Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

NHÀ VĂN VŨ HỒNG

 

Giới thiệu nhà văn Vũ Hồng, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

 

Vũ Hồng tên thật là Nguyễn Kim Sơn Sinh ngày 12 tháng 8 năm 1966. Quê quán: Bến Tre. Hiện ở tại thị xã Bến Tre. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Được sinh ra và lớn lên từ vùng đất nằm giữa thượng nguồn sông Hàm Luông và sông Ba Lai - Bến Tre. Ủy viên Hội đồng văn xuôi - Hội nhà văn Việt Nam. Làm việc cho Website Sông Cửu Long (bộ mới)


Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

http://www.vannghesongcuulong.org.vn/vuhong/index.htm

 

VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC:

 

Học Đại học tổng hợp Văn TP Hồ Chí Minh. Năm 1989 về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Bến Tre cho đến nay. Phó Ban công tác Hội nhà văn Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long.

 

TÁC PHẨM CHÍNH:


Tháp bụi (thơ, 1991)
Người phương Nam (thơ, 2000)
Tiếng chuông trôi trên sông (truyện ngắn, 1998, tái bản 3 lần)
Người leo dừa (truyện ngắn, 2006)

 

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC:


Tặng thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1999 cho tập truyện
“Tiếng chuông trôi trên sông”.
Giải 2 cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 với 2 truyện:
“Tiếng chuông trôi trên sông”“Móng tay hình trăng khuyết”.

(Nguồn: "Nhà văn Việt Nam hiện đại" - Hội nhà văn Việt Nam - 2007).


 

NGƯỜI LEO DỪA

 

Tôi là người cuối cùng ném viên đất lên quan tài, rồi về. Những người phu tang lễ bắt tay vào việc.

Buổi trưa tháng tư phủ lên những vườn dừa và cánh đồng ánh nắng oi bức mặc dù gió từ bờ sông vẫn lồng lộng thổi qua. Cởi chiếc áo thun đang mặc trên người, tôi vo tròn nó trong lòng bàn tay, lau những giọt mồ hôi đọng li ti trên trán. Từ đó đến giờ, chưa bao giờ tôi được chứng kiến người đi đưa ma đông đến như thế. Họ âm thầm đi thành một hàng dài dọc triền sông. Hình như tất cả dân làng đều tụ tập về đây để tiễn đưa con người xấu số kia. Thật ra, người nằm trong quan tài chẳng bà con thân thích chi với họ và cũng chẳng có chút chức quyền nào trong xã hội. Thậm chí, tôi còn thấy những bà già và trẻ con lén chùi nước mắt khóc thương cho gã. Cái gì còn trong tầm tay thì thấy chẳng có gì đáng quý nhưng một khi đã vuột đi rồi mới giật mình nghĩ ra nó đáng quý biết bao.

Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây là câu chuyện về gã, người vừa mới bị vùi trong nấm mồ kia, một người có mặt mà như không hề có mặt trên cõi đời quá bao la này.

*

Gã làm nghề leo dừa mướn, điều đó thì người dân trong vùng ai cũng biết. Với dáng đi khập khiễng vậy mà mỗi khi ôm lấy thân dừa, gã leo thoăn thoắt như một con sóc chuyền cành, hết cây dừa này đến cây dừa khác. Bằng chiếc nài bện từ những dây chuối khô vắt vẻo một bên vai, buổi sáng gã đi từ đầu trên đến xóm dưới. Người ta mướn gã bẻ dừa cũng có, gài chuột cũng có. Làm nhiều việc nhưng gã không hề mở miệng đòi tiền công ai bao giờ. Thói quen của người nông dân quê tôi là chỉ trả tiền khi nào kết thúc vụ mùa hay mới bán đàn vịt, bầy heo. Bẻ dừa xong, gom đủ số dưới gốc cho chủ, gã chỉ cười hề hề rồi đi sang vườn dừa khác. Chủ vườn tự động ghi số cây dừa gã đã leo lên vách rồi hàng tháng cộng lại, sai con đem tiền đến nhà gã.

