Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà văn TRƯƠNG VĂN DÂN

 

4126538421_c9a65a69fc_m

 

 

Tên thật: Trương Văn Dân

Nơi sinh: Bình Định - 1953.

Học trung học ở Quy Nhơn

1971 du học ở Italia, ngành Hóa và Công Nghệ Dược Phẩm

Từ 1980, phụ trách về tổng hợp hóa dược và từ 1985, nghiên cứu & phát triển dược phẩm.

Đã viết, dịch và cộng tác với các tạp chí trong và ngoài nước: Thế giới văn (USA), Văn Hóa, Hợp Lưu, Viên Giác (Germany), tạp chí Văn (TP. Hồ Chí Minh), tạp chí Thời Văn (TP. Hồ Chí Minh), tạp chí Nông Thôn Ngày Nay (Hà Nội).

Tác Phẩm đã xuất bản:

Hành Trang ngày trở lại (Tập truyện ngắn, Nxb Trẻ, 2007)

IMG_1905

Bàn tay nhỏ dưới mưa (Truyện dài, PNB-Nxb Hội Nhà Văn, 2011)

Mùa hè tươi đẹp (Truyệndài, dịch từ nguyên tác “La bella estate” của Cesare Pavese, Italia)

Hình ảnh

Tác phẩm đang in:

Những ngày đánh mất ( Tập truyện dịch, gồm 20 truyện ngắn và một truyện vừa của Dino Buzzati, Italia)

Đã viết, dịch và cộng tác với các tạp chí trong và ngoài nước: Thế giới văn (USA), Văn Hóa, Hợp Lưu, Viên Giác (Germany), tạp chí Văn (TP. Hồ Chí Minh), tạp chí Thời Văn (TP. Hồ Chí Minh), tạp chí Nông Thôn Ngày Nay (Hà Nội).

***

                     Paris, ngày trở lại

                                                                                                            Trương Văn Dân

 

1.

Thời tiết Âu Châu vào tháng 5 rất đẹp và bầu trời của nước Ý thường được cho là “xanh nhất châu Âu”. Thế nhưng hôm chúng tôi về lại Milano thì trời mưa tầm tã và những ngày sau, rả rích. Màu trời xám xịt, u ám như giữa mùa thu. Mệt và buồn, hai ngày đầu tôi chỉ nằm nhà, và chỉ ra ngoài khi thật cần thiết.

Cũng như mọi lần, mỗi khi về lại Ý, việc đầu tiên của chúng tôi là đến nghĩa trang Lambrate để thăm mộ của mẹ Elena. Gọi là “mộ” nhưng thực ta chỉ là một trong rất nhiều chiếc hộc nhỏ đựng tro của bà hoả thiêu hơn mười năm trước.

Buổi sáng đó khônganhưng bầu trời vẫn còn u ám. Gió se se lạnh.

Elena cẩn thận lau bụi trước khung ảnh của mẹ nàng rồi thắp một nén nhang.

Đứng một lát rồi chúng tôi đem bó hoa ra rửa bụi. Vắng chỉ mấy phút, nhưng khi trở lại chúng tôi thấy đã có một bó hoa khác đã được đặt vào bình. Nhìn quanh, chẳng thấy ai quen. Phải đi quanh một đỗi thì Elena mới nhìn thấy ông cụ, lúc trước ở gần nhà nàng. Vụt chạy đến, hai người ôm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Ông nói vừa đi thăm mộ con gái, bạn học cũ của Elena, đã mất nhiều năm trước vì bệnh ung thư máu. Thấy bình hoa trống trước mộ mẹ nàng, tưởng bọn trẻ phá phách, ông đã chia phần hoa và cắm vào bình để bà bớt trống trải.

Hai người nhắc lại chuyện xưa, nét mặt ai nấy đều buồn. Lát sau thì ông cụ chia tay.

Chờ cho nhang tàn, chúng tôi cũng chuẩn bị ra về. Khi đi ra gần cổng, chúng tôi thấy một ông lão khác đang loay hoay với một chiếc thang. Tôi hỏi ông có cần gì không thì ông nhờ tôi leo lên để cắm hoa cho vợ mình, mới mất, nhưng hộc tro của bà bị đặt trên cao.

 Trông còn tráng kiện nhưng ông cho biết là năm nay đã 95 tuổi! Ông còn kể là đời mình đã trải qua mấy cuộc chiến tranh: Liên Xô, Albania, Hy lạp. Nhiều lần suýt chết nhưng các “Thánh” đã bảo vệ ông. Ông kể: là con chiên ngoan đạo nên lúc nào trong người ông cũng mang theo tranh các Thánh do toà thánh Vatican in. Những lúc nguy khốn, ông đã được các ngài giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Tuần nào ông cũng đến thăm mộ vợ. Ngày xưa bà là người cung cấp cho ông nhiều tranh Thánh. Thời chiến tranh và bị lạc ở Liên Xô, nhờ những bức tranh này mà ông được một nông dân Nga giúp đỡ và cung cấp thực phẩm. Nông dân này theo đạo Thiên Chúa và tranh Thánh ở Nga thời đó rất quý và hiếm.

 Do chiến cuộc, không học hành gì nhiều, trình độ chỉ lớp 5 tiểu học. Sau khi giải ngũ, tuy phải làm nhiều nghề để sống nhưng nhờ tính năng động và có nhiều sáng kiến, cuối cùng ông xây dựng được một nhà máy sản xuất giày, có trên 100 công nhân và điều hành cho đến lúc về hưu.

Tôi nhìn ông, khâm phục. Đúng là lớp người thuộc thế hệ vàng của nước Ý, sau những năm tháng khó khăn và loạn lạc họ đã xắn tay áo, cật lực làm việc để thoát khỏi cảnh nghèo và gầy dựng lại đất nước .

                      v\:* {behavior:url(#default#VML);} o\:* {behavior:url(#default#VML);} w\:* {behavior:url(#default#VML);} .shape {behavior:url(#default#VML);}

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}

                                                     Hình các Thánh

 

Ngay từ thuở nhỏ tôi đã thích nói chuyện với người già. Ở họ tôi học được rất nhiều điều mà các bạn cùng tuổi cho là vớ vẩn. Lúc chia tay tôi dặn ông mỗi lần đến nên nhờ người nào thay hoa cho vợ chứ đừng leo thang, sợ té ngã. Ông gật đầu nắm chặt lấy tay tôi để nói cảm ơn rồi chúc vợ chồng tôi luôn gặp bình an và may mắn.

Trên đường về, tôi và Elena cứ nhắc mãi về tình yêu son sắt và bền vững của hai ông bà. Thật khác với lớp trẻ hiện nay, lấy nhau chưa đầy 2 năm đã ly dị. Đây đúng là một nét đẹp của giáo dục Ý ảnh hưởng từ nền văn minh Thiên Chúa Giáo.

 

2.

            Giải quyết xong một số việc nhà tôi gọi điện thăm Thiện. Chuyến về Ý lần này tôi có hai chương trình thăm bạn bè nhưng chưa quyết định: Qua Dresden (Đức) thăm bạn thơ Nguyễn đức Minh, hay qua thăm bác sĩ Nguyễn chí Thiện ở Paris. Thiện nói gọi cả Minh cùng qua đi: “Tao rảnh, có thời gian để tha hồ tán dóc và đi chơi.”

Buổi tối gọi điện rủ Minh nhưng rất tiếc Minh không qua Paris được. Anh nhắc tôi gửi 10 quyển tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” để phát hành qua bạn bè và gây quỹ.

Sáng thứ bảy tôi và Elena có hẹn với Trần Minh Châu, chủ tịch Hội Tương Trợ Ý Việt,  và các bạn. Tôi đã ký tặng hội 10 quyển BTNDM (Ninh ở Ivrea cũng đã mang trước 5 quyển) để bán gây quỹ cấp phát học bỗng cho các em nghèo tại VN. Các bạn Châu, Lến, Hà, Vũ .. đã sốt sắng ủng hộ.

 

3.

            Đến Paris, trời trong và đẹp. Thật là may mắn. Thiện nói mấy ngày trước Paris cũng mưa và lạnh.

Vào nhà Thiện. Mở cửa sổ nhìn xuống vườn, sườn dốc một màu xanh, thoai thoải. Chợt nhớ những đêm đốt lửa sưởi ấm mùa đông ở Đà Lạt, trong lễ ra mắt giới thiệu tập thơ của nhà thơ Phạm Cao Hoàng, đang sống ở nước ngoài và đến lúc ấy tôi chưa từng gặp mặt.

            Đây là căn nhà của Thiện. Là nơi tổ chức “summit” họp mặt bạn bè cũ một thời du học, nay tản mạn khắp Âu Châu: Thuỵ Sĩ, Pháp, Ý, Bỉ, Đức, Canada, Mỹ...

 Nhà Thiện cũng là nơi hội tụ của văn nhân và nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước mỗi khi họ có dịp ghé đến Paris. Là bác sĩ y khoa nhưng Thiện rất am hiểu nghệ thuật và yêu văn nghệ sĩ. Bước vào nhà là nhìn thấy ngay những tủ sách đầy nhóc và những bức tranh của các hoạ sĩ tên tuổi trên tường: Bửu Ý, Đinh Cường. Phía trên lò sưởi còn có chân dung Trịnh Công Sơn do Công thế Cường vẽ...

Căn nhà của anh đã có nhiều người từng ghé lại: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hoạ sĩ Đinh Cường, Hoạ sĩ Trịnh Cung, Nhà nghiên cứu Bửu Chỉ; Những nhà văn, phê bình nhà nghiên cứu tên tuổi như Đặng Tiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Bửu Ý...

Hiếu khách, thân tình, Thiện dành thời gian đưa đón, hướng dẫn đi thăm thành phố, thăm viếng những khu di tích. Tuy sống “độc thân” nhưng Thiện khá chu đáo, thu xếp nơi ăn chốn ở, có khi đến vài chục người...

Vị trí nhà không xa trung tâm thành phố là bao nhưng nơi đây có một màu xanh bắt mắt, một sự yên tĩnh đến lạ lùng. Tuy sống một mình nhưng căn nhà khá ngăn nắp và sạch sẽ.Thì ra từ ba năm có cô cháu gái Bảo Châu qua Pháp làm việc. Cô bé vui tính, chăm chỉ nên cuối tuần quét dọn, làm vệ sinh và tranh thủ nấu mấy món ăn khoai khẩu để trong tủ lạnh để cậu Thiện ăn dần.

Khi nghe tôi hỏi, đời sống phương Tây bận rộn thế này sao bạn lại có nhiều thời gian rảnh rổi để đưa đón, tiếp đãi nhiều người..., Thiện đáp: “Trước đây cũng khá bận, nhưng từ vài năm nay thì cũng do mầy mà tao rảnh rổi!” Nhìn ánh mắt dọ hỏi của tôi, Thiện cười và tiếp: “Khi đọc truyện ngắn “Một áng mây bay[i]” của mầy, câu “Một người thông minh sao lại chọn một lối sống không mấy thông minh như thế?” và “Bận rộn, tao chỉ nhìn mà không thấy” đã làm tao ấn tượng nên sau đó phải thu xếp lại công việc.”

Anh còn nhắc thêm lời của một người bạn là nghệ sĩ Camille Huyền: “Bận một ngày nhưng mất đến hai ngày; mất ngày đó đã đành nhưng còn mất một ngày để vui chơi. Lỗ nặng!”

Từ đó mỗi tuần Thiện chỉ đến phòng khám có ba ngày rưỡi, còn lại anh dành thời gian chơi với bạn bè, tiếp xúc giới văn nghệ, đọc sách, nhìn trời đất, chăm sóc vườn tược, cây cỏ và...nhìn mây bay, suy nghĩ chuyện đời.

 

D:DOCUMENTI - DZANDOCUMENTI DANFOTOPARIS-5-2012-Ivrea nha NinhDSC04472.JPG

                                                 Cổng vào nhà Thiện

4.

 

 Vừa đến nhà, bỏ hành lý, tôi lấy quyển “Nghệ thuật Pham văn Hạng” và mấy số Quán Văn đem ra tặng bạn. Tôi rất vui vì thấy Thiện thích. Lật qua, anh nói sẽ đọc kỹ và giới thiệu với bạn bè Pháp về ông bạn điêu khắc đã từng nghe tên này. Tôi cũng đưa cho bạn 6 quyển tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”.

Chúng tôi đáp “không” khi Thiện hỏi có cần nghỉ ngơi, nên anh bảo lên xe và chở đến Giverny, nơi có căn nhà vườn của Claude Monet, một trong những hoạ sĩ thành lập trường phái ấn tượng (impressionism). Thị trấn cách Paris chừng 75 km. Elena rất vui vì tuy đến Paris nhiều lần nhưng vì phương tiện công cộng không mấy thuận tiện nên chưa có dịp đến đây,.

Hàn Lâm Viện Mỹ Thuật của Pháp hiện là chủ nhân và quản lý căn nhà vườn-bảo tàng. Giá vé vào cửa 9 Euro/người. Căn nhà được giữ sạch sẽ, nhà bếp thân thiện sơn màu xanh da trời... các dụng cụ bằng đồng ấm áp..Trong phòng khách có chưng bày tượng và những bức tranh nổi tiếng của ông. Phòng ngủ của vợ chồng ông, giường chiếu, các chậu hoa vẫn y nguyên như khi họ còn còn sống.

Vườn của Monet ở Giverny là một trong những Vườn hoa đẹp nhất thế giới.Vườn được chia làm 2 phần: một Vườn hoa và một Vườn Ao giống như những Vườn Nhật trong tranh ảnh mà Monet rất thích.

Trong Vườn hoa được trồng nhiều bông hoa chia nhau nở từ tháng 4 đến tháng 10. Hoa không  thành hàng mà  trồng xen kẽ để tạo một bức tranh màu sắc tuyệt vời, rất lạ mắt.

 Trong Vườn Nhật có một ao lớn, xung quanh có những con đường nhỏ quanh co uốn lượn, trồng rất nhiều cây cỏ Á Châu rất đẹp và thơ mộng. Nổi tiếng nhất là bông súng dưới ao, xung quanh ao có nhiều cây liễu rủ và đặc biệt một cây cầu Nhật bao phủ bởi nhiều dàn đậu tía. Khách dạo xem gặp rất nhiều cầu, núp bóng dưới những cây liễu rủ hay lấp loáng sau các lùm tre. Được đặc biệt chú ý là chiếc cầu vồng Nhật Bản màu lục hòa mình với những cành hoa glycine (dây đậu tía) tim tím nổi bật trên nền xanh cây lá xung quanh.

Không khí  nơi đây thật thanh bình. Khách đi dạo sẽ tưởng mình đang chìm trong một thế giới khác

 

                                                Tập tin:Claude Monet, Impression, soleil levant, 1872.jpg

                                                                    Tác phẩm "Ấn tượng mặt trời mọc" của Claude Monet,

   xuất phát của tên gọi trường phái ấn tượng

 

Tập tin:Claude Monet 037.jpg

 

            Cánh đồng hoa mỹ nhân tại Argenteuil

  5.

Mạng lưới xe điện ngầm (metro) ở Paris rất tiện lợi, phủ khắp thành phố. Buổi sáng Thiện đi làm nên cả ngày tôi và Elena cầm bản đồ trên tay và “làm du khách”. Điểm đến đầu  tiên trong ngày là  toà tháp biểu tượng của kinh đô ánh sáng: Tháp Eiffel.

Có lẽ đây là nơi được chụp hình nhiều nhất thế giới. Khi chúng tôi đến quảng trường Troccadero, có rất nhiều nhiều pullman chở du khách, học sinh đến đây. Bước mấy bậc tam cấp để lên Palaise de Chaillot, có hai  vòng cung và các bức tượng mạ vàng. Nhánh bên phải có nhà  bảo tàng về con người (Musée de l’Homme): Mặt trước có khắc hàng chữ làm tôi rất ấn tượng: Mọi người sinh ra đều thở, chỉ có văn hoá mới làm người này khác người kia[ii]

D:DOCUMENTI - DZANDOCUMENTI DANFOTOPARIS-5-2012-Ivrea nha NinhDSC04382.JPG

 

 Đây là nơi nhìn rõ toàn cảnh, và trước mặt tôi sừng sững toà tháp Eiffel.

Elena nói, khi viếng thăm Tháp Eiffel nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison đã viết vào sổ vàng lưu niệm những lời lẽ thật trân trọng “Xin gửi tới Ngài Gustave Eiffel, Công Trình Sư dũng cảm đã xây dựng nên mô hình khổng lồ và kỳ diệu của công nghệ hiện đại, lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ cao nhất của tôi”. Sự trân trọng đó hoàn toàn xứng đáng với một con người không chỉ tạo ra một Tháp Eiffel huyền thoại, mà còn là đồng tác giả của Tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ, và là tác giả của hàng chục công trình sắt thép khổng lồ nổi tiếng khác trên khắp thế giới, trong đó có cầu Long Biên ở Hà nội, cầu Tràng Tiền ở Huế và Nhà Bưu Điện Sai Gòn.

Gustave Eiffel đã kiêu hãnh lấy tên mình để đặt cho ngọn tháp, nhưng về sau ân hận vì chứng kiến đám đông nườm nượp kéo đến chiêm ngưỡng tháp Eiffel. Ông đã phải thốt lên: "Tôi phát ghen, vì nó còn nổi tiếng hơn tôi!": huyền thoại đó đã cản trở công chúng biết đến ông như một kỹ sư và nhà nghiên cứu tài ba.

Lịch sử kể rằng, việc xây dựng Tháp lúc đầu bị công chúng phản đối dữ dội, bị coi là chướng mắt, kỳ quái, phá hỏng vẻ đẹp truyền thống cổ kính của Paris. Một trong những người phản đối mạnh nhất là nhà văn Guy de Maupassant. Ông này tuyên bố sẽ thường xuyên leo lên Tháp Eiffel để ăn trưa, làm mọi người sửng sốt. Khi được hỏi tại sao, Maupassant trả lời: "Vì đó là chỗ tốt nhất để không nhìn thấy nó". Thế nhưng giờ đây thì người Pháp rất tự hào vì nó: "Đến

Paris mà chưa đến Tháp Eiffel thì cũng như chưa đến!".

            Trong lịch sử chỉ có một kẻ muốn đánh sậpTháp Eiffel, đó là Adolf Hitler!
Tháng 08-1944, liệu sẽ phải rút khỏi Paris vì các mũi tấn công của đồng minh, Hitler ra lệnh cho Dietrich von Choltitz, tổng chỉ huy quân đội Đức tại Paris:"Không được để Paris rơi vào tay kẻ thù, trừ khi nó đã hoàn toàn trở thành một đống gạch vụn!". Nhưng không hiểu sao, Choltitz không tuân lệnh sếp, rút lui khỏi Paris mà không phá huỷ. Tại sao? Có nhiều giải thích trái chiều. Đến nay vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ của lịch sử.

