Trang viết CHINH NGUYÊN
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 5197
Giới thiệu sáng tác Chinhnguyen (Nguyễn Huỳnh Dung) hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.
CON GÁI MIỆNG RỘNG
"Đàn ông miệng rộng thì sang/ Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà".
Chẳng biết ông bà mình nói vậy có ý gì, vì sao lại tan hoang cửa nhà được hỉ? Chắc tại miệng mấy bà mấy cô rộng thì cười lớn quá, ăn nhiều quá hay chửi nhau siêu quá?...Tôi công nhận là phe mày râu miệng rộng cười rất bảnh, nhưng giới hồng quần miệng rộng làm "tan hoang cửa nhà" thì thật bất công, mang tiếng cho các cô các bà quá! Tại vì miệng ai cười ra mà chẳng rộng chứ, chẳng lẽ lúc nào cũng phải mím chi... cọp hết hay sao!? Theo ý mình thì cùng lắm các cô miệng rộng chỉ ngang ngang một tí, lì lì một ti thôi (mà khả năng này mấy nàng miệng chúm cũng không thua kém à nha):
"Con trai miệng rộng thì sang
Con gái miệng rộng vừa ngang vừa lì"
.
mà cũng có thể là họ chẳng ngang chẳng lì chút nào đâu, có khi lại rất ngoan hiền ấy chứ:."Con trai miệng rộng thì sang
Con gái miệng rộng vừa ngoan vừa hiền"
.
Nói vậy hong phải là tui bênh vực vô căn cứ đâu nha. Trước giờ cũng có người bất bình giống như tui rồi, cho nên mới có câu nữa rằng: " Đàn ông miệng rộng thì sang. Đàn bà miệng rộng... cũng sang như thường" đó!Các mày râu, các hồng quần ai có phản biện gì thì ngồi vào bàn tròn ta họp chuyện! Xin mời!
.
Nguyễn Huỳnh Dung
Thể Thao & Văn Hoá 7.10. 2008
TONY
Tôi có đứa cháu tên ở nhà là Tony (tên này ba Tony đặt vì khoái cầu thủ nào cùng tên trong đội banh Pháp). Tony gọi tôi là cô Út, chính xác hơn là cô Ún (vì nói chưa tròn vành) và tự gọi mình là Ni.
Ni đến tuổi đi nhà trẻ, bà nội và ba mẹ tìm nơi để gởi Ni vào chơi học. Trường Mẫu giáo công lập gần nhà Ni chỉ nhận giữ trẻ đến trưa. Mà mẹ của Ni thì bận quá nên muốn gởi Ni đến xế chiều. Xem xét, chọn lựa sau cùng cu nhóc được gởi ở lớp học của mấy “sơ” trong “giáo xứ” gần nhà.
Ở nhà được tự do, giờ đi học thì phải theo nề nếp, phải ăn hết suất, chơi xong phải biết dọn đồ… Mấy sơ ở lớp thì đâu thể chìu như ở nhà nội và mẹ thương, nên Tony mếu suốt. Sáng đi học thì la toáng, biểu “ đừng đi đường này” chiều về thì “đeo” lấy mẹ, ai nhắc đến đi học là lơ mặt buồn thiu. Mà nghe mấy sơ kể lại Ni khóc đã rồi im đến lúc bạn khác khóc thì “ lêu lêu mắc cỡ”… Mẹ Ni sót ruột, mỗi lần đưa Ni đi học là nước mắt lưng tròng theo con nên định cho nhóc ở nhà và nhờ người trông trẻ. Cô Ún thì ủng hộ phương án quyết tâm và dứt khoát cho Ni tiếp tục, chịu khó “làm tư tưởng” cho cu nhóc thêm, động viên nhóc thích “đi bạn” chứ ở nhà với người lớn hoài cũng đâu có khá !…
Được chừng một tháng Ni đã quen quen, đi học về bi bô mấy bài hát mới, mấy câu kinh..., đi học cũng không thường xuyên mếu khóc nữa.
Hôm rồi cô Ún về, hai cô cháu chơi hát qua hát lại cho nhau nghe, cháu hát thì cô khảy “đàn tay” (hai tay làm động tác như đang ôm ghi ghi- ta vậy, hihi), cô hát thì cháu nhún mình nhảy nhót… Tiếng Ni cười khúc khích trong veo, cô Ún nghe "ghiền" quá nên lấy hết "vốn liếng" ra xài, có bài nào gần gũi là hát hết cho Ni thưởng thức. Cô Ún nhớ nội của Ni hay hát “ Chiều nay em đi câu cá về cho má nấu canh chua…” thì bắt chước nhưng Ni dậm chân, mặt phụng phịu: “Hong, hong, bà nội”, Ún liền hát lại “Chiều nay em đi câu cá về cho bà nội nấu canh chua…” thì cười khì! Thiệt cái thằng cu kháu! Một hồi bí bài thì nhóc chuyển qua đọc kinh, kinh “Lạy cha” mà tiếng Tony còn chưa rõ nên cô Ún không nghe kịp, nhưng đến chổ “A men” thì cu nhóc lại đọc “A... di đà Phật!" và kéo thật dài chữ cuối. Cô Ún không nhịn được cười, chẳng biết người lớn nào đã bày cho Tony đọc thành như vậy nữa…
Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, mà Tony lại nhớ rất nhanh, chỉ bày một hai lần là thuộc. Giờ cu nhóc đang giai đoạn hình thành tính cách, tâm hồn ấy giờ mở ra tiếp xúc và khám phá nhiều điều mới mẻ, bắt đầu các mối quan hệ bạn bè, cô thầy, hàng xóm… cần nhiều sự quan tâm đúng hướng, nhỉ!