Nhà gã là một căn chòi lá cũ kỹ cạnh bờ sông, nơi trước kia vốn là nhà kho của đình làng. Nói là đình làng chứ thật ra bây giờ nó chỉ còn là một bãi đất hoang phế, cây cỏ đứng xác xơ dưới ánh nắng như thiêu như đốt của những ngày đầu hạ. Trong cuộc mưu sinh hiện tại, không ai còn nghĩ đến việc phục hưng lại ngôi đình để làm nơi sinh hoạt văn hóa của cả xóm. Đúng hơn thì không ai dám đứng ra quyên tiền để xây cất vì họ sợ chính quyền xã ấp vu cho họ còn mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến lý lịch đi học hoặc đi xin việc của con cái họ.

Tại mấy ông bà già phòng xa như vậy thôi chứ hiện giờ nhà nước từ cấp trung ương đến tỉnh, huyện cũng cổ vũ cho mấy cái chuyện truyền thống văn hóa này. Thật ra, họ lo như vậy cũng phải bởi cuộc đời của họ đã trải qua nhiều biến cố quá rồi. Thương cái ngôi đình làng lắm nhưng có một dạo không ai dám đặt chân tới để đốt một nén nhang tưởng niệm các bậc tiền hiền đã có công khai làng, lập ấp.

Trở lại chuyện về gã. Gã sống trong căn nhà kho rách nát của đình làng, vách được chắp vá qua loa bằng mấy miếng tôn gỉ sét. Ngày ngày, gã đều đến thắp nhang nơi cái trang thờ do gã đóng tạm vàò gốc duối. Có lần tôi hỏi gã cầu nguyện điều gì nhưng gã chỉ cười, không đáp.

Xóm nhỏ của tôi có vẻ vui được một chút vào buổi sáng tinh mơ và rất buồn vào buổi chiều với những ngọn gió liu riu qua mái lá. Lúc trời chạng vạng là gã lại đến quán tôi. Thường thực đơn của gã chỉ là một xị rượu ngâm ổi sẻ và khô cá đuối xé nhỏ, trộn với xoài sống, hoặc có khi là chén ốc đắng luộc. Tôi và gã mỗi khi giáp mặt thường chào nhau bằng câu: "Chuyện thế giới có gì mới không?" rồi cùng cười vang.

Gã có kiểu uống rượu của người ghiền, nhởn nhơ từng chút một. Có ngày gã nói huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất nhưng cũng có ngày dù cạy răng gã cũng không thốt nên lời nào. Vợ tôi rất mến gã nhưng không thích cho tôi ngồi nhậu chung với gã. Gã có khiếu bẩm sinh là mở hàng rất đông khách. Thường những người có duyên mở hàng đều nghèo rớt mồng tơi vì đã đem cái duyên may của mình cho người khác. Vì lẽ đó cho nên vợ tôi mến gã. Tiền rượu của gã ít khi cô ta ghi vào sổ nợ.

Thứ hai, tư, sáu, chủ nhật gã mới đến nhậu lai rai, còn thứ ba, năm, bảy gã nói với tôi là ở nhà viết văn. Nghe gã nói vậy thì biết vậy chứ hơn mười năm rồi tôi không thấy có tờ báo hay tạp chí nào in bài viết của gã. Vì tế nhị nên tôi không hỏi gã viết cái quái quỷ gì. Ở thời bình, có nhiều chuyện riêng tư không nên gạn hỏi như hồi còn chiến tranh.