 

Nghĩa trang Père-Lachaise (Cimetière du Père-Lachaise) là  nghĩa trang lớn nhất ở của thành phố Paris và là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới. Các ngôi mộ quý tộc và danh nhân. Nếu khi sống người ta ăn mặc nhiều kiểu cọ thì lúc chết cũng có những ngôi mộ không giống nhau. Đủ hình. Đủ kiểu. Những pho tượng tiếc thương. Cầu nguyện. Người quỳ gối, kẻ ngửa mặt nhìn trời. Mộ đơn độc. Mộ gia đình. Những nhà nguyện.

Đây là một bảo tàng về nghệ thuật  và một trong những địa điểm thu hút  khá nhiều khách du lịch tại Paris. Hằng năm hàng trăm ngàn lượt người đã đến đây để thăm viếng những ngôi mộ có từ 200 năm qua và mộ các danh nhân. Có thể kể tên một vài nhân vật tiêu biểu:

Nhà thơ Guillaume Apollinaire; Nhà văn Honoré de Balzac, nhạc sĩ viết nhạc cổ điển, tác giả vở nhạc kịch Carmen nổi tiếng: Georges Bizet ; Nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan: Frédéric Chopin; Thi sĩ nổi tiếng, tác giả của ngụ ngôn La Fontaine : Jean de La Fontaine, mộ  được đặt cạnh mộ của nhà soạn kịch nổi tiếng cùng thời Molière; Nhà văn và nhà biên kịch người Ireland-Oscar Wilde (1854-1900)...

 

Cathédrale Notre-Dame de Paris: là một nhà thờ tiêu biểu cho phong cách kiến trúcgothic trên đảo Île de la Cité (nằm giữa dòng sông Seine) trung tâm thành phố Paris.

            Gần 30 năm  rồi tôi mới có dịp quay lại nơi đây. Thuở đó mình chỉ là một chàng trai với nhiều mơ ước mà giờ đây mái tóc đã điểm sương. Nhìn lại, lòng bỗng bồi hồi. Xúc dộng.

            Dạo quanh nhà thờ dưới ánh nắng không gay gắt lắm để ghi lại vài tấm hình kỷ niệm rồi chúng tôi thả bộ về phía bờ sông. Khi qua chiếc cầu đá Pont de l’Archevêque... tôi nhìn thấy có rất nhiều những ổ khoá khoá chặt trên thành cầu. Đó là những lời hẹn thể sắt son để tình yêu bền chặt. Bây giờ đã thành “mode”, mô phỏng theo hai cuốn phim của Ý: “Tre metri sopra il cielo[iii] và phim “Ho voglia di te [iv]    

             Sau khi phim Ho voglia di te được chiếu ở Ý, nhiều cặp tình nhân đã phỏng theo nhân vật trong phim và đem ổ khoá lên cầu Milvio ở Roma, quấn dây xích vào chân cột đènở giữa cầu, khóa ổ khóalại rồi quay lưng ném chìa khoá xuống sông Tevere. Sức nặng của hàng vạn ổ khoá sau đó đã làm gãy trụ đèn và gây ra nhiều tranh luận trên chính trường Ý:  Người muốn giữ ổ khoá để thu hút du khách tình yêu, kẻ lo sợ sẽ làm sụp đổ cây cầu lịch sử, xây dựng từ 2000[v] năm trước!!!

Những ổ khóa ấy được gọi là amorchetto, một cái tên rất sáng tạo, ghép từ tiếng Ý:amore (tình yêu) luchetto (khóa) để thay cho chữ luchetto d´amore quá dài.

Từ Ý, trào lưu này lan tỏa ra khắp châu Âu và thế giới, đồng thời cũng đẻ ra lắm “dị bản”. Xin nhắc đến cây cầu ổ khoá Hohenzollern tại Cologne Đức hay những chiếc khóa tình yêu ở Moscow, ở Anh, Ba Lan... Mỗi địa danh gắn liền với một câu chuyện từ xa xưa tới hiện đại. Trào lưu ổ khóa cũng tràn sang châu Á : Từ Trung Quốc đến Nhật Bản, Hàn Quốc những chiếc khóa tình yêu với đủ màu sắc, kích thước và cách khóa. Ở Việt Nam người ta cũng thấy nhiều ổ khoá trên cầu Long Biên (Hà nội), cầu Tràng Tiền (Huế), cầu Thuận Phước (Đà Nẵng)...

Với những người yêu nhau, chiếc khóa tình yêu được khóa lại và treo vĩnh viễn trên một cây cầu, minh chứng cho tình yêu mãi mãi. Đằng sau mỗi ổ khóa ấy luôn có một câu chuyện tình lãng mạn và lời thề vĩnh cửu để hai người yêu nhau có thể tay trong tay, dắt tay nhau đi nốt quãng đường còn lại trên cõi trần gian.

            Có cung, có cầu và những kẻ trục lợi chuyện tình lãng mạng cũng không hề thiếu! Nhiều người bán khoá ngồi quanh. Dịch vụ. Giá khá đắt. Chúng tôi không mua khoá nhưng Elena lấy trong túi xách một giải lụa màu cam. Cô cột chặt vào thành cầu và cẩn thận thắt thành 7 nốt gút. Tình yêu của chúng tôi sẽ thử thách gió mưa, băng tuyết, và về sau khi có dịp quay lại, giải lụa có còn không? Có lẽ không! Nhưng tôi tin là lúc đó chúng tôi sẽ thay bằng một giải lụa khác. Tình yêu lúc nào cũng phải biết “cảm thông”, “chia sẻ” và “làm mới” thì mới tránh được những xung đột, nhàm chán và đổ vỡ.

 

 

Điện Pantheon: Ở phía trước ngôi điện khắc dòng chữ Aux grands hommes, la patrie reconnaissante(Tổ quốc nhớ ơn những con người vĩ đại): là nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước  Phápnhư Voltair, Vicor Hugo, Pieer Curie, Andre Malreau…

            Thế nhưng để vào thăm phải mua vé vào cửa và giá khá cao. Đành rằng những sinh hoạt văn hoá đều có chi phí và cần kinh phí trùng tu, bảo quản... nhưng người khắp nơi ngưỡng mộ và đến viếng danh nhân nước mình mà buộc họ phải trả tiền cao... tôi thấy cách làm này dường như chưa hay lắm.                    

            Cạnh điện có phân khoa Luật: Mặt trước có khắc nổi hàng chữ : Liberté, Égalité, Fraternité.Đó là thông điệp tự do bác ái bình đẳng mà nước Pháp đã gửi đi từ cuộc cách mạng 1789 và giá trị tinh thần to lớn của nó đã vượt biên giới, được nhiều quốc gia chấp nhận và hiện nay là nền tảng của các chế độ Tây phương.

            Trên đường về chúng tôi đi ngang qua Đại học Sorbonne (Nhân Văn). Tò mò tôi đứng lại ngắm dịch vụ mát sa chân cho du khách mệt mỏi sau nhiều giờ đi dạo.

 

6.

Khi chúng tôi về đến nhà thì Thiện vẫn còn ở phòng mạch. Cô cháu gái cũng chưa về nên nằm nghỉ một lát rồi Elena xuống bếp chuẩn bị bữa ăn chiều. Một đĩa spaghetti đơn giản và một ít rau trộn dấm dầu oliu chế biến theo kiểu Ý nhưng Thiện nói rất ngon, có lẽ do lạ miệng.

            Ăn xong thì Minh ở Đức gọi điện sang, hẹn lần tới phải gặp nhau, nếu không Paris thì cũng phải Dresden.

Chiều hôm đó Paris không nóng. Đã hơn 8h tối mà bầu trời vẫn còn sáng. Bên chiếc bàn dài đặt ở giữa vườn tôi và Thiện ngồi uống rượu vang và ôn chuyện cũ. Chúng tôi kể cho nhau nghe bao chuyện thăng trầm, từ công việc đến chuyện riêng tư. Đêm nay anh mở lòng kể nhiều chuyện về mình. Tôi im lặng lắng nghe.

Trong ánh sáng lờ mờ, tôi quan sát bạn. Khuôn mặt Thiện hiền từ, tánh tình anh vui nhộn, nhưng nhìn kỹ thì phảng phất có nét buồn.

Bốn mươi năm, chúng tôi đã quen nhau. Gặp nhau cười cười nói nói, trao đổi công việc, thoáng lướt qua chuyện văn chương... nhưng có lẽ đây mới là lần đầu tôi và Thiện có thời gian gần tuần lễ ở gần nhau, chia sẻ với nhau những tâm sự mà chỉ khi thân tình lắm người ta mới nắm tay nhau để cùng đi vào những ngõ ngách ẩn khuất.

 

 7.       

Sáng hôm sau Thiện đưa chúng tôi thăm cung điện Versailles. Là nơi ở của các vua PhápLouis XIII, Louis XIV, Louis XVLouis XVI. Nằm ở phía Tây Paris, cung vàng điện ngọc này là biểu tượng của quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp với một diện tích và các công trình kiến trúc cực kì đồ sộ và lộng lẫy: Rộng 67.000 mét vuông gồm trên 2000 phòng, một công viên có diện tích 815 héc ta, Versailles là một trong các lâu đài đẹp nhất và lớn nhất châu Âu, năm 1979 nó đã được Unesco đưa vào danh sách di sản thế giới.

Bên trong cung điện có nhiều phòng lớn (Grand Appartement) như Phòng lớn của Đức vua, Phòng lớn của Hoàng hậu hay Phòng Gương (Galerie des Glaces) là gian phòng xa hoa nhất.. Các phòng lớn này được thông nhau bằng các dãy hành lang trang trí lộng lẫy từ sàn nhà đến trần, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

 

 

8.

Khởi hành từ sáng sớm, Thiện lái xe đi theo con đường độc đạo và có thể đậu xe ngay dưới chân nhà thờ Thánh Tâm (Sacré-Cœur)Montmartre: ( sau 9h  thì con đường bị cấm cho xe chạy và phải đậu xe khá xa, dưới chân đồi). Bạn đúng là thổ địa và là người thường chở bạn bè đến thăm viếng nơi đây.

Montmartre là một khu phố của Paris, nằm trên quả đồi lớn thuộc Quận 18. Từng là nơi tập trung của nhiều họa sĩ nổi tiếng, vương cung thánh đường Sacré-Cœur (Basilique du Sacré-Cœur) là một nhà thờ Công giáo nổi tiếng, các con phố nhỏ, quán cà phê, nhà hàng... Nơi đây là một trong những địa điểm thu hút du khách và thuận lợi để nhìn toàn cảnh Paris.

Năm 1870, chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra. Nước Pháp thua trận, Quân Đức chiếm một phần lãnh thổ. Ý định xây dựng nhà thờ Sacré-Cœur xuất phát từ hai nhà tư sản Paris, cũng là hai anh em cột chèo Alexandre Legentil và Hubert Rohault de Fleury: Vốn rất sùng đạo, họ cho rằng nước Pháp thua trận vì đã mang tội lỗi. Do vậy, cần phải xây một nhà thờ để tỏ lòng thành tâm.

Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã từng có rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng đã từng sống tại Montmartre. Khu phố nghệ sĩ thường là điểm đến của những họa sĩ nổi tiếng bậc nhất với các trường phái Ấn tượng, Lập thể, Dã thú..

 Hiện nay Montmartre vẫn giữ được không khí nghệ sĩ, tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê, phòng tranh, cửa hàng đồ lưu niệm... Trên quảng trường Tertre, có các họa sĩ vẽ chân dung và tranh biếm họa cho du khách.

 

 

 

 

 

 

 

 

D:DOCUMENTI - DZANDOCUMENTI DANFOTOPARIS-5-2012-Ivrea nha NinhDSC04504.JPG

                                                       Nhà thờ Thánh Tâm (Sacré-Cœur)

9.

 

Buổi chiều họp mặt các bạn ở sân vườn nhà Thiện. Hiện diện có các bạn Nghĩa, Hương Hưng, Quang  và Thuỷ. Cả bọn nướng thịt vừa uống rượu vang vừa nhắc lại chuyện học hành và sinh sống ở Âu châu. Sau đó chuyển qua đề tài văn học. Thiện giới thiệu tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của tôi và tặng sách cho các bạn.

            Hai bạn Kiên và Khải có gọi điện nói không đến được và hẹn ngày khác nhưng hôm sau tôi phải về lại Milano rồi! Tôi cũng rất tiếc là chuyến này không gặp được nhà phê bình văn học Đặng Tiến.

            Tối đó tôi hỏi Thiện sau này có định về VN ở hẳn không? “Có chứ! Nhưng phải vài năm nữa! Trước khi về cần thu xếp để có kinh tế ổn định.Tao chưa dám liều mạng bỏ việc hơn 10 năm để chờ hưu như vợ chồng mầy”.

            Nhấp một hớp rượu, Thiện tiếp: “ Nhiều năm sống ở đây nhưng tao vẫn thấy đời sống xa lạ sao sao ấy! Áp lực vô hình cứ đè nặng. Có lẽ xã hội Việt nam sau này cũng sẽ như thế, nhưng mình già rồi, về sớm để sống lại thời thơ ấu trước khi nó bị Tây phương hoá.”  Im lặng một lát như suy nghĩ điều gì rồi một lát anh mới nói: “ Đời sống càng ngày càng vô nghĩa. Thế giới có cả núi thông tin, nhưng chẳng có mấy ai suy nghĩ về những điều mình biết. Nhịp sống thay đổi, nếp sống văn hoá quay cuồng. Tao cũng rất muốn được hoà mình trong thi ca, văn học, âm nhạc, mỹ thuật… để sống chậm lại, bình yên trong ngôi nhà nhỏ, ngẫm nghĩ về những điều từng trải trong đời. Tao rất sợ mình cứ hồn nhiên đánh mất linh hồn rồi cứ loay hoay nhìn quanh tìm kiếm nó! ”

             Tối đó Thiện nhờ tôi cầm về Ý để đưa cho Châu 300 Euro, để đóng góp vào Quỹ của Hội Tương Trợ Ý Việt. Anh còn đưa tôi 120 Euro nói là tiền cho 6 quyển sách nhưng tôi nhất quyết không nhận. Thiện nghiêm mặt “Mầy đã bỏ việc, viết lách thì không giàu, in sách tốn kém, nếu không nhận là tao giận”. Biết khó thuyết phục bạn, tôi nói giữ “tạm”, nhưng tháng 7 tới, lúc Thiện về VN, sẽ cùng giao tặng số tiền này cho một bạn văn đang có hoàn cảnh rất khó khăn ở VN.

             Sáng, chia tay ở sân bay. Chúng tôi ôm lấy nhau không muốn rời, hẹn sẽ gặp lại ở Sài Gòn và mời “Quán văn” sang thăm nước Pháp.

                                                                                             

                                                                                                           Trương Văn Dân

 

                                                                                                                                                                       Milano 30-5-2012

   

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[i] http://tranlucsaigon.wordpress.com/2011/06/09/m%e1%bb%99t-ang-may-bay/#more-1270 hay

    http://www.truyenviet.com/truyen-ngan/66-m/5041-mot-ang-may-bay

[ii] Nguyên văn:

Dans ces murs voués aux merveilles.

 J'accueille et garde les ouvrages;

De la main prodigieuse de l'artiste;

 Égale et rivale de sa pensée;

 L'une n'est rien sans l'autre."

[iii]2004, đạo diễn Luca Lucini, phóng tác theo tiểu thuyết cùng tên : “Ba thước trên bầu trời” của Federico Moccia

[iv]2007,  đạo diễn Luis Pretto, phóng tác theo tiểu thuyết cùng tên “ Anh khao khát em” cũng của Federico Moccia

[v]  Được xây dựng từ năm 110-109 trước Công Nguyên và bốn trăm năm sau (năm 312 sau Công Nguyên)  hư hại vì chiến tranh nên được trùng tu lại.

Bàn tay trong một bàn tay

(Nguyên tác : Sempre mano nella mano)

Elena Pucillo Truong ( Italia)

( Bản dịch của Trương Văn Dân)

.

Tiến sĩ ngữ văn Elena Pucillo Truong là một cô dâu Việt quốc tịch Ý. Vì cây dây leo, có thời chị đã theo chồng sang TPHCM dạy tiếng Ý tại nhạc viện TPHCM. Chồng chị là dược sĩ Trương Văn Dân, dịch giả văn học Ý sang tiếng Việt. Tự nhận mình là “người yêu Việt Nam” ( L’amoureuse du Viet Nam) – đúng vậy, không yêu sao lấy chồng Việt lại cả gan làm dâu trưởng nữa?- chị và chồng quyết định sống đời hưu trí ở TPHCM để phụng dưỡng mẹ già và viết văn. Từng cộng tác với một số tờ báo văn học Ý, Elena còn viết truyện ngắn nữa. Truyện Bàn Tay Trong Một Bàn Tay vừa viết ở Sài Gòn của chị do anh Dân dịch sang tiếng Việt, là tiếng nấc cho kiếp người, Ý hay VN thì cũng thế. Một tiếng nấc bất khả kháng nhưng không buồn mà nồng ấm, không thảm mà nhen nhóm hy vọng, dù mơ ước da diết nhất của hai nhân vật yêu nhau đến phút cuối đời chỉ là được chết bên nhau. Truyện rất ngắn, chỉ là vài nhát cắt, nhưng có bề dày và sức nặng của hai cuộc đời biết sống, đáng sống, ai bảo truyện ngắn là ngắn?

Nguyễn Quang Thân

.

 

Lớp trẻ, tuổi ba mươi, bốn mươi… lúc nào cũng vội vàng, hấp tấp, đi và đến trên các phương tiện tân thời, xe hơi, bus, taxi…họ chìm giữa tiếng ồn ào của cuộc sống bon chen đô thị, giữa những cao ốc nguy nga, hàng dãy bảng hiệu với ánh đèn chiếu sáng, biểu tượng của một thế giới hiện đại và lý tưởng đang phát triển, mang vẻ ngoài đẹp đẽ và trẻ trung…

Có hai người già lạc lõng, rải bước đến chiếc băng gỗ quen thuộc đặt ở góc công viên. Tay trong tay, nụ cười như in trên hai khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn theo năm tháng. Ông lão nắm tay bà, cẩn trọng đỡ người bạn đời của mình, nhẹ nhàng giúp bà ngồi xuống một cách thoải mái. Mỗi cử chỉ của ông đều lịch sự, chậm rãi và cẩn thận, cùng những lời yêu thương ngọt ngào, như ông đang che chở và ve vuốt một chú chim non.

