Nhà thơ LINH ĐÀN
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6415
Vài nét về
HỘI CỔ HỌC QUẢNG TRỊ và HỘI THƠ HÃN MAI
Linh Đàn
Hồi tôi mới lớn, tôi thường thấy quý cụ gọi nhau đi dự hội Cổ Học, mỗi lần đi dự hội, quý cụ chuẫn bị mấy ngày trước khăn đóng áo dài cho vào gói đeo vai sẵn sàng, đến ngày đi từ mờ sáng quý cụ quảy gói lên đường rồi đến 3 -4… ngày sau mới về lại nhà, từ làng tôi vào thị xã Quảng Trị tính theo đường QL1 là 24km, sau ngày chia đôi đất nước 1954, việc lưu thông, từ Gio Linh, hoặc Trung Lương vào Quảng Trị phải đi bộ đến Đông Hà, cũng mất gần một buổi sáng, đến chợ Đông Hà mới có xe khách đi Quảng Trị, xe nào xe nấy chật như nêm, phần nhiều là khách đứng, nếu đi đường sông thì phải đi trước 3 ngày, thế nhưng năm nào quý cụ cũng tham gia đông đủ. (cuối năm 1958 mới có xe đò chạy từ Đông Hà ra Gio Linh, Trung Lương và ngược lại)
Đến năm 1962 tôi được đề cử vào ranh giới Trị Thiên, để đón phái đoàn Cổ Học Trung Ương từ Huế ra, tôi là người trẻ nhất của phân hội Cổ Học Gio Linh, rồi từ đó tôi được ghi danh vào Hội Cổ Học Quảng Trị. Sau nầy tôi vào Hội mới biết tôn chỉ của hội Cổ Học và ngày tế Đức Khổng Tử. tuy tôi được nhập hội nhưng chỉ được nghe ngóng và chấp hành, vì còn quá trẻ, và phải còn “giữ lễ”
Nói về tôn chỉ là phải biết về quan điểm của hội Cổ Học, biết về phần học thuyết NHÂN SINH QUAN, theo quan niệm luân lý Á Đông, và sự suy tôn VẠN THẾ SƯ BIỂU, cùng hiểu qua tiểu sử của Đức Khổng Phu Tử. và các môn đệ tiêu biểu của Ngài, như Thầy Nhan Hồi, Thầy Tử Cống, Thầy Mạnh Tử chẳng hạn…….
Còn phần tế lễ thì cứ đến giờ Dần ngày 27 tháng 8 âm lịch hằng năm là cử hành tại Khổng Miếu, trên chính điện là di ảnh đức Khổng Tử, phía ngoài là lư trầm bát nhang, kế đến là 3 ly nước trong, hai bình bông vàng, và cặp đèn bạch lạp, (không có lễ tế sát sanh) vị chủ tế đội mũ văn, áo rộng xanh, và thầy cúng đọc bài văn tế bằng chữ Hán, không có chiêng trống kèn nhạc, phần nghi thức hết sức long trọng, nhưng chỉ diễn ra trước lúc mặt trời mọc là xong, sau đó là lễ cúng ngoài trời. khoảng 8 giờ sáng (7giờ sáng hiện nay) vị tỉnh trưởng, nhân viên tỉnh tòa, và các ty sở ban ngành trong tỉnh cùng mặc quốc phục long trọng đến Khổng Miếu niệm hương, dâng hương, đến năm 1963 bắt đầu có mấy vị nữ tham dự, không phân biệt người theo tôn giáo nào, trong Nam thì không biết sao, còn riêng Quảng Trị, chỉ có Phật Giáo, Công Giáo và người thờ Ông Bà gọi là Lương, nên việc tế Đức Khổng Tử diễn ra năm nào cũng có các thầy tu, các linh mục và các cụ đến chiêm bái hết sức long trọng, có một điều không thể nào quên, là cứ đến ngày 27 tháng 8 hằng năm đoạn đường Trần Hưng Đạo - Quảng Trị từ phía sau tòa tỉnh, qua ty tiểu học vụ đến cổng Khổng Miếu là toàn bộ khăn đóng áo dài, không thấy bóng dáng một bộ âu phục nào đi qua đó, giống như một quốc gia dưới thời vua chúa xa xưa
Nói về sinh hoạt của Hội Cổ Học Quảng Trị, tôi thấy sự cung kính chào thưa ngày thường thật sự là nề nếp nho phong, đúng là phép tắc của cổ học, người xưa trọng chữ tín và tuân thủ lễ nghĩa, trọng phẩm cách nhưng không ươn hèn mà họ gọi là “đạo quân tử”, Đạo Quân Tử lấy sự “lập ngôn” (lời nói phải cách) làm đầu gọi là “lễ”, chữ lễ chia ra nhiều cách, như “lễ phép” = phép tắc xưng hô, “lễ nghi” = nghi thức ứng lễ, và “lễ nghĩa” = sự cư xử ở đời cho phải đạo ; thứ 2 là “lập đức” = “đạo đức trong việc ứng xử”, “đạo hạnh trong việc cư xử”, “đạo lý trong việc luân lý”; thứ 3 là “lập chí” = “kiên định lập trường, quyết đoán chính chắn trong việc làm”, và cuối cùng là “lập thân” = “làm tròn 3 nhiệm vụ trên”, đó là “tiêu chí của mỗi hội viên Hội Cổ Học Quảng Trị” ngày xưa. Tôi cũng xin nhắc lại ở đây “Hội Cổ Học” được danh xưng là Đạo Quân Tử nhưng không phải là một tôn giáo.
Song song với Hội Cổ Học là Hội Thơ Hãn Mai còn gọi là Hãn Mai Thi Xã, song hành nhưng rất khiêm tốn với Hội Hương Bình Thi Xã ở Huế. xướng họa thơ Đường Luật, và sáng tác thơ Song Thất Lục Bát, thơ Lục Bát, thơ Phá Thể, Văn Ai, Văn Tế, Phú, Hoành Phi và Câu Đối.
Thường thường Hội Trưởng Cổ Học kiêm luôn chức hội trưởng hội thơ Hãn Mai, hồi tôi mới vào hội, hội trưởng là cụ Tú Hiệt (Nguyễn Hữu Hiệt) bút danh là Thạch Lữ, quê làng Đại Hòa, cụ là một nhà thơ nổi tiếng của Quảng Trị, không những thơ Nôm mà còn thơ Chữ Hán, trên các tạp chí của Đài Bắc hay Hồng Kông cũng in thơ Cụ, cụ còn làm thơ thời cuộc, đại để như bài thơ tết năm Đinh Mùi 1967 dưới đây :
KHAI BÚT NĂM ĐINH MÙI
Nhảy vọt sa trường “ngựa” đã ê
Xuống thang mong tới đoạn đường “dê”
Mừng tin gió mới cành hoa nở
Nhớ hẹn trăng xưa chiếc én về
Bức vẽ văn minh nhiều cảnh lạ
Bàn cờ thế cuộc có cơ huề
Đua nhau đốt pháo chào xuân mới
Chẳng nỡ trêu người giữa “giấc mê”
Thạch Lữ
Tôi không nhớ năm nào cụ Lê Hữu Nguyện (anh ruột Đúc Cha Lê Hữu Từ) lên thay cụ Tú Hiệt, sau đó là cụ Hoàng Trọng Thuần còn gọi là Thầy Thoàn hay cụ Tú Thoàn lên nhậm chức, cũng kiêm luôn 2 chức vụ Hội Trưởng, cụ Thoàn là người năng động, muốn mở rộng hội viên cho lớp trẻ, để không trầm tĩnh như hồi trước, nên các giáo viên các trường tham dự hội khá đông, và phân viện Hán Học Đại Học Huế thường giao du, có linh mục Nguyễn Hy Thích, thầy Giản Chi, thầy Phan Văn Dật, nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, vv… thường tới lui ngâm vịnh, Hội Hãn Mai còn có các nhà thơ lão thành như : cụ cử nhân Trần Doãn Trai (cựu Thị Lang Bộ Hộ) cụ Nghè Ba, Cụ Học Thược, Cụ Mộng Xuân Đoàn Lỗ Bửu, thầy Thái Tăng Liên đều rất uyên Nho, và đặc biệt dung hòa giữa tân học và cổ học như các thầy Lê Đình Ngân, thầy Trợ Khởi, thầy Trợ Triễn, thầy Thông Thạnh, thầy Trợ Bân, thầy Ấm Đức, thầy Giáo Đích, thầy Trợ Thể, thầy Trợ Đăng, thầy Trợ Ngoạn, cụ Cửu Dương, cụ Xạ Dương, cụ Khóa Dương, thầy Trợ Mễ, cụ Tổng Vận, nghị viên Lê Thọ Dương, cụ Khóa Đào, cụ Khóa Ấm, cụ Phó Đào, cụ Khóa Huyên, cụ Hai Phố, cụ Hoàng Trọng Hưởng, cụ Tổng Quỳnh,… và một số giáo viên ty tiểu học vụ Quảng Trị, đa số giáo sư Trường Trung Học Nguyễn Hoàng, và một số thầy ở phân ban Nha Học Chánh Trung Nguyên Trung Phần sốt sắng tham gia.
Năm 1969, có cụ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy (quê Nhan Biều là bác sĩ đầu tiên của Miền Trung VN) là hội viên hội Cổ Học QT xưa, ở Saigon về thăm quê hơn một tháng, một cuộc xướng họa thỏa thích.
Lại nói về một bài thơ của cụ Kỉnh Chỉ hồi còn ở làng Cổ Đạm (Nghệ An) khoảng năm 1930 có quen cô Tuyết Ngọc, lý do xa nhau thì không nghe Cụ kể lại, nhưng với một bài thơ thật ấn tượng sau năm 1954
NHỚ TUYẾT-NGỌC
Tuyết-Ngọc bây giờ em ở đâu ?
Trông về Cổ-Đạm chạnh lòng sầu
Chỉn* e yếu-đuối thân bồ-liễu
Phải chịu dày-vò cuộc bể-dâu
Gần-gũi đôi khi nhờ giấc mộng
Xa-xôi ngàn dặm ứa dòng châu
Trùng-phùng ví được ngày nào nữa
Kẻ tóc hoa-râm, kẻ bạc đầu
Kỉnh Chỉ
---------------------
Chỉn* e = từ cổ là sợ e
Chỉn e quê khách một mình
Ở đây chờ đợi sư huynh ít ngày
Kiều
-------------------------
Bài thơ nầy hồi đó Dương Văn Tường (Hà Thượng) còn học lớp đệ nhị (11) trường TH Nguyễn Hoàng QT họa, được hội thơ Hãn Mai chọn là bài họa hay nhất (vì ngoài 5 vần ra, còn họa luôn 3 vần trắc cuối câu 3, 5, và 7)
NHỚ MỐI TÌNH ĐẦU
Nhớ thương giờ cũng chẳng còn đâu
Vương vấn làm chi để chuốc sầu
Vò võ chờ ai bên gốc liễu
Mõi mòn nhớ bạn cuối nương dâu
Thử xem cuộc thế thực hay mộng
Gẫm lại chuyện tình ngọc lẫn châu
Tóc bạc mong chi ngày gặp nữa
Dở dang chi thế mối duyên đầu
Phụng họa
Dương Văn Tường
Những dòng thơ ngày ấy bây giờ thấy còn nóng hỗi chiến tranh khi trở lại làng :
Mãi ở trong Nam mới trở về
Viếng thăm làng xóm dạ buồn ghê
Nương vườn bỏ trống dân sưa sết
Đồn bót vây quanh Mỹ bộn bề
Đưa đón đò còn nguyên bến củ
Lại qua người cũng khác năm tê
Căm hờn muốn vạch trời mà hỏi
Dâu bể gây chi cuộc ấy tề !
Kỉnh Chỉ
Những bài xướng họa thuở ấy được thầy Châu Văn Trần Văn Bân ở ty Tiểu Học Vụ cho đánh máy cẩn thận, nhưng tôi đã làm thất lạc hồi bị giải tỏa nhà quá gấp ở Bà Rịa năm 2003 thật là quá uổng, không biết còn ai giữ được những trang thơ quý hóa nầy hay không.
Rồi cuộc tiễn đưa cụ Kỉnh Chỉ cũng không ít những bài thơ đầy ắp ân tình, vào mùa xuân năm 1970 cụ qua đời, cũng có những bài thơ rơi lệ
KÍNH ĐIẾU CỤ KỈNH CHỈ
Ba sinh duyên nợ mãn lời nguyền
Nhường chán cõi trần – chọn chỗ yên
Giấc mộng tương tư vàng nhớ tuổi
Thanh bia trường hận đá nhìn tên
Thi mơ tuyệt tác tiên dừng bút
Đàn vắng tri âm khách cặm thuyền
Đâu nữa Hãn Mai ngày hạnh ngộ
Hồn thơ lai láng bể Tây Thiên
Thạch Lữ
KÍNH ĐIẾU Bs PHAN VĂN HY
Cảnh Tiên Ông đã lên rồi
Nơi đây cảnh tục Ông ngồi mà chi !
Tìm đâu cho thấy bậc cao thâm
Thuốc thánh* thơ thần dội tiếng tăm
Nước Hãn đầy vơi lời ứa nghẹn
Non Mai trầm bỗng bóng xa xăm
Làng thơ còn đợi thi hào xướng
Người bệnh đang chờ bác sĩ thăm
Vòi vọi càng trông càng vắng vẻ
Ai ngờ Ông đã bước trăm năm
Phụng bút
Linh Đàn
----------------------
Thuốc thánh* = bác sĩ Phan Văn Hy chữa bệnh cả thuốc Tây lẫn thuốc Bắc cực kỳ giỏi
----------------------
Rồi cuối năm 1970 tôi lên Dalat tìm kế sinh nhai, không ở Quảng Trị nữa, hơn nữa hồi đó sự liên lạc với nhau không có phương tiện hiện đại như ngày nay, nên không còn biết gì về hội Cổ Học cũng như Hội thơ Hãn Mai nữa. vì vậy sau đó tôi viết bốn chữ hoành phi “MAI HÃN TINH THẦN” treo trên nhà ở Dalat để làm kỷ niệm “một ẩn số riêng”, khách nhà nho tới chơi lắc đầu mà phải chịu nính thinh mới tội nghiệp làm sao cho họ.
Không ngờ lên Dalat lại gặp Dương Văn Tường là Sinh Viên Trường Võ Bị Quốc Gia Dalat trong những ngày chủ nhật, mà thật có duyên, nay lai gặp rất nhiều lần ở Saigon, là cựu hội viên hội thơ Hãn Mai trẻ nhất còn sót lại.
Rồi chiến cuộc năm 1972, Quảng Trị lại một lần tan nát, dân chúng hốt hoảng ra đi trong cơn lửa loạn, tình cờ tôi gặp nhà thơ Phan Văn Chiêu (là cháu gọi cụ Kỉnh Chỉ bằng bác ruột) chạy lên Dalat, sau một thời gian hoàn hồn, anh cũng nhắc lại bài thơ tặng cụ Kỉnh Chỉ hồi năm 1969 tại quê nhà
MỪNG BÁC KỈNH CHỈ VỀ THĂM
Mười mấy năm hơn bác mới về
Quê nhà gặp bác thật mừng ghê
Bà con đón hỏi lòng sung sướng
Quan khách hàn huyên dạ hả hê
Hội ngộ câu thơ ngâm sảng khoái
Tương phùng chén rượu rót tràn trề
Biết bao thế hệ thay màu tóc
Nhìn thấy quê hương vẫn não nề
Phan Văn Chiêu
Bài thơ nầy có 3 vần rất khó họa, hôm ấy tại Nhuận Ký Tửu Gia cụ Kỉnh Chỉ treo giải một con gà luộc, một rá tôm hùm và 2 chai sâmbanh nếu ai họa được vần “hả hê”, “tràn trề”, Linh Đàn hồi đó còn tấp tững nhưng cũng cố trổ tài, chỉ một giờ sau là có bài họa (thay lời Kỉnh Chỉ)
TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG
Lâu lâu mới có một lần về
Ngắm cảnh quê nhà nhớ nhớ ghê
Cụ lão ngày nào ngồi chững chạc
Thầy chùa thuở nọ tụng ha hê
Lần theo tường nát đau chân lội
Đứng giữa nhà hoang chép miệng trề
Chiến trận hết rồi - về sửa lại
Dù bao gian khổ vẫn không nề
Linh Đàn (họa)
Thế là bữa tiệc hôm đó tăng thêm “phần treo giải” thật là tuyệt diệu
Ôi ! Những bước đường lưu lạc xứ người, những hình ảnh quê hương sâu nặng bao đời có còn chăng trên gối ! người đời sau ai còn biết những sinh hoạt đầy ắp tính nhân văn mà Quảng Trị ta một thời tô đậm.
Nhớ cùng đêm nhớ
Saigon mùa Xuân năm Canh Dần 2010
Linh Đàn
THI HÀO
NGUYỄN TRÃI
Linh Đàn
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay thuộc Thường Tín – Hà Tây), Ông sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, đậu Thái Học Sinh khoa Canh Thìn (1400), làm quan thời Nhà Hồ. Năm 1407, Trung Hoa thôn tính nhà Hồ và đặt nền móng độ hộ nước ta, thân sinh ông là cụ bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh lúc bấy giờ đang làm quan cho Nhà Hồ, bi bắt giải về Tàu, ông theo cha đến tận ải Nam Quan, thân phụ ông thấy thế mới khuyên rằng: Con hãy trở về rửa hận cho cha, rửa nhục cho nước, còn hơn theo cha khóc lóc có ích gì , Nguyễn Trãi đành gạt lệ trở về.
Nhớ lời cha dặn, năm Canh Tý 1420 ông giúp Bình Định Vương Lê Lợi, mười năm kháng chiến chống quân Minh, viết Bình Ngô Đai Cáo (bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của nước ta sau bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt) Lê Lợi cùng Ông đã làm thêm một thiên quốc sử hào hùng cho Tổ quốc, chói lọi ngàn thu.
Năm Quý Sửu 1433 sau khi Lê Lợi mất, ông bị bọn quyền thần ghen ghét, nên ông xin về ở ẩn ở quê ngoại Côn Sơn – Chí Linh (ông là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, quốc công nhà Trần)
Năm 1434 vua Lê Thái Tông vời ông trở lại giúp nước, được ít lâu ông lại xin về.
Tháng Bảy năm Nhâm Tuất 1442 vua Thái Tông đi duyệt binh ở Chí Linh, ghé lại Côn Sơn thăm ông, tại đây, vua được gặp Nguyễn Thị Lộ, người con gái đã cùng Nguyễn Trãi có một chuyện tình thật thơ, thấy Thị Lộ – người thiếp của Nguyễn Trãi có nhan sắc lẫn tài ba nên vua bắt theo hầu. Không ngờ đi đến Gia Định (thuộc huyện Gia Bình - Bắc Ninh) nhà vua đột ngột qua đời, triều đình gán cho ông tội giết vua với bản án tru di tam tộc, đây là bản án Lệ Chi viên (vườn vải) đã làm xao xuyến hàng vạn con tim của người đời sau với một trang bi tình hận đầy nước mắt và nỗi oan khuất kinh hoàng.
Năm 1464 vua Lê Thánh Tông giải nỗi oan khiên cho Nguyễn Trãi, bằng cách cho truy phục lại tước vị và cho tìm lại con cháu.
Nguyễn Trãi là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà quân sự tài ba, và cũng là một đại văn hào của nước ta. Tác phẩm của Ông để lại, phần thơ chữ Hán gồm có: Giao tự đại lễ, Thạch Khánh Đồ, Dư Địa chí, Ngọc Đường Di Cảo, Trung Quân Tứ Mệnh tập, Ức Trai Di tập, Về chữ Nôm có: Gia Huấn ca, Ức Trai thi tập và một số bài thơ xướng họa với Nguyễn Thị Lộ.
Bài thơ Tự Sự dưới đây là một bài thơ ý tình sâu sắc, lời lẽ thanh thoát, nhẹ nhàng nói lên được tâm trạng cô độc của một nhà chí sĩ yêu nước, không biết tìm đâu ra người cùng chí hướng để giữ vững con thuyền dân tộc trước cơn gió dập sóng dồi.
TỰ SỰ
Chiếc thuyền lơ lững bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay !
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
Đã buồn vì trận mưa rào
Lại đau vì nỗi ào ào gió đông
Hoa trôi bèo dạt giữa dòng *
Chiếc thuyền lơ lững bên sông một mình
Ức Trai
*Có nhiều người đọc; - Mây trôi nước chảy xuôi dòng
- Nói chi những chuyện đau lòng
Bài thơ chữ Hán
LOẠN HẬU ĐÁO CÔN SƠN CẢM TÁC
Nhất biệt gia sơn thập tải niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên
Nguyễn Trãi
(Ức Trai thi tập)
SAU LY LOẠN VỀ LẠI CÔN SƠN CẢM TÁC
Một chuyến mười năm biệt cố hương
Cúc tùng nay thấy nửa sầu vương
Suối rừng ước nguyện đâu hờ hững
Cát bụi dập dồn mãi tiếc thương
Làng xóm nhìn qua như ngủ dậy
Lửa binh gẫm lại vẫn coi thường
Bao giờ nhà dựng sườn mây núi
Nước suối đun trà – đá gối sương
Linh Đàn
(dịch)
( Tài liệu tham khảo Việt Nam Văn Học - TT học liệu bộ QGGD Saigon – 1968)
Bài viết được trích đăng trên tạp chí THẾ GIỚI THƠ ĐƯỜNG LUẬT
CLB UNESCO THƠ ĐƯỜNG VIỆT NAM chi nhánh TPHCM
*
Thân chào Anh Võ Quê ,
Tôi xin tự giới thiệu : Tôi là Linh Đàn, quê ở làng Lan Đình, Quảng Trị, hiện nay sống ở Saigon bấy lâu nay được đọc thơ anh, nhưng chưa lần gặp nhau, đêm nay xem trên mạng, tình cờ bắt gặp địa chỉ email của anh, nên tôi mạo muội gởi mấy dòng đến người thơ, nhà thơ cố đô lời chào thân ái và cầu chúc sức khỏe, giá như biết sớm một chút thì tháng 11 năm ngoái đã gặp nhau tại Huế, hay dở gì cũng múa rìu qua mắt thợ một chuyến cho đã sự đời, riêng tôi thì chẳng phải cựu học sinh Nguyễn Hoàng, nhưng tình cờ một chuyến đi mua nông sản hồi còn ở Bà Rịa, như thầy Hùng đã giới thiệu bài thơ Áo trắng Nguyễn Hoàng nên rồi mới có duyên quen biết, còn những bài thơ về trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, bài của Thái Tăng Phương xướng qua nhiều người họa cũng khá hay nhưng chưa thấy lên mạng. Một lần nữa xin chúc nhà thơ vui khỏe và sáng tác nhiều thơ hay, tiện đây Linh Đàn xin gởi đến Võ Quê mấy bài thơ về Huế, với một tấm lòng đâu dám khoe khoang, rất mong đuọc sự thông cảm, kính chào thân ái ....
Linh Đàn
1) - 2 bài thơ nầy sáng tác năm Mậu Thân 1968 ngay trên Ngọ Môn
Chiều Đại Nội
Cung vàng điện ngọc hỡi giờ đây
Ai khéo gây chi đổ nát nầy
Bia đá khắc tên quân cướp tới
Trụ đồng ghi dấu đạn bom bay
Thái Hòa loang lở lòng chua chát
Thế Miếu tiêu điều dạ đắng cay
Chứng tích ngàn sau chìm khối hận
Trời Tây dặm thẳm có ai hayHuế 1968
Trên chuyến đò Thừa Phủ nhìn xuống cầu Trường Tiền
Chiều nghẹn ngào
Trên cầu bắc một chiếc cầu
Kinh Thành chảy máu xuân màu thê lươngTừng viên gạch thấm đau thương
Sóng lòng cuộn giữa dòng Hương chảy dàiHuế 1968
2) - 2 bài thơ dưới đây theo thể Haicu Nhật Bản
Tượng Đá trước Quốc Tử Giám
Cảnh đổi rồi
Áo rêu chẳng chút đổi dời lòng trungĐứng đây nhắc với vô cùng
Huế 2008
Tiếng Chuông Thiên Mụ
Đêm đông...dài...... đêm đông
Tiếng chuông Thiên Mụ rơi mênh mông
Nện chuông - hay nện lòngHuế 2008
HỒI HƯƠNG KÝ SỰ
Nhâm Thân 1992
Kể từ Bà Rịa soạn lên xe
Hôn đứa con thơ vợ dặn dò
Đường sá bạc tiền nên cẩn thận
Cửa nhà công chuyện hoãn âu lo
Làm xong bổn phận vô mau nhé
Thăm hỏi họ hàng nhớ kỹ cho
Lên đến Quảng Thành trời bóng xế
Khuya lơ rong ruổi chuyến xe đò
Xe đò lăn bánh đến Tân Phong
Gà gáy chân trời mới rạng đông
Kìa núi Ông Đồn cao chót vót
Nọ đồng Bảo Chánh rộng mênh mông
Hàm Tân Núi Nhọn chim tung cánh
Rừng Lá Sông Dinh nước cuộn dòng
Trực chỉ Miền Trung xe thẳng tới
Xuôi đường Quốc lộ chạy băng băng
Băng qua Hàm Thuận gió hiu hiu
Phan Thiết gần trưa nắng nóng nhiều
Nước mắm mùi xông nồng phố chợ
Thanh long trái lợp rợp cành điểu
Bắc Bình liếc mặt nhìn sơn nữ
Cà Ná duỗi chân đạp thủy triều
Vĩnh Hảo mát lành dòng suối khoáng
Xứ nho Ninh Thuận ngập nương chiều
Nửa chiều xe chạy đến Phan Rang
Xoài tượng xanh xanh tận Tháp Chàm
Qua phố Ba Ngòi nhìn Hải đảo
Xuôi đường Bãi GIếng thẳng Nha Trang
Đêm chìm Đèo Cả trời heo hắt
Điện sáng Tuy Hòa phố ngổn ngang
Ngủ gật ngủ gà trời tảng sáng
Mưa đèo nặng hạt đỉnh Cù Mông
Cù Mông heo hút núi rừng hoang
Qua mấy sơn khê mấy xóm làng
Non nước mến yêu hồn Nước Việt
Dư đồ tô đậm dấu Đồ Bàn
Diêu Trì phố cũng tươi màu ngói
Phù Cát động không lộng gió ngàn
Câu chuyện trên xe đầy thú vị
Hàng dừa rợp bóng đất Tam Quan
Quan sơn ngàn dặm mắt nhìn xa
Đức Phổ là đây biển mặn mà
Giữa chợ vẫn xanh cây Núi Bút
Dưới cầu còn lớn nước sông Trà
Xe đi qua phố thơm đường phổi
Bãi đậu đắt hàng những mạch nha
Gói gói trên tay quà kỷ niệm
Lâu ngày nay có chuyến đi ra
Đi ra Chạu Ổ lại Chu Lai
Dây xứ Tam Kỳ phố trải dài
Trước cũng đã quen trời Lý Tín
Nay nhìn chẳng thấy quán Sương Mai
Hà Lam vẫn thấy vườn xanh tốt
Bà Réng hãy còn nước láng lai
Vĩnh Điện đầu mùa cơn gió mạnh
Phước Tường thay đổi những lâu nay
Nay vể Đà Nẵng cháu thăm cô
Mừng tủi theo nhau lệ ngấn bờ
Trong dạ bồn chồn vể xứ sở
Dưới trời lạnh lẽo buốt cơn mưa
Anh em xa cách nhiều thương nhớ
Cậu cháu gặp nhau mãi chuyện trò
Câu chuyện thâu đêm trời rạng sáng
Điểm tâm vội vã đón xe đò
Xe đò chạy thẳng đến Nam Ô
Đây ngọn Hải Vân đứng sững sờ
Mặt nước mù che ghe ẩn hiện
Lưng đèo mây phủ cảnh tiêu sơ
Vệ đường rờn rợn nhang um miễu
Sườn núi chênh vênh sóng trắng bờ
Tàu lửa dưới đèo như rắn lượn
Bên ngòi heo hút xóm Lăng Cô
Lăng Cô Doi Cát thẳng đường ra
Một lát lên đèo núi Phú Gia
Cảnh vật Thừa Lưu chìm núi biếc
Đỉnh đèo Phước Tượng ngóng đầm xa
Làng Truồi còn biết dâu chua ngọt
Hương Thủy nào hay trái đậm đà
An Cựu vẫn trong dòng nước lớn
Đây rồi đất Huế dưới mưa sa
Mưa sa rả rích dưới sông Hương
Chớ trách chi nhau lạc bước đường
Thương Bạc dấu in hồn cảm cựu
Văn Lâu lầu nhạt nét Nghinh Lương
Trường Tiền tuổi tác chơ vơ đứng
Đại Nội tháng ngày lặng lẽ thương
Nước mắt theo mưa lời cũng nghẹn
Nào ngờ rong ruổi bước ngàn phương
Phương trời nay trở lại nhà anh
Anh đã theo mây ngó tấm hình
Nét mặt vẫn tươi người tuế nguyệt
Bàn thờ còn rạng khói hương linh
Đôi hàng liễn cổ còn phong thái
Mấy đứa cháu nay bước viễn trình
Chị vẫn ân cần han hỏi mãi
Vì đời lặn lội bước mưu sinh
Mưu sinh nay lại bước chân về
Trong dạ bồn chồn khấp khởi đi
Đón bến An Hòa chờ mấy phút
Lên xe Hà Nội tuốt về quê
Phong Điền chợ búa còn đông đúc
Mỹ Chánh gió mùa lạnh tái tê
Đại Lộ Kinh Hoàng xanh nội cỏ
Cầu Dài Bến Đá rợp bờ tre
Tre làng cao vút tận ngàn xa
Quảng Trị là đây lăng phố nhà
Thach-Hãn sông buồn lơ lững chảy
Nhan-Biều cát trắng ngẫn-ngơ qua
Trà-Liên đằm-thắm khoai ngon củ
Ái-Tử não-nề tiếng gọi cha
Lai-Phước dấu in lòng thuở ấy
Mừng nay sầm-uất phố Đông-Hà
Đông-Hà nao nức ngó Gio-Linh
Mấy dặm đường quê mấy dặm tình
Đó xóm Nghĩa-An nhà lụp xụp
Đây cồn Mã Đỏ lúa rung rinh
Hà Trung Rú Cấm chừ thay dạng
Quán Phượng Lạc Tân đã chuyển mình
Dốc Miếu lù lù cao trước mặt
Gọi xe dừng lại xuống Lan-Đình
( Vào làng )
Lan Đình yêu dấu của tôi ơi !
Bao lớp tang thương mấy đổi dời
Lạc bước những ngày binh lửa loạn
Xa làng từ thuở đất dầu sôi
Về làng nao nức trông về xóm
Thấy cảnh mơ mau được thấy người
Khấp khễnh đôi chân dồn dập bước
Nghẹn ngào đẫm khóe giọt đầy vơi
Vơi đầy kể lại nỗi hoài mơ
Chú bác anh em thỏa bụng chờ
Kẻ lại vui mừng choàng lấy cổ
Người thì trách móc mãi trông thư
Xóm trên xóm dưới cùng nhau tới
Người lạ người quen cũng giả vờ
Đứng đó cho nhìn mau đoán thử
Nói tên nói họ nói thân sơ
Sơ qua đứng đoán một đôi hồi
Già nhận mau ra trẻ lạ rồi
Có kẻ quên tên mà nhớ mặt
Nhìn nhau quen dáng lại quên người
Lớp già thấy cũng già theo tuổi
Lớp trẻ thêm vui trẻ với đời
Kẻ mất người còn nong nỗi ấy
Chạnh niềm xa xót bấy trong tôi
Tôi với họ hàng đêm cố hương
Nói làm sao hết nỗi thân thương
Hàn huyên mấy cũng dài tâm sự
Kể lể thêm nhiều nỗi vấn vương
Quê cũ hằng đêm in gối mộng
Thân gầy rải bước dưới trời sương
Bâng khuâng chợt nhớ hồi thơ ấu
Đất mẹ quê cha dấu đoạn trường
Đoạn trường ngẫm nghĩ xiết bao phen
Nhà cửa vườn xưa thấy chẳng còn
Nhớ tấm ghế trên cha tiếp khách
Nhớ đường ngõ trước mẹ chờ con
Nhớ bài em học anh bày vẽ
Nhớ buổi em đau chị mỏi mòn
Dưới mái gia đình êm ấm ấy
Dẫu rằng thiếu thốn cũng vang son