Chữ "viết văn" có một lần làm khổ gã. Số là một tờ báo nọ ở Sài Gòn có đăng bài viết về chuyện tiêu cực của lãnh đạo xã tôi, đó là chuyện quyên tiền dân để làm đường sá, cầu cống. Đường sá, cầu cống đâu không thấy chỉ thấy các ông bà đi quyên tiền đột nhiên phá nhà cũ, xây nhà mới thật khang trang. Có vài người dân đặt câu hỏi, họ trả lời vu vơ rằng vợ họ ở nhà nuôi heo. Vợ tôi cũng nuôi heo ngót nghét tám năm rồi vậy mà cũng không sửa được cái quán lá ọp ẹp, cứ run bần bật mỗi khi trời nổi cơn dông bão.

Lãnh đạo xã bực bội khi đọc bài báo trên. Họ nghi ngờ tác giả chính là gã nên lệnh cho gã đến ủy ban để giải thích vì sao dám đem chuyện nội bộ xã nhà đi bêu xấu ra cả nước. Gã chỉ cười, không lắc đầu cũng như không gật đầu, miệng không hề thanh minh thanh nga cái chuyện gã chẳng hề làm. Gã chấp nhận làm cỏ phạt ở khu trụ sở ủy ban đúng một tuần. Về sau, khi mọi chuyện đổ bể ra, mọi người mới biết tờ báo nọ đã ngầm cử phóng viên xuống viết theo tài liệu của thanh tra huyện, chứ tác giả thật sự không phải là gã. Nóng mặt, tôi bảo gã: "Đến đòi họ tiền công làm cỏ bảy ngày và tiền bồi thường danh dự". Gã lắc đầu sau khi đá bay một khúc củi mục xuống mương: "Chuyện không có gì mới!".

Nhịp sống miền thôn dã rồi cũng bình lặng trôi qua với những chuyến xe lam nổ máy phành phạch trên con đường bụi đỏ và những người nông dân sớm hôm còng lưng trên ruộng lúa. Gã vẫn đến quán tôi vào mỗi buổi hoàng hôn thứ hai, tư, sáu, chủ nhật, còn thứ ba, năm, bảy ở nhà để viết văn. Đôi khi gã cũng tự phá vỡ thông lệ đó, nhất là khi trong xóm có gia đình nào tổ chức tiệc cưới hay đám tang, giỗ quảy. Không ai mời, gã cũng tự nguyện đến, lặng lẽ nấu nước. Riết rồi thành quen, cả xóm đều xem công việc nấu nước phục vụ cho đám tiệc là công việc mà gã phải làm. Gã nấu nước chỉ để nấu nước chứ không bao giờ đòi được ngồi mâm cao cỗ đầy gì. Có khi đám tang kéo dài ba ngày ba đêm, gã vẫn thức, lặng lẽ nấu nước đúng ngần ấy ngày, không hề kêu ca, oán thán hay kể công với ai. Tự bao giờ chẳng biết, người dân ở đây vô tình đã xem hắn như người trong gia đình họ.

Cách đây vài năm, vào một buổi trưa, thình lình có một đoàn người ăn mặc sang trọng đổ ập đến xóm tôi, cơ man nào là xe hơi, xe jeep... Họ hỏi đường đến nhà gã. Dân làng quanh đó ngờ rằng chắc trong quá khứ gã đã từng có lỗi lầm chi đó nên họ đến bắt gã giải đi. Mọi người ai cũng chuẩn bị tư thế chận đường nhóm người kia để hỏi cho ra lẽ một khi họ bắt gã đi thật sự. Chẳng ngờ, người dẫn đầu nhóm người kia là thủ trưởng cũ của gã hồi chiến tranh. Ông ta đến để báo tin cho gã rằng gã đã được chính phủ giải oan bằng cách truy tặng anh hùng cho gã. Bật ngửa ra, dân làng mới biết gã chẳng hề tầm thường chút nào. Họ liền tự nguyện hùn lại giết heo, giết gà... để đãi nhóm người phương xa ấy. Trong bữa tiệc dân dã dưới ánh trăng quê loang loáng trên mặt sông, ông thủ trưởng cũ của gã mới tiết lộ chuyện hồi xưa gã là một anh lính đặc công thủy nổi tiếng gan dạ và mưu trí của Khu. Gã đã từng tham gia diệt nhiều hạm đội của Mỹ trên sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Nghe vậy, gã đỏ mặt và cười hề hề bảo: "Chuyện cũ mà, anh bộ trưởng nhắc hoài làm gì!". Từ đó mới biết thêm, ông thủ trưởng cũ của gã giờ đã là bộ trưởng. Dân làng xôn xao, đoán già đoán non rằng nếu gã còn trong quân ngũ thì chắc chắn đã mang quân hàm cấp tá, hay cấp tướng cũng nên.