Ngày nào cũng thế... tôi chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng có lẽ từ lâu lắm. Mỗi ngày mỗi khác và nhìn qua cũng dễ nhận ra tình cảm giữa hai người vẫn thiết tha, mạnh mẽ. Nó tương phản hoàn toàn với thế giới ồn ào xung quanh như một nghịch lý.

Cái vũ trụ thu hẹp của họ, có những vụn bánh cho vài chú chim sẻ, có những cái vuốt ve cô mèo con bị lạc hay tiếng cười rạng rỡ của một em bé đang tập đi đang ngã vào vòng tay người mẹ nào đó. Hai người luôn mang theo chiếc dù, để che nắng hay phòng ngừa sự chòng ghẹo trái nết từ những cụm mây. Riêng bà thì không bao giờ quên chiếc khăn quàng khổ rộng, sau khi ngồi vững, bà liền âu yếm quấn quanh cổ ông, những cơn gió lạnh đang thổi về.

Tôi tưởng đó là một bức tranh đang đặt trước mắt mình; cảnh thực đó đang nằm ngoài thế giới này. Chẳng biết gì về họ nhưng lâu nay tôi không thể làm gì khác là nhìn ngắm và quan sát họ cho đến khi, sau chừng một giờ, bằng những cử động ban đầu yếu ớt, về sau mạnh mẽ hơn, họ chống tay đứng dậy rồi tay nắm tay bước đi cho đến lúc mất hút giữa dòng người vô cảm.

Rồi sau đó thì sao? Họ sẽ làm gì quãng thời gian còn lại trong ngày? Tôi tưởng tượng mình đang tò mò theo dõi, bị cuốn hút bởi thứ hào quang hạnh phúc bao quanh họ. Một cuộc đời đơn giản. Chỉ có những cử chỉ quen thuộc nhưng ngọt ngào và trìu mến dành cho người thân. Dĩ nhiên tôi khó mà tưởng tượng ra họ thường có những cơn ác mộng hoặc trong lòng họ đang chất ngất bao điều ưu tư. Đương nhiên, hằng ngày họ có thể vẫn lo lắng và đau khổ, có thể một nỗi đau khủng khiếp sẽ cướp mất hơi thở tối cần cho cuộc sống của người già.

 

*

Trong bóng tối buổi chiều tàn, bà vợ mắt nhắm nghiền, nằm bất động trên chiếc giường đôi. Hai bàn tay bà đặt trên ngực, những ngón tay nắm chặt chuỗi tràng hạt. Trên chiếc ghế đẩu đặt cạnh giường, ông chồng ngồi gục đầu, kiệt sức sau một cơn khóc tuyệt vọng. Ông liên tục lau mặt bằng chiếc khăn giấy đã ướt rã nước mắt. Rồi, bất thình lình, trong tay ông loé lên ánh thép lạnh lẽo của một khẩu súng. Ông đăm đăm nhìn họng súng, những giọt nước mắt vẫn tiếp tục rơi, làm ướt nòng súng lạnh giá. Ông thì thầm vài lời gì đó, rồi bằng một cử chỉ thật nhanh đưa họng súng chỉa vào màng tang mình. Chỉ trong tích tắc.

Bàn tay rớt xuống! Chẳng có tiếng nổ nào xảy ra.

Hình như trong phút chót sự can đảm đã biến mất...

Cuối cùng ông dợm đứng lên, lấy lại tự chủ, rồi đặt khẩu súng trong ngăn kéo chiếc bàn đêm đầu giường.

 

*

Bây giờ tới phiên ông.

Ông nằm bất động trên chiếc giường đôi, mắt nhắm nghiền và cũng với chuỗi tràng hạt trên tay. Bà vợ, thận trọng và run rẩy đặt một bàn tay lên trên quyển sách nằm trên ngực chồng. Đó là quyển sách mà ông đã viết và nó sẽ theo ông làm bạn trong thế giới bên kia. Một vài giọt nước mắt ứa ra, rớt xuống trang bìa và làm ướt những ngón tay khẳng khiu, gầy yếu... Rồi bà lão như kiệt sức, ngã gục xuống chiếc ghế đặt cạnh giường. Những ngón tay bà cố gượng vuốt ve, lướt nhẹ lên thân thể thân thương. Bà vuốt đôi mắt, vành môi, khi vuốt đến ngực, bà ngập ngừng dừng lại, như muốn vuốt ve cả trái tim ông... Cuối cùng bà áp tay mình lên bàn tay ông, bàn tay đã từng nâng đỡ và che chở bà suốt một cuộc đời. Nước mắt bà vẫn tiếp tục lăn xuống nhưng bà chẳng có chiếc khăn nào để ngăn chúng lại. Sau những tiếng rên rỉ, bà thì thầm bên tai ông những lời ngọt ngào như đã làm thế trong suốt một đời. Rồi gượng đứng lên, bà áp môi mình lên môi ông, thêm một lần nữa, nụ hôn cuối cùng.

Run run, bà với tay lấy khẩu súng đặt trên chiếc bàn đêm. Một tay nắm chặt tay chồng, còn tay kia, rất tự tin, bà đưa họng súng chỉa vào màng tang mình. Cũng chỉ một tích tắc. Rồi bà ngã xuống trên xác chồng, muốn ôm lấy ông một lần cuối.

Cứ thế, từ hai tháng nay mỗi buổi tối cảnh đó luôn được lập lại như đang diễn trong rạp hát.

Mọi chuyện bắt đầu từ sau hôm đi khám bác sĩ. Trước đó bà thường thấy mệt, nhiều lúc thở rất khó khăn, như bị ngạt, như có một khối đá đè lên lồng ngực trong những chuyến cùng chồng đi dạo. Tay trong tay, trong nước mắt, họ lắng nghe phán quyết của thầy thuốc.

“Tôi rất lấy làm tiếc nhưng trái tim của bà nhà rất yếu...giải phẩu là điều không thể thực hiện nữa… Rất tiếc là tôi không biết phải làm gì để có thể giúp bà, nguy cấp lắm rồi, bà yếu quá...”. Trả lời câu hỏi thầm lặng từ đôi mắt đau đớn và khẩn cầu của họ, ông bác sĩ ngập ngừng nhưng xúc động thành thật:

“Rất tiếc...điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào....”

Sau đó thì hai người già vẫn tiếp tục sống như đã từng sống, nhưng ý nghĩ là bà sẽ đột ngột ra đi, bỏ ông lại một mình vẫn ám ảnh ông mỗi ngày. Bà, người chưa bao giờ rời xa, chưa bao giờ phản bội ông.

Bởi, suốt một đời họ đã luôn sống bên nhau. Trong một thoáng bà hồi tưởng thời hai người còn trẻ, những cử chỉ ngập ngừng và vụng về trong mối tình đầu, trái tim bà chỉ đập khi chờ đợi ông, chỉ vì ông, người đàn ông duy nhất có thể lấp đầy cái khoảng trống trong tâm hồn bà; cũng như chỉ cái nhìn nhân ái của ông mới có thể xoa dịu đi nỗi đau hay mang lại cho bà niềm hạnh phúc. Cứ thế, họ đã sát cánh bên nhau đi qua cuộc đời này. Rồi họ cùng nhau nổi tiếng với các nhà hát kịch trên thế giới. Trên tường nhà họ hiện vẫn còn treo đầy các biểu ngữ giới thiệu các vở kịch Shakespeare, Mann, Eliot, Racine, Molière, Pinter.... có tấm in khuôn mặt, miệng mỉm cười của họ, có tấm chụp họ đang mặc đồ diễn trên sân khấu, đứng giữa những bạn diễn thân thiết mà đến nay tên tuổi vẫn còn sáng chói. Hình như hào quang hạnh phúc đã bao quanh họ từng ngày. Và họ luôn ở bên nhau.

Có lẽ trong cuộc sống hạnh phúc và bình an đó, chỉ có một nỗi đau trong trái tim bà, đó là họ không thể có một đứa con... điều duy nhất của riêng họ, chỉ của họ mà thôi. Nhưng mỗi lần bà vật vã, chỉ cần những lời ngọt ngào của chồng “ Em yêu ơi, xin em đừng tuyệt vọng, không có con chúng ta sẽ yêu nhau nhiều hơn...” là có thể làm dịu đớn đau, xua nó đi, dù chưa hoàn toàn xóa mất.

Rồi cuộc sống đổi thay. Thăng trầm. Chìm nổi. Có lần họ cũng rơi vào cảnh nghèo túng vì từ chối các vai diễn không phù hợp hay không chịu ký hợp đồng với những công ty ca kịch không hoạt động vì nghệ thuật... và cuối cùng, với tuổi tác, họ bình thản từ giã ánh đèn sân khấu, chấp nhận cuộc sống giản đơn, bùi ngùi nhìn lại những kỷ niệm sáng ngời trong quá khứ. Nhưng họ luôn ở bên nhau, luôn luôn hạnh phúc vì người này chỉ sống cho người kia. Và ngược lại.

 

*

Là những diễn viên tài hoa nên mỗi buổi tối họ đều tự chuẩn bị vai diễn của mình, cố thể hiện thật xuất sắc vai được giao cho họ trong kịch bản cuối cùng.

“ Cái chết. Sự chia lìa sẽ bất ngờ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng người nào đi trước sẽ không phải hứng chịu nỗi cô đơn ở thế giới bên kia”.

Ông thường đi lập lại rất nhiều lần:“ Ước muốn lớn nhất là chúng ta có thể chết cùng một lúc, nhưng dễ gì Chúa ban cho ta ân sủng này!”

 

*

Nhưng, ông đã lầm...

Vài tháng trôi qua. Và chỉ có vài hàng trên một tờ báo.

Trong lúc ngủ trái tim mệt mỏi của bà đã vĩnh viễn ngừng đập. Và ông, bất thình lình thức giấc, tin là còn có thể cứu bà, ông lao tới chụp ống điện thoại để gọi xe cấp cứu nhưng không kịp nữa. Trái tim của ông cũng ngừng đập vì đau đớn, nó chỉ cho ông một tích tắc để đưa cánh tay nắm lấy tay bà.

Đúng là sự việc chỉ xảy ra trong tích tắc.

 

Sai Gon tháng 8/2011

Elena Pucillo Truong


***

Xin giới thiệu

Tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”

Trương Văn Dân

 Công ty Văn Hoá Phương Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn

Phát hành toàn quốc theo hệ thống PhuongNam Book.

&

LÒNG YÊU SỐNG

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Sinh thời, nhà thơ Hoàng Trung Thông khi đang còn là Viện trưởng Viện Văn học, nhân một lần trò chuyện văn chương chữ nghĩa ông bảo tôi là ông không thích cái tên dịch một truyện ngắn của nhà văn Mỹ Jack London là “Tình yêu cuộc sống” (Love of Life). Nhà thơ bảo nên thay chữ “tình yêu” bằng chữ “lòng yêu”. Ông nói chữ “tình yêu” trong tiếng Việt như đã đặc dụng cho đôi lứa nam nữ, còn chữ “lòng yêu” là dùng cho mọi đối tượng. Dịch cái tên truyện của Jack London thành “Lòng yêu cuộc sống” đúng và hay hơn. Tự nhiên tôi nhớ câu chuyện này khi ngồi gõ phím bàn tính viết đôi lời mở đầu cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Trương Văn Dân mang tên Bàn tay nhỏ dưới mưa. Nội dung cuốn truyện là kể về tình yêu của một người con gái tên Gấm. Gấm đã trải qua hai cuộc hôn nhân không tìm thấy hạnh phúc. Trong lúc đau khổ và tuyệt vọng nhất Gấm đã gặp được người đàn ông của đời mình, người đã mang lại cho Gấm không chỉ một tình cảm lứa đôi (tuy không làm vợ chồng) trọn vẹn, đằm thắm, mà còn cả một cuộc sống làm người đầy đủ, phong phú. Có lẽ vì số phận nhân vật như thế, nội dung truyện như thế, nên tự nhiên mà đọc xong xui tôi nhớ đến cách dùng chữ của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Và tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết của Trương Văn Dân là một khúc ca trầm về lòng yêu sống. Không chỉ yêu tình yêu mà còn yêu sự sống, một sự sống đang có nguy cơ bị hủy diệt bởi chính con người. Tình yêu của Gấm và người đàn ông lý tưởng của cô được tác giả đặt vào trong một môi trường xã hội và tự nhiên đang bị con người vấy bẩn, làm ô nhiễm, tàn phá, hủy hoại. Khác với những khung cảnh lãng mạn nên thơ của tình yêu truyền thống. Phần này của truyện lồng ghép một cách trực tiếp, trực diện, có thể chưa phải đã tự nhiên, khéo léo về nghệ thuật, nhưng thông điệp tác giả muốn truyền đi thì đã rõ. Nó giúp tác giả nói lên lòng yêu sống toát ra từ tình yêu của Gấm.

Tôi gọi Bàn tay nhỏ dưới mưa là khúc ca trầm vì tác giả dùng hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất thông qua cuốn nhật ký của Gấm ghi chép về cuộc đời mình. Những ghi chép này làm thành phần đầu cuốn truyện. Chúng được nhân vật người đàn ông của cuộc đời cô tìm thấy và công bố khi cô không còn hiện hữu về thể xác trên cõi đời. Và đó là phần sau cuốn truyện. Trong những ghi chép của mình, Gấm soi chiếu toàn bộ cuộc đời cô dưới ánh sáng của cuộc tình cuối cùng. Chủ yếu ở đây là chiêm nghiêm tâm trạng. Những sự kiện, tình tiết được kể lại hay nhắc đến chỉ để khơi gợi nỗi yêu và nỗi đau của Gấm, cho cô những trường hợp để trăn trở nghĩ suy về cuộc đời, tình yêu, và lòng người. Nhân vật người đàn ông nhà báo đã cứu vớt cuộc đời cô, đã yêu cô làm cô hồi sinh và hạnh phúc, được Gấm ngợi ca như một con người toàn bích, lý tưởng. Nhưng lắng sâu vẫn là nỗi buồn lo, phấp phỏng cho sự mong manh của kiếp người, của cái đẹp, cái thiện trong đời. Tác giả dùng lời cho Gấm nhiều những câu dài miên man cảm xúc, nhiều những nhịp điệu thăng trầm tâm trạng. Đồng vọng tương cảm với những ghi chép của Gấm là những cảm nhận, suy tư của người đàn ông nhà báo khi đọc chúng. Người đọc tiểu thuyết vì thế được dòng tình cảm của hai nhân vật cuốn đi mê mải buồn. Dừng ngắt ở chỗ nào cũng là chưa đủ. Mà bắt đầu từ ở chỗ nào cũng vẫn kịp. Có thể đấy là một dụng công viết của tác giả, phải chăng. Câu truyện trong tiểu thuyết có thể là một phần đời đã sống của tác giả, cũng có thể chỉ là hư cấu, điều này tùy thuộc cảm nhận của mỗi người đọc sách. Nhưng khát vọng sống, khát vọng yêu cho con người hạnh phúc giản dị thường ngày, vượt qua và vượt lên những oan trái, khổ đau, cả những bất trắc rình rập từ những hiểm họa thiên tai và nhân tai, đó là điều tác giả tìm mọi cách trình bày và truyền tải đến người đọc qua nhiều lớp ngôn từ được huy động và sử dụng. Cảm tưởng như tác giả muốn rung lắc độc giả lay động theo từng con chữ anh viết để chia sẻ cùng anh những điều tin lo.

Trương Văn Dân nhiều năm sống xa xứ, làm một ngành nghề không dính tới văn chương. Nhưng anh cầm bút trước hết để được sống cho mình, sống với mình, từ những hồi ức kỷ niệm về quê hương, người thân, mà đã là người Việt nặng tâm tình thì dù ở đâu đi đâu làm gì cũng đều canh cánh bên lòng và vấn vương trong hồn. Lòng yêu sống ở anh thấm vào trong câu chữ mộc mạc, chân tình, ngay ở tác phẩm đầu tiên - tập truyện ngắn Hành trang ngày trở lại. Viết tiểu thuyết với Trương Văn Dân còn hơn một sự thử bút ở thể loại dài, đó là sự trang trải, giãi bày một tình yêu, một lòng yêu, của mình cho mình, và cho người. Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tôi không để mình bận tâm lắm về kỹ thuật viết, tôi để lòng mình cho rung động theo lòng tác giả và nhân vật, và tôi thương cô Gấm như tác giả thương.

Có một lòng thương người như thế mới có một lòng thương đời đến thế. Và khi đã chạm vào chữ thương thì “người đọc người thương nhau” (Chế Lan Viên). Cuốn tiểu thuyết này vì vậy là một bàn tay vẫy trong mưa với ai cho ai từng có/gặp một người như Gấm. Đấy là sự sẻ chia của/với tác giả.

 

Phạm Xuân Nguyên

( Nhà phê bình văn học)

Hà Nội 29.8.2011

*

HAI BÀN TAY THÌ ĐẦY

(Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tiểu thuyết của Trương Văn Dân, Nxb Hội Nhà văn, 2011)

Bùi Việt Thắng

          Đọc một cuốn tiểu thuyết dài hơn 400 trang trong bối cảnh đời sống hiện nay quả là một việc không mấy dễ dàng ngay cả với những người được coi là chuyên tâm nghiên cứu văn học. Vậy mà tôi đã đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân một cách say sưa, nhiều khi lén lau nước mắt vì sợ người khác nhìn thấy sự mềm lòng của một người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi vẫn được bạn bè và đồng nghiệp coi là cứng rắn, vững vàng trong cuộc sống. Cái định đề “Quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm” mà ai đó, lúc nào đó cho rằng “xưa rồi Diễm ơi!”, nay tôi lại thấy thật đúng và thật tâm đắc.

