ra trong cuộc sống của tạo vật. Với bậc thang ngắn, chị đưa ra vế giả định "Nếu em không làm thơ". Với bậc thang dài, chị luận giải và tuyên ngôn triết lý: tính yêu không bao giờ chết nghĩa là em không bao giờ ngừng làm thơ:
Nếu em không làm thơ
Trái đất thôi quay, không còn nghe lời thầm thì
của em sau mỗi cơn giông, trái đất sẽ vụn ra như em đã từng vỡ vụn
Nếu em không làm thơ
Đâu tìm ra thế giới đàn ông...
Để "Trình làng" những bài thơ nổi loạn
Rằng:
Tình yêu ơi
Không chết bao giờ
(Nếu em không làm thơ)
Chị quay đủ hướng, đủ phương diện, góc cạnh: từ hình thức đến tinh thần. Dường như, con người luôn bất lực trước thời gian, bất lực trước những mất mát đau thương. Mỗi vòng quay là một thế giới. Nó tung hứng người ta như trận chiến giữa các đối thủ. Do đó, chị phải tập quay để quen thuộc, để dấn thân vào thế giới ấy. Khi sự dấn thân đến độ say mê, vòng quay biến tấu đầy tính triết lý hơn:
Lưỡi – Giải khát qua lăng kính nồng nàn phép lạ
Lưỡi – Đầu thai hơi thở dùm nhau
...
Lưỡi – Sợi dây thòng lọng treo lơ lửng với bình hơi hết hạn
Lưỡi
Lưỡi
Lưỡi
Lưỡi
Lưỡi
Lưỡi
Và biết bao cái lưỡi
Cứ dài ra, dài ra, dài ra
Đấu thầu nhân quả
(Biến tấu lưỡi)
Tuy nhiên, những ý tưởng thơ như thế này chưa xuất hiện nhiều trong tập "Trái đất tự quay". Hi vọng được tiếp tục tận hưởng những vòng quay vô tận nhưng đầy triết lý của chị trong hành trình thơ.
"Thơ có mục đích đưa những cảm giác vào tâm hồn người đọc, và gợi những hình ảnh trong trí họ, nhưng không phải bằng cách tả những cảm giác và các hình ảnh đó. Ấy là nhờ một thứ phương tiện bí mật và phức tạp hơn nhiều" (Thesodore De Banville). "Trái đất tự quay" tiềm ẩn những bí mật ấy. Nó vẫn đang chờ đợi những khám phá của độc giả lý tưởng.
Đồng Hới, ngày 1-3-2010
H.T.A
--------------
[1]. Trần Thu Hà, Trái đất tự quay, NXB Hội nhà văn, 2009. Tác phẩm đạt Giải thưởng Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội (giải C, không có giải A) vào ngày 18-12-2010.
[2]. Lê Tiến Dũng, Nhà văn và phong cách, NXB Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 24.
[3]. Trần Thu Hà, Tình bậc thang, NXB Hội nhà văn, 2006.
NGUỒN: http://nhavantphcm.com.vn/the-gioi-sach/trai-dat-tu-quay-tho-tran-thu-ha.html
***
ĐỌC HAI TẬP THƠ CỦA TRẦN THU HÀ
Hồng Nhu
Nhà văn Hồng Nhu |
Đó là “Tình bậc thang” (NXB Hội Nhà văn 2006) và “Mặt cắt” (NXB Hội Nhà văn 2007) của một nữ thi sĩ mà cho đến nay không nhiều người biết đến, ít nhất là trong làng thơ. Vì một lẽ rất giản đơn: chị mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam vài ba năm nay thôi.
Xin được phép dẫn hơi xa một chút trước khi nhập đề. Tôi, người viết bài này, là người mới dám làm thơ khi đã ngoài ngũ thập, cụ thể là khi đã 53 tuổi đầu, tóc trên đầu đã bạc xóa. Bởi vì hắn ta quan niệm “Thơ là loại hình khó nhất trong các loại hình sáng tác văn chương” (Thơ chọn lọc - NXB Văn học, 2006). Ấy vậy nhưng thơ của hắn ta chẳng có gì mới mẻ, chỉ là “truyền thống” kiểu như “Ngẫu hứng về chiều”, “Nước mắt đàn ông”, “Rêu đá”… mà nhiều bạn bè đồng nghiệp đã từng nhắc tới. Người ta nhắc tới không phải vì thơ hay thơ lạ mà vì thơ có cảm xúc thật, có thể gọn vài chữ như thế.