"Chỉ vì chút chuyện nhỏ cá nhân của những ngày đầu mới giải phóng nên anh Hậu bị hiểu lầm, giờ chính phủ chính thức giải oan cho anh ấy" - Ông bộ trưởng nói thêm trong buổi sáng, trước khi ra về. Từ chuyện này, xã cũng nở mày nở mặt vì lần đầu tiên xã mới được một cán bộ cấp cao cỡ bộ trưởng về thăm.

Dù có được phong anh hùng đi chăng nữa, ngày ngày gã vẫn lặng lẽ làm cái công việc muôn thuở của gã là leo dừa. Gã vẫn đến quán tôi vào chiều thứ hai, tư, sáu, chủ nhật. Có một hôm, gã buồn rầu tâm sự với tôi sao dạo này thiên hạ đốn dừa nhiều quá. Vợ tôi xen vào: "Mọi người phải tự tìm cách làm giàu chứ khó trông mong gì ở cây dừa nữa rồi". Gã im lặng. Tôi hiểu nghề nào nghiệp nấy. Dù sao thì vườn dừa đối với gã đã như là máu thịt của gã. Theo thời gian, những cây dừa lão có, non có cứ đua nhau ngã rạp dưới những nhát rìu vô tình của người nông dân. Ngày trước, miền đất mé bên kia sông xanh um những rặng dừa và lảnh lót tiếng chim chìa vôi giờ chỉ còn là miền đất chang chang nắng vào buổi trưa hè, nhìn đến nhức mắt.

Đôi khi quán thưa khách, tôi thả bộ sang nhà gã làm vài ván cờ tướng giải khuây. Có lần gã kể cho tôi nghe về vợ gã. Tôi nghe và chỉ cười thầm bởi tôi không tin lắm vào những điều gã nói. Nhãn quan của tôi đánh giá về dung mạo của gã là chữ xấu trai thậm tệ. Hay có lẽ những người đàn ông già sống độc thân thì thường có những giấc mơ về người vợ tương lai của mình như thế chăng? Thấy tôi lộ vẻ không tin, gã liền giở nắp thùng đạn đại liên lấy ra một tấm ảnh. Quả thật, cô gái trong ảnh đúng là xinh đẹp, phúc hậu, cỡ diễn viên Võ Sông Hương bây giờ. Tôi liền đùa: "Ông anh gởi thư cho báo xin ảnh diễn viên hồi nào vậy?". Gã giận, không thèm nói chuyện với tôi suốt nửa tháng sau đó.

Rồi nhịp sống thôn quê vẫn bình lặng trôi qua với những người đàn bà đi cấy lúa, những người đàn ông cuốc đất trồng khoai và những đứa trẻ chân đất tới trường. Quán sá cạnh con đường đã phủ đầy bụi, theo thời gian bụi đỏ càng dày thêm. Nghe nói sau năm 2000, miền này sẽ trở thành khu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên những người nông dân ùn ùn bán tống bán tháo đất đai, vườn tược để nhào ra cất nhà cạnh con lộ. Xóm nhỏ quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu người, giờ quán sá đua nhau mọc lên cũng chỉ với bấy nhiêu người. Hễ quán nào khai trương cũng mời gã đến để mở hàng hòng được buôn may bán đắt. Nhưng quán thì nhiều mà người lại thưa thớt nên cái khiếu bẩm sinh mở hàng đắt khách của gã cũng trở thành ế khách. Gã vẫn đến quán tôi vào chiều thứ hai, tư, sáu và chủ nhật. Vợ tôi vẫn mang đến cho gã xị rượu ngâm ổi sẻ và dĩa khô đuối xé nhỏ; nhưng kể từ ngày có ông bộ trưởng về nên vợ tôi còn tặng thêm gã một gói thuốc Đà Lạt.