.
Nguyễn Huỳnh Dung
Thể Thao & Văn Hoá 10.10.2008
GÓC HÈ
Trưa nắng chang chang và gió hanh hao này thường nhắc nhớ mình về mùa hạ tuổi thơ...
Ba bốn đứa con nít trốn ngủ trưa, với cái đầu trần quây quần bên gốc cây xoài tượng sân trước mong gió thổi qua cho xoài…rụng. Những trái xoài xanh, những ca nước giếng… không làm mấy cái bụng con nít bị làm sao! Công nhận bụng hồi kia "tốt" ơi là tốt! Trên góc sân ấy từng có những đứa nhỏ tranh nhau trái xoài xanh vì cái lý do ngớ ngẩn là “…Tao nhìn thấy trước!”. Con nít nhà quê như tụi mình lớn lên như thế cùng với những trò cò bẹp, tạt lon, giật cờ, chơi sò, banh đũa, banh táng, chơi ô làng, chơi keo… đủ hết… còn cả trò "em bé tập đi", năm mười, rồi u câm, u tiếng…
Mình nhớ đã rất dở món banh táng. Nhỏ chậm chạp hồi ấy là đối tượng nhắm đến của đứa nào đang “chăn” vì mình dễ “bị” hơn đứa khác bởi không nhảy lên hụp xuống hay né trái né phải linh hoạt như mấy tụi “mình dây”. Ngựợc lại trong trò em bé tập đi thì mình khá, ít khi nào phải chăn. Hay trò ô làng (ô ăn quan) chơi riết rồi mình thuộc nước đi: đi ô nào sẽ ăn ô nào và ăn bao nhiêu hạt. Khi chơi u câm các bạn thường tranh chọn mình về “phe” chúng đơn giản vì do mình… nặng nên ít khi bị khiêng hổng lên, do đó sẽ cứu nguy cho phe mình.
Khoảng hơn 10 tuổi thì mình thôi đầu dầu long nhong trong sân ấy, thôi tắm mưa cùng lũ trẻ chung đường…. Mùa hè từ đó thường cùng với anh trai, mình theo anh lấy củi trong vườn cho “có bạn” phần cũng vì khoái cái tính tiếu lâm của anh hay nghĩ ra những trò vui, trò nghịch... Vốn sợ leo cây nhưng mình đã từng cùng với anh trèo lên mấy nhánh chôm chôm trĩu trái để hái, có khi là để nhảy xuống đống lá cây to tướng đã gom sẵn bên dưới rất êm! Chiều về trên xe chở củi có hai anh em mình và một cần xé chôm chôm to tướng. Cảm giác lúc đó thật vui, giống như vừa thu hoạch được cái gì to lớn lắm!
Rồi mình tới lúc biết nấu cơm (có lúc mải chơi quên bẵng, khi nhớ ra thì cơm đã cạn nước và đã chín). Hắn - cái đứa từng là đồng minh chơi keo dưới gốc cây xoài, thường chui rào dâm bụt qua chơi với anh trai mình và giúp em của anh trai là mình chẻ củi. Cứ năm bảy bữa hắn rủ mình đo giò coi ai mau lớn. Hắn nói mai mốt lớn lên tao sẽ cưới mi, hihi cái nhỏ còn thích chơi đồ hàng thì vẫn mong mình mau lớn để đi học được bận áo dài như chị mà! Hắn thỉnh thoảng theo hai anh em lấy củi trong vườn. MÌnh và hắn hay hái lá giang leo trên rào, mỗi lần được một mớ chắc đủ nồi canh, nhưng mình quý lắm toàn để dành đến khi nó héo rũ mới thôi.
… Mùa hè mấy năm sau anh trai đi học xa nhà, hắn lên lớp 10 rồi, cũng không chui rào qua nhà mình chơi nữa. Phần mình cũng nhận ra không còn là trẻ con ngây ngô… Không chơi keo dưới gốc cây xoài, không hái lá giang hay chơi đo giò nữa,…mà hai tiếng “tao- mi” cũng trở nên khó khăn, nên đôi lúc gặp nhau hắn và mình chỉ cười…
Bây giờ không biết hắn có còn nhớ chuyện trẻ con không. Riêng mình mỗi lúc trở về góc sân có cây xoài tượng lại nhớ một bầy trẻ đầu trần...
Hắn, mình và bầy trẻ ấy giờ đây đã lớn lên... để lại tuổi nhỏ bên gốc cây xoài đi mất!
(Thương nhớ một góc hè)
.
Nguyễn Huỳnh Dung
Thể Thao & Văn Hoá 10.9.2008
LỜI TẠ CUỐICạn lòng rồi! Thôi giận hờn nhau nữa!
Lối em về. Đường anh đi đi!
Cổ tích nào hoàng tử tình si,
và công chúa thường hiền ngoan thùy mị...
Mà anh,
Mà em,..
là đời thực...
"Kết thúc có hậu" là tận lòng không bứt rứt.
Quay lưng rồi hai kẻ không cùng phương.
..
.
Em sẽ bắt đầuhồn nhiên không anh.
Anh hãy bắt đầu bình minh riêng anh!
.
Tạ nhé!
.
SG 7/3