Trần Thu Hà hơn hắn ta ít nhất hai điều: một là chị cho in tập thơ đầu tiên khi đã 56 tuổi; hai là các nhan đề sách thơ đã vượt ra khỏi lối cũ xưa mòn lâu nay, mở ra một lối nghĩ khác: Tình bậc thang và Mặt cắt. Tại sao lại như vậy? Để cố tình làm khác người, để câu khách chăng? Không, hoàn toàn không! Trần Thu Hà giãi bày lòng mình, nói toạc ra là những mối tình của chị như những bậc thang khốn khổ và đớn đau, đầy trắc trở và lắm gian truân. Chị chẻ mình ra thành những mặt cắt rồi ngẫm suy, và từ những lát cắt đó, chị tìm thấy những gì ở cuộc đời mình để sống tiếp, ngõ hầu làm cho nó tốt hơn, đẹp hơn.
Ba mươi lăm bài tập đầu, bốn mươi ba bài tập thứ hai trong hai năm liền nhau. Trong bảy mươi tám bài thơ đó - theo thẩm của riêng tôi - có ít nhất gần 50 bài có thể xếp vào loại hay và mới lạ. Hay chưa chắc đã mới, ngược lại mới chưa chắc đã hay, lẽ thường tình là vậy. Nhưng ở cây bút nữ này, tôi cho được cả hai như đã nói ở trên. Hãy đọc:
“Câu thơ bậc thang/ chùm ba chùm bảy/ Thơ thở ra khói/ Nói điều thật buồn/ Câu thơ khất thực/ Nói điều mơ xanh/ Còn em còn anh/ Chùm ba chùm bảy/ Tung lên trời xanh/ Ta là mây trắng/ Tung vào khoảng vắng/ Ta là hư vô/ Thuở còn ấu thơ/ Ta còn mắt biếc/ Bây giờ không anh/ Ta thành câm điếc”. (Thơ tình bậc thang)
Bất cứ nhà thơ nào cũng có mảng thơ tình của mình. Trần Thu Hà không nằm ngoài thông lệ đó. Nhưng, rõ ràng chị có cách diễn đạt riêng trên cơ sở khuynh hướng cảm xúc riêng và chủ đề chung. Tình bậc thang là tình gì, nó ra sao? Thử khảo sát vài ba trường hợp của vài nhà thơ nữ thành danh đã lâu: Nếu như Xuân Quỳnh là “Ánh trăng góc cạnh, cháy bỏng và dào dạt của vầng mặt trời giữa ngọ”; Lâm Thị Mỹ Dạ là “Ánh trăng xanh êm đềm, dịu mát khoảng nửa đêm về sáng” (Trần Đăng Khoa); thì ở đây, Trần Thu Hà mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vật vã đến mức thở ra khói như đang leo ruộng bậc thang ở sườn đồi nơi vùng núi non trùng điệp. Trong trái tim yêu thương độc đáo ấy của Trần Thu Hà, chúng ta thấy sự đằm thắm, thổn thức… không có chỗ để len vào, những giọt nước mắt của sự nũng nịu, dỗi hờn… cũng không tìm được kẽ hở nào để rơi xuống.
“Tháng ba/ Thời gian/ Giọt nước mắt người dưng/ Em đừng bắc cầu vồng lên câu thơ cũ/… Em cởi áo đồng trinh/ Lau thời lam lũ…” (Biểu đồ thời gian)
Và đây:
“Đường gập ghềnh em bấm còi đa hệ/ Tình yêu/ Khai sinh cuộc sống/ Cơn đói anh mọc cánh vào em…” (Cược).
Táo bạo, quyết liệt, hơi có vẻ bất cần, nhưng không bất chấp. Bất chấp mới là điều không nên, mới đáng trách. Chiếc còi đa hệ của Trần Thu Hà thổi ré lên cơn đói anh, không phải chỉ để thỏa nỗi khao khát của cá nhân mình mà còn để khai sinh tình yêu của bao nhiêu người khác như chị và không như chị trên đời này, trong đó có chị đầy gập ghềnh và cheo leo trong cuộc sống riêng tư. Sinh ra trong một gia đình mà phần lớn anh chị em đều làm nghệ thuật. Anh trai là họa sĩ có “mác”, chị gái cũng là nghệ sĩ tạo hình nhà làm tranh cát nổi tiếng Trần Thị Thu, từng được huy chương vàng và danh hiệu “Bàn tay vàng” năm 2005 trên toàn quốc. Mười bảy tuổi vào đoàn văn công Nghệ An đánh đàn thập lục trong dàn nhạc, nghĩa là chẳng ai biết tới mỗi khi có một thành công của đoàn. Những năm đó ở đoàn văn công này, các chị Minh Ngọc, Thanh Xuân và Song Thao mới nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà cả nước. Mười năm sau, Trần Thu Hà rời đoàn, làm giáo viên dạy nhạc ở trường bồi dưỡng giáo viên huyện Nghĩa Đàn, một huyện vùng núi Nghệ An, cho đến lúc về hưu; nghĩa là cũng “vô danh” luôn. Chị đã từng nhiều năm nổi trôi khắp chốn, từ thành thị đến thôn quê, cả đến vùng núi non hiểm trở, nơi sào huyệt của “lâm tặc”, “thạch tặc”… để buôn bán vàng tấm đá đỏ… mưu sinh. Chị có một con trai duy nhất. Rất không may, cháu vướng vào cảnh nghiện ngập. Một người mẹ có con một mà lâm vào cảnh ấy, thử hỏi có ai không đau đớn dày vò, có ai còn thấy hạnh phúc thảnh thơi?
Trước khi đến với thơ, Trần Thu Hà đã sống lăn lộn và dữ dội như vậy. Song, chị là người phụ nữ như bao người phụ nữ khác trên thế gian, cũng sinh hoạt ăn uống, lấy chồng sinh con, cũng yêu đương, hạnh phúc, khổ đau, giận hờn… Trần Thu Hà khi yêu cũng có lần dại khờ, hoang phí và nhầm lẫn vân vân… như “Mũi tên bay không cần mai phục/ rơi/ rơi…” Cái khác của chị - nếu có thể nói - là chẳng giống một ai, chỉ riêng chị mới có, một nội lực tôi gọi là vô song, rất Trần Thu Hà: “Ngực rỉ máu sau mỗi lần va quệt/ Cánh rừng nguyên sinh nảy búp măng tự tình làm môi em biếc/ Gió lục soát đa tình mùa anh phê phê vết cắn…/ Em/ Lục giác đa chiều/ Môi biếc cùng anh” (Yêu)
Chín chữ kết thúc bài thơ chia làm ba câu, là một nỗi ngập ngừng đắm đuối thẳm sâu, đầy nữ tính và khơi gợi. Đồng thời, rất khó nhọc…!
Làng Lòi ở Yên Thành Nghệ An là một cái làng đặc biệt. Đó là nơi mà những chị em Thanh niên xung phong thời chống Mỹ đã quá lứa tập họp lại, thành một làng không chồng. Viết về cái làng này, đã có nhiều truyện nhiều thơ, nhiều bài báo trên các báo, tạp chí… nhiều năm qua. Nói chung - không biết có đúng không - các tác phẩm trên chỉ làm người đọc thấy thương tâm, thấy buồn thay cho họ. Nhưng đến Trần Thu Hà, chị khai thác khía cạnh đau đớn nhất, khát khao nhất - rất con người - của họ. Phải chăng đó là tính nhân văn cao cả mà chị đã phát hiện ra?
“Làng Lòi nằm úp thìa/ Chỏng chơ gió cát/ Chị nuốt khan/ Em cũng nuốt chay…
Cơn khát cuồng điên - cơn khát thịt da, cơn khát kinh niên/ Nỗi buồn rơi tự do em rên em gọi/ Anh trắng tinh, em cũng trắng tinh…”
Rồi điều gì đến tất phải đến. Hiện thực cuộc sống mà! “Làng Lòi nằm úp thìa/ soi gương soi những đứa trẻ không cha/ Hơ hớ trắng/ Hơ hớ vầng trăng bóc vỏ/ Làng Lòi trở dạ/ Làng Lòi như mơ” (Làng Lòi).
Sex đấy thôi. Thật sự Sex! Nhưng không hề thấy tục. Chỉ thấy đẹp và cao sang!
Nếu như tập thơ đầu “Tình bậc thang”, nói như nhà văn Nguyễn Quang Hà là “Những câu thơ đi tìm mình” (Lời tựa) thì tập thơ tiếp “Mặt cắt” là sự thể hiện mình, sự chiêm nghiệm mình. Trần Thu Hà không lập ngôn như một số nhà thơ đàn anh đàn chị; chị chỉ diễn ngôn và lập ý theo cái cách của riêng mình, cái cách mà nhà thơ Thạch Quỳ đã nói: “Ở tập thơ này, cái mới đã tìm ra chữ của nó.”
Chị khá công phu trong việc làm nổi bật sắc màu riêng biệt những chi tiết cựa quậy của cuộc sống thời hiện đại đang diễn ra; mà mới nhìn qua tưởng chừng như rối loạn, xô bồ, vô định hướng. Ấy là đóng góp nghệ thuật bất ngờ và đáng giá của chị - tôi nghĩ. Trong số lượng hàng năm của thơ đại trà tứ xứ hiện nay ở nước ta, có biết bao là cái tên trên các nhan đề tập thơ xuất hiện khắp nơi; và than ôi, chúng tan biến đi đâu trong dòng đời… vô tận! Trần Thu Hà là một trong số hiếm hoi giữ được người đọc thơ vốn cũng hiếm hoi và khó tính hiện nay. Chị trải đời, có thể gọi được là “già đời” - mà vẫn hồn hậu, trẻ trung đến lạ! “Linh hồn vỡ/ Buồn như đá ngủ/ Cơn sốt ký sinh/ Khuôn mặt - tấm gia huy tháng năm lồng ghép/… Em cười/ Đá nở hoa…” (Hoa đá).
Chị vẽ chân dung mình: “Thiếu phụ/ Giấu nụ cười sau chùm chìa khóa/… Tiếng thức hồi xuân/ Cơn mưa lãng đãng rơi/ Điệp khúc biến tấu trên các vì sao, những nụ hôn ru nhau bùng cháy”
Chưa ai tự ký họa mình - dĩ nhiên là ký họa nội tâm - khơi mở và thâm thúy như Trần Thu Hà: “Ác phụ râu xanh hờn ghen với em đang độ mùa thai nghén/ Con mắt mọc dọc giữa trái yêu không giết nổi sự đoan trang/ Của người đàn bà đa cảm…/ Mùa xuân đánh ghen với em”. (Ký họa chân dung)
Đó là sự tự thể hiện mình khá lạ lùng mà chân thực của người thơ. Mặt khác, người đàn bà ngót sáu mươi nhưng còn rất trẻ đẹp này chiêm nghiệm cái gì, điều gì? Tuổi tác đâu còn ít để mà lai láng, mà tuôn trào? “Trong trò chơi ú tim/ Tôi là người thắng cuộc/ Trò chơi vừa kết thúc/ Tôi chẳng tìm thấy tôi/ Ngày tháng đã xa xôi/ Chưa dễ qua khôn dại/ Bất chợt ở cuối đời/ Trò ú tim lập lại” (Ú tim)
Và đây nữa:
“Còn một chút tình/ Xin ngâm vào bình rượu đắng/ Còn một chút tiền/ Xin ném vào cõi hư vô/ Còn một chút tài/ Xin một lần thử sức/ Còn chút sắc tàn/ Xin ép hong khô” (Không đề)
Tôi chủ ý chép y nguyên hai bài thơ ngắn của Trần Thu Hà trên để kết thúc bài viết nhỏ này. Nhỏ, vậy mà tôi đã loay hoay gần nửa năm nay mới có.
Thơ hay chỉ đọc và cảm. Khó viết, khó bình về nó.
Huế tháng 5/2009
H.N
(248/10-09)
.
.
Từ trái: Hoàng Vũ Thuật, Thần Thu Hà, Thạch Quỳ, Mai Văn Hoan, Nguyễn Quang Hà.
Tam Đảo ngày 16.9.2011. Ảnh: Võ Quê.
.
Từ phảii: Hoàng Vũ Thuật, Trần Thu Hà, Nguyễn Quang Hà, Mai Văn Hoan
Tam Đảo ngày 16.9.2011. Ảnh: Võ Quê.