Chuyện thôn quê thường ít có gì mới mặc dù chúng tôi vẫn thường hỏi khi gặp nhau: "Chuyện thế giới có gì mới không? Còn thuốc cho xin một điếu". Duy cách đây hơn một năm thì cái xóm nhỏ của tôi có chuyện mới thật sự. Gã đã từng có vợ chứ không phải gã khoác lác. Điều gây cú sốc lớn là vợ gã quả là người đàn bà xinh đẹp dù tuổi của chị ta cũng quãng trên 50. So với tấm hình hồi còn trẻ, chị ta không có nét khác biệt bao nhiêu.

Chị ta đến xóm tôi vào một buổi chiều giáp Tết Nguyên đán, mang theo lỉnh kỉnh va ly cùng một ông Tây cao lớn, mắt xanh mũi lõ và một đứa con trai có thể xác giống Tây nhưng mái tóc là của người Việt. Trong tình thế ấy, thoạt đầu gã tỏ vẻ khó chịu khi thấy vợ mình đi với một người đàn ông khác, lại là một người ngoại quốc.

"Biết làm sao được. Mình cũng già rồi!" - Gã chặc lưỡi khi nói với tôi - "Thấy người ta sống hạnh phúc mình cũng mừng".

"Sao trước kia hai người xa nhau?" - Tôi xoáy sâu vào vấn đề.

"Cũng tại tôi. Tôi bị thương. Tôi không còn khả năng làm chồng ai hết".

Gã nói khẽ, gương mặt lộ vẻ đau đớn. Từ đó tôi mới hiểu ra. Tôi hiểu đó là nỗi đau sâu kín và vô tận của một người đàn ông, của một người chồng. Nhưng lúc nhìn cách chị ta đối xử với gã, tôi mang máng nhận ra chị ta vẫn còn yêu gã lắm. Chị ta trở lại là một người vợ hiền thục, tần tảo năm nào của gã. Cởi bỏ bộ quần áo diêm dúa, chị ta mặc lại bộ quần áo bà ba quen thuộc của xóm quê. Sáng sáng, chị ta tự tay đến chợ lựa mua những thức ăn thật ngon về cho người chồng cũ. Nội cái việc chị ta chịu ở lại trong căn chòi rách nát ấy đủ biết chị ta thời còn trẻ đã yêu gã đến mức nào.

Ông Tây không lấy đó làm ghen. Chị vợ muốn làm gì thì làm, còn ông thì mê mải với cái máy ảnh và máy quay phim, lia ống kính hết chùa này, đến cây cầu tre nọ và những thửa ruộng rợp cánh cò ngoài kia. Ông ta không biết tý gì tiếng Việt ngoại trừ tiếng "cám ơn".

Có một lần, ông Tây thấy một bà sồn sồn đang ngồi trong cây cầu tiêu bắc cheo leo trên hồ cá rộng. Cảnh ấy chắc là lạ nên ông Tây thích thú giơ máy chụp tanh tách mấy kiểu liền. Bà sồn sồn tức giận, vội vã kéo quần lên, lượm một khúc củi khô rượt ông Tây chạy có cờ. Ông Tây liền kêu cứu inh ỏi bằng hai tiếng cám ơn, cám ơn... khiến dân làng được một phen cười rã ruột.

Thôn quê đi trong sự yên bình bằng những sợi khói bếp vờn trên mái lá. Gã và ông Tây từ sự đứng xa nhướng mắt thăm dò nhau bỗng trở nên quen thân tự khi nào. Ngày ngày, dân làng thấy hai người đi bên nhau. Gã còn dạy cho ông Tây leo dừa, tự bẻ dừa xiêm để uống. Thậm chí, hai người còn chơi những trò trẻ con như leo lên nhánh quao để nhảy ùm xuống sông hay gã còn dẫn ông Tây đi đào dế ở những mảnh ruộng khô nức nẻ. Thằng Tây con thì khoái trò tắm sông hơn. Lũ trẻ xóm này kéo nó hòa nhập vào rất nhanh, nhanh đến nỗi sau vài ngày nó đã biết gọi tên món kho khô quẹt thay vì trước đó nó gọi là "nước biển xào".

Chị vợ ngỏ ý muốn xây một căn nhà mới cho gã nhưng gã từ chối, đáp sống một mình thì cần gì. Gã còn nói nếu muốn thì chị ta nên cất lại đình làng giống y như ngày xưa, để làm nơi thờ cúng các bậc tiền hiền của cả xóm, cái nơi mà gã và chị lần đầu quen nhau. Chị ta đồng ý, nhưng khi lên xin phép ủy ban thì họ bảo phải chờ họp để xem xét. Xét đi xét lại mấy lần cũng không xong cho đến ngày chị ta phải cùng chồng con bay về Âu châu.

Đâu lại vào đó. Chiều thứ hai, tư, sáu, chủ nhật gã lại đến quán tôi và chiều thứ ba, năm, bảy thì ở nhà để viết văn. Tôi nhận thấy từ ngày gặp lại vợ, gã có vẻ vui hơn mọi khi. Tôi định bụng đến một ngày thuận tiện nào đó, tôi sẽ moi bằng được câu chuyện tình xa xưa của gã. "Chị ấy hồi trẻ chắc là như tiên giáng trần" - Vợ tôi vốn khó tính trong cách nhận định nhan sắc của người đồng giới cũng phải bật thốt lên.

Đùng một cái, gia đình nhà vợ cho vợ chồng tôi một căn nhà ở thị xã nên chúng tôi quyết định dọn đến đó để dễ buôn bán. Tôi từ giã xóm quê yên tĩnh trong màn mưa rây qua những cánh đồng và khu vườn dừa cùng ánh mắt đượm buồn của người bạn già là gã.

"Ở chợ, thấy chuyện thế giới có gì mới, xin cho hay!" - Gã nói rầu rầu.

"Chắc chắn sẽ có tin mới mà" - Tôi quay mặt đi, xiết chặt tay gã.

*

Công việc buôn bán ở thời buổi kinh tế thị trường khiến tôi chẳng còn có dịp nào để quay về thăm quê và sang thăm người bạn già. Cho đến cái hôm chị Tư bán tiệm tạp hóa ở xóm cũ của tôi đến thị xã bổ hàng tôi mới hay gã mất. "Mới thấy sờ sờ đó rồi chết đó" - Chị Tư nói nghèn ngẹn - "Trưa thứ Bảy chôn. Sao chết hả? Người ta đốn dừa, bị đứt sợi dây chằng kéo nên dừa ngã trúng ngay ảnh. Thật ra người chết sẽ không phải là anh ấy. Chú Sơn còn nhớ thằng Kẹo con anh Hai tôi không? Nó đang chơi đùa gần đó. Thằng Kẹo cầm mười mươi là bị dừa đè nhưng anh Hậu kịp lao tới xô thằng nhỏ xuống sông. Chuyện xảy ra trong chớp mắt, không ai ngờ...".

Những lời tiếp sau đó của chị Tư như trôi tuột vào thinh không. Tôi cứ đứng ngẩn ngơ như vừa bị mất một báu vật. Trong đầu óc tôi chợt miên man cảnh cái xóm nhỏ nghèo nàn, lưa thưa mái lá với những chuyến xe lam vội vã lao qua, phủ đầy bụi đỏ. Và những buổi trời chạng vạng của thứ hai, tư, sáu, chủ nhật, thấp thoáng đây đó hình bóng một ông già với dáng đi khập khiễng lặng lẽ đến quán tôi; còn thứ ba, năm, bảy ông già ấy phải ở nhà để cặm cụi trải lòng mình trên trang giấy.