          Một kiếp người như Gấm - nhân vật chính đứng ra kể chuyện đời mình bằng nhật kí - thật khổ hạnh và bi ai trong một xã hội mà đôi lúc chúng ta ảo tưởng rằng đã là thiên đường giữa trần gian. Ở độ tuổi xấp xỉ bốn mươi, trải qua hai đời chồng, có một cô con gái nhỏ thơ ngây (tên Liên), Gấm mới bắt đầu đi tìm hạnh phúc cho mình. Tìm và gặp, cuối cùng thì Gấm đã gặp được Anh (làm nghề báo, vợ và con mất trước đó), cùng một cảnh ngộ, có thể tri âm tri kỉ. Đến bây giờ Gấm mới nhận biết được, thấm thía được tình yêu và mới thấy “như yêu lần đầu”, mới thấy “hạnh phúc thật ra ở ngay trong những điều nhỏ nhặt”. Gặp được Anh, Gấm mới “ngộ” ra được nhiều điều sơ đẳng mà lại như là chân lí của đời sống. Nhưng số phận của Gấm thật éo le và tột cùng đau đớn. Đúng khi tưởng như nắm giữ được hạnh phúc với người đàn ông của đời mình (“một nửa” của mỗi con người), thì Gấm lại phát bạo bệnh (bị ung thư). Tất cả vỡ vụn và sụp đổ tan tành trong con người Gấm. Một lần đã lâu, tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đumbatze nhan đề Quy luật của muôn đời, có một ý ngẫm thấy thú vị: trong đời mỗi người, nên có một lần nằm trong bệnh viện, đó là dịp tốt nhất để ta suy ngẫm chín chắn về giá trị, ý nghĩa của con người và đời sống. Lần này Gấm phải đối diện với cái chết, vì thế cũng là lần đầu tiên chị ý thức được “Tôi là ai? Là con Gấm? Là đứa bé bị đời bạc đãi, là người con gái trôi sông lạc chợ, bám víu vào những cuộc hôn nhân, thực chất là bè gỗ mục, chấp chới giữa dòng chảy xiết? Tôi là kết tinh của sự bất hạnh hay là người phụ nữ được yêu, được vỗ về, che chở để có thể tự cho mình là người hạnh phúc nhất trần gian? Tôi là một, hay là tất cả những hình ảnh phản chiếu từ những chiếc gương xung quanh mình do cuộc đời sắp đặt: tôi phản chiếu thành bóng trên gương và bóng lại phản chiếu lên những tấm gương khác, tạo thành chuỗi hình ảnh vô cùng vô tận. Phản chiếu của phản chiếu, hình ảnh của hình ảnh, cùng với tiếng vọng của âm thanh pha lẫn giọng cười, tiếng khóc?”.Cũng lần đầu tiên, do phải đối mặt với cái chết, Gấm bắt đầu ý thức được vấn đề “thân và tâm” của một cá thể người. Cái chết của Gấm, đáng lí là bi đát, nhưng do “ngộ” ra được cái tất yếu, cái vô hạn của cuộc đời và cái hữu hạn của kiếp người, nên lại “nhẹ tựa lông hồng”. Gấm đã bay vào cõi vô cùng, để cuối cùng “cát bụi trở về với cát bụi”. Gấm cảm thấy hạnh phúc vì “Còn tôi, tôi đã về lại với chính mình. Hòa nhập vào thiên nhiên có lẽ là phần vi diệu nhất trong tất cả những gì hiện hữu dưới ánh sáng mặt trời”. Như thế là Gấm đã ngộ ra được lẽ tử sinh, đã ý thức được cái giới hạn vươn lên cõi vô cùng của con người trong thế giới này.                                       

          Lối viết của Trương Văn Dân trong Bàn tay nhỏ dưới mưa, thoạt trông có vẻ như rất thật theo cái triết lí “khôn ngoan chẳng lọ thật thà” của dân gian. Trong phần kết Tro bụi và Trần gian, nhân vật Anh (xưng Tôi) viết“Câu chuyện mà các bạn đang đọc được viết lại theo nhật kí của Gấm (…). Qua những trang viết của Gấm, tôi chỉ làm công việc chủ yếu là sửa vài lỗi chính tả, viết xen vào vài đoạn cho câu chuyện mạch lạc. Còn phần nội dung và cảm xúc thì tôi cố gắng giữ nguyên, dù đôi khi những ý tưởng của Gấm mâu thuẫn hay rối rắm, phản ảnh một tâm lí rối ren tất yếu phát sinh từ những uẩn khúc, sợ hãi, khát khao trong những ngày cuối đời của nàng”. Tuy được biện minh như thế nhưng độc giả nhận thấy cái thật của câu chuyện không phải là “thật như đếm”, mà đã được chăm sóc cẩn trọng, được tính toán đến từng ý, từng đoạn, thậm chí từng câu chữ. Sẽ có người coi sự “dài dòng” là một nhược điểm của tiểu thuyết này vì nó làm mất thì giờ của độc giả. Đúng là dài, nhưng dài không phải vì tác giả “độn” vào nhiều thứ, mà vì bản thân câu chuyện tình, trong trường hợp này, quả thực là miên man bất tận.

          Tôi muốn nói đến văn phong của tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa. Lâu nay, khi bàn về tính hấp dẫn của một tác phẩm văn chương, ta thường nghiêng bàn về giá trị nội dung (về “chuyện” của một tác phẩm văn xuôi), đôi khi ít chú ý tới “văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Tôi thấy tác giả là một người có ý thức “làm văn”. Tại sao không?! Nhưng câu chữ  của tác phẩm lại giản dị một lòng yêu đời, yêu người. Đọc kĩ thấy rõ trước hết những gì được viết ra đều từ một cảm xúc run bật, chín và mạnh - chính điều đó dẫn dụ độc giả vào câu chuyện, vào các tình huống, tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật “Rồi vĩnh viễn yên nghỉ trong vườn địa đàng (…). Gấm như con bướm thoát xác, chỉ để lại vỏ kén. Còn hồn nàng vút lên trời, như quả pháo thăng thiên. Và tôi tin là Gấm còn biết rằng, dù nàng đã ra đi nhưng tình yêu thiêng liêng của nàng trong cuộc sống này không bao giờ mất (…). Giờ thì Gấm đã thành mây. Tôi có cảm giác rằng ngay lúc cảm thấy mình sắp chết, nàng đã ý thức rất rõ ràng về cái chết của mình. Nàng đã cảm nhận được sự tái sinh và cũng ý thức được rất rõ sự tái sinh của mình. Vì Gấm sẽ chờ tôi bên kia thế giới. Để cùng quay lại trần gian”.

          Một cái kết không “có hậu”, nhưng có sao đâu khi cuộc đời không phải lúc nào cũng có hậu, cũng chia đều may mắn và hạnh phúc cho từng người vì “Tôi kinh hãi nghĩ đến những con thuyền neo bến mà không còn kẻ qua sông”. Một bạn văn của tôi đã đọc cuốn sách này và có ý cho rằng tác giả viết như không tính đến kĩ thuật. Đúng như thế. Nhưng phải nói lại rằng, trong bất cứ nghề gì, khi đã chín, đã sâu, đã tận tâm thì công việc cứ băng băng như là không cố ý cố gắng, nhưng hiệu quả lại cao, lại bền vững. Thật ra thì Trương Văn Dân đã thử bút trong truyện ngắn (Hành trang ngày trở lại - Tập truyện ngắn - Nxb Trẻ, 2007), nên ít nhiều có kinh nghiệm viết.

          Gần đây tôi có đọc tiểu thuyết Một bàn tay thì đầy của Hoàng Việt Hằng (Nxb Phụ nữ, 2010). Nhưng tôi thấy Trương Văn Dân lại có cái tứ khác “hai bàn tay mới đầy”. Cả cuốn tiểu thuyết là nghệ thuật hoá ý tưởng sau “ Trong cuốn nhật kí, giữa những trang giấy, tôi còn thấy có một tờ giấy ruột của quyển vở học trò được gấp làm tư. Khi mở ra, đặt lên bàn, tôi dùng bàn tay vuốt cho thẳng nếp. Trên mặt giấy có in hình hai bàn tay. Một bàn tay nhỏ bên trái và một bàn tay bên phải to hơn và khi gấp giấy thì hai bàn tay ấy chạm vào nhau. Mắt tôi ướt đẫm. Tôi nhớ đến những lần thấy Gấm và bé Liên xòe hai bàn tay phải áp vào nhau, rồi cười lên vui vẻ. Hai bàn tay ấy Gấm đã đặt trong quyển vở ghi chép tất cả những bí mật của đời nàng”.

           Tôi nghĩ cuộc khám phá bí mật đời sống tâm hồn con người của tác giả Trương Văn Dân đã chạm tới thành công bước đầu rất khả quan./.

                                                                                          Hà Nội 4-2012

                                                                                                    B.V.T

Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ ( Hội Nhà văn VN ) số 20 ngày 19/5/2012

.

Trích đoạn 1 Tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”

Tóm tắt : Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ và những lần tự tử bất thành, sau bao vật vã, trong một đêm mưa em đã tìm lại được nửa kia của mình. Cái nửa mà Thượng đế, nhằm trừng phạt về tội tham lam và độc ác, đã chia mỗi con người thành hai mảnh, buộc họ phải bôn ba khắp quả địa cầu để tìm lại nửa kia thì mới có được bình an. Kể từ ấy, tự mấy nghìn năm nay, con người đã vất vả, lao đao. Không mấy ai trên cõi đời may mắn tìm thấy nửa phần thất lạc của mình. Phần lớn chỉ làm những ghép nhặt không ăn khớp. Để thay vì khỏa lấp nỗi cô đơn, trống trải lại nhân lớn thêm lên. Để thay vì sống chung hạnh phúc, họ chỉ gây cho nhau nhiều điều bất hạnh. Để thay vì vui hưởng bình an, họ chỉ nhấn chìm nhau vào cơn bão lửa, hận thù. Còn em... Em đã gặp được anh, như tìm thấy nửa mảnh khít khao của mình. Anh ơi, em yêu anh lắm. Gặp anh, em như đã có đầy đủ những gì em khao khát, có thể nói còn hơn cả khao khát.

và sau mấy tháng quen nhau và hút nhau, người đàn ông của nàng phải đi công tác ở nước ngoài.

Đây là khoảng thời gian Gấm đang đợi chờ ngày tái ngộ…

“....Anh về sớm hơn ba ngày mà không báo trước.Lúc anh gọi từ sân bay Tân Sơn Nhất tôi cứ tưởng cuộc gọi từ nước ngoài. "Em thu xếp và đến với anh đi. Đến ngay nhé! Căn nhà ở ngoại ô, qua cầu Bình Triệu, nằm bên dòng sông đó!"

Tôi kêu lên mừng rỡ. Thu xếp vội vàng công việc, tôi phóng như bay đến với anh. Chưa kịp chống xe, anh đã bế lấy tôi làm chiếc xe máy ngã lăn kềnh trước ngõ. Bước vào nhà, hấp tấp. "Anh mong em quá. Đêm nay ở lại với anh đi!". Tôi run lên vì cảm động. "Còn bé gái. Em không thể ở qua đêm". Nói thế nhưng tôi đã thu xếp và ở lại nhà anh ba ngày, hai đêm. Suốt thời gian "trăng mật" cả hai không hề bước ra khỏi nhà, và tôi, tôi chỉ quanh quẩn bên anh như con mèo ngoan ngoãn, lúc nào cũng cuộn tròn trong lòng anh. Để được vuốt ve. Vỗ về. Che chở.

Khi anh đặt nhẹ tôi trên giường thì tôi vội ôm chầm lấy anh. Kéo xuống, cả hai lăn xả vào nhau, quấn quít, những giọt mồ hôi rịn ra từ trán anh như hòa với nước mắt của tôi đang tuôn trào vì hạnh phúc. Môi anh mơn man trên khuôn mặt tôi đầm đìa nước mắt. Tôi hớp lấy từng giọt, từng giọt, tham lam nuốt chửng như sợ phí phạm những giọt tình yêu đang chảy trên má mình. Anh ơi mùi vị này thật ngọt ngào sau bao ngày khát khao, chờ đợi. Cảm xúc của tôi tăng dần khi toàn thân cảm nhận những nụ hôn cháy bỏng từ đôi môi thèm muốn của anh.Có lúc anh vít lấy đầu tôi, rót vào tai một âm điệu du dương ngọt ngào :" Hãy buông thả đi em.” "Dạ, dạ ... anh làm gì em cũng chịu hết! ". Hơi thở đứt quãng làm tiếng tôi như khàn đục. Tôi cuống quít như bị hớp mất hồn. Nhắm mắt, tôi nghe máu nóng chảy rần rần trong cơ thể. "Anh ơi, em chết mất". Anh quàng lấy thân người tôi đang run rẩy " Em hãy bay đi!" rồi siết mạnh và tình tứ nhìn tôi. Cái nhìn vuốt ve, đắm đuối, cái nhìn như cơn bão xoáy, cuốn hút rồi lốc tôi rơi vào giữa đại dương êm ái. Tôi miên man ngụp lặn. Bờ môi tôi cuống quít áp lên cổ rồi trườn xuống lồng ngực đầy nam tính của anh đang phập phồng. Tôi hôn anh nhẹ nhàng. "Anh ơi, em si mê anh...lúc nào em cũng khao khát thèm muốn anh" "...Anh ơi ôm chặt em đi, mau đi anh...". Rồi...Những tiếng rên rỉ làm không gian rung lên. Đất trời vần vũ, chuyển mình trong lôi cuốn huyền hoặc của tình yêu. Ngọn lửa đam mê trong lòng như đốt tôi thành hơi nước, thăng hoa trong tiếng rên rỉ và giãy đạp của cảm xúc...Tôi không còn biết gì, toàn thân ngây dại, chỉ nghe tiếng trái tim mình đập liên hồi, theo cái nhịp gấp gáp của anh đang bóp thắt trong tôi.

Trong khoảnh khắc, mọi phù phiếm của đời sống đều bị chìm đi, mất hút, cái cònlại là cảm giác đê mê của sự hiến dâng, cho và nhận, vút bay lên chín tầng trời.

Chúng tôi nằm ôm nhau trên giường mà tưởng như có một vầng mây gấm đang nhấc lên cao, triệt tiêu mọi hấp lực của trọng trường, từ từ tách khỏi mặt đất, trôi trong thinh không tịch mịch, lững lờ trong hư vô bát ngát... rồi cả hai đều chìm trong trạng thái xuất thần, nửa mê, nửa tỉnh. Chúng tôi bám chặt vào nhau nhưng cố gắng không cử động hay nói một tiếng nào để không phải phá tan cái phút giây thiêng liêng ngạt ngào hương vị đó.

Khi thấy mắt anh lim dim, không muốn anh đứng lên làm mất giấc ngủ đang ùa đến, tôi vội đi pha nước ấm, cẩn thận thêm một chút tinh dầu để lau người cho anh. Phơi trước mặt tôi là một thân hình đàn ông khỏe mạnh, trần truồng. Đó là tấm thân đã gắn với tôi bằng một quan hệ sâu xa còn hơn máu huyết. Tôi biết đó là thân hình đẹp nhất mà tôi có thể nhìn thấy trên đời. Bởi nó là sức mạnh trừu tượng của tình yêu được hiển thị thành xương thịt.”

……

.

Tác giả mong đón nhận những góp ý và nhận xét phê bình của bạn đọc:

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Ý kiến của Huỳnh Tâm, nghệ sĩ nhiếp ảnh đang sinh sống tại Paris (Pháp): Từ cổ chí kim, người ta viết mãi chuyện tình yêu mà không bao giờ hết, mỗi thời đại người ta suy nghĩ về tình yêu mới hơn, tôi thấy người ta để lại tình yêu trên mặt giấy cho thế gian này quá ít, bởi phần đông người ta đem theo tình yêu về bên kia thế giới.

***

 


 

Lời giới thiệu “Mùa hè tươi đẹp ”

Cesare Pavese- cuộc đời và tác phẩm

Sự chọn lựatiểu thuyết “Mùa hè tươi đẹp ” của tác giả Cesare Pavese để dịch sang tiếng Việt trước hết do giá trị văn học[1]của tác phẩm và sau đó là tầm quan trọngcủa tác giả trong nền văn học Ý trong thế kỷ XX .

Được viết từ 1949, bối cảnh là lối sống của lớp trẻ tại miền Bắc Ý sau thế chiến II, nhưng tính đương thời (contemporaneita’) của tiểu thuyết vẫn còn đậm nét vì phản ảnh sâu sắc hoàn cảnh xã hội Việt Nam trong thời hội nhập : Cùng với tăng trưởng kinh tế là lối sống buông thả, khởi đầu cho sự đánh mất những giá trị đạo đức. Tính hiện thực và khả năng khai thác tâm lý nhân vật cũng đượctác giả thể hiện qua cách viết và sử dụng ngôn ngữ khác lạ, đến nay vẫn còn giữ nguyên phong cách hiện đại.

*

Đến với các tác phẩm của Cesare Pavese chúng ta sẽ liên tục khám phá: Ngoài tiểu thuyết người đọc còn gặp nhiều bản dịch của các tác giả Anh, Mỹ và trong cùngthể loạicũng luôn có rất nhiều sự khác biệt. Sựkhác biệt này đã được tác giả tái tạo, bắt đầu từvăn phong đa dạng, cáchxếp đặt các bối cảnh liên quan đến cách sử dụng ngôn ngữ phong phú... để người đọc khỏi nhàm chánrồi dẫn họ nhận thức về những quan điểm khác bằng sự tế nhị và nhạy cảm của mình. Ngoài ra, có lẽ không phải là một sự tình cờ mà một trong những tác phẩm cuối cùng của ông lại là một tập thơ mang tựa đề “ Cái chết sẽ đến, nó có đôi mắt của em”, như một dự báo cho việc tự sát, một thông điệp mà cũng là lời từ biệt... đã làm tác giả nổi tiếng, và trở thành một trong những tác giả Ý được đọc nhiều nhất trong thế kỷ XX.

Trong những trang viết cũng như qua thư từ, rất nhiều lần Pavese nói về ước muốn được nổi tiếng, không chỉ riêng mình màcòn chonơi ông ra đời, một ngôi làng chỉ có những túp nhà nho nhỏ và sình lầy.

Ông đã viết như thế này :

Quêtôichỉ có những túp nhà nho nhỏ và bùn lầy, nhưng nónằm kề con đường liên tỉnh mà ngày nhỏ tôi hay chơi đùa. Xin nhắc lại, tôi là một kẻ có nhiều tham vọng, tôi muốn đi khắpthế giới, đặt chân đến những miền đất thật xarồi quay lưngvà nói với người hiện diện:“ Các bạn chưa bao giờ nghe nói đến một ngôi làng chỉ có bốn mái nhà phải không? Đây, tôi đãđến đây từ đó”.

Ngôi làng nhỏ đó có tên là Santo Stefano Belbo, thuộc vùng Langhe của tỉnh Cuneo, nơi Pavese đã chào đời vào ngày 9/9/1908. Nhưng ông đã sớm rời gia đình để sinh sống ở thành phố Torino, và trong lòng chưa bao giờ khuây khoả nỗi nhớ quê xưa.

Cha chết khi ông còn rất nhỏ và sự mất mát này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của cậu bé, vốn nhút nhát nhưng cộc cằn và khép kín, tuy yêu sách vở và thiên nhiên nhưng luôn tìm cách cô lập mình với người khác. Sau khi chồng mất, với bản tính lạnh lùng và cẩn trọng, mẹ ông đã giáo dục con như một người cha khô khan và nghiêm khắc chứ không như một người mẹ ngọt ngào vàtrìu mến.

