Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ THƠ HUỲNH QUANG NAM

Giới thiệu Nhà thơ Huỳnh Quang Nam, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

 

IMG_4359

 

Tên thật: Huỳnh Quang Nam

Sinh năm:1946

Nơi sinh: Tuy Hòa, Phú Yên

Bút danh: Hoàng Đình Huy Quang

Thể loại: Thơ

Các tác phẩm:

-   Tóc có xanh mãi đâu (1989)

-    Cây biết nói (1991)

-    Người hái quả (1991)

-    Nhã Hoàng Lan (1993)

 

 

Picture 050

 -  Đi tìm Hoàng Cúc (1994)

        -  Sông và Mắt (1996)

                          -  Thơ Huỳnh Quang Nam (2000)

 

IMG_1704

        -  Túi chưa đầy tiếng chim (2000)

 

 IMG_1693

       

        -  Thơ viết dọc đường

 

IMG_1691

                          -  Sông ơi cứ chảy (2005)

 

                         

IMG_4260

 

LỬA HỒNG NIỀM TIN

 

Cuối năm con về miền Trung

Thấy bao khó nhọc trên lưng mẹ nghèo

Vùng sâu nhà trống cột xiêu

Con sông đất lở, vắng hiu ngõ làng

 

Mẹ ơi! Sương giá trắng đồng

Mà sao mẹ cứ lưng còng phơi ra

Đất bùn dính bết thịt da

Đồng sâu chân mẹ cứ sa dưới bùn

 

Mẹ tin xuân ở trong lòng

No từ cây lúa ta trồng hôm nay

Lúa oằn bông, mẹ oằn vai

Hết thời khó nhọc đến thời thảnh thơi

 

Lòng con thắt lại mẹ ơi!

Mỗi câu thơ lặng từng lời mẹ khuyên

Miền Trung một khúc ruột mềm

Đã quen gánh chịu hai miền nước non

 

Cuối năm con về miền Trung  

Đã qua lũ lụt khó khăn vẫn còn

Mà sao con thấy ấm lòng

Mẹ truyền sức sống lửa hồng niềm tin

 

MÙA HÈ THANH XUÂN

Chợt nghe tiếng ve đầu ngõ.
Hè về, hè về rồi sao ?
Đêm qua đọc bài thơ nhỏ.
Bạn xưa gửi tặng lúc nào?

Ngây thơ những dòng lưu bút.
Xen dày trong vở học trò.
Nghịch ngợm bạn nào đã vẽ.
Chùm hoa giống bím tóc ai?

Và cái tên người bạn gái.
Dãy bàn lớp học hiện ra.
Nhớ sao cái nhìn ai đó.
Nôn nao từ buổi lớp mười.

Ba năm qua nhanh biết mấy.
Mùa thi thúc giục mỗi người.
Cái lần chia tay năm ấy.
Yếu lòng chi thế bạn ơi!

Đêm về mình không ngủ được.
Viết hoài chẳng hết ý đâu.
Sáng ra cuối vườn thơ thẩn.
Ve kêu- Mình khóc lần đầu.

Bây giờ giá mà sống lại.
Mùa hè của tuổi thanh xuân.
Mình xin thật tình đứng khóc.
Bên cây phượng cuối sân trường.

Để cho tâm hồn thanh thản.
Tan đi ích kỷ nhỏ nhen.
Để cho cuộc đời trung thực.
Những mùa hè đẹp nhân lên./.

 

 (nguồn: Trích trong tập Cái chớp mắt ban đầu của HQN)

 NHỮNG XE NGỰA QUÊ

Người xà ích già
Ngồi trong quán nhỏ
Nhìn lá vèo bay
Tưởng đâu bóng ngựa

Nhìn gió ầm ào
Ngựa đang xuống dốc
Dây cương vững nào
Về cho đến đích

Những bà quang gánh
Những cô bán buôn
Chợ quê, chợ tỉnh
Còn nhớ ta không ?