Bến Tre, 1998

(trích trong tập truyện "Người leo dừa" của Vũ Hồng)

.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

.

NGƯỜI PHƯƠNG NAM

(Viếng hương hồn người xưa mở đất phương Nam)

Trăng phương Nam như tan trong sương
Người phương Nam cạn chén "hồ trường" (*)
Từ giã kinh kỳ bạt lau lách
Đuổi thú hung tàn dạt biển Đông

Người phương Nam ngày xưa áo tơi
Dòng Hàm giang cuộn sóng không lời
Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu
Rượu say tim bốc đến tận trời

Người phương Nam đi là cứ đi
Một chiếc ghe con có sá gì
Đời lắm phong trần nên lỗi hẹn
Không cần danh vị, bỏ vinh quy

Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chếch choáng
Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu

Cạn chén này đi rồi bạn về
Bạn ở kinh kỳ, ta ở quê
Phương Nam nhuốm khóc tình tri kỷ
Bạn bước xa dần ta tái tê...

1993

(*): Điển tích từ bài thơ "Hồ trường" của Nguyễn Bá Trác

(trích trong tập thơ "Người phương nam" của Vũ Hồng)

 

ĐOẢN KHÚC 5, 6, 7, 8

V.
Hành trang vào đời của tôi là sự lạc lõng
Nơi căn nhà ám khói kia có linh hồn bồ câu gởi lại
Tôi đi về đâu trong cơn say chếch choáng
Những ngõ hoàng hôn im lìm của những bài thơ và tiếng chuông
Tôi chợt biết tôi là ai.

VI.
Thì đây, em sẽ trở về ngôi đình cũ
Dãy dáo mác lạnh băng phán xét thời gian
Dẫu có cái nhìn nghìn năm cũng không hiểu bước đi của loài thú hoang
Dẫu tôi chưa nguyện cầu với Thành hoàng hay cỏ dại
Tôi vẫn biết em quay lại trái tim mình.

VII.
Cúi đầu trước miếu của người chết trôi
Nghe dòng sông vỗ về còn hơn sự vỗ về của đường đời
Em nói: "Linh hồn tuổi thơ chẳng phải là thiên đường đó ư?"
Tôi nghĩ: "Cố níu giữ kỷ niệm tuổi thơ thì làm sao còn loài người?"

Nhưng tôi không cãi lại nàng
Sự tranh cãi sẽ đưa loài người vào một điềm xấu mà tôi chưa biết được.

VIII.
Hãy nhớ lại những lời anh nói đi
Khi tỉnh tôi quên
Khi say tôi nhớ
Đôi lúc chỉ là những bụi mưa bay qua cửa sổ nấp vào những trang thơ

Tôi tìm về biển để hiểu thế nào là sự hoang dã
Tôi tìm trong cơn tỉnh say để hiểu thế nào là mùa thu
Rồi tôi tìm chính tôi trong chiêm bao của đồng loại.

(trích trong tập thơ "Người phương nam" của Vũ Hồng)

 

 

TÂM SỰ HẦU VƯƠNG

Tưởng nhớ Ngô Thừa Ân,
tác giả "Tây du ký".
Đoạn Tề Thiên Đại Thánh
bị giam dưới chân Ngũ Hành Sơn)

Trải qua mấy độ thu tàn
Ai đem sương giá rắc ngang lưng trời
Nỗi Hầu vương, xót lệ rơi
Ngũ Hành Sơn ấy - bể đời trầm luân

Tiếc cho một thuở tung hoành
Tự do giữa cõi non xanh sá gì
Mắc lời lừa dối từ bi
Để giờ ôm đá xanh rì cỏ rêu

Nóng ban trưa, lạnh ban chiều
Lơ thơ tuyết trắng, liu riu lá vàng
Hầu vương gặp nỗi hàm oan
Nuốt cay, ngậm đắng, bền gan tấc lòng

Nẻo đời xưa, mắt vời trông
Bóng người thiên lý tang bồng tái sinh
Cho hay tình lại gặp tình
Hào quang còn đọng một vành kim cô.