Khi sốngvà tiếp cận vớithực tại điên cuồng của một thành phố kỹ nghệ lớn và đầy sương mù như Torino, Pavesecàng biểu hiện tất cả những bất an sâu sắc về sự hiện sinh, những ám ảnh tâm lý và bắt đầu đi tìm kiếm sự chân thực.

Như tất cả những chàng trai trẻ, Pavese cũng mang trong lòng đầy mâu thuẫn và nhiều xung đột, với một sự nhạy cảm mà không giúp được gì nên ông hành động theo ý nghĩa tiêu cực và tự làm hao mòn những xác tín lên số phận của mình. Trong các bức thư của ông thường nhắc đến một thói tật vô lý, như một mời gọi cho sự tự sát, báo trước cho số phận bi thảm của mình. Có lẽchính vì nỗi bất an đó mà ông phải đi tìm một biện pháp khắc phục bằng cách thực hiện các thành tựu nghệ thuật, nhất là qua các tác phẩm văn học, giống như kẻ “ Đi tìm thời gian đánh mất” của Marcel Proust.

Thiếu khả năng đối phó với cuộc sống,ông đã gặp vô vàn khó khăn trong quan hệ giữa người và người; Sống, đối với Pavese đã trở thành một “nghề” cần phải học trong đau đớn và trong tình huống đó, nghệ thuật với ông đã trở thành một sự cần thiết nhằm thay thế sự sống. “Tôi đã học viếtnhưng chưa học sống” nên viết lách đã trở thành biện pháp duy nhất, khả năng duy nhất để ông biết mình đang sống và cảm thấy mình hạnh phúc dù chỉ trong chốc lát. Pavese viết : “ Chỉ khi viết tôi mới là người bình thường, quân bình và bình an”. Đối với văn học trong thế kỷ XX tính xác thực của thi ca được xác định bởi tầm nhìn phiền muộn của con người, được nuôi dưỡngtrong số phận đầy âu lo. Tính xác thực và cái chết với ông như đã trở thành đồng nghĩa, vì sống là “Chuẩn bị cho cái chết”.

Cùng với nhu cầu tuyệt vọng về tình yêu, khởi nguồn từ sự cô đơn và ý muốn vượt thoát sự cô độc, tự mâu thuẫn giữa những lời tuyên bố đầy kiêu hãnh về mình và ý thức về sự thiếu khả năng vui sống, Paveseđã chọn văn học như một giải pháp nhằm giải quyếtcác xung độtnội tâm.

Tuy vậy trong các tác phẩm của ông cũng có vài lần ghi lạihạnh phúc trong đời mình, đó là các buổi thảo luận trong các quán ăn với công nhân, với những người bán hàng rong, những con ngườivô danh và tầm thường, nhưng về sau tất cả đều trở thành nhân vật trong tiểu thuyết của ông. Ông luôn có cảm giác là mình còn trẻ, được tái sinh và trong những năm cuối cùng của đại học, bởi trong đời tư của ông có sự tham gia của một người mà sau này trở thành trung tâm của linh hồn ông: “ người đàn bà có giọng khàn khàn”. Cesare Pavese như bị biến đổi hoàn toàn: Trong suốt thời gian đó lúc nào ông cũng có cảm giác là người đàn bà ấy ở bên cạnh mình, ôngbỗng trở nên tử tế, nhân bản,trìu mến, cởi mở với mọi người. Người đàn bà đó đãmangđến cho ông sự say đắm của tuổi thơ, khuôn mặt của nàng “như một đám mây”, nhưng đó là một áng mây ngọt ngàobay giữa trời xanh lơ lửng trên những ngọn đồi của quê ông.

Năm 1930, lúc chỉ vừa 22 tuổi ông tốt nghiệp đại học với luận ánvề sự lý giảithi ca của Walt Whitman và bắt đầu cộng tácvới tạp chí “ Văn hoá ”. Ông dạy học vào buổi tối ở các trường tư thục, nhưng đồng thời cũng dịch rấtnhiều tác phẩm văn học của Anh và Mỹvà trong thời gian rất sớm ông đã nổi danh. Dường như những năm tháng trung và đại học đã giúp cho chàng trai cô độctìm được nhữnggắn bó bạn bè:điều này giúpanhhiền hơn trong các cuộc bút chiến và phẫn nộ trong văn học.

Năm 1931, chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp thì mẹ mất: vì chưa có dịp tỏ bày lòng ngưỡng mộ và chứng minh tình thương cùng sự trìu mến của mình với mẹ, niềm ân hận đó đã tạo nên một đường rãnh sâu sắc và cay đắng trong tâm hồntác giả. Còn lại một mình, ông chuyển về sống với cô emMaria, và ở lại bên cô cho đến lúc chết.

Cũng trong năm 1931 bản dịch đầu tiên của ông “ Ngài Wrenn của chúng ta” của tác giả Sinclair Lewis được in ở thành phố Frenze. Việc dịch thuật có một tầm quan trọng không chỉ với cuộc đời tác giả mà còn cho nền văn học Ý nữa, vì nó đã mở ra mộtcánh cửa cho một thời kỳ mớicủa tiểu thuyết Ý. Với những bản dịch của mình, ông đã giúp người đọc biết được các chiều kích vô cùng lớn lao của lòng khao khát tự do, cùng với ý nghĩa bi thảm, xemcuộc đời vô íchvà đến cả động tác cuối cùng của cuộc đời, tự tử.

Năm 1933khi nhà xuất bản Einaudiđược thành lập và vì tình bạn với Giulio Einaudi, Pavese tham gia các dự án của nhà xuất bản với sự nồng nhiệt: có lẽ đây là những năm tháng tốt đẹp nhất của tác giảcùng với một “người đàn bà có giọng nói khàn khàn”, một trí thức tốt nghiệp toán và tham gia tích cực trong phong trào chống phát xít. Vì liên can đến người đàn bà này, ngày 15/5/1935 ông bị bắt vì tình nghi chống phát xít, bị xử tù 3 năm và giam giữ ở Brancaleone Calabro thuộc miền Nam nước Ý.Ba năm nhưng về sau được giảm xuống ít hơn một năm nhờ đơn ân xá, ông được thả vào tháng 3- 1936, nhưng sự trả tự do nàyoái ăm thay lại trùng hợp vớisự thất vọng cay đắng của đời ông:Người đàn bà mà ông hết lòng bảo vệ đến nỗibị tù đày vì không chịu khai danh tánh đã bỏ ông để lập gia đình với một người đàn ông khác. Kinh nghiệmtù đày đớn đau ( sau là chủ đề của một quyển tiểu thuyết đầu tay của ông, “Nhà tù”) cùng vớisự thất vọng về tình yêuđã quất ông những ngọn roi tàn nhẫn và đẩy ôngngã vào một cơn khủng hoảng trầm kha, mãi nhiều năm về sauvẫn còn ràng buộc vào cám dỗ đau đớn và luôn xuất hiện ý muốn tự sát. Ông tự khép mình vào sự cô độc, có lẽ còn tồi tệ hơn cả quãng đời thơ ấu.

Sau khi chiến tranh thế giới lần II chấm dứt ông ghi danh vào đảng cộng sản Ý nhưng sự tham gia của ông chỉ thuần văn học : Ông viết những bài báo và tiểu luận chủ yếu về đạo đức-dân sự, ông tiếp nối công việc ấn loát, tổ chức lại nhà xuất bản Einaudi, ông quan tâm đếntruyền thuyết và nhân chủng học,thiết lập những lý thuyết về huyền thoại, và hoàn thànhtác phẩm “Đối thoại với Leucò .”

Về sau, khi chuyển đến La Mã làm việc ông có quen với một nữ diễn viên trẻ, Constance Dowling, khởi đầu cho một tình yêu mới. Có lẽ cô diễn viên trẻ đẹp và “khuôn mặt có nhiều đóm tàn nhang” này mới đầu đã thực sự yêu người đàn ông nổi tiếng, thông minh nhưng cũng dễ xúc cảm, quan hệ này đã hâm nóng tình yêu cho tác giả, nhưng về sau cô cũng bỏ ông để trở về nước Mỹ. Trong đau đớn tột cùng, Pavese đãsáng tác và in thành một tập thơ mang tựa đề: “ Cái chết sẽ đến, nó có đôimắt của em...”

Sau trận thất tình này, cộng thêm sự khủng hoảng chính trị và tôn giáo đã làm Cesare Pavese thất vọng và hoảng hốt, nó xâm chiếm tâm hồn ông mặc dù lúc này ông đạt đỉnh thành công văn học ( 1938tác phẩm “Người bạn” đoạt giải Salento, 1949 “Mùa hè tươi đẹp” đoạt giải Strega, tập truyện “Ánh trăng và đống lửa” được xem như tác phẩm rất hay) đến nỗi sự cô đơn và cảm giác trống rỗng làm ông không biết phản ứng ra sao. Mệtnhọc, hao mòn, dù vẫn cực kỳ minh mẫn, ông đã uống cả một tuýp thuốc ngủ để tự vẫn trong một căn phòng khách sạn Roma tại thành phố Torino. Đó là ngày 27 tháng 5 năm 1950, để lại vỏn vẹn chỉ vài hàng ngắn ngủi trên trang nhất củatập sách “Đối thoại với Leucò” đặt trên bàn đọc sáchban đêm: “ Tôi tha tội chotất cả vàxin tất cả tha thứ cho tôi. Nhưng xin các bạn đừng ngồi lê đôi mách và tán chuyện nhiều .” Năm ấy ông chỉ vừa42 tuổi.

Tác Phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp ”

Tác phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp ”nằm trong luồng văn học biểu tượng.

Mùa hèdiễn tả ở đây là một khoảng thời gian đầy màu sắc, được đồng nhất với ảo tưởng là sẽ có một cuộc đời khác đầy những điều mới mẻ, tình yêu, đammê, cùng với những mặt tích cực mà nó tượng trưng. Nhưng sau đó là mùa thu rồi mùa đông, là cái chết của niềm hy vọng và sự đầu hàng của nhân vật chính trướcsự thật phũ phàng nhưng không thể tránh khỏicủa mình.

Đây là câu chuyện kể về Ginia, một cô gái mồ côichỉ vừa 16 tuổi, từ miền quê chuyển về sinh sống trong thành phố Torino cùng với anh là Severino. Bối cảnh của tiểu thuyết là những năm tháng sau khi chiến tranh chấmdứt. Tại thành phố này cô tìm được việc làm như người phụ giúp trong một tiệm may.

Ginia là một cô gái ngọt ngào nhưng không may mắn. Sự thơ ngây và trong sáng của cô hoàn toàn không đáng nhận một số phận bi đát và một sựsỉ nhục tồi tệ trongthành phố Torino xám xịt. Mới đầu cô bị thànhphố làm cho loá mắt vì nhịp sống của nó hoàn toàn khác với miền quê mà cô từng biết. Cô mong muốn yêu và được yêu.

Rất nhiều cô gái vào tuổi dậy thì, trongcác thànhphố cho là hiện đại, đến với tình yêu thật phiến diện, được thúc đẩy bởi tò mò nhiều hơn là bởi tình yêu. Họ đánh mất tiết trinh rất dễ dàng và mãi về sau họ mới nhận ra giá trị những gì mà mình đã mất. Và như thếtác phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp ” không chỉ là một câu chuyệnkể đơn giản mà còn là một cảnh báo cho các cô gáitrẻ, ngây thơ và dễ dãi. Ngay chính Pavese cũng đã định nghĩa là tác phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp ”là chuyện kểvềsự bảo vệ tiết trinh.

Ginia đã bị lôi cuốn vào một thế giới hoàn toàn trái ngược với cô: những chàng họạ sĩ của thành phố Torino vào những thập niên bốn mươi của thế kỷ trước. Một bạn gái đã dẫn cô vào môi trường ấy. Cô bạn này, là một người dễ dãi và chỉ biết quan tâm đến tiền, cô ta ngồi làm mẫu cho các chàng hoạ sĩ. Trong môi trường ấy Giniađã làm quen với Guido, côngưỡng mộ và yêu anh, nhưng về sau cô mới hiểu là tất cả những gì có xung quanh thế giới hội họa ấy chỉ là ảo ảnh.

Tựa đề ban đầucủa tác phẩm chính là “Chiếc màn ”, nhắc lại cảnh Ginia nhận ra mình bị lừa dối, bị gạt gẫm và chế nhạo... vì khi chiếc màn dùng để chia xưởng vẽ làm hai,mở ra, Ginia mở mắt và bỗng hiểu ra tất cả. Bởi, núp sau bức màn đó còn có Rodrigues, một họa sĩ khác, đang lén ngắm cô khoả thân ngồi mẫu cho Guido. Hổ thẹn, buồn cười, trongsự thất vọng, cô ngã vào vòng tay của Amelia, lúc này đã bị nhiễm bệnh giang mai từ quan hệ tình ái với một người đàn bà; biểu tượng của cái chết. Ê chề vàtuyệt vọng, nhưng Ginia hoàn toàn không có khả năng thích ứng với trò chơi tàn ác của cuộc đời, trong đoạn kết Ginia đã nói với bạn “ Thôi mầy hãy dẫn tao đi”.

Tiểu thuyết “Mùa Hè Tươi Đẹp ”rất đơn giản về cốt truyện nhưng có nội dung sâu sắc: Nó tượng trưng cho xung đột giữa sự ngây thơ ( Ginia) và sự hư hỏng, thoái hoá (Guido và Amelia). Sự đánh mất hồn nhiên của cô gái chính là bước chuyển biếntừ trạng thái hạnh phúc, rất tự nhiên của tuổi dậy thì đến một trạng thái khác, sự trưởng thành. Amelia là một nhân vật tiêu cực nhưng rất cần thiết để hoàn thành bước ngoặc này. Qua cô, Pavese đã tượng trưng cho sự chết như ông đã nhìn thấy: Tham vọng, độc ác, nhưng đồng thời cũng rất cám dỗ và mời mọc, đến nỗi nó được uỷ thác để dìu dắt một cuộc đời hồn nhiên và chẳng có chút liên quan nào. Như Ginia đã nhìn Amelia, tàn ác mà quyến rũ , cuối cùng đãlôi cô vào một thế giới chưa từng quen biết.

Văn phong

Thời gian kể truyện ngắn hơn câu chuyện, bởi vì tác giả tóm tắt nhiều ngày trong một câu ngắn, với một nhịp điệuvừa- nhanh.

Tác phẩm này được giới phê bình xem như thuộctrường phái “tự nhiên” của Cesare Pavese, nó liên hệ đến ảnh hưởng của môi trường và hiện thực lên đời sống nhân vật.

Trong tác phẩm của Pavese văn phong hòa lẫn với tình huống thông qua sự xếp đặt con chữ, thả trôi theo nhịp điệu cảm xúc sống động trong thực trạng nội tâm. Nhân vật phản ảnh tất cả những gì mình nghĩ, chuyển tải lên trang giấy bằng một cú pháp thiết yếu cấu tạo bởi những câu nói rất bình dân được nhặt nhạnhtừ đời sống thường nhật, từ những lối ngắt câu trong các đoạn và từcách dùng câu đẳng lập [2]. Cách viết của Pavese trong tác phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp ”có thể bị ngộ nhận là nghèo nàn, nhưng đó là sự nghèo nàn biểu kiến. Bởinó tương xứng với trình độ văn hóa của nhân vật và ngôn ngữ đời thường của họ. Chính nhân vật đã kể lại câu chuyện và đó mới thực là văn phong của tác phẩm.

Itala Elena Pucillo Trương

( TS Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài)



[1]Tác phẩm đoạt giải thưởng Strega năm 1950. Giải thưởng STREGA là giải thưởng văn học quan trọng nhất của Italia. Được trao giải hằng năm cho tiểu thuyếthay tuyển tập truyện ngắn của các tác giả Ý. Giá trị hiện vật không nhiều nhưng giá trị tinh thần và giúp việc phổ biến tác phẩm rất lớn.Các tác giả Ý nhậnđược giải thưởng này có thể kể : Cesare Pavese, Alberto Moravia, Mario Soldati, Giuseppe Tomasi di Lampedusa, Elsa Morante, Giorgio Bassani, Natalia Ginzburg, Primo Levi, Umberto Eco, Claudio Magris.Tuy nhiên cũng có những tác giả nổi tiếng sau đây lại không nhận được giải : Italo Calvino, Carlo Emilio Gadda, Leonardo Sciascia.

[2] paratassi, parataxis

***


CHUYỆN XẢY RA Ở BỆNH VIỆN

 

Nguyên tác : Questioni ospedaliere của Dino Buzzati (Ý).

TRƯƠNG VĂNDÂN Chuyển  ngữ

.

 

 

Bồng đứa cháu gái trên tay, mìnhđầy máu, tôi hấp tấp lách qua chiếc cổng phụ khép hờ để vào bệnh viện. Tôi không biết có lão gát gan hay anh bảo vệ nào không, cũng chẳng biết là có ai nhìn thấy mình hay đang la mắng gì không. Trong lúc hốt hoảng vì cần làm gấp, tai tôi như ù đi và chẳng nghe thấy gì.

Có nhiều khu điều trị sừng sững giữa một khuôn viên rộng. Vừa chạy tôi vừa tiến đến một dãy lầu gần nhất, leo vội mấy bậc thang, tôi bước ngay vào tiền sảnh. Có một người y tá hay gì gì đấy mặc áo choàng trắng vừa đi ngang qua, dường như ông ta cũng có vẻ vội.

"Thưa ông", tôi ngập ngừng và rụt rè hỏi thăm. Nhưng gã takhông cho tôi nói hết câu. " Ông không biết đọc à? Đây làkhu lâm sàng, và thứ này đâu phải chuyện làm ở đây" vừa nói ông vừa lấy cằm ra hiệu về phía bé gái đang nằm trên cánh tay tôi, coi như đó là một thứ hàng hoá hay một con bò, một bé gái đang trong tình trạng nguy cấp và có lẽ sắp chết.

Tôi van vỉ: " Vậy chỗ nào? Tôi phải đi đâu?". "Thì vào cổng chính đó" gã y tá lớn tiếng một cách khó chịu. " Ông phải vàokhu nhập viện" (gã taphát âm chữ nhập viện bằng một giọng rất là nghi thức), cuối đường, nằmbên trái đó."

Tôi hấp tấp chạy ra đường chính. Sự mệt mỏi làm hai cánh tay tôi như tê liệt. Cái đầu của bé gái lắc lư theo từng bước chân, đánh qua đánh lại như ngầm ý bảo là hãy bỏ cuộc đi, tất cả đã vô ích.

Tôi đọc thấy mấy chữ "Khu giải phẩu" viết bằng chữ lớn trên một tấm bảng trước một dãy nhà cao. Không chần chừ. Nhưng trên bục kệ có một bà sơ mặc áo trắng đang đứng, khuôn mặt có vẻ hiền từ. " Thưa ma sơ, làm ơn xem..." Nhưng giọng nói thật dịu dàng của bà ta đang ngăn không cho tôi nói hết câu: " Xin lỗi ông, thế này là không được "bà sơ nói với lòng bác ái của Chúa " Nếu ông chưa có giấy... chưa có giấy nhập viện... thì không vào đây được". "Nhưng sơ không thấy là cháu bé bị thương nặng lắm sao? Vết thương vẫn còn tiếp tục chảy máu", tôi xuống giọng năn nỉ, " làm ơn băng bó vết thương giùm cháu, tôi van sơ mà". "Ông ơi, việc này đâu phải tuỳ thuộc ở tôi" bà ta trả lời, và giọng của bà ta bỗng trở nên lạnh lùng và rất hành chánh " Không thể cho nhập viện một bệnh nhân như vậy! Ông đừng mất thời giờ nữa. Hãy đến làm thủ tục ở khu nhập viện!". “Nằm ở đâu?" Tôi ấm ức hỏi lại."Cuối đường kia nè, ông thấy chứ? Dãy lầu sơn màu đỏ ."Trong làn nước mắt, tôi nhìn theo tay chỉ, thấy ở cuốikhu vuờn có một dãy nhà sơn đỏ, trông hơi nhỏ vì tôi đang đứng từ xa. Tôi đứng chết lặng, ngỡ ngàng. "Thật tội nghiệp!" bà sơ vuốt ve, giọng bà ta lúc này đã trở nên dịu dàng, và vừa xoa cái đầu đầy máu của cháu bé bà vừa lắc đầu nhè nhẹ "Tội nghiệp con bé quá!"

Tôi tiếp tục bước đi, trong tuyệt vọng. Giờ thì tôi không còn sức để mà chạy nữa. Tôi vừa đi vừa nhìn chăm chăm vào cái bóng màu đỏ nằm đàng xa.Còn bao lâu nữa tôi mới đến được nơi đó?

May quá, đang có một người đang đi về hướng tôi. Đó là một người đàn ông khoảng chừng 40 tuổi, cũng mặc áo choàng trắng, có để râu. Có lẽ ông ta là một bác sĩ, tôi nghĩ thế.

"Đi đâu với kiểu này vậy? Ai cho ông vào đây?" Ông ta chặn tôi lại và hình như đang chăm chăm nhìn vào nhữngvết màu đỏ tươitrên con đường lát sỏi trắng mà tôi vừa bỏ lạisau lưng mình. Tia nhìn đầy khiển trách vànhư đang buộc tội.

"Bác sĩ ơi, ông không thấy hay sao?" tôi hốt hoảng "Ông làm ơn giúp tôi, ông cứu giùm cháu bé đi, tôi van ông!"

"Nhưng ông vào từ lối nào? Nói đi, từ lối nào" Ông ta lãnh đạm, hỏi vặn tiếp.

" Vào cổng" tôi trả lời " Tôi đã bước qua một chiếc cổng"

"Ôi Chúa ơi! Khuôn mặt ông ta nhăn nhúm lên vì giận dữ "À, bọn bảo vệ làm ăn như vậy hả? Đồ ăn hại! Lại còn không đóng cổng nữa chứ. Hừm... rồi chúng mày sẽ biết... này, ông nói đi, ông vào đây bằng cổng nào?"

"Làm sao mà tôi biết cổng nào!" Tôi nóng tiết trả lời; Nhưng ngay lập tức tôi sợ là trả lời như vậy có thể làm cho ông ta phật ý, vì tôi còn cần phải nhờ vào sự cứu giúp của ông ta "Từ cổng đó đó, cổng mở mà ". Rồi tôi dợm người định bước đi.

Nhưng ông ta chụp lấy vai tôi, giữ lại." à không, đây là việc cần phải làm cho rõ. Trước khi bỏ đi, ông phải giải thích một cách chính xác là ông đã vào cổng bằng cách nào."

Nghe tiếng tranh cãi, có một người đàn ông khác đang tiến lại. Nhìn vào dáng dấp, tôi nghĩ rằng ông ta cũng là một bác sĩ. Cũng có thể là người có thẩm quyền.

"Ông có muốn nghe một chuyện hài không?" Ông bác sĩ để râu, phẫn nộ, thông tin cho người vừa tới. " Cáicha nàyđi vào đây qua cổng phụ! Hừm! Bây giờ người ta đi vào đây như vào một cái chợ! Bây giờ người ta mang bệnhnhân đi lòng vòng như đi trong nhà mình!"

Người vừa đến, mỉm cười thích thú một cách thật quái lạ. Ông ta gật gật đầu nhưng không đánh mất vẻ bình tĩnh. Sau đó, ông đưa một ngón tay ra sờ lên màng tang bé gái, lúc này đã bất tỉnh, rồi nhấn mạnh vào vòng ngoài vết loét. Tôi thụt lùi, như bị người ta dụi vào một que củi đang cháy đỏ. Nụ cười của người đàn ông lúc này như mở rộng hơn. Tôi nghe ông ta lẩm bẩm : " phần... bị nguy rồi" chữ thứ hai là mộtdanh từ chuyên môn rất khó mà tôi không nghe rõ.

"Phần... nào bị nguy, thưa giáo sư?" Tôi vội hỏi ông ta. "Nhờ ông giúp cho cháu, tôi xin ông... làm ơn giúp cháu trước khi quá trễ."

"Nhưng đây là bệnh viện" ông ta trả lời, bằng giọng điệu của một người ý thức rất rõ về quyền hạn của mình." Cậu có biếtnơi đây là bệnh viện không, cậu bé ! Bệnh viện, chứ đâu phải là khách sạn... Nhưng thôi,đi lẹ lên, nhanh lên. Cậu phải đi về cuối khu vườn đó! "

Tôi bước đi, một cách máy móc. "Ê ! Ông chưa nói cho tôi biết là ông đã vào đây bằng cổng nào! Ông cần phải báo cáo cho tôi biết chứ! Bộ tính đi luôn hã?" Tôi nghe từ phía sau lưng mình tiếng nóilớn giọng của ông bác sĩ có râu, đang nằng nặc đòi mở cuộc điều tra. Tôi còn nghe thêm một câu nữa " Đồ vô ý thức!". Nhưng lúc này thì tôi đã cách xa rồi. Tôi chạy, không biết bằng cách nào mà tôi chạy, trên hai cánh tay vẫn bồng cháu gái, khắp người thấm đầy máu. "Quỉ sứ sẽ xé thịt bọn bay" tôi gào lên, chửi mắng bọn bác sĩ, ma sơ, y tá. " Một lũ mắc dịch". Nhưng, tôi biết, dựa vào thủ tục thì họ có lý. " Dịch hạch ! " tôi gào lên, gào lên." Quỉ sa tăng sẽ xé xác chúng mày!"

.

Trương Văn Dân chuyển ngữ.

*

Vì tôi là con của mẹ

Nguyên tác : I due autisti. Tác giả :  Dino Buzzati  (Ý)

Trương Văn Dân  chuyển ngữ

..” Dino Buzzati sinh năm 1906 tại Belluno, mất năm 1972 ở Milano (Italia). Trước khi viết văn, ông là họa sĩ, nhạc sĩ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường và phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho Corriere della Sera, một nhật báo quan trọng nhất nước Ý. Với Sa mạc Tartari (1940), tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, ông đã trở thành một trong những tên tuổi lớn của thế kỷ 20. Nhiều truyện dài của ông đã được chuyển thành kịch bản sân khấu, phát thanh và truyền hình. Truyện Con chó gặp Chuá, đã được trình diễn trên đài truyền hình Pháp.

Ông viết nhiều tiểu thuyết nhưng hình như thể loại yêu thích của ông là truyện ngắn. Chủ đề quen thuộc của Buzzati là những ám ảnh và nỗi bất an của kiếp người, sự chạy trốn thời gian, định mệnh, sợ hãi đối với hư vô, thất bại của sự sống, mong manh của tình yêu, bí ẩn của nỗi đau và cái ác…”

Bằng bút pháp độc đáo ông dắt người đọc ra khỏi cuộc sống thường ngày để bước vào một thế giới khác, rồi đẩy họ vào những sự kiện nghịch lý, ly kỳ và đầy bí ẩn. Bí ẩn vì nằm ngoài cánh cửa của đời sống thường nhật nhưng cũng có thể đồng hiện hữu với diễn biến thường ngày mà chúng ta đã vô tình không nhận thấy để cuối cùng phải kinh ngạc, suy nghĩ… trong một niềm xúc động sâu xa.”

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn thầm hỏi hai người tài xế đã nói gì trên đường chở linh cửu mẹ tôi  đến nghĩa trang .

Ðó là một cuộc hành trình dài hơn 300 km, tuy đường vắng người nhưng xe đi rất chậm. Lũ con chúng tôi theo sau bằng xe hơi, giữ khoảng cách chừng 100 thước, và đồng hồ đánh dấu tốc độ 60 km/giờ. Có thể loại xe tang  được chế tạo để di  chuyển chậm nhưng sao tôi cứ nghĩ là có một quy luật nào đó, xem tốc  độ là một điều bất  kính với người đã khuất. Ðiều này hơi vô lý – bởi tôi tin mẹ tôi sẽ  rất thích nếu xe chạy 120 km/giờ, ít ra cũng tạo cho người cái cảm giác về một chuyến đi  bình thường như những dịp hè về Belluno nghỉ  mát.

"...Trong sự ích kỷ của kẻ làm con, tôi đã không cần biết là mình đã thương mẹ bao nhiêu"

Bữa đó là một ngày tháng sáu tuyệt vời, hai bên con đường quen thuộc mà mẹ tôi đã đi  qua lại hằng trăm lần đang hiện ra những cánh đồng bát ngát  mà bây giờ người không nhìn thấy nữa. Mặt trời lúc ấy đã lên cao, hơi  nóng trên đường nhựa bốc lên làm đoàn xe phía trước giống như  đang lửng lơ trong không khí.

Ðồng hồ vận tốc chỉ 60 km/giờ, xe tang như đứng yên một chỗ vì có nhiều xe  qua mặt , trên đó chở những người đang sống  tự do, hay những cô gái thả  tóc bay trong gió,  ngồi cạnh các thanh niên trên xe muitrần. Rồi những xe cam nhông, kể cả loại kéo rờ mọt cũng vượt  qua phía trước … Tôi nghĩ  sao mà dại thế, phải chi người ta chở linh cửu mẹ tôi trên một xe thể thao màu đỏ, phóng hết tốc lực để hiến dâng cho người thêm chút  nữa về đời sống thực, thay vì chậm chạp lăn trên đường  như  một đám tang.

Bởi những lý do đó nên  tôi muốn biết là hai người tài xế đã nói những gì; một người  khoảng ba mươi lăm tuổi cao chừng thước tám, khuôn mặt hiền lành, còn người kia cũng  to con với màu da sạm  nắng. Tôi thoáng thấy họ  ngay từ lúc khởi hành  và chợt  nghĩ  với vóc dáng như thế, họ không mấy phù hợp với việc lái xe tang; một chiếc cam nhông chở ống sắt có lẽ sẽ thích hợp với họ nhiều hơn .

Sở dĩ tôi muốn biết là họ đã nói với nhau những gì bởi vì đó là câu chuyện cuối cùng của loài người, những lời lẽ cuối cùng của cuộc sống mà mẹ tôi còn nghe được; vì  trong cuộc hành trình dài và nhàm chán đó thế nào mà hai gã tài xế  không nói chuyện với nhau. Còn việc  sau lưng họ có linh cửu mẹ tôi thì đối với họ nào có quan trọng gì, dĩ nhiên, công việc này đã quá quen với họ, nếu  không  chắc  họ đã chọn nghề khác  .

Ðó là những lời cuối  mà mẹ tôi còn nghe được vì  sau khi đến nghĩa trang,  các nghi lễ của nhà thờ sẽ bắt đầu, và từ lúc ấy những âm thanh và lời  lẽ sẽ không còn dành cho cuộc sống này nữa, mà  dành cho một thế giới khác.

Họ đang nói với nhau về chuyện gì ? Về sự oi bức ? Về thời gian cần thiết khi quay lại ?  Họ kể chuyện gia đình hay bàn về kết quả các trận túc cầu bữa trước ?  Họ chỉ  cho nhau những quán ăn ngon nằm rải rác trên đường rồi tiếc rẻ vì không ngừng lại được ? Hay  bàn tán về xe hơi với những hiểu biết  về cơ giới như những tay sành sõi ? Tuy là tài xế xe tang, nhưng có mấy ai dính líu đến ngành  cơ  khí  mà không đam mê máy móc ? Hay họ tâm sự với nhau về những cuộc phiêu lưu tình ái ?  Mầy còn nhớ con bé tóc vàng bán nước ở cái quán cạnh cây xăng mà bọn mình thường dừng lại ? Ðúng là con đó đó. Thôi đừng xạo cha nội, tao không tin. Thiệt mà, tao thề liền đó…   Hoặc họ đang kể cho nhau những chuyện tiếu lâm tục tĩu ? Bỡi vì hai gã đó cứ tưởng chẳng có ai ; cái hòm gỗ đóng kín nằm đằng sau như không  hiện hữu, vì họ đã quên rồi…

Và mẹ tôi phải nghe những lời đùa bỡn ấy cùng với những trận cười khoái trá ?  Chắc thế, người đã nghe và con tim đớn đau của người lại co thắt thêm lên, chẳng phải vì xem thường hai gã đàn ông lạ mặt mà chính vì nỗi cay đắng là phải nghe những lời  lẽ đó thay vì nghe giọng nói  của những đứa con  mà người  hằng yêu thương.

Tôi còn nhớ lúc gần đến Vicenza, khi cái nóng trưa tròn bóng làm rung mờ bóng hình mọi vật, đã bàng hoàng nghĩ  lại là thời gian sau này tôi đã sống quá ít bên cạnh mẹ. Rồi chợt nghe một mũi nhọn buốt đau giữa ngực, như người ta thường gọi là niềm ân hận.

Ngay lúc ấy  -  không hiểu sao trước đó vẫn chưa hề xảy ra  -  âm vang giọng nói của người bắt đầu dội lại trong tôi, của những buổi sáng đến phòng người trước khi ra  tòa soạn : ” Mẹ có khoẻ không ? “  “đêm qua mẹ ngủ được “  ( mà tôi biết  là  nhờ những mũi thuốc an thần )  ” con đi làm nghen mẹ” ” ừ  thôi con  đi  đi “.

Tôi  bước được vài bước trong hành lang thì giọng nói đầy sợ hãi của người  vọng đến : ” Dino !” Tôi quay lại . ” Con về ăn trưa chứ ?” ” Dạ” ” Còn bữa cơm chiều ? “.

” Còn bữa cơm chiều ?”  Chuá ơi, trong câu hỏi bình thường đó có ẩn chứa một ước vọng nhỏ nhoi. Người không yêu cầu cũng không đòi hỏi gì ở tôi, chỉ nói để hỏi thăm một tin tức thế thôi.

Nhưng tôi đang có những cuộc hẹn hò ngu xuẩn, với những đứa con gái chưa chắc đã thương yêu gì tôi, thậm chí còn cóc cần đến tôi nữa…nhưng ý nghĩ trở về nhà lúc tám giờ ba mươi tối trong căn nhà buồn thảm, đượm không khí già nua bệnh hoạn như nỗi chết cận kề đã làm tôi sợ hãi ; mà đã có mấy ai can đảm thú nhận những điều kinh khủng này, dù  rằng rất thật ? “Con cũng không biết nữa, con sẽ điện thoại về sau ” tôi thường trả lời như thế. Và tôi chắc thông báo là  sẽ không về. Có lẽ người cũng  biết là tôi sẽ nói thế nên hai  tiếng  “đi đi “  mang một nỗi buồn vô tận. Nhưng tôi là một đứa con ích kỷ. Ích kỷ như tất cả mọi đứa con.

Lúc đó tôi không hề ân hận, không hề ăn năn hay có một ray rức nào . ” Con sẽ điện thoại về “  và người  đã thừa hiểu là tôi sẽ không về nhà ăn tối.

"...Tôi chắc mẹ đã tha thứ cho tôi, vì tôi là con của mẹ"

Mẹ tôi già nua,  bệnh tật và biết là ngày tàn sắp đến nên  rất hài lòng nếu tôi về ăn tối ở nhà để bà bớt cô đơn. Bà chỉ cần tôi hiện diện, dù không nói lời nào hay đôi khi gắt gỏng về những việc bất như ý trong ngày. Nằm bất động trên giường nhưng bà sẽ thấy ấm lòng và được an ủi  nếu nghe tiếng lục đục của tôi ăn cơm trong bếp.

Nhưng tôi thì không. Tôi quả thật là thằng khốn nạn và ngu đần vì trong khi tôi đi khắp thành phố Milano để vui chơi cùng bè bạn thì chính đấng sinh thành, điểm tựa thật và duy nhất, sinh vật có một không hai trên cõi đời có khả năng thông cảm và yêu thương, trái tim duy nhất có thể rướm máu vì tôi ( và tôi sẽ không bao giờ tìm được dẫu sống thêm ba trăm năm nữa ) đang nằm chờ chết .

Tôi chỉ cần nói vài lời với người trước bữa ăn tối về công việc và sinh hoạt trong ngày, tôi ngồi trên đi văng và mẹ nằm duỗi cẳng trên giường. Rồi sau bữa cơm tối, mẹ vui lòng để tôi đi đâu mặc kệ ; người đâu có tiếc gì, trái lại, còn  vui mừng nữa nếu tôi có những cơ hội giải khuây. Nhưng trước khi ra khỏi nhà để lao mình trong đêm tối tôi sẽ đến chào người ” mẹ đã chích thuốc chưa ?”  ” Chích rồi , mẹ hy vọng là đêm nay ngủ được “.

Mẹ chỉ yêu cầu có thế. Nhưng ngay cả điều nhỏ nhoi này tôi cũng không làm được, do lòng ích kỷ thấp hèn. Bởi vì tôi là con ; và trong sự ích kỷ của kẻ làm con tôi đã không cần biết là mình đã thương mẹ bao nhiêu. Ðể bây giờ, trong khoảng khắc cuối đời, trên đường ra nghĩa trang, người phải nghe những lời tán gẫu, những chuyện tiếu lâm và tiếng cười  thô lỗ của hai gã đàn ông lạ mặt. Ðấy là món quà cuối cùng mà cuộc đời đã dành cho mẹ.

Giờ thì quá muộn rồi, Không còn gì nữa, đã muộn quá rồi. Gần hai năm qua, tảng đá đã hạ xuống để mãi mãi đóng kín ngôi mộ trong lòng đất, nơi ánh sáng lờ mờ có  linh cửu của ông bà, cha mẹ nằm chồng chất lên nhau. Ðất đã lấp kín những đường rãnh, đây đó mọc lưa thưa vài chùm cỏ dại. Mấy chậu hoa mới đặt trong chậu đồng vài tháng trước giờ  phai tàn đến nỗi không còn nhận ra hình dáng. Không. Những ngày mẹ bệnh hoạn và biết mình sắp chết chắc chắn sẽ không bao giờ lùi lại. Mẹ vẫn câm lặng, mẹ không trách móc gì tôi và có thể là người đã tha tội cho tôi, bởi vì tôi là con của mẹ. Mà chắc là mẹ đã tha tội cho tôi. Thế nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến, tâm hồn tôi lại bất an.

Mỗi một niềm đau sẽ được khắc lên tấm bia bằng chất liệu diệu kỳ, so với  nó cẩm thạch vẫn còn mềm như đất sét. Và thời gian dù vô tận cũng chưa đủ để làm nó phai mờ. Sau một triệu thế kỷ  niềm đau và nỗi cô đơn của mẹ do tôi gây ra  sẽ còn mãi  mãi. Và tôi sẽ không thể nào cứu vãn. Tôi chỉ còn biết thở dài, và hy vọng là người nhìn thấy.

Nhưng mẹ không nhìn thấy tôi. Người đã chết, xác thân bị hủy hoại, không còn sống nữa hay đúng hơn là chẳng còn gì ngoài sự mục rữa hình hài  đã bị tháng năm xúc phạm, theo sự phân hủy kinh hoàng và đau đớn của thời gian.

Không còn gì ?  Ðúng là không còn gì . Mà quả thật về mẹ tôi đã không còn gì nữa ?

Biết đâu ! Có  khi , nhất là trong những buổi chiều đơn độc, tôi lắng nghe một cảm xúc lạ lùng . Có một điều gì đó xâm nhập trong tôi mà trước đó vài  giây chưa hề có, như một bản thể mơ hồ ngự trị trong tôi làm tôi không còn cô độc, và mỗi cử chỉ, mỗi một lời  đều như có chứng nhân của một linh hồn bí ẩn. Mẹ !  Nhưng phép lạ chỉ kéo dài rất ít, chừng một giờ rưỡi chứ không  hơn. Rồi sau đó dòng đời lại tiếp tục nghiền nát tôi dưới những bánh xe  khô khốc và bạo tàn của nó .

Trương Văn Dân  chuyển ngữ

*

N G à R  Ẽ

Truyện Ngắn

 

Em thường nói, cuộc vui nào cũng tàn, bữa tiệc nào cũng chấm dứt, biết thế, nhưng, khác em, tôi  còn muốn nán lại  để  dọn dẹp những ngổn ngang ly tách  trước khi phủi tay đứng dậy.

Nhưng ước muốn nhỏ nhoi cuối cùng đó tôi đã không thực hiện được. Bỡi sáng hôm ấy,khi thức giấc đã không còn có em bên cạnh. Đêm trước ôm nhau, sáng dậy em biến mất như huyền truyện liêu trai, không một lời từ giã. Hạnh phúc bốc khói bất ngờ làm tôi rớt vào khoảng không. Tôi trôi nổi bồng bềnh, người phiêu dạt với cảm giác chơi vơi. Hụt hẫng. Ngay lúc đó, tôi chỉ mơ hồ là mình vừa mất một cái gì , nhưng chưa rõ ràng và  cụ thể , mãi đến khi sự ngái ngủ đã bị xua đi, tôi mới cảm nhận là nỗi đau trong lòng mình lớn lắm.

Suốt ngày thứ bảy  đó tôi đã hốt hoảng gọi cho em, nhưng chiếc điện thoại di động im ỉm suốt cả ngày. Tôi vẫn kiên trì, mãi đến khuya mới nhận được tín hiệu, nhưng em không bắt máy, hoàn toàn vô cảm trước tiếng kêu tuyệt vọng của tôi. Đến nước đó tôi mới thực sự hoang mang và hiểu rằng tình nghĩa giữa em và tôi đã hòan tòan chấm dứt. Dường như có ai đó đã nói rằng con người luôn luôn bước chậm sau nỗi khát khao, và tôi biết giờ đây chúng mình chính là  hai kẻ nhỡ tàu. Giá như ...gía như đêm ấy, chỉ cần nhận một tin nhắn, hay một tín hiệu nào đó của em ...thì sự việc đã được nhìn thấy khác. Dẫu em có nói  là mình đang thất vọng về tôi, đang mơ về một cuộc đời mới, hay thậm chí muốn bỏ tôi đi lấy người khác thì tôi cũng đành cam chịu và chấp nhận. Có thể tôi sẽ tự bảo: "Có gì đâu !" như vẫn thường nói mỗi khi có biến cố xảy ra. Để tự an ủi, nhưng cũng để xem thường mọi việc theo  bản tính của mình. Nhưng đêm ấy chỉ có tiếng ò e của của tiếng gọi lạc vào thinh lặng. Em có biết không ? Trong cái im ắng đến rợn người ấy tôi nghe  hết tất cả nỗi trống trải của mênh mông và sự phũ phàng của kẻ  tuyệt  tình. Dường như trong đêm còn có tiếng gió rít, hú dài, lúc mới nghe tôi cứ ngỡ đó là tiếng cười ngạo nghễ...và khi âm thanh dội vào vách vắng tôi lại nghe rất giống tiếng của mình cười, đau đớn, rồi nỗi buồn trào ra, ào ào  tuôn chảy. Nỗi buồn phun ra  như máu đang xối xả và thể xác tôi chỉ còn là một khối rỗng . Cảm giác cụ thể đến độ đang nằm trên giường mà tôi thấy mình chông chênh ; như sắp té.

Sáng chúa nhật , ngủ một giấc không an lành,  thức giấc thấy cuộc tình của mình bước sang trang  khác, tôi thấy đời mình sao  bi thương quá. Tôi là gì của em ? Chắc chẳng qua như một bóng mát tình cờ gặp gỡ giữa đường, và khách bộ hành, như em, tạm dừng chân giây lát rồi tiếp tục  ra đi ? Bước qua một ngã rẽ khác của dòng đời vì cảm giác bất an, vì một cuộc sống nghèo nàn sắp đổ chụp xuống đời nhau.

Chuyện đổ vỡ đã thực sự  xảy ra nhưng khi nhìn lại, tôi vẫn tưởng như đùa, khó tin quá, vì xưa nay tôi thường nghĩ, khi hết lòng yêu thương một ai đó, muốn gánh hết cho họ những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh thì trứơc sau gì cũng được yêu thương, quý mến.Trong tâm tưởng đó tôi nhìn em như một sinh linh bé bỏng cần được bảo vệ, chở che. Rồi giờ mới giật mình, biết rằng không như vậy. Em đã đoạn tuyệt, ra đi, không để lại gì, ngay cả một mảnh giấy,vài hàng tạm biệt ...vì quyết định bỏ, là đi. Chẳng cần đắn đo suy nghĩ. Người mà em  nhiều lần thề thốt yêu thương, khi xuất hiện một kẻ thứ ba đã biến thành một vướng  víu mà em đã nhất  định phủi tay. Em không yêu tôi đến mức sẽ ở  bên tôi với bất kỳ tình huống nào như vẫn thường hứa hẹn.Và nhánh cây tỏa bóng chở che đã  bị chặt đi, nhát cắt thô bạo, phũ phàng, như người ta loại một thanh củi mục. Sau, em phơi phới bỏ về với người mới, riêng mình tôi ở lại trong căn phòng trống trải, tan nát cõi lòng.

Trong nỗi đau chết lịm, tôi bùi ngùi nhìn lại đoạn đường mà chúng mình đã đi qua. Quen nhau được hai năm, em bỏ tôi, đi. Rồi quay lại. Hai năm  sau đó, em cũng lại bỏ đi. Rồi quay về. Tôi luôn thấp thỏm yêu em với tâm trạng nỗi đau này chưa vơi thì nỗi đau khác đã ập đến mà vẫn thụ động chấp nhận và tha thứ cho em . Nhưng lần này thì tôi biết là mình sẽ vĩnh viễn mất nhau....rồi  ngậm ngùi nhớ đến thời gian lúc mới quen nhau, tất cả rối tung như một số phận đã được an bài.

Ngày lễ tình yêu đầu tiên của hai đứa, em mang  tặng tôi hai đóa hồng làm bằng hoa đất  cực kỳ tinh xảo. Lời  dặn: "Giữ mải nhé anh". Tôi vô cùng hạnh phúc và hứa  với em sau một nụ hôn cháy bỏng. Nhưng chưa đầy mấy giờ, sáng hôm sau, loay hoay thế nào tôi đã vô tình làm  rơi xuống đất, ngỡ ngàng nhìn hai bông hoa xinh đẹp biến thành trăm mảnh vụn. Em tiếp nhận sự việc với nỗi kinh hoàng .Và cũng chính trong ngày lễ ấy, tôi  mang tặng em cây bonsai  để đặt lên thành cửa sổ trong phòng ngủ. Tôi mong nó sống mãi, nhưng chỉ  mới mười ngày thì  cây đã tàn tạ, héo khô vì thiếu nước !  Như vậy là những kỷ niệm đầu của ngày  lễ tình yêu của chúng mình đều mất. Đó là điềm báo trước rằng mối nhân duyên tan rã ? Chuyện tình của mình đã gượng gạo khởi đi , nhưng trước sau gì   cũng sẽ  tan như đã manh nha từ những bước đầu ?Tôi hoang mang, chẳng biết cảm nhận đầy mê tín đó của em có nghĩa gì không, nhưng ... vẫn cứ yêu em. Yêu đến nỗi không hề gian dối hay tính toán cho mình có được một quyền lợi nhỏ nhoi nào. Mù loà trong tình yêu, tôi đâu thấy những ẩn khuất trong  suy nghĩ  của người thương, lầm tưởng thời gian sống bên nhau là hạnh phúc, chứ đâu hiểu  thực ra đó chỉ là một chuyến buôn gian lận. Sống bên tôi mà em luôn dáo dác nhìn quanh những ngọn núi khác để sẵn sàng đánh đổi và lựa chọn.

Giờ bình tâm nghĩ lại, tôi thấy là trong suốt cuộc tình duyên với em, tôi chẳng có ai hậu thuẫn. Tất cả bạn bè, anh chị trong gia đình em đều chống đối và họ chỉ chờ cơ hội để bàn ra tán vào nhằm hủy diệt mối quan hệ của chúng mình. Họ chán, tôi biết. Bỡi tôi nghèo. Một thằng kỷ sư quèn như tôi, khó nhọc lắm mới nuôi nổi bản thân, chắc  không thể cung phụng cho em  và gia đình một đời sống phung phí như gã việt kiều giàu sang mang lại. Và số phận tình cảm của mình quay cuồng xung quanh ngày về thăm nhà của một người quen từ Mỹ. Người thân của em là tác nhân không nhỏ của chuyện môi giới, tình đến, tình đi. Họ thuyết phục em rằng đây là lối thoát, cơ hội giàu sang cuối cùng, em đừng nên đánh mất.

Tôi biết tất cả những thâm cung bí sử đó, nhưng không dám trách  mẹ hay anh, chị của em. Với tôi lý lẽ hay ảnh hưởng của họ chỉ có giá trị tương đối. Người quyết định cuối cùng là em, chứ không phải họ. Và em đã chọn lựa, như đã làm !

Suốt ngày chúa nhật thẫn thờ, tôi biếng ăn, mỏi mệt, rồi đêm đó mang sự trống trải và niềm đau của mình đi vào giấc ngủ.Trong mơ tôi thấy mình  nắm tay em, tung tăng trên con đường đầy hoa, nở rộ một góc trời. Trên không trung có tiếng nhạc dịu dàng, khẽ ru tôi và em vào trong niềm hạnh phúc ngất ngây, thơ mộng; nhưng, thoắt một cái, hình ảnh trong mơ vụt đuổi nhau loạn xạ. Mây đen ở đâu bỗng kéo về. Rồi trời đổ cơn mưa. Hoa lá tả tơi dưới những tia nước từ trên cao  trút xuống. Lúc tạnh, nắng yếu ớt vừa trổi lên,  tôi lại thấy em và người chồng sắp cưới dìu nhau đi may đồ cưới. Đứng bên lề, tim tôi quặn thắt. Tiếng nhạc thanh thoát lúc đầu được thay bằng một âm điệu buồn, cay đắng : " người vui bên ấy, xót xa nơi này..." và hình như trong mơ tôi đã cố  ghìm mình, khỏi khóc ; không hiểu sao lúc thức giấc lại thấy má mình ươn ướt.

Em có biết chăng ? Tôi đã thức giấc từ một giấc mơ như vậy đó. Chết lặng. Rồi lịm dần trong cơn đau. Còn nỗi đau thì rất thật chứ không phải là mơ ! Tôi nghe miệng mình đắng chát, và lần đầu tiên trong đời, vừa thức giấc, tôi đã tìm đến  rượu. Một  cốc nhỏ thôi, em biết mà, tôi đâu biết uống, chỉ định nhấp  để khoả lấp cảm giác chua chát trên đầu lưỡi. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi chuếnh choáng, nỗi buồn không tan vào rượu mà kết tủa trên cổ họng cháy bỏng, rồi đắng ngắt trào lên đôi mắt mù mờ. Tôi loáng thoáng nhìn quanh. Mất , mất hết. Cả thực tại, dĩ vãng của những tháng ngày êm đềm xưa cũ như không còn có mặt trong căn phòng ấm cúng của chúng mình. Ngoài kia, phía bên ngoài của sổ vẫn còn những tiếng chim kêu, tiếng rì rầm huyên náo của cuộc đời muôn thủa, mà với tôi tất cả đã đổi thay, mọi vật  chao đảo, không còn dáng  dấp  của ngày nào . Tôi với em đã thực sự chia lìa. Chia lìa, chẳng có chia ly. Đưa tiễn !

Thiếp trong mê man, lúc tỉnh dậy thì buổi chiều đã muộn lắm rồi. Tôi đứng bên cửa sổ, nhìn giòng kênh  dưới nhà như trôi đi chậm dần. Bỗng dưng tôi muốn nó trôi nhanh hơn, cuốn trôi nỗi bực dọc  bừng bừng, nhưng đốt hết điếu thuốc này rồi điếu khác, lồng ngực vẫn nặng nề, u ám. Những tia nắng của buổi chiều đang xuống bắt đầu nhạt nhoà. Có tia sáng làm đỏ quạnh một vùng trên mặt nước. Tôi thẫn thờ nhìn như kẻ bị thôi miên. Bất động. Lòng vẫn hy vọng, đợi chờ, sự chờ đợi bằng nhớ nhung và ấm ức. Đến khuya, lịm đi vì mệt mỏi, giữa đêm  trăn trở tìm giấc ngủ và cơn mơ chập chờn gần sáng, lòng vẫn thầm đợi tiếng tíc của một mẩu tin ngắn ngủi mà một lúc nào đó em  nghĩ lại và nhớ đến tôi. Nhưng vô vọng.

Sỏi đá vẫn cần... nhưng tôi biết là từ đấy cho đến ngàn năm ...mình sẽ không còn có nhau, nữa ! .

Tôi tự trách mình vụng về nên không giữ được em, nhưng vẫn thầm hỏi là lòng em có bình an không, sau khi làm tổn thương lòng tự ái và để lại trong tôi những mặc cảm, cùng nỗi ê chề của kẻ bị hất hủi, bỏ rơi ?

Hào quang tỏa xung quanh thần tượng tình yêu mà tôi tôn thờ, ngay đêm ấy, vụt tắt. Đôi cánh thiên thần đã gãy. Ánh sáng đang chói chang bỗng  tối sầm, bóng tối âm u từ đâu đó tràn về và hình tượng chỉ còn là cái bóng mờ, dữ dội. Lòng yêu thương biến thành kinh hãi. Tôi như chợt tỉnh cơn mê. Paul Valery có lần đã viết : "Cách tốt nhất để thực hiện giấc mơ là sự tỉnh dậy " và tôi như bừng tỉnh. Thì em vẫn là em, tôi vẫn là tôi. Nhưng mọi tương quan lúc này giữa chúng mình đã khác. Chúng ta cần phải làm lại tất cả mọi thứ. Tôi hiểu là trong đời, trước  hoặc sau gì thì mình cũng sẽ nhận đúng những gì mà mình xứng đáng được nhận. Dĩ nhiên  "...sống trong đời sống cần có một tấm lòng... "  vì không có  nó con người sẽ không có lối thoát trong sự tham lam ngu xuẩn và cay nghiệt với nhau. Với tôi, em đã sống với một tấm lòng ? Tôi hoang mang và ngờ vực qúa. Và tự hỏi là  mình có cay đắng quá không khi  xem sự  khinh khỉnh khước từ đối thoại của em là một thái độ kiêu căng, miệt thị. Như một cố tình xúc phạm !

Ý nghĩ thà chia tay còn hơn sống để "giết đời nhau " đã manh nha từ hôm ấy, nên bây giờ , ba tháng trôi qua từ bữa đó, gã việt kiều đã lặng lẽ bỏ đi ; em có muốn quay về bên tôi thì  cũng đã trễ rồi. Niềm tin  xưa mà tôi dành cho em đã sụp đổ. Hoàn toàn.

Tôi không quên là hôm qua em đến gặp tôi. Khuôn mặt đẹp của em buồn não nùng.Nó vừa lạ, vừa quen như  thóang hiện lên từ một cõi xa xôi huyền bí nào trong cuộc đời óai ăm này.Ngồi bên cửa sổ, dưới bóng cây hoàng  lan tỏa hương ngào ngạt trong sân một quán cà phê quen thuộc. Tôi yên lặng quan sát những giọt nắng xuyên qua cành lá soi lóm đóm trên mái tóc và khuôn mặt em thành nhiều vùng đen, trắng. Đó phải chăng là hai  mặt phản diện phải trái, đúng sai, hung thần, ác quỷ  của cuộc đời ?  Đó phải chăng là nìêm đau, hạnh phúc, hợp tan tan hợp của tình yêu ? Của những xẻ chia, dâng hiến hy sinh, lọc lừa, tráo trở trong những quan hệ phức tạp nhất giữa hai con người. Đen Trắng như Nam  và Nữ. Như Âm và Dương ? Như nước mắt vui mừng, nụ  cười tê tái  của những cảm nhận chồng chéo không rõ ràng, đúng sai không dễ gì  phân biệt.

Em cầm tách cà phê, nâng lên, đặt xuống mà chẳng hớp  một ngụm nhỏ nào. Có lẽ thái độ im lặng của tôi làm em ray rức. Vì em hiểu rằng tôi đã chẳng cần em gỉai thích điều gì nữa. Chúng mình chẳng còn gì để nói. Mọi hy vọng tái hợp như bị đập tan tành. Em nhớ không ? chúng ta ngồi bên nhau như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Có lẽ những buồn vui xưa giờ chỉ là chuyện xa vời....Có bóng mây bay qua, vũng tối mờ ảo phủ lên cả hai khuôn mặt . Xa xôi. Chung quanh ngừng lặng.Em có khó nhọc lắm không ? Đôi mắt  thường mở to nhìn đời đầy tin tưởng ngày xưa, mà tôi vẫn cho là tha thiết... sáng đó nó như ánh lên nỗi chờ đợi của kẻ sắp chìm, đang cố với lấy tấm gỗ mục trôi nổi bồng bềnh. Không chộp được nó tất cả  sẽ chấm dứt. Quá khứ, vị lai sẽ trở thành vô hình, vô tướng. Tình yêu, hạnh phúc sẽ  tan vào hư vô ...

Có lẽ vì những ý nghĩ đó mà tôi không mấy ngạc nhiên khi mới gặp em đã nhắc đến kỷ niệm.Trước đây mỗi lần chợt gợi, em hay  loáng thoáng vài câu rồi lảng sang chuyện khác. Nhưng lúc này tôi đâu có muốn nhắc lại  chuyện xưa, dù có bao điều nếu được nói với em chắc tôi  sẽ nhẹ lòng hơn. Nhưng chuyện tình cảm của chúng ta đã rã nát đến nước này thì  còn gì  nữa mà giải bày, hỡi em yêu ?

Tôi không quên mẫu tin nhắn  của em, tuần lễ trước khi chúng ta gặp mặt, khi tôi rời thành phố để về miền thuỳ dương cát trắng. Xưa nay khi tâm hồn căng thẳng tôi thường về với biển. Dường như tiếng rì rào của biển giúp trái tim đa cảm của tôi bình tĩnh, quên đi những căng thẳng của nhịp sống dập dồn. Đứng trước mênh mông, mọi đau buồn như tan vào cõi bát ngát muôn trùng, trong đó những uất ức, lắc léo của dòng đời như  bị hoà nhập rồi tự xoá. Thói quen đó, em biết, có từ thời thơ ấu, trong những đêm trăng, tôi thường kể với em là  hay đi chân trần trên cát, đẫm mình trong thứ ánh sáng huyền hoặc, thả hồn bay bổng. Tin nhắn viết : "Anh yêu thương. Tình cảm của anh dành cho em đã vơi đi nhiều chưa ? xa anh rồi, bây giờ em  thấy buồn , suy nghĩ. Quyết định của em làm anh đau, giờ em chẳng biết nói sao ngoài câu xin lỗi. Đừng buồn em nữa nhé, anh". Em vẫn còn quan tâm đến tôi sao ? Tôi chẳng nhớ ai đó đã nói rằng sự xa cách thổi bùng tình yêu lớn và  dập tắt những tình yêu nhỏ , nhưng tôi chẳng tin là ba tháng xa nhau đủ để em lắng đọng và xác định lại tình cảm của mình rồi có thể làm  bùng lên một ngọn lửa, lớn. Đối với tôi, nó đã tắt như chiếc nến trước cơn bão tố.  Tuy nhiên lòng tôi không khỏi vương vấn với những tin nhắn kế tiếp của em : "Anh khoẻ không ? sao  anh không nhắn tin cho em ? Lo, buồn  lắm. Không biết người ta có còn nhớ đến mình không? em biết có quá nhiều chuyện đã làm anh buồn, chắc anh khó tha thứ cho em lắm. Em xin lỗi về mọi việc". "Nhớ anh quá. Lần chia tay này có phải là mãi mãi mình xa nhau không anh ? Chúc anh hạnh phúc." Tôi giữ yên lặng , không trả lời, mãi đến khi nhận được tin nhắn này mới gọi điện để cám ơn em : " Hôm nay Chúa nhật, em  mới đi dự thánh lễ, cầu xin mọi sự bình an luôn đến với anh. Ước sao được nghe lại những lời yêu thương của anh ".

Tôi chỉ cám ơn em và không biết phải nói gì thêm. Em còn chờ đợi tôi nói những gì khác nữa chăng ? Suy nghĩ thế nào là tuỳ, nhưng xin em đừng nói là tôi chọn lựa. Vì thực ra tôi có chọn lựa gì đâu ?  Nói đúng ra là tôi  đành phải chấp nhận  bản phán quyết mà em đã dành cho tôi. Tôi nào có quyết định gì, chẳng qua đó là sự cam lòng hứng chịu !  Còn nếu như em vẫn cố cho rằng tôi đã chọn con đường không quay lại, thì em ơi,  hãy hiểu đó chính là sự chọn lưạ đau đớn và  bất hạnh nhất mà tôi đã phải làm.

Thú thật, bây giờ tôi chỉ muốn được yên thân. Tôi muốn được tĩnh lặng một thời gian để có thêm cơ hội tìm hiểu chính mình và nghĩ suy về mọi quan hệ giữa người. Có thể tôi sẽ cô đơn và héo hắt như thân cây thiếu bóng mặt trời trong một khỏang trời riêng nào đó, nhưng cũng có thể là thời gian sắp tới, tôi cũng sẽ  đi tìm một tình cảm mới. Để khoả lấp khoảng trống mênh mông. Xưa nay, em cũng biết là tôi vẫn nghĩ rằng, ai đó sẽ bất hạnh lắm nếu không có tình yêu. Thiếu nó, tôi nghĩ rằng cuộc sống sẽ phẳng lờ, vô nghĩa, đời sống sẽ tẻ nhạt,chẳng có chiều sâu và con người sẽ chỉ đứng bên lề, vì không yêu nên chẳng được thương. Albert Camus  có lần viết : " Không được yêu chỉ là một xui xẻo nhỏ. Không yêu nữa mới là bi kịch lớn". Chối bỏ xúc cảm thì củng như  từ chối cuộc đời. Tâm hồn khô cằn, không còn rung cãm thì  khác chi cái chết ? Nó là một phí phạm lớn, vì  "Cuộc đời đó có bao lâu...mà hững hờ ". Và trong nhận thức đó, vai trò của em trong chuyến hành trình của tôi giữa cõi đời có lẽ đã thật sự chấm dứt.

Tôi đã nghĩ như thế dù vẫn chưa quên  tin nhắn cuối cùng của em : "Nói chuyện với anh xong, em thấy buồn thêm, buồn thẫn thờ luôn đó.Nhưng không dám trách anh. Em luôn mang lại cho anh niềm đau. Nhiều quá. Em không biết làm sao để anh không buồn nữa. Mọi chuyện đều do em gây ra và phải chấp nhận thôi. Chúc anh vui khoẻ, hạnh phúc ".

Bây giờ em lại trách tôi sao ? Chính em  là người đã dành cho tôi số phận cay đắng "để giải thoát đời nhau ", để tìm một "danh phận ", mà !  Còn tôi ?  Tình cảm của tôi trước nay vẫn không thay đổi . Nói trắng ra là vẫn còn yêu thương em, nhưng tôi biết là từ biến cố ấy, chúng ta sẽ không đủ can đảm gặp lại mà mang trên người bộ mặt bình thản như xưa . Sau cơn đau chí tử chắc tôi sẽ nhìn em bằng con mắt đầy sợ hãi, vì bản tính thất thường, sống với em mà lòng tôi luôn lo sợ chút hạnh phúc mong manh sẽ bất thần biến mất. Mọi chuyện đau buồn đã đốt cháy niềm tin và chúng mình không thể trở lại bên nhau, bỡi trên cuộc đời này làm gì có phép lạ có thể biến những khổ đau mất mát hôm qua thành niềm hạnh phúc ngày mai ?

Bây giờ thì ....Thời gian ba tháng đã trôi qua, nhưng nghĩ lại tháng ngày xưa cũ của chúng mình thì nỗi đau vẫn không tắt mà càng ngày càng dày nặng trong tâm hồn tôi ; và nếu đau buồn là một cái gì cụ thể thì chắc nó sẽ nặng như đá tảng. Hạnh phúc đã qua, nỗi buồn vẫn âm ỉ cháy và tôi càng thấm thía về lời nhận xét sâu sắc của Albert Einstein : "Khi nghĩ  về hạnh phúc thì hạnh phúc đã mất , Nhưng nhớ đến nỗi đau, thì nỗi đau ấy vẫn còn ."

Nhưng dù sao thì tôi cũng xin cám ơn em. Vì nhờ em mà tôi có được một khoảng đời hạnh phúc. Được thấy ánh hào quang của nỗi đam mê, say đắm. Vì có biết bao người trên cõi đời này vẫn sống, vẫn ăn, vẫn ngủ...nhưng chắc gì đã hưởng được cái không khí ngất ngây của ái tình. Vì đã có mấy ai suốt cuộc nhân sinh có được những giây phút xuất thần như thời gian tôi sống cùng em ? Tôi yêu em đến vắt kiệt tâm hồn, nhưng cũng chính quãng thời gian mình là  "máu thịt của nhau " tâm hồn tôi đa dạng và  phong phú nhất. Đó là một an uỉ , dù ngoái lại, nó đã đốt cháy tuổi trẻ, dằn vặt, đớn đau nhưng cũng đã mang theo những khoảnh khắc hạnh phúc hơn tất cả.

Gặp em xong, suốt đêm qua tôi không sao ngủ được. Đêm, tôi nằm nghe tiếng lá cây xào xạc, rồi hoang mang, trăn trở với những ý nghĩ  đốt cháy cõi lòng. Chuyện tình của chúng ta lứơt nhanh qua trí nhớ như một đoạn phim buồn, trước mắt tôi hiện lên khuôn mặt em tranh tối, tranh sáng, chớp tắt, xanh rờn như soi bỡi ánh lân tinh của bầy đom đóm. Hạnh phúc cũng tràn trề nhưng khổ đau cũng nhiều khi bùng dậy, quất mạnh, như bão thốc lên thể xác, linh hồn. Tôi chẳng biết quyết định ra sao, thấy mình lênh đênh dật dờ trên đỉnh cao cơn sóng và chỉ muốn quên hết mọi điều.Tôi không ngủ, có lúc mong chờ ánh sáng ban ngày mau đến để soi rõ ý tưởng mình phải làm gì, nhưng cũng có lúc  thẫn thờ bước ra ban công, mắt đăm đăm nhìn mảnh trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên bầu trời thăm thẳm. Hình như có lúc tôi đã thấy một ánh sao băng, rơi xuống rồi tắt lịm như một chuyện tình nào đã và đang mờ dần trong trí nhớ.

Thật lòng, có lúc tôi tự trách mình đã làm em thất vọng và bỏ đi. Nhưng gia cảnh tôi nghèo quá, ngoài những nổ lực mà tôi luôn cố gắng để vươn lên, để vượt qua số phận của chính mình, tôi còn biết làm thêm gì khác? Thôi thì đành chấp nhận ,nhưng trước khi mất nhau vĩnh viễn tôi vẫn còn vương một thắc mắc, là, sống bên tôi, em đã đổi dạ  từ bao giờ ? Từ bao lâu, em tin rằng một gã việt  kiều, chưa gặp, từ  Mỹ về sẽ mang đến cho em giàu sang và hạnh phúc ? Từ bao lâu, em đã âm thầm liên lạc qua mail, "chat" với gã ? Em đã hoàn toàn thông cảm và trong vài lần gặp đã "yêu" người đó? Hay chĩ tự ép mình theo một sự tính toán của gia đình, gạt bỏ những tình cảm đang có với tôi ? Em  bằng lòng kết hôn, tìm chút "danh phận" với người ta vì thật sự yêu thương, quý mến hay chỉ đặt mình trong khuôn khổ, chấp nhận sống suốt đời với một người chưa chắc hiểu được em. Để chịu đựng nhau ? Để có một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn những gì mà tôi mang lại ? Ôi chao, xưa nay đã mấy ai có thể khiên cưỡng tình yêu phải phục tùng theo những con tính mà sống chung hạnh phúc ? Chắc em cũng biết  là không có tình yêu, ăn đời  ở kiếp chỉ là một cuộc ép xác, chứ làm gì bàn đến niềm vui ? Em thừa thông minh để đánh giá đúng những "được""mất " này mà !

Một sáng thứ bảy em đã bỏ  tôi , bây giờ lại muốn quay về ? Em  trở lại vì gã việt kiều đã cao chạy xa bay hay vẫn còn "yêu thương" tôi ?  vì tôi là người hiểu em hay thật sự còn "sáng giá" hơn những người đàn ông đang vây quanh em lúc này ?

Đã quyết đoạn tuyệt, chia lìa, đã biết là mình không thể trở lại, tình cảm chúng ta sẽ rất nhạt mờ, nhưng không biết sao trong lòng tôi vẫn còn cố tìm một lời giải thích. Giờ đây, sự việc đã an bài, tìm hiểu nguyên nhân để làm gì nữa ? Phân tích, tìm hiểu...có khác nào tôi vẫn còn muốn biện minh và còn cố tình bào chữa cho em ? Thế nghĩa là sao, em ? Nếu  không phải, là dù không  thừa nhận, trái tim tôi vẫn còn thương yêu em, lắm lắm ! Giải thích, để khỏi day dứt ? Bám vào lý lẽ cố tìm như một cái phao, để vững tâm hơn về những quyết định, hay chỉ để chứng tỏ sự thiếu niềm tin vào lối rẽ của mình... vì cứ thấy tình cảm mù mờ, còn lý lẽ càng viện dẫn càng chưa thuyết phục và cuối cùng rơi vào mê lộ. Tất cả chỉ có lẽ là  từ rất lâu  em trở thành một phần của đời tôi, và thú thật, cho đến giờ tôi cũng chẳng biết làm sao để xoá chúng trong trí nhớ ! Chỉ mới đêm qua thôi, nằm trăn trở và nhớ lại những lời yêu thương xưa vang vọng từ một cõi tận cùng trong ký ức... tôi có cảm giác như những mũi kim chích vào trái tim trống rỗng. Vị ngọt xưa dù không còn nữa, cái còn lại là  những dư vị chát đắng  lan toả và thấm trong từng sớ thịt để cảm nhận trọn vẹn tiếng nấc trong lòng mình đau đớn. Đó phải chăng ... dù muốn buông xuôi , nhưng trong đáy sâu tâm thức, trái tim tôi vẫn còn gắn bó da diết với mối tình vừa tan vỡ.

"Anh ơi, em không biết nói bằng thứ ngôn ngữ mầu nhiệm nào để làm vơi đi nỗi thống khổ và tiêu tán nổi đau mà em đã tạo cho anh". Tôi đã im lặng lắng nghe, lòng liên tưởng đến những điều bình thường mà chỉ khi mất đi  người ta mới chợt hiểu rằng cần thiết. " Mình trở lại với nhau đi anh. Xa anh rồi em mới hiểu được tình cảm đã dành cho anh. Chưa ai có được. Lúc nào anh cũng có trong em. Xa anh rồi em mới quý tình yêu.Tất cả những mất mác em gặp cũng không bằng là để mất anh.Về lại với em đi anh. Em sẽ không để mất anh nữa đâu. Em yêu anh. Bây giờ thì em biết chắc điều ấy". Gịong nói của em tha thiết và dịu dàng, say đắm và thương yêu, trong đó có chút hối tiếc, khổ tâm, hoà vào nhau, quyện vào nhau ,vừa vỗ về vừa quyết liệt. Chưa bao giờ tôi nghe thấy trong giọng nói của em có cái âm sắc như  hôm ấy. "Em rất ân hận vì những việc đã làm.  Tha thứ cho em đi anh. Cho em xin lỗi ! " Tha thứ ? Xin lỗi ? Chỉ  thế là xong sao ? thì ra ...em vẫn tham lam như ngày nào . Chỉ tiếc là phù phép của em  giờ  đã không còn hiệu nghiệm . " Em còn muốn nói thêm gì nữa ? Trở lại với nhau ? khi yêu, tôi có thể chết vì mất em. Lúc em bỏ đi, tôi như đã chết . Nhưng gìơ nếu em  về  tôi sẽ không sống lại. Bỡi người ta chỉ chết có một lần. Lúc cô đơn,tôi đã nghiệm ra rằng, hạnh phúc phải tự mình cảm nhận chứ đâu phải do em mang lại. Nó độc lập. Từ tâm mình . Lệ thuộc vào bất kỳ ai  thì trước hoặc sau gì cũng chỉ nhận được những thất vọng và khổ đau ".

Có lẽ em đã nhìn thấy nét đau đớn hiện lên trên khuôn mặt nhăn dúm của tôi, nhưng giọng nói  của tôi sao thật bình lặng.Và, trong nỗi bình lặng ấy, có lẽ chỉ có tôi mới âm thầm nghe hết tất cả nỗi nhức buốt vì quyết định của chính mình.

Tôi sẽ đau lòng lắm với quyết định này, nhưng dầu sao thì cũng phải cố quên em, bỡi quan hệ tình cảm của anh em mình là một mê cung , trong đó chúng ta đã bị gìong xoáy làm cho quay cuồng, đôi khi tự đánh mất mình lúc nào không biết. Rồi trên quãng đời phiêu du vô định này đây, nếu có khi hòan cảnh trớ trêu buộc chúng ta phải rẽ vào một lối khác , tôi chỉ thầm mong và hy vọng là cho đến cuối đời, phút nhắm mắt xuôi tay  chẳng  có gì để phải ân hận, day dứt.. để không bao giờ  rơi vào tình huống "sẩy chân một bước hận nghìn thu".

Sự chọn lựa cuối cùng, lần này là của tôi, không biết có đúng không ? Ai  mà biết được ! Tôi chỉ hy vọng là mình đã suy nghĩ kỹ . Thời gian  chung sống vừa qua có thể đã làm những viên thuốc bọc đường  tan ra, độc dược ngấm vào máu , lan toả đến tim và não, tình yêu của chúng ta khó thể sinh tồn. Hơn nữa, anh em mình khác nhau quá nhiều, chỉ còn nước đành đọan chia tay và ngậm ngùi chia cắt. Như thể tôi là giống rồng,  còn em thuộc giống tiên, dù chưa có trăm con nhưng không thể tiếp tục sống chung, kẻ lên nguồn, người phải xuống biển mới có thể sống còn. Đó là thân phận của dân tộc Việt , của tình yêu đôi lứa đã trót  sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khổ đau và đầy chia rẽ này./.

TR.V.D

Viết tặng P,U.

tpHCM 11-2005

Một áng mây bay

A Loris Deconti, con affetto

Câu nói của David đã ám ảnh tôi một thời gian rất dài, và có thể cho rằng từ lúc ấy quan niệm sống của tôi đã dần dần thay đổi. