Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà thơ VŨ TRỌNG QUANG

Giới thiệu nhà thơ Vũ Trọng Quang (TP. Hồ Chí Minh)

 

 

Xem hình

 

 

Quê quán: Quảng Nam - Đà Nẵng. Hiện sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.  

Bút danh khác : Nhị Ka

Còn có bút danh Quít dùng cho tranh châm biếm .

Trước năm 1975, cùng nhà thơ Linh Phương chủ trương Văn Nghệ Động Đất. Sau năm 1975, trong Ban chủ biên tập san Văn Chương. Cộng tác viên văn học với một số báo ở Thành phố Hồ Chí Minh  

 

TÁC PHẨM CHÍNH:


- Nỗi buồn của chúng ta (Văn Nghệ Động Đất, 1971)
- Đã hết giờ của Lọ Lem (Văn Nghệ Châu Đốc, 1994)
- Thơ tự do (Nxb Trẻ, 2000)
- Thơ hôm nay (Nxb Đồng Nai, 2003)
- Hôm qua Hôm nay và Hôm sau (Nxb Đà Nẵng, 2006)

 

 

 Nha tho Vu Trong Quang Nguoi di bo trong giac ngu

 

TIẾP VIÊN

 

 Mai anh thôi muốn đến nhà

  bởi em

  có nghĩa nay là cuộc vui

  bởi em

   rớt xuống bao người

  tay không che nổi trận cười đàn ông.  

 

  VỌNG 

 

  Em đánh cắp của anh giấc ngủ

  đêm không cà phê đêm tự tử

  ly rượu muốn say sao không say

  mai xa, còn đó mùi hương cũ

 

 Phi trường mây trôi ngàn cây số

 áo em phần phật tiếng gió hú

  mắt em lấm tấm một chút mưa

  lòng anh cồn cào cơn bão dữ

 

  Em đã xa và đã xa thật

  chuyến bay mang vội một lời thề

  nửa trời trái đất không quay ngược

  nửa trời còn lại hòn vọng thê.

 

 

  NGƯỜI CŨ

 

  Nỗi nhớ rủ tôi tìm lại dấu vết cơn địa chấn

  lâu rồi tiếng dương cầm vẫn nhịp nhanh tức giận

  mùa đông ngủ triền miên trong ngôi nhà có em khóa cửa

 

  Chiều tím ấn tôi ngồi xuống vỉa hè với ly rượu cùng đợi chờ sám hối

  tiếng cầu kinh vây quanh đây

  hình như em còn đội khăn đẹp cho cuộc tình đã chết

 

  Một lần tay chạm mạnh vào mặt nhau

  bao năm chưa phai vết hằn ê ẩm

  một lần  lời nặng nề với nhau

  bao năm chưa nguôi ngoai cơn giận

 

Men say xui tay gõ cửa liên hồi

trái tim xưa vẫn đóng.  

 

HÔM BIỂN ĐỘNG 

 

Biển động vẫy cờ đen xua sóng cả vào giấc khuya

biển động trong mỗi người nóng lên tràn bờ sinh lực

ngày mềm lòng đêm ghì cứng thỏa hiệp như chưa từng

lời thì thầm từ trong truyền thống

em còn nguyên xanh

mắt cùng mở nhìn rõ khuôn mặt nhau

nén xuống

mắt cùng khép nhìn rõ tâm hồn nhau

nén xuống

tiếng gọi từ trong ý thức

không thể không thể

vượt

qua

giới hạn

 

Tỉnh táo quá

nơi không dành cho tình yêu

tỉnh táo quá

nơi phía mặt trời mọc

 

Biển động vẫy cờ đen xua sớm mai quay về phố

biển động đến động mạnh

biển dậy sóng

biển ngoài vùng phủ sóng.

 

NGÔI NHÀ

 

 Một tay ôm con một tay ôm đàn

không còn tay nào mẹ vẫy chào khu rừng lãng mạn khói lửa

tôi bắt đầu tôi dưới chân cầu

thở mùi tanh của cá

tắm dòng sông nước đen

từ tiếng rao bán báo tôi lớn lên

từ tiếng gõ vào thùng đánh giầy tôi lớn lên

em dậy thì bên kia sông

tôi tỏ tình bằng im lặng.

 

Cha tôi bỏ xác trên rừng

mẹ ngồi đan áo mũi kim đâm vào đầu ngón tay

nước mắt rơi xuống hai chữ anh hùng

tôi tiếp tuc cầm súng đi ngược chiều Trường Sơn

mở khóa an toàn bắn chỉ thiên

cuộc chiến khốc liệt cuối cùng đã kết thúc

tôi và em bày ra một xung đột khác.

 

Mẹ không còn ngồi đan áo

ngón tay còn nhỏ máu

ngón tay bấm vào dây đàn

nốt nhạc rơi xuống hai chữ anh hùng.

 

Con tôi vẽ chân dung tôi

không rõ nét.

 

ĐƯA CON ĐI THI

 

Ba đang đọc báo bên đường và đang cặm cụi trong phòng thi kia

hồi hộp dài hơn ba mươi năm trước

còn đó mùa tim đập vội

những chữ & số nhảy khỏi trang báo ngổn ngang

 

Chỉ bước một đoạn đường

bao nhiêu nguyện vọng xanh

cây bút đi từ tóc xuân ba tới đôi kính con chưa ngưng nghỉ

tiếng chuông hết giờ giật mình tuổi trẻ

 

Vẫn đứng đợi bên này

tay đưa tay gọi tay

đám đông một khuôn mặt

con cắt lớp ra khỏi cổng trường ba đối diện chính ba

hy vọng là bản nháp hoàn chỉnh

phản xạ một câu hỏi nhiều lần

được không

 

Con thi ba thi và một người khác nữa

ví dầu cầu ván đóng đinh trường đời tựa cửa

dấu hỏi trong giấc mơ đôi mắt mẹ

được không được không

 

V.T.Q

 

 CON ĐƯỜNG THƠ

 

 

Tham luận về "Thơ Việt Nam đương đại" tổ chức tại Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) ngày 19. 2. 2008.

 

 

I/. HÀNH TRÌNH TẤT YẾU:

 

Bước chân bắt đầu từ khởi điểm Octavio Paz “Giữa im lặng và tiếng nói, đó là thơ”. Vậy thì yên lặng hay lên tiếng, có người nói thơ là tiếng nói, và có người cho vô ngôn là một giá trị.

 

Khi còn bé tôi rất mê xem phim hoạt hình từ chú chuột Mickey đến Bambi đến Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn, mê đến độ sau này ước ao Việt Nam mình khoảng 20 năm nữa sẽ thực hiện được những phim như vậy. Đến nay khi Bạch Tuyết hoạt hình tổ chức sinh nhật 50 năm, từ hoạt hình phẳng 2D “Vua Sư Tử” …v.v… di chuyển bay vào không gian 3D “Đi tìm Nemo” …v.v… mình vẫn chưa chạy kịp bước đi của Bambi. Thôi thì thông cảm, kỹ thuật họ tiên tiến, xảo thuật họ linh động, chờ thêm 100 năm biết đâu mình sẽ bơi theo kịp chú cá nhỏ Nemo. Con tôi hỏi “Xạo quá ba ơi! Cá cha của Nemo biết đọc chữ”. Không xạo đâu con, nó khêu gợi trí tưởng tượng của con đó.

 

Phải tưởng tượng, liên tưởng, bay bổng.

Phải di chuyển.

Thơ di chuyển như những bước chân, nếu gọi bước chân là hiện thực thì chiếc xe đạp là đôi chân trên hiện thực (hay siêu thực), thời gian sẽ gắn cho xe thêm động cơ, không gian sẽ gắn cho bước chân động cơ cánh bay, bay vào và vượt qua khỏi tầng khí quyển. Nếu dừng lại có nghĩa là lùi lại, bước chân mở ra những con đường, từ đường mòn đến đại lộ, nhiều xa lộ giao nhau, từ mặt phẳng đến không gian. Khơi mở, đi và bay mãi. Thơ không dừng lại.

 

Thơ Mới (còn gọi là Thơ Tiền Chiến) bỏ lại sau những Đường Thi Cổ Điển, đi qua những ràng buộc luật lệ khắt khe. Đi như đôi hia bảy dặm, bay như Tôn Ngộ Không cân đẩu vân, rực rỡ vô cùng. “Tình Già” của Phan Khôi, “Lời Kỹ Nữ” của Xuân Diệu, mấy bài thơ của TTKH …v.v… Ngày xưa những bài này mẹ hay đọc cho tôi nghe, nó thuộc hàng “Top Ten”. Nhưng bây giờ rên rỉ như kiểu “Nếu biết rằng tôi đã có chồng. Trời ơi! Người ấy có buồn không?” thì còn là gì nữa, nếu bắt chước con đường Thơ Mới đã đi qua, thì Thơ Mới sẽ buồn lắm, Thơ Mới sẽ cũ đi, như thế có nghĩa  ta đắp mồ cho chính thi ca. Trong thời kỳ này có cuộc hành trình của Xuân Thu Nhã Tập, nhóm này vẫn là dạng phơi mở, đi chưa hết và vẫn tiếp tục (có thể xem như gieo gợi cho dòng thơ hiện đại sau này).

 

Cuộc sống như một mũi tên lao tới. Có một thời tôi bị thôi thúc bởi những câu thơ Thanh Tâm Tuyền:

Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông

mà hồn mình phơi trên kè đá

chiều không xanh không tím không hồng

những ống khói tàu mệt lả”.

 

Mỗi lúc mỗi thời điểm phải khác đi, Nguyễn Trãi vĩ đại, Hồ Xuân Hương vĩ đại, Nguyễn Du vĩ đại. Nhưng không vì thế mà rập khuôn tiếp bước. Sau Đoạn Trường Tân Thanh có nhiều hậu Đoạn Trường Tân Thanh, nhưng như mọi người đều biết tất cả bay theo mây và chỉ để lại vô thanh.

 

Đến ngã tư, dừng lại một chút, thấy một hành khất thổi còi điều khiển xe cộ qua lại; thi sĩ Bùi Giáng:

Con chim thì ta biết nó bay

con cá thì ta biết nó lội

thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ

nhưng thơ là gì

thì đó là điều

ta không biết”.

 

Vậy thì càng phải đi tiếp, mênh mông, bát ngát quá. Tìm thơ ở đâu?

 

Con ruồi sống vài ngày, con rùa sống một hai trăm năm, thời gian nằm trong một hệ qui chiếu, tất cả chỉ là một sát na, tất cả chỉ là chớp mắt. Kim Tự Tháp có mấy ngàn năm, rồi cũng sẽ tan biến. Mặt trời sẽ tắt, vũ trụ rồi sẽ được hình thành từ sự mất đi của vũ trụ khác. Tôi thích nghệ thuật cận đại: Sắp Đặt (Installation) và Trình Diễn (Performance), được tạo dựng tồn tại khoảnh khắc và tự xóa bỏ.

 

Từ hôm qua đến hôm nay, cổ điển đến hiện đại, chạm vào hôm sau bức tường Max Jacob “Thơ hiện đại vượt qua mọi lời giải thích”.

 

Nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng: Thi ca là bước vận động biện chứng đi tới và sáng tạo vượt qua. Nhà thơ là kẻ thất bại trên hành trình từ khởi điểm này đến khởi điểm khác, là kẻ ý thức về đỉnh cao chứ không thể chạm tới đỉnh cao…

II/. HIỆN TRẠNG THƠ VÀ PHI THƠ:

Và thơ thương đại Việt Nam? Một tra vấn về số mạng sứ mạng của thơ.

Có một số nhiều đôi mắt trăm tuổi nhìn thơ hiện đại khai phá và cách tân qua kính lúp không thiện cảm, nhìn thể nghiệm bằng sự dị ứng và chối bỏ. Do vậy từ lâu thơ chạm phải những rào cản lớn, đó là các biên tập viên nhà xuất bản, những người chọn thơ cho báo chí và tạp chí; dĩ nhiên là họ thực hiện theo sự “nhắc nhở” ở trên: Thơ phải có tiêu chí, phải được định hướng, phải xác định rõ ràng. Đối với thơ không có cái gọi  xác định, mà nó ám ảnh tình trạng  tâm thức phi xác định. Thơ là giấc mơ đời sống tâm linh, không chịu tầng áp bức nào. Thơ ở vị trí của mức thủy ngân trong nhiệt kế, đo lường ý thức tâm hồn nóng lạnh buồn vui của bản ngã, không gì có thể đè mức dao động ấy (dầu là uy quyền). Tiếc thay cũng có những người thỏa hiệp, tự biên tập làm cũ chính mình nép mình vào trong cánh cửa để chữ được phơi bày ra, vì vậy không khó hiểu khi thơ phi thơ được sản sinh vô tính hàng loạt. Trong guồng máy văn chương thi ca quán tính cũng có một số khuôn mặt đam mê cái mới đam mê cái khác nhưng cũng tự  lệ thuộc quanh quẩn trong vòng tròn đã được vẽ sẳn. Bi kịch ở chỗ thơ chống lại thơ ấy vẫn còn tiếp tục và trở thành hài kịch. Có người nói nếu anh giỏi thì thơ phải biết lách, trời ơi! Thơ phải hèn vậy sao?                                                                                      

Nhưng… Thơ chân chính chân thực, Thơ viết Hoa, thơ đích thực không cam chịu cư trú trong bốn bức tường, thơ là hơi thở nên cần nơi thông thoáng đầy đủ dưỡng khí. Cuộc cách mạng viễn thông tạo ra lực nam châm thu hút dòng thơ nỗ lực tìm kiếm, tác giả thơ có điều kiện bày tỏ trọn vẹn, sự thể hiện thể nghiệm được chú ý, sự trung thực được đồng tình; các websites các blogs là nơi chốn được thơ tìm đến (Tất nhiên ở đó vẫn có rác, tự do mà, rác thì môi trường nào cũng có); cuộc cách mạng viễn thông đưa thế giới nằm trong lòng bàn tay, biến dàn vi tính trở thành một nhà xuất bản nằm trong lòng bàn tay, sách in ra mỹ thuật không thua gì ở những nhà in “chính qui” buộc phải có giấy phép. Những tác giả xuất hiện ở nhà in siêu mini này nhìn thấy “đứa con” được mang khuôn mặt của chính mình mà giá trị là sự hài lòng.

 

Sự gì tốt sự ấy hợp với quy luật, chiếm được ưu thế và nhiều ưa chuộng , con đường phát triển không lùi lại của thơ là một xu thế trào dâng trào lưu đi tới chứ không phải những mode thời trang thoáng qua.

Một câu nói rất xưa nhưng luôn đúng “Thời gian là thước đo”.

 

V.T.Q

 

 

Bông tạo ra cái đẹp
Giấy tạo ra cái chữ
chắc gì Bông tạo ra cái đẹp
chắc gì Giấy tạo ra cái chữ
đều cần thiết

Bông đang úa
Giấy đang rác
đều cần thiết.


V.T.Q 

 

 

Nhà thơ Linh Phương & Vũ Trọng Quang

 

Tư liệu:

Vũ Trọng Quang và hy vọng cách tân - Tần Hoài Dạ Vũ

http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/tho/19680-vu-trong-quang-va-hy-vong-cach-tan.html

Nhà thơ Vũ Trọng Quang: Người đi bộ trong giấc ngủ... - Anh Trúc

http://vietbao.vn/Van-hoa/Nha-tho-Vu-Trong-Quang-Nguoi-di-bo-trong-giac-ngu/40133317/105/

 

 

 

 

Từ trái: Vũ Trọng Quang. Vũ Hồng, Trần Hữu Dũng, Võ Quê

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.