(trích trong tập thơ "Người phương nam" của Vũ Hồng)
Đã đăng ký bảo hộ tác quyền tại VLCC

THƠ CHO BẠN BÈ

(Tặng bạn bè thời học sinh trung học Châu Thành B -
Tiên Thủy)

Bạn bè tôi giờ có già hơn
Cầm điếu thuốc se se chậm rãi
Nói năng đôi lời triết lý
Vạt nắng chiều nay đọng dài bờ bãi
Giật mình ngoảnh lại đã bao năm

Bạn bè tôi giờ không còn tuổi trăng rằm
Muốn tắm sông cũng lựa chỗ sâu chỗ cạn
Muốn vào vườn hoang sợ có gai hay không gai
Muốn ra biển chơi sợ sông hờn giận
Ở lại với sông luyến tiếc đảo xa.

Có đi đâu cũng về quê nhà
Sân trường làng rêu trơn ngày hạ
Chút tuổi thơ đọng theo giọt mưa đầu mùa
Bạn bè còn có như xưa?

Thằng Sơn về từ chiến trường K thèm nghe tiếng gà ban trưa
Thằng Khuyến bán buôn lênh đênh sông nước
Vỗ nhịp chèo ca khách thương hồ
Cô bé sún răng giờ đã thành cô
Bắt học trò không thuộc bài khoanh tay thay tuổi thơ mình chỗ đó
Chỉ mình tôi thả hồn theo cỏ
Hiu hiu văn nghệ mấy vần thơ

Thời gian đâu đợi, đâu chờ
Biển có động ngoài kia
Sông có chỗ sâu, chỗ cạn
Có hề chi thời gian in vết cắn
Lên da bạn bè tôi

Bạn bè tôi giờ cũng lớn hơn rồi
Biết dòng sông bên trong, bên đục.

Bến Tre, 1998

(trích trong tập thơ "Người phương nam" của Vũ Hồng)

 

LỜI CHIM MINH OAN

Loài chim thị thành bay về đồng nội
Hót bài ca tự do
Dòng sông thăm thẳm
Gã mục đồng chờ ai bên chuyến đò chiều
Loài chim ra đi và loài chim trở lại
Đôi cánh phong trần và đôi chân rạn nứt
Thèm đậu một nhành hoa

Loài chim ruổi dong như chưa từng ruổi dong qua con đường làng
Đêm nâng cung đàn hóa tiếng người xưa vọng
Lời nguyện cầu tự do

Có căn lều ra đi trong bão táp
Có người ra đi, mưa rơi trong mắt tôi và có một loài chim yêu một loài hoa buổi sáng
Dù chiếc xe bò lóc cóc gõ nhịp thời gian
Thời gian kéo dài làng mạc

Loài chim đến và hát
Ai oán nơi rừng tre
Đâu là câu ca dao
Hương sầu riêng sầu tư theo lối người đi vĩnh viễn
Đôi mắt buông lơi

Loài chim minh oan đi đến chân trời
Và gục chết lần gặp người về trong chuyến đò hoàng hôn
Lũ chim con buồn tênh, rồi hót
Hót bài ca tự do

1989

(trích trong tập thơ "Tháp bụi" của Vũ Hồng)
IMG_0009 by you.

Đêm Bến Tre, hội ngộ lưu tình Từ phải sang: Kim Ba, Thái Hồng, Phúc, Hồ Trường, Võ Quê, Song Hảo, Văn Quốc Thanh, Vũ Hồng. Ảnh chụp ngày 30.32009.

 

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.