Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà văn ĐẶNG HOÀNG THÁM

 

IMG_1229

 

Tác giả Đặng Hoàng Thám (các bút danh khác: Hoàng Hoa, Anh Việt, Mai Lý...) sinh 1959.

Nguyên quán: Định Thuỷ - Mỏ Cày - Bến Tre. Trú quán: Long Tuyền - Bình Thủy - Cần Thơ

Viết văn, làm thơ từ năm 2003

Hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ.

 

Tác phẩm:

 

   - Bến đò hoa mận trắng - Tập truyện ngắn  (Nxb Văn Nghệ 2008); Đã có một số truyện ngắn, bút ký, thơ đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương

 

Ben-do-Hoa-man-trang

 

Giải thưởng :

 

   - Giải Nhì - Truyện ngắn ĐBSCL lần 2 năm 2005;

   - Giải  Ba - Thơ  tỉnh An Giang năm 2005;

   - Giải  Ba - Thơ  TP. Cần Thơ năm 2005;

   - Giải  Ba - Bút ký TP. Cần Thơ năm 2006;

   - Giải Ba - Truyện ngắn tỉnh Bình Phước 2006;

   - 4 giải khuyến khích: Truyện ngắn, thơ, văn nghệ dân gian năm 2005;

 

Địa chỉ: Đặng Hoàng Thám Hội Nhà văn TP. Cần Thơ  -170 Lý Tự Trọng, Ninh Kiều, Cần Thơ;  

Điện thoại: 0907 192 208

Email : This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. .

 

             MƯA XỨ NẪU

 

                        Anh về xứ Nẫu chiều nay

                        Thương bao kỷ niệm những ngày bên em

                       

                        Mưa rơi thánh thót hiên thềm

                        Biển xanh cát trắng một miền dấu yêu   

                        “Chu cha” anh nhớ em nhiều

                        Nẫu đi như bóng mây chiều cuối truông!

                        Tại ai mà “tui” nhớ thương?

                        “Hầu nào” hai đứa  vui buồn có nhau

                        Bây giờ nghe trái tim đau

                        Nẫu xa biền biệt phương nào nhớ nhung?         

 

                        Chiều mưa xứ Nẫu bâng khuâng

                        Em đi đã mấy mùa xuân chưa về…

 

 

           HUẾ CŨ THÀNH  XƯA 

  

Chiều mưa xứ Huế về mô

Ai lên núi Ngự ai vô nội thành

Sông Hương một dải xanh xanh

Văn Lâu bến cũ dạo quanh một vòng

 

            Mưa chi ướt cánh phượng hồng?

Yêu chi cho khách tang bồng đeo mang!

            …Hiếu lăng quan đứng hai hàng

Rêu phong mặt đá thở than sự đờ

…Cấm cung xuân nữ hết thời!

Sương sa nguyệt lạnh mây trời gió bay

 

Người xưa đâu giữa đền đài?

Chỉ còn nước biếc sông dài chảy xuôi

Cảm thương cung cấm ngậm ngùi

            Hai trăm năm đứng giữa đời bể dâu… 


 

MÙA XUÂN KHÔNG  EM

 

Mùa xuân năm nay… không em !

Chợ đông gặp những người quen gượng cười

Nâng ly rượu tết bạn mời

Thấy trong đáy cốc mắt người xuân xưa !

           

Bên thềm gió lá đung đưa

Nắng nung mềm nhớ mấy mùa em đi

Ngày qua… bóng ngã tà huy

Sắc hoa gợi nhớ chút gì nghe đau!

 

Mùa xuân dạo bước xôn xao

Tiếng chim ríu rít gọi nhau trong vườn

Em đi để lại mùi hương

Tôi. Xuân và phố còn thương… một người

 

 

ẢNH XƯA

 

Tìm trong ảnh - mắt người xưa

Một thời xa cũ nghe mưa ấm lòng!

 

Chỉ còn ta với mùa đông

Trông theo mây trắng bềnh bồng lãng du

Có ai còn nhớ mùa  thu

Mà thương chiếc lá rụng từ chiêm bao!

 

Áo người xưa vẫn sắc màu

Nụ cười thuở ấy thấm vào tim ta

Trông gần rồi lại… trông xa

Hôn người trong ảnh bỗng oà khóc riêng!

 

 

THU TÀN  SANG ĐÔNG

 

Tôi về theo bước mùa đông

Chạnh thèm ấm chút môi hồng em xưa

 

Quê nhà mấy độ nắng mưa?

Quê người phiêu bạt mấy mùa nhớ em !

 

Về qua lối cũ đường quen

Lá vườn khép mắt miên man giấc nồng

 

Thuyền ai đậu ngủ bên sông?

