Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ THƠ PHẠM THỊ DIỆU THU

NHÀ THƠ PHẠM THỊ DIỆU THU


Nhà thơ Phạm Thị Diệu Thu sinh năm 1976, tốt nghiệp Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Diệu Thu đã xuất bản tập tản văn “Loa kèn trắng đợi anh” NXB Văn Học 2014 , tập thơ “Trả lại những đam mê”. NXB Văn học 2015.

DIỆP THƯ VÀ NHỮNG MÙA DUYÊN CŨ - Ngọc Thanh

Diệp Thư tên thật là Phạm Thị Diệu Thu. Người phụ nữ có đôi mắt to tròn dường như không tuổi, thích màu cam và hồng. Tưởng chừng rực rỡ trong từng cảm xúc, nhưng không. Chị âm thầm bền bỉ như một dòng sông, bồi vào phía lở bằng những câu chữ đa đoan ái tình.
Diệp Thư tên thật là Phạm Thị Diệu Thu. Người phụ nữ có đôi mắt to tròn dường như không tuổi, thích màu cam và hồng. Tưởng chừng rực rỡ trong từng cảm xúc, nhưng không. Chị âm thầm bền bỉ như một dòng sông, bồi vào phía lở bằng những câu chữ đa đoan ái tình.
Diệp Thư từng mộc mạc đời thường trong "Loa kèn trắng đợi anh" (tản văn) bao nhiêu thì trong "Trả lại những đam mê" chị cuồng dại, đắm chìm và buồn bã bấy nhiêu. Tôi chẳng mấy khi nào thấy Thư viết điều gì vui vui. Có lẽ người đàn bà làm thơ nào cũng đa đoan, cũng tự đày đọa chính mình, biến những nỗi đau âm thầm thành những dòng cảm xúc. Người ta có câu rằng: "Khi mọi ngôn ngữ đều bất lực thì âm nhạc lên tiếng" . Còn với người trót mang nợ thi thơ, khi mọi nỗi đau bị ngấm ngược vào trong sẽ hoá thành nhu cầu được viết, được chia sẻ. Nỗi buồn
đôi lúc còn được nhân cách hóa lên như một người bạn, vì ít ra, thoả hiệp với nỗi buồn thì bạn còn nhận được niềm an ủi là thơ...
Tôi gặp Thư một ngày mùa đông trong một quán Huế. Thư ngoài đời cũng bình dị và mộc mạc giống như văn, buồn buồn như thơ của chị. Ngồi nghe Thư kể về chuyện đời, chuyện viết. Thấy cuộc đời một người đàn bà mê văn chương thường nhuốm màu nâu trầm của cô đơn và khắc khoải. Năm Diệp Thư ra mắt " Loa kèn trắng đợi anh", nhà văn Ma Văn Kháng đã hết lời khen tặng. Đó là một động lực lớn, một mốc son để cái tên Diệp Thư được đón nhận.
Nhưng không hiểu sao, tôi thích Thư trong thơ hơn. Có lẽ vì thơ mới là con người giấu kín trong lòng chị bấy lâu. Thơ của chị rất thật, thật như chính khuôn mặt không thích điểm trang của chị, thật như đôi mắt lúc nào cũng mở to chực chờ rơi lệ. Rơi lệ vì những mùa duyên cũ phai tàn, vì những cánh thắm chưa về hồi sinh niềm vui trong chị.
“Trên con phố tàn thu...
Có một người đàn bà chở từng mùa đam mê ngang phố
Những đóa loa kèn trắng tinh nghẹn nở
Mùa đông ngúng nguẩy không về, nát cả giấc mơ hoang...” (Trả lại những đam mê)
Diệp Thư sinh vào tháng tám. Cái tháng buồn của thi nhân xưa. Đàn bà làm thơ thường nhẹ dạ cả tin, Diệp Thư không ngoại lệ. Thơ của chị rất thật, vẽ nên một bầu trời cảm xúc đứt đoạn và nhiều trái đắng. Có lẽ hằng đêm Diệp Thư vẫn khóc, khóc trên từng trang cuộc đời, nơi có một tuổi thơ đã đi xa rồi, nơi có những khát khao vun bồi trong kỷ niệm...
Năm 2015, Diệp Thư là một trong những tác giả được bình chọn nhiều nhất trong cuộc thi “Tác giả được yêu thích nhất năm” của Sunflower Books. Khi được hỏi về những dự định sắp tới, chị cho biết chị sẽ ra mắt một tập thơ mới trong năm 2016, và chị đang hướng tới viết cho thiếu nhi. Tin rằng, bằng niềm đam mê dành cho văn chương, chị sẽ thắp sáng chính những nỗi buồn trong đôi mắt chị, để nó rực rỡ cháy trên khoảng trời của thơ ca.
.
NgọcThanh.
- Nguồn: http://trithucthoidai.vn/diep-thu-va-nhung-mua-duyen-cu-a12…

********

THƠ   PHẠM THỊ DIỆU THU

Anh nhớ em rồi em biết không !?

Anh nhớ em rồi em biết không
Nhớ làn môi thắm, má em hồng
Nhớ thơ em viết chiều hôm ấy
Say đắm lòng anh bối rối lòng.

Anh nhớ em rồi em biết không
Nhớ tin em nhắn, nhớ mênh mông.
Nhớ tiếng cười em trong trẻo quá.
Nhớ bóng hình em - nhớ cháy lòng.

Anh nhớ em nhiều, em biết không?
Nhớ em anh luôn ngóng với trông
Sáng, trưa, chiều, tối thầm mong ước
Chia sẻ cùng em những tiếng lòng.


Tại anh…
 
Tại anh, anh thích đa tình
Nên em, em chẳng…hết mình được đâu 
Tại anh, anh thích mưa ngâu
Nên em, em sợ…dài lâu khó bền 
Tại anh, anh thích hương đêm
Nên em, em sợ… môi mềm chóng khô 
Tại anh, anh viết vần thơ
Nên em, em cứ ngẩn ngơ… nhớ người…
 
Ngủ đi em
 
Ngủ đi em, ngủ đi em
Cho đông bớt lạnh, môi mềm bớt khô
Ngủ đi đừng nhớ ngẩn ngơ
Người ta lỗi hẹn em chờ làm chi
Ngủ đi, em hãy ngủ đi
Đừng mong, đừng nhớ tình si hết rồi
Ngủ đi người đã quên lời
Thề non hẹn biển sống đời có nhau
Ngủ mau em hãy ngủ mau
Con tim đỡ lạnh, lệ sầu bớt hoen.
 
 Một nửa tặng anh…
 
Tặng anh một nửa vần thơ
Tặng anh một nửa mong chờ, nhớ thương
Tặng anh một nửa con đường
Tặng anh một nửa thơm hương tóc thề.
.
Tặng anh một kiếp đam mê!
 
Chẳng khi nào em hết nhớ anh đâu!
 
Chẳng khi nào em hết nhớ anh đâu
Nhớ từ Đông, qua Xuân rồi đến Hạ
Nhớ mùa Thu sẽ chẳng còn xa lạ
Đón anh về trong khao khát mê say.
 
Chẳng bao giờ em quên được vòng tay
Ôm chặt em, nụ hôn đầu bỡ ngỡ
Con tim em rộn ràng cùng hơi thở
Ngây ngất men tình ta say đắm trao nhau.
 
Dù bây giờ hay đến tận mai sau
Em vẫn khát vẫn mong chờ anh đến
Vẫn yêu anh như em từng ước hẹn
Dẫu bao năm em vẫn đợi anh về...
 
 Hết 

Hết nắng rồi lại đến mưa
Hết tấp nập lại lưa thưa thôi mà
Hết trẻ rồi lại đến già
Hết gần rồi lại đến xa, xa hoài
Hết sâu đậm đến phôi phai
Hết vui vẻ lại thở dài thâu đêm
Hết nhớ rồi lại đến quên
Hết khỏe mạnh lại một miền ốm đau.
.
Hết hôm nay tới mai sau
Mình yêu nhau đến bạc đầu còn yêu.

P.T.D.T

.

BÀI DỰ THI CỦA TÁC GIẢ PHẠM THỊ DIỆU THU
Tham gia cuộc bình chọn tác giả được yêu thích nhất của
Sunflower Books.


" Giận thì cứ giận
Nhưng mà nhanh thôi
Chớ giận lâu quá
Mất nhau cả đời..."

Tôi không biết mình bắt đầu yêu thơ từ khi nào. Chỉ biết rằng, từ ngày còn nhỏ, chưa vào lớp 1, tôi đã được mẹ tôi đọc cho nghe những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Cứ sau bữa ăn tối, bên ánh đèn dầu, tôi lại say sưa nghe mẹ đọc. Thích lắm những bài “Sao không về Vàng ơi?”, “Buổi sáng nhà em”, “Mẹ ốm”, “Đánh tam cúc”, “Đám ma bác giun”, “Hạt gạo làng ta” “Trăng ơi từ đâu đến” “Kể cho bé nghe”… Nghe nhiều, nên tôi thuộc làu làu và còn biết bài nào ở trang nào dù khi đó, một chữ bẻ đôi tôi cũng không biết. Thế rồi, sau này, vào cấp 1, lên cấp 2, mỗi lần dặn dò tôi điều gì, bao giờ bố tôi cũng viết vài câu thơ để cho tôi… dễ nhớ. Cứ như thế, những vần thơ, những giai điệu dần dần ngấm vào tôi, cùng tôi qua những năm tháng tuổi thơ.

Vào Đại học, tôi không chỉ mê đọc thơ, mà còn bắt đầu tập viết... thơ. Mọi cung bậc cảm xúc: Buồn hay vui, yêu hay ghét, nhớ hay quên, nồng nàn hay hời hợt… tôi đều viết. Có khi là viết từ những tâm trạng rất thật của chính mình, có khi là viết từ những điều được tâm sự, được nghe kể từ người thân, bạn bè, có khi viết để thêm yêu cuộc sống, viết để giãi bày tâm tư, viết để cho những người xa nhau muốn gần nhau hơn, những người chưa hiểu nhau sẽ hiểu nhau hơn… Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác sung sướng, hồi hộp khi lần đầu tiên thấy tên và bài thơ mình viết được đăng trên báo Hà Nội mới cuối tuần. Và kể cả sau này, cứ mỗi lần có thơ đăng báo, tôi vui lắm, đọc đi đọc lại, ngắm ngang ngắm dọc mãi không thôi.

Thật tình cờ và cũng thật may mắn, tôi được gặp nhà thơ Phạm Thị Ngọc Thanh. Được nhà thơ động viên, chia sẻ nên ước mơ về một tập thơ của riêng mình cứ ngày một lớn. Mới đầu, tôi cũng ngại ngần lắm, lo sợ lắm, lo thơ mình chưa hay, sợ sẽ không đón nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của độc giả, sợ mình phiêu lưu… Nhưng rồi, bằng sự quyết tâm, say mê của bản thân, cộng với sự động viên của bè bạn, những người thân và sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà thơ Ngọc Thanh, “Trả lại những đam mê” - đứa con tinh thần, nàng thơ đầu tay của tôi đã ra mắt độc giả yêu thơ cả nước vào đầu tháng 12 năm 2015.

Đúng là có viết thơ, in thơ, mới cảm nhận được hết những tâm trạng, cảm xúc và cái khó khăn, vất vả của một người làm thơ. Đắn đo, băn khoăn, bồn chồn và hồi hộp vô cùng! Chỉ đến khi nâng niu và ôm trong lòng “đứa con” vô cùng xinh xắn, dễ thương mà “bà đỡ” là nhà thơ Phạm Thị Ngọc Thanh và ê kip của Công ty Sunflower Books, tôi mới thực sự tin rằng ước mơ về một tập thơ của riêng mình đã trở thành hiện thực.

Tập thơ của tôi gồm 40 bài thơ nho nhỏ nhưng gửi gắm biết bao cảm xúc: Có yêu thương nồng nàn, say đắm, có giận dỗi, ngúng nguẩy, trách móc nhưng tuyệt không hờn ghen; có buồn bã, nhớ nhung da diết, có cả những khổ đau, day dứt, dằn vặt, cay đắng, ... nhưng không hề oán hận; có cả những bội bạc nhưng luôn liền kề bên cạnh những thứ tha... Và cảm hứng xuyên suốt tập thơ mà tôi muốn gửi đến độc giả chính là những khát khao cháy bỏng đến tận đáy tâm hồn, như mời gọi người đọc hãy cùng “tìm lại những đam mê” một thời. Khi những đam mê được “thắp lửa” thì sức nóng tỏa ra từ đó có thể làm tan chảy những trái tim băng giá, thôi thúc, giục giã những trái tim đang khao khát của những người đang yêu, đã yêu và sắp yêu.

Tôi luôn nghĩ “Hạnh phúc của người cầm bút là được độc giả đón nhận và chia sẻ”. Là khi độc giả nói rằng “Tôi tìm thấy mình ở trong đó”. Và tôi thấy mình thật may mắn khi mỗi tuần, mỗi ngày, thùng sách của tôi cứ ít dần đi và những tin nhắn, những dòng comment, những bài cảm nhận, những lời chia sẻ về tập thơ của tôi cứ ngày một nhiều thêm. Đó thực sự là những món quà ý nghĩa mà tôi vô cùng trân quý.
Con cảm ơn bố mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ và thương yêu con! Cảm ơn anh “ông xã” - người đã cho em một mái ấm, một tình yêu vô bờ! Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả những người trong gia đình, các thầy cô giáo, các cô, chú, anh, chị, em và bạn bè, người thân, người quen cũng như những độc giả mà tôi chưa một lần biết mặt đã động viên, giúp đỡ tôi trong thời gian qua, đó là động lực để tôi tự tin hơn trên con đường thơ ca.

TRẢ LẠI NHỮNG ĐAM MÊ


Trên con phố tàn thu...
Có một người đàn bà chở từng mùa đam mê ngang phố
Những đóa loa kèn trắng tinh nghẹn nở
Mùa đông ngúng nguẩy không về, nát cả giấc mơ hoang...

Em trả lại anh những đam mê, trả lại anh khúc tình xưa lỡ làng
Nơi em vá víu bầu trời trên từng hàng cúc nhớ
Nơi em vá víu niềm thương anh trên từng dòng duyên nợ
Nghẹn đắng trong tim người con gái năm nào...

Người ta cứ đi qua nhau, bỏ lại môi hôn, nỗi nhớ, cồn cào...
Từng sợi thuốc bay trong ngày dài khô khốc
Người đàn bà trông mùa đông, để trái tim băng lạnh
Cho nỗi buồn xưa từng thổn thức tim gầy...

P.T.D.T
http://vanhien.vn/news/Mien-nho-menh-mang-trong-Tra-lai-nhung-dam-me-tap-tho-cua-Pham-Thi-Dieu-Thu-21299

http://tuoitrethudo.vn/van-hoa/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/pham-thi-dieu-thu-%0A-tra-lai-nhung-đam-me-ngay-cu-24616-6.html

Link facebook của Phạm Thị Diệu Thu
https://www.facebook.com/thu.dieu.3192

.

T "Loa kèn trng đi anh" đến "Tr li nhng đam mê" ca Phm Th Diu Thu – Xuân Trường

(PL&XH) - Dù không phải là cây bút chủ lực nhưng từ lâu độc giả Thủ đô cũng như độc giả của báo Pháp luật & Xã hội hẳn đã khá quen thuộc với những bài tản văn, những câu chuyện đời của tác giả Phạm Thị Diệu Thu (bút danh Diệp Thư).

Thông qua những trang viết của Diệu Thu, người đọc có thể nhận thấy mỗi câu chuyện mà nữ tác giả trẻ này đề cập đến thường không dài nhưng nó luôn đem đến cho người đọc nhưng cảm giác bất ngờ. Xen với chút gì đó chua chát, xa xót là những tình cảm chân thành đến nghẹn ngào trong từng câu chữ. Chả thế mà khi đọc những trang viết của Diệu Thu nhà văn Ma Văn Kháng đã từng nhận xét rằng: “Có thể nói, tản văn của Diệu Thu là những họa tiết nho nhỏ xinh xắn, liên hoàn về cuộc sống thường ngày với các cung bậc tâm tình được gửi gắm một cách tinh tế, nhẹ nhàng, sâu xa. Cũng có khi là những câu chuyện có bố cục mang tính kịch của một kiểu truyện ngắn, nhưng dù chỉ là một đoản văn trữ tình, thì sức cuốn hút của nó vẫn là sự hồn nhiên, trong sáng, phản ánh tâm hồn dịu dàng tốt đẹp thật đáng quý của cô như cô đã từng tâm sự: Hãy yêu những gì  mình có, những gì đã có ở bên mình. Hãy yêu con người và cuộc đời này! Một chữ tình tô đẹp thế giới! Tản văn của Diệu Thu, những đoản văn nhỏ được viết bằng một tấm lòng yêu thương thật sự”.

Những tưởng sau thành công của cuốn tản văn “Loa kèn trắng đợi anh” (Nhà xuất bản Văn học – tháng 6/2014),  độc giả cả nước sẽ còn phải đợi khá lâu mới có thể được cầm trên tay “đứa con tinh thần” mới của Diệu Thu. Nhưng không! Ngay trong tháng 12 này, nữ tác giả Phạm Thị Diệu Thu sẽ lại cho ra mắt độc giả cả nước cuốn tuyển tập thơ “Trả lại những đam mê” do NXB Văn học và Sunflower Books ấn hành.

Nếu như ở cuốn tản văn “Loa kèn trắng đợi anh”, độc giả tìm thấy một Diệu Thu tinh tế, sâu sắc bao nhiêu thì trong tập thơ “Trả lại những đam mê”, người ta lại thấy một Diệu Thu rất khác với những bài thơ tình yêu nồng nàn, cháy bỏng, da diết bấy nhiêu.

Mặc dù đây mới chỉ là tập thơ đầu tay, nhưng cái tên Diệu Thu không còn quá xa lạ với độc giả cả nước. Tốt nghiệp Khoa báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Diệu Thu đã từng viết báo, tản văn, thơ… Thỉnh thoảng người ta lại thấy cái tên Diệu Thu xuất hiện trên các trang báo như: Hànội mới, Pháp luật & Xã hội, Người Hà Nội cùng nhiều trang báo điện tử khác. Cô cũng đã từng đoạt giải trong các cuộc thi viết. Như cuộc thi viết 100 chữ Blog Opera  “Giấc mơ và hiện thực” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam bảo trợ đăng trên chuyên trang Blog Việt; cuộc thi viết “Mối tình đầu của tôi” do báo tintuconline và Nhà xuất bản Dân trí phối hợp tổ chức.

Sẽ có chút gì đó tương phản, thậm chí là đối lập nếu như ai đó đã từng được gặp nữ tác Diệu Thu ở ngoài đời thực bởi nếu như “sóng tình” trong thơ của cô mạnh mẽ, dập dồn bao nhiêu thì ở ngoài đời nữ tác giả này lại dịu dàng, nữ tính bấy nhiêu. Cứ nhẹ nhàng, thủ thà thủ thỉ nhưng trong con người Diệu Thu lại ẩn chứa cả một kho chuyện khổng lồ về tình yêu và cuộc sống. Dẫu có chút gì đó khắc khoải, đợi chờ nhưng bao trùm lên cái “kho tình yêu” ấy của Diệu Thu chính là khát khao được trao gửi, dâng hiến và được sống hết mình cho thỏa đam mê cùng với người mình yêu dấu.

Sẽ không có gì là ngỡ ngàng khi tên gọi của tập thơ là “Trả lại những đam mê” nhưng xuyên suốt tập thơ lại chính là những khát khao đến cháy bỏng như mời gọi mọi người hãy cùng “tìm lại những đam mê” một thời. Có trực tiếp đến với “Trả lại những đam mê” của nữ tác giả trẻ Diệu Thu người đọc mới có thể cảm nhận được một điều rằng khi đã gọi là những đam mê rồi thì nó sẽ ngấm vào trong từng làn da thớ thịt của những người đang yêu, đã yêu và sắp yêu. Không dễ gì để những đam mê ấy có thể dễ dàng rời xa những trái tim đang phập phồng, thổn thức vì yêu hết cả. Một khi đã phập phồng, thổn thức vì yêu như thế rồi thì đam mê sẽ chỉ có thể lại tiếp tục…nối tiếp đam mê mà thôi!

Bốn mươi bài thơ xinh xắn, trữ tình, ngọt ngào với rất nhiều cung bậc cảm xúc của tình yêu: hỷ, nộ, ái, ố đã được Diệu Thu gói ghém trong tập thơ “Trả lại những đam mê”. Cùng với những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng về tình yêu, những tấm ảnh minh họa trong “Trả lại những đam mê” có thể sẽ là một cuốn sách “gối đầu giường” hoặc người bạn tri kỷ của rất nhiều trái tim yêu.

Xuân Trường

.

TÌM LẠI ĐAM MÊ TRONG TẬP THƠ “TRẢ LẠI NHỮNG ĐAM MÊ CỦA PHẠM THỊ DIỆU THU – Trúc Linh Lan

Nhà thơ Trúc Linh Lan, Chủ tịch Hội Nhà Văn Cần Thơ.

     Đọc tập thơ “Trả lại những đam mê” của tác giả Phạm Thị Diệu Thu do Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành, có cảm giác lòng mình dịu lại bởi sự ngọt ngào mà người phụ nữ dành cho tình yêu. 40 bài thơ tình, có lúc trong tâm thế nhẩn nha dịu dàng ấm áp, có lúc mãnh liệt, nồng nàn và cháy bỏng. Tôi bắt gặp một Diệu Thu tinh tế, chu đáo trong tình yêu với một việc làm rất nhỏ là cài cho người yêu một bản nhạc chuông, qua điệu nhạc cô sẽ biết được anh vui hay buồn, để thể hiện tình yêu của cô gái với chàng trai biết bao tin yêu, mơ mộng. Nhưng rồi chàng trai đó thật vô tình, anh đã xóa đi: “Nhưng hôm nay/ bản nhạc ấy/ không còn/ ngân lên nữa…” Một sự thảng thốt, xót xa, rồi tự hỏi: “là vì sao/Anh nhỉ!?” Dấu chấm cảm cùng dấu chấm hỏi thể hiện tình sự đột ngột, hụt hẫng. Sự nuối tiếc đến ngỡ ngàng của một Diệu Thu tha thiết đắm say, và chút hối tiếc ngọt ngào: “…Bản nhạc chuông/ của một thời/ mộng mị/ Một thuở yêu/ và một thuở/ được yêu…”. Bạn yêu thơ hãy nghe lời tự tình của nhà thơ:

Nhưng em vẫn
một mình/
trong se sắt
Vẫn cài cho anh
bản nhạc chuông
đã đặt…

     Một sự khờ khạo thật đáng yêu phải không? Hình như trong tình yêu ai cũng có ít nhất một lần dại khờ như vậy. Sao tôi yêu quá tứ thơ này: Liệu có một ngày/ bản nhạc ấy/ vang lên!?” (Bản nhạc chuông buồn – trang 8). Nhà thơ thích dùng dấu câu kép hình như muốn qua đó bộc lộ cảm xúc của mình. Một thứ cảm xúc vừa hy vọng nhen nhóm chút lo lắng vu vơ. Bản nhạc ấy có vang lên lần nữa hay không, nhưng mùa đông này sẽ lạnh hơn, buồn hơn vì em mất anh rồi, khi người con trai đó: “Anh vẫn cứ lặng im/ Không nói lời từ biệt/ Và em, em đã biết/ Đông này không còn anh…” (Đông này không còn anh - trang 12). Một sự thật rất đau, rất trống vắng khi ngoài kia rét đang về, chiếc áo ấm vẫn không làm ấm lòng em được vì không còn: “Bản nhạc chuông/ xua tan/ bao giá lạnh/ Bản nhạc chuông/ xua đi/ những hiu quạnh/ Đem đến cho em/ bao ấm áp/ tươi hồng…”. (Bản nhạc chuông buồn). Hình như ký ức tươi đẹp luôn ám ảnh khi người ta xa nhau, cô gái trở nên yếu đuối, tha thiết hơn: “Thì anh ơi/ cho em xin/ được một lần/ toại nguyện/ Ôm chặt anh/ giữa đông giá/ cuộc đời....”. Câu thơ khẩn thiết, ray rức trái tim những người với những cuộc tình dở dang:

… Chỉ lần này,
Chỉ lần này thôi...
Xin anh chút
ấm nồng
dư hương cũ...”
(Không thể và có thể - trang 20)

     Cái tên bài thơ cũng tạo nên điểm nhấn thú vị cho bạn yêu thơ. Nồng nàn cháy bỏng, đắm say ngây ngất vẫn tỉnh táo nhận ra rằng điều mơ ước đó đang ở điểm song song “được và không được”, giống như các dấu câu song đôi mà nhà thơ nữ đầy tâm trạng hay sử dụng dấu chấm cảm và dấu chấm hỏi. Thời gian trôi, bao mùa loa kèn rộ nở người xưa vẫn chưa về. Sự mỏi mòn nỗi nhớ như lặng sâu vào đâu ở góc khuất trái tim khiến cô gái tưởng chừng đã quên:

….Loa kèn kia
Hương vẫn tỏa bay
Mà nỗi nhớ, không thuộc về em nữa...
(Loa kèn vẫn hát – trang 24)

     Phải chăng chàng đã quên? Chẳng qua một câu thơ tình bất chợt vu vơ rơi xuống như lá mùa vô tình bay trong heo may: “… Em vẫn cứ ngóng trông/Đợi anh quay trở lại…”. Một người đàn bà thẫn thờ bên song cửa ngóng đường xa bóng ai đó quay về, chờ một tiếng chuông điện thoại vang lên trong chiều vắng và cuối cùng nắng hoàng hôn tắt rồi:

Yêu thương nào vụt tắt
Cuộc tình nào bay đi
Còn riêng em đứng lại
Tiếc câu thơ làm gì...
(Lỡ - trang 28)

    Trong 40 bài thơ thì đấy bài thơ tôi thích “Rót tình” – trang 42. Tình mà rót được mới hay chứ! Ở tứ thơ của Diệu Thu ta bắt gặp chút dịu dàng, ấm áp. Nhà thơ nữ này không đem tình rót ra chén hay rót đổ đi mà: “Rót đầy ngực anh/ Chút tình nhung nhớ/ Cho mềm hơi thở/ cho mềm con tim….Rót cho môi mềm/ Ngậm trong say đắm/ Rót vào ký ức/ Cuộc tình trong veo”. Điệp từ “mềm” được lặp đi lặp lại thể hiện được sự mềm lòng của phụ nữ khi nghĩ về một thời kỳ hạnh phúc đã qua, tất cả trở nên “trong veo” khi người đàn ông quay về. Theo tôi đây là một tứ thơ đẹp, vừa nồng nàn, say đắm, vừa thể hiện được nét dịu dàng rất nữ tính, rất khoan dung. Hãy nghe tác giả trách cứ nhẹ nhàng đáng yêu:

“…
Tại anh
anh viết vần thơ
Nên em
em cứ
ngẩn ngơ… nhớ người…
(Tại anh – trang 43)

     Nỗi nhớ không thuộc về em, mà thuộc về những kỷ niệm sâu đậm giữa hai người:

…Chẳng bao giờ em quên được vòng tay
Ôm chặt em, nụ hôn đầu bỡ ngỡ
Con tim em rộn ràng cùng hơi thở
Ngây ngất men tình ta say đắm trao nhau.

Dù bây giờ hay đến tận mai sau
Em vẫn khát vẫn mong chờ anh đến
Vẫn yêu anh như em từng ước hẹn
Dẫu bao năm em vẫn đợi anh về...
(Chẳng khi nào em hết nhớ anh đâu! – trang 52)

     Đôi lúc cảm xúc cũng tự đánh lừa mình, không tin đó là điều có thật, vì tình yêu mình cho đi nhiều quá, sâu nặng thế: “Em chẳng tin chúng mình lại chia tay/Vì tình yêu vẫn còn đầy ăm ắp…” (Có lẽ nào – trang 63)). Và rồi giấc mộng ấy cũng tỉnh thôi, dù xót xa, dù đau đớn vẫn phải chấp nhận, tự dằn dặt mình. Hình như tôi nghe thương cảm quá, một sự lẻ loi, buốt lạnh, lạc lõng đâu đây: “Nếu nhớ anh em biết phải làm sao/ Khi Mùa Đông đang tràn về hối hả/ Khi dòng đời vẫn trôi đi vội vã/ Chỉ mình em lạc lõng giữa bao người…” (Nếu nhớ anh em biết phải làm sao? – trang 65)). Bao nhiêu năm mà hình bóng người xưa cứ khắc sâu trong tâm khảm: “Biết làm sao ru ngủ một cung buồn...”. Dù sự từ bỏ không hối tiếc của người đàn ông bội bạc, người đàn bà với trái tim dễ vỡ kia vẫn đầy thương cảm khi nói với người xa để anh ta yên lòng với duyên mới: “Đừng sợ em buồn, đừng sợ khóe mắt cay/ Em chỉ cần được thấy anh hạnh phúc/ Hứa với anh em sẽ không bật khóc/ Dẫu suốt đời này em mãi mãi yêu anh!” (Nếu một ngày… - trang 68).
Trong bài “Những giọt lệ” nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết “Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Nhà thơ nữ này thấu hiểu điều đó, Diệu Thu diễn đạt bằng một cảm nhận rất riêng, nhưng tôi nghĩ trái tim rung cảm của phụ nữ đáng được yêu thương, trân trọng:

…Anh ạ, biết yêu thương kia còn lại chỉ riêng mình
Em chẳng biết dựa vào đâu để khóc
Mọi niềm vui sẽ qua trong thoáng chốc
Chỉ nỗi buồn còn lại đến trăm năm
Chẳng bao giờ em trọn vẹn niềm vui đâu anh.
(Chẳng bao giờ em trọn vẹn niềm vui – trang 71)

    Thôi thì Diệu Thu ơi bạn yêu thơ sẽ cùng em “gom lời hẹn xưa” “Gom bao nhiêu nữa cho vừa?/ Sợi thương cột lại, gom mùa hư không...”  Và trên con đường xưa, dấu chân ai còn vương lại bạn yêu thơ sẽ bắt gặp: “Trên con phố tàn thu/ Có một người đàn bà chở từng mùa đam mê ngang phố…”, trái tim ngân lên những nốt ngân buồn:“Em trả lại anh những đam mê, trả lại anh khúc tình xưa lỡ làng/ Nơi em vá víu bầu trời trên từng hàng cúc nhớ…”  (Trả lại những đam mê – trang 80).
      Khép lại trang cuối cùng của tập thơ, tôi vẫn còn thấy cảm xúc đọng lại đâu đây, một người đàn bà tự dặn lòng chối bỏ những đam mê, nhưng dường như không phải như vậy. Trái tim yếu đuối đó vẫn nồng ấm ngọn lửa yêu thương cho một cuộc tình không trọn vẹn, để trải lòng qua thơ. Tôi chỉ muốn đi hết miền nhớ của Thu, để cảm hết cái đẹp trong trái tim người phụ nữ này. Mùa Hoa bưởi đã đi qua nhưng tôi biết : “Hoa ngập trắng cho lòng ai khắc khoải/ Để mùi hương vương mãi cả một đời”. Tôi muốn cùng em cúi xuống tìm đâu đó:

Có câu thơ gãy cuối đường
Nằm phơi xác tím màu thương hôm nào…
(Miền nhớ)

     Để chia sẻ cùng em những tiếng lòng!

T.L.L

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.