Son sắt một niềm chạnh tưởng quê
Từ xa lưu lạc bước chân về
Trước mồ tiên tổ lòng se sắt
Đốt nén nhang trầm ruột tái tê
Giỗ chạp trông vào người ở lại
Quảy đơm chẳng thiết kẻ ra đi
Lư hương bát nước cùng dâu bể
Đứng trước vong hồn biết khấn chi
Biết khấn chi cho xứng được lời
Dựng dòng chữ để dấu ghi thôi
Nhắc cho con cháu mồ ông cố
Để lại mai sau dấu đất trời
Ông cháu bốn ngày bia khắc nốt
Hội trường ba buổi hạt mưa rơi
Bà con nội ngoại về đông đủ
Xúm xít bên nhau kể chuyện đời
Chuyện đời đem nhắc có nhau vui
Cơm nước bà con cứ đón mời
Ăn cá đồng Đeng lầm thưở trẻ
Uống chè đất đỏ nhớ xuân thời
Nhà anh nhà chị thêm vui tiếng
Của cháu của con cứ nhận lời
Rồi cứ gần ngày lo giỗ chạp
Anh em bố trí xếp xong người
Người thì việc nọ kẻ phần kia
Hâm Sáu tháng Mười giỗ dựng bia
Giọng tế câu văn lời dõng dạc
Chiêng làng trống họ tiếng uy nghi
Khói hương tỏa quyện niềm tôn kính
Kèn nhạc hòa theo xướng lạy quỳ
Trong buổi cử hành long trọng ấy
Nghẹn ngào dòng lệ cứ lâm ly
Ly rượu nghĩa tình đã rót ra
Bây giờ ta lại có cùng ta
Cỗ bàn thanh đạm nhưng đầm ấm
Làng nước đôngvui quá mặn mà
Chú bác anh em tình rộng mở
Cháu con nội ngoại nghĩa bao la
Lấy chi nói hết niềm vui sướng
Đoàn tụ ngày nầy mai cách xa
Mai ngày xa cách có hôm nay
Hát khúc tâm tình tay nắm tay
Trong rạp vân vang lơi hội ngộ
Ngoài trời cũng lặng gió heo may
Tình quê lai lai láng niềm chung thủy
Cảnh vật chan hòa cuộc đổi thay
Hẹn với quê hương mà tái ngộ
Chén nông thì mới một lần đây
Mới một lần đây chửa trọn tình
êm nay thức suốt với Lan Đình
Câu cười câu nói càng vui đám
Tay rót tay đưa khó cạn bình
Giữa tiệc còn cao lời chúc tụng
Ngoài trời đã hé ánh bình minh
Vẫy tay tạm biệt chào lưu luyến
Hành lý lên vai cuộc thượng trình
21-11-1992
Đàlạt Ơi
Đà Lạt đâu rồi ! biết hỏi đâu
Thâu đêm đêm nhớ - nhớ đêm thâu
Hoa đào mến phố hoa đào thắm
Tiếng suối vì ai tiếng suối sầu
Thung lũng mộng mơ... mơ mộng dệt
Đồi thông ân ái... ái ân lâu
Người ơi giữa bóng chiều trông bóng
Để mái tang thương nhuộm mái đầu
Bà Rịa 1992
Đêm Mong
Dòng sông hỡi dòng sông
Bên nhớ với bên trông
Ai đi rồi ai ở
Hoài mong ngập hoài mong
Bóng chiều... từng bóng chiều
Cô liêu mái cô liêu
Tiếng đêm hòa tiếng sóng
Kiều than mấy đoạn Kiều
Trăng vàng trôi trăng thơ
Mây ngàn mây... hững hờ
Nhớ theo từng trang nhớ
Ước mơ... dài... ước mơ
Đà Nẵng tết Mậu Dần 1998
Viếng Chùa Đại Tùng Lâm
Rừng thiền rộng rãi cửa thiền
Không không - sắc sắc...giữa miền sắc không
Mênh mông chuông sớm mênh mông
Thênh thang mõ tối cõi lòng thênh thang
Ánh xuân hòa ánh Đạo Vàng
Trúc Lâm - cũng áng mây ngàn Tùng Lâm
Tiết thanh minh Mậu Tý - 2008
Dặm Xuân
tặng Lê Đình Lộng Chương
Mái đầu mỗi lúc mỗi hoa râm
Tưởng tiếc bao phen tưởng tiếc thầm
Hương cũ không còn - còn cốt cách
Người xưa chẳng có - có tri âm
Niềm xuân diệu vợi niềm xuân dậy
Chén nguyệt lâm ly chén nguyệt dầm
Bao dặm quan hà... bao dặm khách
Ngâm dòng thơ nhớ - nhớ dòng ngâm
Bà Rịa Xuân Canh Ngọ - 1990