Chập chờn thả mộng giữa dòng trường giang

 

 

CA  DAO TỰ TÌNH

                                                                                               

Ví dầu em là cô dâu

Cau ngon anh đốn vườn trầu anh khai !

 

Mẹ thương em thuở hoài thai

Anh thương em thuở tóc mai mới chừa

 

Ví dầu ngày xửa, ngày xưa       

Nói yêu em thuở em chưa biết gì

           

Chẳng đau giấc mộng tình si

Chẳng buồn ngày ấy em đi theo chồng

 

Mưa chi bong bóng phập phồng

Hạt rơi tan vỡ giữa dòng nước trôi

           

Hạt mềm cây cỏ sinh sôi

Hạt thành nước mắt cho người thế gian…

 

 

CỔ  MỘ

 

Về ngang mộ cổ ngày xưa

Chiều sương khói lạnh lưa thưa mưa buồn

Chạnh lòng tôi thắp nén hương

Gió lùa khói toả bên đường lá bay

 

Tôi xoè tay trắng bàn tay

Mấy mươi năm cũng một ngày về không !

Một ngày em hết ngóng trông

Tôi thành cát bụi giữa dòng thời gian

 

Chút hương tình cũ tro than

Em dư nước mắt đa mang chi sầu!

…Người trong mộ giờ về đâu?

Chỉ còn khói toả bên cầu trăng mơ

 

 

MÙA LŨ

 

Truyện ngắn


Cô gái đứng hồi lâu trên cầu bỗng leo qua lan can rồi gieo mình xuống dòng nước đang chảy băng băng. - Có người tự tử! Mau lên Đực ơi... Đực đang tóm mấy lưỡi câu để tối đi cắm, vội vàng vất cuộn dây gân vào khoang ghe, cởi nhanh áo quăng xuống sạp, nhảy tùm xuống nước. Đực sải tay bơi hết tốc lực xuôi theo dòng nước đang chảy cuồn cuộn. Anh chụp được cánh tay của người con gái, xốc ngang hông cô ta, nương dòng nước, vào bờ. Ông già Tám chống ghe vô tiếp Đực. - Hừ... con cái nhà ai mà dại dột quá! Chắc thất tình hay thi rớt gì đây! Ông già lầm bầm khi kéo cô con gái mình mẩy mềm dượi và ướt mem lên sạp ghe: “ Đực! Mầy sốc nước nhanh lên!”. Đực hai tay ấn vào ngực cô. Lát sau, nước từ trong họng cô trào ra. Cô gái mở cặp mắt lờ đờ. “Hết chết rồi! Mầy lau mình cho nó. Tao nấu miếng nước, châm trà đậm đổ cho nó uống”. Đực ngại ngần: “Ông ngoại ơi! Ông... ông lau cho cổ đi, con là con trai mà...!”. “Có lau không? Một hồi nó trúng gió chết bây giờ. Tao với mầy mang họa!”. Ông già gân cổ quát lên. Đực hoảng sợ, vội vã lấy cái áo cũ... Cô gái tỉnh lại sau khi được đổ mấy chung trà ấm đậm có pha đường cát. Cô lạ lẫm nhìn Đực và ông già Tám: “Trời ơi!... Mấy người cứu tôi làm chi vậy? Tôi muốn chết mà...”. Cô gái mệt nhọc ứa hai hàng nước mắt. Đực quay mặt đi chỗ khác. “Cháu có việc gì buồn mà muốn chết! Có việc gì cũng thong thả thôi, sao lại dại dột như vậy?”. “Cháu... cháu buồn lắm! Cháu khổ lắm ông ơi!”. Cô gái thều thào. “Ông ngày xưa cũng khổ lắm nhưng ông đâu có muốn chết. Bây giờ già rồi ông cũng chưa muốn chết. Con trùn, con kiến cũng còn muốn sống kia mà!”. Đực lui cui sau lái canh nồi cháo cá. Nước sôi bùm bụp... Cô gái quấn đỡ chiếc khăn tắm, ngồi thu lu. Cô xanh xao với tóc tai rũ rượi. “Cô ăn đi... ăn cho lại sức...”. Cô gái im lặng thẫn thờ múc vài muỗng cháo cho vào miệng. Hình như hơi nóng, vị ngọt của cháo cá nấu với ít gừng, chút tiêu sọ, vài cọng hành lá thơm phức làm cho cô tỉnh táo lại. “Cô ráng ăn đi... Cháo nấu nhiều lắm” - Đực thật thà nói với cô gái. Cô gái nhìn ông Tám và Đực với cặp mắt biết ơn, húp nhỏ nhẻ từng muỗng cháo trông có vẻ khá ngon miệng. Chiếc thuyền của hai ông cháu người chài lưới chở theo cô gái ngược dòng sông trở về nhà họ. Xa xa, bên phải phía hạ nguồn, có vầng sáng rộng, ánh lên trên khoảng không của thành phố. Ngọn đèn của cái tháp đài truyền hình như cục than đỏ hồng lẻ loi giữa bầu trời nhàn nhạt ánh sao. Cô gái cho biết nhà cô ở xa lắm. Cô không thể trở về nhà. Những đứa em cung cha khác mẹ với cô đã xua đuổi cô. Cha cô bị tai biến nằm một chỗ. Mẹ kế cô là một người đàn bà chua chanh chát khế. Cô buồn rầu nhớ lại... - Mầy đi cho đã rồi trở về đây làm gì? Tao đã khổ sở với thằng cha mầy, giờ lại thêm mầy! Lấy Đài Loan không được thì ở bển làm gái cũng có tiền, cũng sướng, sao lại trồi đầu về. Về rồi lại đi. Sao không đi luôn mà trở lại đây để báo cô, báo kiếp tao à? - Người phụ nữ đẫy đà, miệng quang quác. - Con về để thăm ba con và mấy em... thưa dì... - Không cần đâu. Nhà nầy không chứa gái - người mẹ kế xua tay, giọng chanh chảnh. Mai chẳng biết về đâu khi cô chẳng còn nơi nương tựa. Mẹ chết khi cô mới mười ba tuổi. Mẹ kế của cô lúc mới về đây giả vờ thương yêu, chiều chuộng đứa con riêng của chồng, để làm vừa lòng người đàn ông góa vợ. Nhưng đã có lần cha nàng đòi đuổi bà ta ra khỏi nhà khi bắt gặp bà ấy đánh chửi Mai... Mai lớn dần thành thiếu nữ, xinh đẹp hẳn ra. Bà Giang cũng có hai đứa con với cha cô. Tình yêu của cha đối với cô hình như cũng nhạt dần theo năm tháng. Một phần vì ông ấy bận bịu công việc làm ăn. Một phần ông cũng thương hai đứa con sau. Mai dần dần sống âm thầm như chiếc bóng trong ngôi nhà có nhiều kỷ niệm vui buồn nầy. Những lúc hồi tưởng về mẹ, cô lặng lẽ khóc! Nếu mẹ còn sống thì cô đâu phải như thế nầy... Cha Mai bị tai biến rồi nằm một chỗ. Bà Giang dịu ngọt dụ dỗ Mai, gả cô cho một người Đài Loan đã lớn tuổi. Cô thương cha, muốn có tiền chữa bệnh cho cha nên ưng thuận. Mười tám tuổi tròn, Mai lấy chồng xa xứ với một sự thật phũ phàng, nghiệt ngã. Vợ của chồng Mai đã chết từ lâu. Mấy đứa con của ông ta khinh khi cô ra mặt. Một gã em chồng thường nhìn cô lom lom, không giấu sự thèm khát. Một hôm, nhà vắng vẻ, hắn đã dùng sức mạnh cưỡng bức Mai... Chuyện ấy thỉnh thoảng tái diễn! Chồng Mai có lần bắt gặp nhưng lại dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mai rất đau đớn, nhục nhã. Mai bị ám ảnh, hoang mang và sợ hãi trong ngôi nhà u ám ấy. Một hôm, thừa cơ hội đi chợ, Mai đã tìm đến cơ quan trợ giúp những người cùng xứ sở và đã được giúp đưa về quê hương... Khi trở về, Mai có chút đỉnh tiền bạc mà cô đã lén lút dành dụm lúc còn ở bên ấy. Bà Giang vẽ duyên tiền thuốc men, khóc than khoản nợ nần trị bệnh cho cha cô. Cuối cùng, Mai trắng tay sau một thời gian trở về quê. Mai không thể ở với người mẹ kế cay nghiệt nếu không có tiền. Cô lên thành phố xin vào một quán cà phê làm tiếp viên với số lương bèo - bốn trăm ngàn đồng một tháng. Cái giá ấy giữa chốn phồn hoa đô hội chẳng đủ cho Mai chi dùng. Một vài cô tiếp viên cũ, từng trải đời, đã rủ rê Mai cách kiếm tiền nhanh từ những ông khách ham của lạ. Nàng lần bước đi vào con đường u ám với ý nghĩ: “ Mình chẳng còn gì để mất, để tiếc!”. Trong một lần cơ quan chức năng kiểm tra một khách sạn, Mai được đưa vào trại phục hồi nhân phẩm. Người ta khám sức khỏe cho cô để phân loại những người bị nhiễm và không nhiễm HIV. Rất may, cô không dính vào căn bệnh thế kỷ nầy. Ra trại, Mai trở về quê và lại bị bà mẹ kế cùng những đứa con của bà xua đuổi. *** - Cháu tạm thời cứ ở lại đây. Chừng nào muốn đi thì đi... Ôi! Trên đời sao có những số phận đáng thương như vậy! - Ông già Tám bùi ngùi. - Nếu ông cho cháu ở lại... cháu sẽ nấu cơm cho ông và anh Đực ăn. Cháu sẽ... - Có cháu càng thêm vui cửa vui nhà. Thằng Đực mồ côi từ nhỏ. Ông lượm nó trên bờ mẫu ở ngoài ruộng đem về nuôi lúc nó còn đỏ hỏn. Tội nghiệp bà ngoại nó! Thương nó hơn con đẻ. Nhưng bả đã đi theo ông bà mấy năm nay rồi! - Ông già Tám nhìn lên bàn thờ vợ. - Sao anh Đực lại kêu ông bằng ông ngoại mà không kêu bằng cha? - Hồi đó, ông có đứa con gái nhỏ, nếu tính ra phải bằng tuổi mẹ thằng Đực - ông chỉ đoán vậy - Nhưng con gái ông đã sẩy chân chết đuối khi ông chở nó đi giăng câu. Ông sơ ý để nó ra mũi ghe rồi lọt xuống sông bị nước lũ cuốn trôi. Năm đó lũ lớn lắm, nước chảy dữ lắm! Cá tôm từ Biển Hồ về nhiều lắm...” - Ông già Tám bùi ngùi kể - Vợ ông đi chợ bán cá về hay được, bả chết lên chết xuống! Về sau, cách đây hơn hai mươi năm, ông lượm được thằng Đực. Bà ấy nói trời cho. Trời đền lại cho bả... Thằng Đực chắc là cháu ngoại của bả. Những ngày sống nơi cuối cái xóm vắng vẻ nầy, Mai cảm thấy tâm hồn mình yên ắng lại. Những buổi sáng nắng vàng tươi thật đẹp trải dài trên cánh đồng mênh mông rập rờn lúa xanh. Những buổi trưa, tiếng gà gáy gợi nhớ êm đềm về một tuổi thơ đã đi qua trong quá khứ. Và những lúc hoàng hôn, ráng chiều đỏ ửng phía chân trời xa đẹp nôn nao bụng dạ... Mai sống trong khung cảnh êm ả này cùng với ông Tám và Đực. Nghĩ tới Đực, Mai thầm nhủ: “Người đâu mà hiền như cục đất. Mình nói gì ảnh cũng nghe, chỉ nhăn miệng cười vui”... Chừng tuần sau, anh công an ấp tới nhà ông Tám: - Ông muốn cho cô nầy ở đây thì phải có giấy tạm vắng để xin tạm trú. Tôi có nghe dư luận không mấy tốt về cô gái nầy! - Dạ thưa... Cổ có hoàn cảnh tội nghiệp lắm! Chú thông cảm, để từ từ tụi tui tính. Tui xin bảo lãnh cho cô ấy. Nếu cô ta có làm gì sai trái, tui hoàn toàn chịu trách nhiệm. Rồi ông già Tám kể cho anh cán bộ nghe chuyện của Mai. Anh cán bộ suy nghĩ một chút rồi nói: - Chúng tôi cũng du di cho cô ấy một thời gian... Về lâu, về dài, phải có giấy tờ mới được. Đó là qui định chung. - Dạ, tôi cũng biết... nhưng... - Ông già Tám có vẻ rầu rĩ. Khi anh cán bộ về rồi, Mai rưng rưng nói với ông Tám: - Chắc cháu phải đi thôi... Cháu ở đây làm phiền ông với anh Đực quá! - Cô cứ ở lại đây, tụi tui sẽ tính sau... Cô đi... biết đi về đâu? - Đực nhìn trời nói, lòng buồn hiu hắt. - Phải. Cháu cứ ở lại... Rồi mình sẽ liệu lo giấy tờ - Ông Tám cứ nói đại như thế vì xưa nay ông và Đực có biết gì đâu chuyện giấy tờ! Hai ông cháu họ năm dài tháng rộng lênh đênh trên sông chài cá, câu tôm rồi quanh quẩn xóm giềng! *** - Tôi bày cho ông một kế. Việc nầy cũng bình thường thôi! - Chú Ba trưởng ấp nói với ông già Tám. - Dạ... chú ráng giúp tôi. Sao tôi thấy thương con nhỏ quá! - Tôi có để ý con nhỏ nầy, từ lúc nó về đây ở. Con nhỏ làm gì tôi không cần biết nhưng qua lời ăn tiếng nói, tôi thấy nó cũng đàng hoàng. Chắc khong phải là người xấu... Nếu có gì thì cũng do hoàn cảnh mà thôi. Những người như vậy ta nên giúp đỡ. Bây giờ tôi nói như vầy ông chịu không. Ông cưới nó cho thằng cháu ngoại ông đi, ráng làm vài mâm qua quýt cho làng xóm biết. Rồi sau đó kiếm ít tiền cho vợ chồng nó về xứ con nhỏ, xin giấy tờ chuyển về đây. - Cậu Ba nó nói nghe chí lý quá. Tôi sẽ bàn với thằng Đực và con Mai xem ý tụi nó ra sao - Mặt ông già Tám rạng rỡ hẳn lên. Đám cưới của Đực và Mai chỉ có vài mâm, diễn ra ấm cúng và khá vui vẻ. Năm sau, Đực dẫn vợ về quê làm thủ tục giấy tờ. Ông Tân - cha Mai đã mất chừng nửa tháng sau ngày cô đi khỏi nhà lần thứ ba. Bà Giang xởi lởi. Nhưng ai mà biết trong bụng bà ấy nghĩ gì! Có điều bà ta - tạm gọi là biết điều - đã an táng ông chồng cạnh ngôi mộ người vợ trước của ông theo lời trăn trối. Vợ chồng Mai ra mộ đốt nhang khấn vái cha mẹ cô. Buổi chiều dần khép lại. Nắng vàng nhạt như mành lưới giăng trùm lên cánh đồng mênh mông hiu quạnh. Mai lưu luyến nhìn đôi mả đất cha mẹ mình lơ thơ mấy đám cỏ may. Mai bùi ngùi, đỏ hoe đôi mắt. Cô bỗng thấy như in ngày còn bé. Cô đội cái mũ vải tròn, cặp ba lô trên lưng, ngang hông đeo bình nước có sợi dây vắt chéo. Cha cô cõng cô đến trường trong mùa nước lũ. Mẹ cô thường gói cho cô những củ khoai nóng hổi thật ngon trong giấy báo rồi cẩn thận bỏ vào bọc cho cô đem theo để ăn. Trống trường tan, Mai thấp thỏm trông cha đến đón về. Mai nhớ những mùa đông thời thơ ấu. Cô nằm giữa, cha cô một bên, mẹ cô một bên, ủ ấm cho cô. Nước mắt Mai lăn lã chã trên gò má bao giờ cô cũng chẳng hay... Mai và Đực xuống ghe, trở về xóm Muồng Cụt để chuẩn bị cho mùa giăng câu, đặt lưới, bởi lũ thượng nguồn đã tràn về mênh mông bờ bãi. Cuộc đời của những người dân quê ở đây thầm lặng trong thanh bình và yên ả. Có lẽ, họ đã biết chung sống với lũ từ bao đời nay... 

 

 

CHUYỆN Ở ĐỒNG TRÀM

 

Truyện ngắn

 

Trời tháng tư, nắng như thiêu đốt đồng bưng. Chúng tôi đi trên cánh đồng tràm chỉ còn trơ những chồi cây tái sinh èo uột. Cánh đồng này mấy mươi năm trước là vùng chiến địa. Chúng tôi đã đi qua và bây giờ trở lại...

 

Tư Sứt “bụp” nhát cuốc xuống nền đất khô nẻ và cứng như xi măng. Những vết phèn ám đỏ như rỉ sắt dính vào lưỡi cuốc của anh, gặp không khí, cái màu đỏ ấy đổi thành vàng sẫm, nhờn nhợn như những vết máu mới khô...

 

- Đây mà! Chỗ này chứ không đâu hết. Hồi đó tôi đã đứng nhiều chỗ... Chỉ có chỗ này là nhìn thấy cái lỗ mũi ló ra từ vách núi đá tai bèo độ gang tay. Cái núi gì mà buổi chiều nhìn xiên giống hình mặt quỷ, buổi sáng thì giống như cô gái đang cười trêu ai! Vậy mà người ta đã ở trên đó, ở cái chỗ tưởng chừng như chỉ có thú rừng, cỏ cây và ma quỷ !

 

Nhẫn nhìn lên ngọn núi mà Tư Sứt vừa mô tả. Quả thật, cái chỗ đá le ra từ trong hẻm núi nó giống như cái mũi của người ta, thế mà tại sao hồi đó, mình và Phấn không thấy ! Chắc mình và cô ấy vô tình không để ý đó thôi!

 

- Gặp rồi! – có tiếng la gọn, giọng phấn khích.

- Gặp gì? Gặp cái gì? – mọi người nhau nhảu hỏi dồn.

- Vải dù. Vải dù - Tôi bó xác cô ấy bằng vải dù! Mà cái khăn choàng vải dù này là của tôi. Chỉ trừ tôi bị “khùng” thôi, thì tôi mới không nhận ra nó. Tôi choàng nó đi đánh giặc cả chục năm, nên tôi và nó như linh thiêng với nhau, nhìn mặt là biết ngay!

 

 

Nhẫn vẹt những người đang xúm xít bên miệng hố mà Tư Sứt và bạn anh ta mới vừa đào, còn nham nhở sình đất dèo dẻo. Hố sâu độ khoảng trên mét rưỡi. “Hà! Lạ thật. Hồi đó, tôi chôn cô ấy đâu có sâu dữ vậy! À! Mà chắc tại bùn vùi lấp. Vùng này mỗi năm mỗi ngập nước mà. Chỉ có tràm, chỉ có tràm là mới sống nổi thôi!”- Tư Sứt lẩm bẩm. Một vật gì như bằng kim loại ánh lên dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè. “Một cái lược bằng nhôm máy bay!”. Nó vẫn còn sáng màu khi Tư Sứt đã rửa lớp bùn đất phủ quanh nó hơn 30 năm! “Đúng là cái lược của mình đã dày công mài cắt từ cái yếm của chiếc máy bay đầm già bị thanh niên xung phong đường 1-C dạo đó, bắn rơi trên cánh đồng tràm này đây! Những ngày bị giặc vây trong hang núi Mo So, mình đã tranh thủ những lúc giặc ngưng đánh để mài cái lược nhôm cứng này cho Phấn. Bây giờ nó vẫn còn! Mình nhận ra nó ngay, giống như anh Tư Sứt đã nhận ra chiếc khăn choàng vải dù của anh ta. Nhưng Phấn! Người con gái xinh đẹp, tuổi mới đôi mươi không còn nữa! Cô ấy đã nằm dưới cánh đồng tràm này lâu lắm rồi! Thịt da mơn mởn ngày ấy, bây giờ chỉ là nắm đất nhão sền sệt với vài sợi tóc hiếm hoi còn sót lại...”- Nhẫn nghe lòng bùi ngùi, xót xa vô hạn!

 

Mở gói ấy ra luôn đi ! - đồng chí trưởng đoàn ra lệnh.

 

Tấm vải mủ khá dày, lem luốc bùn đất, cột bằng dây đèn trái sáng được Tư Sứt mở bung ra: Một cái sọ người bị mẻ bên trán trái với hai hố mắt sâu thẳm và hai cái gò má cao; một ít xương lóng của các chi... Chỉ còn nhiêu đó! Phấn ngày xưa của Nhẫn đó sao ? Thật khó hình dung nổi cái sọ không lành lặn kia với hai hố mắt to buồn như muốn khóc, đã có thời là khuôn mặt ngây thơ, trắng trẻo, sáng đẹp của một người con gái có mái tóc đen dài, óng mượt ngang lưng! Những giọt nước mắt của người đàn ông có khuôn mặt buồn, khắc khổ, dày dạn gió sương rớt xuống nền đất phèn khô quéo. Những cây nhang gầy đét được đốt lên. Gió đưa hương ngan ngát. Mùi của khói nhang. Mùi của quá khứ. Mùi của bom đạn. Mùi của gió biển có vị mặn mồ hôi người. Mùi của phèn chát xì lên từ những lỗ nẻ có dấu chân trâu. Mùi của hương hoa tràm đúng là như còn phảng phất đâu đây... “Cô Phấn! Cô đã trở về với anh em rồi đó!” - giọng Tư Sứt cảm thán ngậm ngùi. Trong phút giây hư ảo của ký ức. Nhẫn lờ mờ, rồi nhớ rõ hẳn cái đêm hôm ấy trên núi, trăng sáng vằng vặc, trăng treo trên cánh rừng tràm bạt ngàn, đen sầm sậm phía dưới đồng bằng xa xa mờ ảo...

 

*

Hồi ấy, đang là mùa nước nổi của vùng Tây cận Nam tứ giác Long Xuyên, giáp Hà Tiên, Ba Hòn...

 

- Ngày mai, anh theo đoàn qua “K”, rồi lên miền Đông nhận hàng. Chắc lâu lắm mới gặp lại em!

- Anh đi đường cố bảo trọng. Lúc này, em nghe nói giặc nó “ghim” đường dây mình dữ lắm! - cô gái ngây thơ và lo lắng nói.

- Thì phải đi tới nơi tới chốn thôi! Như những lần trước vậy.

 

Họ là những chiến sĩ thanh niên xung phong của đường dây 1-C đang làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ các kho ở miền Đông về miền Tây Nam Bộ để phục vụ cho các chiến dịch và các hoạt động vũ trang của ta ở đồng bằng sông Cửu Long trong những thời điểm ác liệt nhất!

 

- Em có nhớ Cần Thơ mình không?

- Anh có nhớ không mà hỏi em! - cô gái gục đầu vô vai Nhẫn thổn thức. Họ là đôi nam nữ học sinh thoát ly theo cách mạng. Quê Phấn ở Phụng Hiệp, còn quê của Nhẫn ở Châu Thành. Họ ra đi phơi phới trong lòng theo tiếng gọi của quê hương. Những thanh niên, nam nữ thời ấy nhiệt tình và đơn giản lắm trong cách nghĩ, cách sống! Chỉ mong hết giặc, thanh bình, về lại quê hương với mảnh vườn, miếng ruộng và một mái ấm gia đình. Đêm ấy họ yêu nhau và thật hạnh phúc như một cặp vợ chồng giữa núi rừng hoang sơ. Chỉ có ánh trăng làm chứng!

 

Sau chuyến đi dài ngày, Nhẫn trở lại. Nhưng anh không vào trong núi được. Thiết giáp và lính sư 21 Sài Gòn đã vây núi mấy ngày qua. Một cánh quân của ta trong núi được lệnh mở đường phá vây, bắt liên lạc, nhận tiếp tế và vũ khí để chiến đấu bảo vệ kho hàng. Phấn gặp lại Nhẫn giữa mặt trận. Mừng mừng tủi tủi chẳng nói nên lời. Họ nằm lại một chốt chiến đấu để bảo vệ các đồng chí thanh niên xung phong gấp rút chuyển một số ít hàng vào trong hang.

 

Buổi sáng, bình minh châu thổ đẹp lạ lùng với những ngọn núi còn mờ sương đứng hiên ngang, hùng vĩ giữa đồng bằng và biển cả. Nắng mai vàng rực rỡ. Những tảng đá lớn nhỏ rơi vãi ngổn ngang qua hàng trăm trận bom bừa và pháo bầy của giặc. Có tiếng rì rì, quần đảo của máy bay đầm già trên không.

 

- Nó bắt đầu lên kìa! Các đồng chí cảnh giác cao, sẵn sàng đánh trả kẻ thù để bảo vệ kho hàng - đồng chí Bảy Thanh chỉ huy đoàn ra lệnh.

 

Sau những loạt pháo lớn nổ rền trời kéo dài nhiều phút, bọn lính bắt đầu tấn công lên núi. Khói cháy rừng khét lèn lẹt nhưng lại có mùi thơm dìu dịu, phảng phất của tinh dầu cây cỏ bị đốt! Quân ta chống trả anh dũng nhưng vì yếu thế hơn chúng, phải rút vào hang. Bọn địch dùng máy bay thả những phuy xăng, dầu đốt hang. Lửa cháy luồn vào hang, khói mù mịt không thấy mặt người. Nhưng lạ lùng thay! Sau vài phút ngột ngạt, ngọn lửa lại phù phù cháy ngược trở ra. Đó là vì khi cháy, không khí ở đó bị nóng lên và ít đi đột ngột, gió từ các ngách hang trên núi bị hút, thổi luồn xuống, phía dưới chân núi bao giờ cũng thấp hơn trên, nên xăng dầu chảy ngược ra cũng là điều dễ hiểu! Bọn địch bị thất bại bất ngờ khi định dùng “hỏa công” thiêu rụi núi! Bọn chúng vốn nhát gan, nên khi có mấy tên liều mạng chun vào hang bị ta tiêu diệt, những tên còn lại hoảng sợ thối lui không dám bén mảng lại gần nữa. Núi đã che chở cho quân ta. Núi trở thành máu thịt của ta...

 

Phấn cột khăn rằn ngang bụng, cô vác khẩu “trường bá đỏ” trên vai bước những bước xiêu vẹo và mệt mỏi. Đơn vị cô bị ngăn cách bởi bọn lính ở lưng chừng núi. Đường trở vào hang bị chúng chốt chặn và canh gác nghiêm nhặt. Tổ chiến đấu của Phấn đã hy sinh và bị thương gần hết. Người này dìu người kia luồn qua những con đường hiểm trở để tránh giặc. Họ đã kiệt sức. Một tiếng nổ lớn. Phấn thấy mình phiêu diêu chập chờn, mơ mơ, màng màng trong một vùng tối sáng mờ ảo, cô không còn biết gì hết...

 

Ngày chiến sự thứ ba. Lối gần sẩm tối. Người ta đưa về trạm quân y một thương binh nữ bị dập xương sống, với cái đầu quấn băng trắng chỉ còn đôi mắt nhắm nghiền và hơi thở hoi hóp. Các đồng đội của cô đã gặp được cô bên một dòng suối cạn trong rừng khi quân địch vừa rút đi. Có một anh bộ đội quần áo bê bết bụi đất, ôm cô khóc. Cặp mắt anh đỏ hoe trên gương mặt bơ phờ, tiều tụy: “Đồng chí bác sĩ. Chú Chín! Ông cố cứu cô ấy, cô ấy là một chiến sĩ gái dũng cảm và tội nghiệp”. Chín Thành vỗ vai anh bộ đội: “Anh bình tĩnh. Tôi sẽ làm hết sức, để cứu đồng chí mình!”. Chín Thành chích thuốc, ghim kim truyền dịch. Anh mở băng ra và rửa ráy vết thương của người chiến sĩ kia. Chín Thành thoáng trầm ngâm. Anh hỏi: “Cô ấy quê ở đâu? Tên gì? Là sao với anh?” - “Cô ấy tên là Hồng Phấn, người Phụng Hiệp Cần Thơ. Phấn là... là người yêu của tôi. Chúng tôi cùng ra vùng giải phóng một lượt! Chúng tôi ở đoàn thanh niên xung phong Tây Đô...”.

 

Mặc dù Chín Thành và các nhân viên của anh đã hết sức cố gắng để mong cứu Phấn, nhưng cô ấy không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Trạm sửa soạn an táng cho Phấn thì giặc đánh tới. Chín Thành phân công cho Tư Sứt gấp rút di chuyển thi hài các liệt sĩ đến một chỗ khác để chôn cất và dặn Tư Sứt nhớ làm dấu tích để mai này hòa bình có thể trở về tìm hài cốt, quy tập họ về quê quán. Phần anh, anh chịu trách nhiệm di dời các thương binh qua biên giới để tiếp tục điều trị. Nhẫn còn sức khỏe, anh phải theo Chín Thành để cứu những thương binh còn sống. Lúc này, hơn lúc nào hết, họ và tổ chức cần anh.

 

*

Một người phụ nữ, có gương mặt sáng đẹp, trên trán đã hằn mấy nếp nhăn, mắt mũi đỏ hoe, tóc tai lòa xòa trên đôi vai thấm đẫm mồ hôi. Chị ôm cái quách nhỏ bằng sành da lươn, vuốt ve, khóc rưng rức: “Chị ơi! Chị ơi... Chị đi đã hơn ba mươi năm... Bây giờ mới về! Chị ơi.. Chị Phấn ơi!”. Mọi người ai nấy cũng mủi lòng, ngại ngần nhìn vào cái quách! Ba Nhẫn dìu vợ đứng lên: “Tại số phần chị ấy vắn! Tại chiến tranh mà. Thôi! Đừng khóc nữa! Đừng để Hồng Phấn tủi thân!”. Ngày hòa bình, Nhẫn tìm về gia đình Phấn. Hoa khi đó, tuổi chớm đôi mươi và đẹp dịu dàng như Phấn ngày xưa. Phấn đi trước Mậu Thân. Lúc Phấn đi, Hoa còn bé lắm, chỉ mới mười hai, mười ba tuổi đầu, tóc tai vàng hoe, vàng hoét. Cô bé Hoa - hôm chị lên đường đi thanh niên xung phong – mặc chiếc áo bà ba xùng xình, nhăn quéo của Phấn cho, chân đất, đầu trần chạy vấp lên, vấp xuống dọc theo bờ kênh tiễn chị. Cô vừa vẫy tay, vừa khóc nức nở, gọi chị đến lạc giọng! Phấn vịn cột chèo, rươm rướm nước mắt, huơ huơ chiếc mũ tai bèo từ giã mẹ và em. Cha cô đã lên miền Đông từ sau Đồng Khởi... Ngày giải phóng, Hoa tham gia công tác ở huyện đoàn, rồi yêu ông anh rể hụt của mình. Chín Thành quen thân với gia đình Phấn. Anh mai mối, tác hợp cho Ba Nhẫn và Hoa. Ba Nhẫn trở thành chồng của Hoa và là em rể của Phấn.

 

Hơn ba mươi năm trôi qua. Chín Thành, Ba Nhẫn, Tư Sứt trở lại cánh đồng tràm thủa trước để tìm mộ và hài cốt các liệt sĩ ngày ấy. Họ đã tìm gặp Phấn. Xương cốt của người con gái Tây Đô được đặt vào cái quách nhỏ, trên có phủ lá cờ Tổ quốc. Chín Thành vặn ống kính chụp mấy “bô” hình. Tư Sứt bắn một tràng A.K giòn giã lên trời...

 

Nắng chiều đã xế trên cánh đồng tràm mênh mông xa tít tắp. Lưa thưa mấy cánh cò chấp chới bay về cụm núi lam xa phía biển. Phía Hòn Đất. Chín Thành vỗ vai Ba Nhẫn:

 

Thôi đừng buồn! Ngày mai chúng ta sẽ đưa Hồng Phấn về quê hương “gạo trắng nước trong” của cô ấy...

 

 

Đặng Hoàng Thám

 

*

 

 small_1238946346_nv by you.

 

Nhà văn Đặng Hoàng Thám (bìa phải) và các thân hữu văn nghệ sĩ tại KS Công Tử Bạc Liêu, Sóc Trăng (4. 2009).

 

 

 

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.