Ngựa già ta bán
Xe cũ gió mưa
Thân ta hạ giá
Giữa buổi giao mùa

Đường quê, đường tỉnh
Ào ào ô tô
Bóng người xà ích
Thành hồn muôn xưa

Leng keng mờ sáng
Lóc cóc chiều về
Nhạt nhòa ký ức
Những xe ngựa quê.

Thân tặng Trần Bình Dương, Chu Ngạn Thư

 MÙA XƯA

Con chim trích gội nước bay lên
Con cá rô búng tách
Đâu bằng con mắt em
Mênh mông nước nổi

Trời chiều vàng trong màu bông điên điển
Mặt trời cũng vàng
Xin trái tim đừng vàng
Xanh roi rói như mùa xưa
Ta đã gặp

HÀNH PHƯƠNG NAM

 

Ta chiều nay đi giữa phương Nam
Người đông quá mà không ai để hiểu
Nguyễn người ơi! Có một chiếc buồm căng
Ra sông lớn mà không người đưa tiễn

Chiếc buồm đó không quay về cố quận
Nhưng chiều nay bếp khói của nhà ai
Thổi qua suốt hồn ta hiu hắt quá
Thổi tận cùng cho một đời trai

Thư người viết chiều nay ta nhận được
Kể ta nghe câu chuyện cũ mười năm
Người buồn đập vỡ bao hồ rượu
Ta cười vang ứa lệ căm căm

Buồn cho lắm cũng một đầu tóc bạc
Vui bao nhiêu cũng một trận cười
Ta cùng người dặn lòng mà bước
Cuộc đời kia sầu lắm người ơi

Cuộc đời kia ta bước cùng ngươi
Trăng đã xế mà chưa nghe tiếng vạc
Sương đã tàn mà nhớ lắm người ơi
Đi ngây ngất giữa vô cùng trời đất

Ngâm ngùi lắm! Nguyễn ơi người hiểu
Những buổi chiều ta làm bạn cùng sông
Sông kia chảy để còn đi ra biển
Nhưng quê nhà xám xám mưa đông

Mười năm đủ để người không trở lại
Đủ để ta quên một con đò
Nhưng không đủ ấm lòng người viễn khách
Những chiều lên vời vợi bến sông mưa……


(Những ngày còn ở bến phà CầnThơ) .

 

CÔ GÁI TẮM TRĂNG

 

Cô gái chèo thuyền trên sông
Vầng trăng theo mãi vàng đong một trời
Đôi khi cô muốn chèo lơi
Vầng trăng như nhoẻn miệng cười lạ ghê

Áo cô lụa mỏng ai che
Hồn cô háo hức xa bờ không lên
Mái chèo khi nhặt khi khoan
Một vùng trăng nước nhập tan mấy hồi

Riêng cô tan biến lâu rồi
Tắm trăng cô tắm giữa trời vàng trăng
.

 

MÀU

 

Bao màu áo khoác chiều Đà Lạt
Bao màu hoa nở trên đồi sương
Má em ửng đỏ màu hồng đỏ
Màu dã quỳ vàng, anh bớt run.

Anh theo cô bé màu tím áo
Tựa màu hoa anh đã từng say
Cám ơn sương đậm cho anh dạn
Dễ gì cô bé ... cắt được đuôi !

 

TIN NHẮN

 

Em nhắn anh

Về đồng bằng sông Cửu Long

Em đãi anh món rô non kho tộ

Gỏi sầu đâu

Cùng bông điên điển thơm vàng

 .

Cắc cớ anh hỏi

Mùa lũ chưa về

Tìm đâu ra bông điên điển ?

 .

Em nguýt dài

Điên điển đâu phải diêu bông

Sao lại tìm không thấy ?

Qua tin nhắn

Anh như thấy cặp lông mày em chau lại

Cái nguýt dài

                    Bạt cả lũ chưa lên.

 

MUỐI VÀ TIÊU

 

Muối thì trắng mà sao vị mặn

Tiêu vừa đen vừa cay

Xát muối tiêu lên đầu

Đời đã qua dâu bể

Đêm đêm thức giấc tưởng mình là đứa bé

Còn nghe trong trẻo tiếng cười

Mất hút quãng đường dài đã qua

Khổ đau và hạnh phúc

Chỉ còn bước chân lẫm chẫm đầu đời

Theo chân mẹ

Xin cảm ơn những người ghét ta, những người thương ta

Nghĩa tình và ân oán

Đời đã trộn muối và tiêu

Cho chúng ta cùng hưởng

Cay đắng, ngọt bùi, mặn chát như nhau

 .

Đêm nay lại giật mình nửa khuya

Hình như con vạc lẻ đang bay qua mái nhà

Tiếng kêu khắc khoải rơi lại

Chạm vào những khớp xương đau nhức

Trời trở lạnh rồi sao ?


 

CHÁI BẾP CỦA MẸ

 

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, đã di chuyển qua nhiều nơi chốn, đã thay đổi bao nhiêu căn nhà, nhưng đến giờ tôi không thể nào quên căn nhà của cha mẹ tôi ở một vùng quê nghèo miền Trung thời tôi còn niên thiếu. Một căn nhà mái tranh, vách đất như đa số căn nhà ở nông thôn thời ấy. Nhưng đọng lại trong tâm trí tôi qua bao năm tháng vẫn là phần chái bếp sau nhà, trong đó có cái gác bếp của mẹ thần kỳ như chuyện cổ tích.

     Phần chái bếp đó là phần phụ nằm liền sau căn nhà, mái thấp hơn và diện tích nhỏ hẹp chỉ vừa đủ cho mẹ tôi ra vô làm bếp. ( Đến bây giờ tôi cũng không hiểu và không giải thích được tại sao với một chái bếp bằng tranh thấp lè tè, việc đun nấu lại bằng than củi, mà kéo dài hàng chục năm, gia đình tôi cũng như các gia đình khác ở vùng quê này lại chưa bao giờ để xảy ra hỏa họan ). Trong phần chái bếp đó, mẹ tôi cho găm vào mái tranh vài thanh tre nhỏ rồi đặt lên đó một phên tre mỏng làm thánh một cái gác bếp nhỏ gọn. Trên đó mẹ tôi để lăn lóc bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh cùng với những quả mướp già, những trái bắp khô cứng như đá, những bông vạn thọ héo khô, những vỏ bầu lâu ngày lên bóng đỏ au...Mê tôi còn nhặt những nuộc lạt tre do cha tôi làm rơi vãi, găm vào chái bếp và nhét những gói lá chuối khô vào dưới những tấm tranh, trong đó không biết đựng những thứ gì. Những mạng nhện giăng đầy các góc bếp, qua năm tháng, đóng khói than đen lấp lánh, mẹ vẫn giữa nguyên, không quét chúng đi. Những việc làm của mẹ tưởng như vô bổ và ít ai trong nhà để ý đến.

     Lúc tôi còn nhỏ, mỗi buổi đi học về là chạy ngay vào bếp, thế nào mẹ cũng cho một củ khoai lang lùi tro còn nóng hôi hổi hoặc một trái bắp nướng thơm lựng kích thích dạ dày của cậu bé đang háu ăn. Càng lớn lên, qua chứng kiến những gì xảy ra, tôi mới hiểu được việc làm của mẹ và những điều lo xa của bà dưới chái bếp gia đình. Một lần tôi đi chơi nghịch về, bị té gây trầy xước chảy máu hai đầu gối, mẹ đưa tôi vào bếp, lấy tay quơ một nắm mạng nhện bám đầy khói bếp đắp vào vết thương của tôi. Lạ thay, vết thương ở hai đầu gối cầm máu ngay và bớt đau nhức. Đó không phải là điều thần kỳ từ chái bếp của mẹ tôi hay sao ?

     Những quả mướp, những trái bắp, những bông vạn thọ giống mẹ tôi cất giử ở gác bếp, chờ đúng mùa đúng vụ, tự tay mẹ tôi hoặc nhắc nhở các anh chị tôi đem hạt đi gieo trồng để thu họach hoặc nở hoa đúng mùa vụ, không bao giờ sai lệch. Nhớ nhất và gây ấn tượng sâu đậm trong tôi là lần trời mưa to gió lớn sắp chuyển thành bão, cha tôi và các anh tôi phải cuống cuồng cột lại mái tranh và các phên cửa lỏng lẻo để chống chọi với gió bão hung tợn. Trong lúc cha tôi lo sợ thiếu lạt buộc, chính mẹ là người cung ứng kịp thời những nuộc lạt dẻo dai mà bà nhặt được và cất giữ ở chái bếp từ lâu tưởng như vô dụng giờ trở nên hữu dụng. Chái bếp của mẹ còn theo tôi đến tận bây giờ với tiếng cơm sôi réo rắt và những làn khói bếp từ mái tranh tỏa lên bầu trời vào mỗi buổi chiều tà khiến cho bất cứ người xa xứ nào khi trở về cũng phải nao òng.

     Bây giờ thời đại công nghiệp hóa, với các thiết bị gia dụng tiên tiến, phần không gian bếp không còn là chỗ chật hẹp, riêng tư dành cho người nội trợ. Người ta đã biến không gian bếp thành không gian chung để họp mặt gia đình và làm cả nơi tiếp khách. Người ta sử dụng nào bếp ga, bếp điện, lò vi ba, nồi áp suất, lò nướng, nồi cơm điện và nhiều vật dụng hiện đại khác. Dĩ nhiên không dễ gì còn nghe được tiếng cơm sôi réo rắt như một thời tuổi nhỏ đã nghe bên nồi cơm mẹ nấu bằng than củi, luôn kích thích dạ dày những cậu bé đói bụng đi học về. Còn khói bếp, nếu có, cũng mất tăm trong các lò nướng hiện đại được đặt trong các căn nhà hình hộp kín bưng.

     Có thể ai đó sẽ chê tôi ở tuổi bạc tóc nên  nhớ về quá khứ hay hòai cổ một cách bảo thủ. Nhưng quả thật, đã bao năm tháng trôi qua với biết bao biến thiên của lịch sử, tôi không bao giờ quên đước cái chái bếp của gia đình với bao thứ lỉnh kỉnh tưởng như vô dụng mà hữu ích ( đôi khi mang tính thần kỳ theo trí tưởng tượng của trẻ con) của mẹ tôi một thời cần cù đảm đang trong nghèo khó để nuôi đàn con khôn lớn.

     Tôi và các anh chị tôi đã trưởng thành từ căn nhà có chái bếp một thời lam lũ, gian khó đó. Giờ đây, khi cha mẹ đã về thiên cổ từ lâu, mỗi khi gặp gỡ nhắc nhở lại nơi chốn cũ, chúng tôi đều rơi nước mắt.

 

CUỘC RƯỢT ĐUỔI MƯU SINH

 

 Hà Nội trời trở lạnh

Sài Gòn chớm se se

Qua cầu không áo gió

Thì ta lại hít hà

 .

Góc phố ngồi tán chuyện

Cổ phiếu rớt dài dài

Vàng lúc lên lúc xuống

Xăng cũng cứ mè nheo

.

Năm tàn Tết sắp đến

Nháo nhào ga nhắn tin

Xe khách tăng giá mới

Nỗi lo bao người làng

Cuộc mưu sinh rượt đuổi

Giữa giá và lương tiền

Ly cà phê nhỏ giọt

Không cay mà lên men

Nỗi buồn sáng chủ nhật

Lẫn vào dòng xe qua

Ta lại cùng rượt đuổi

Trong đám người kẹt xe.

 

         TP.HCM, cuối năm 2008

 

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.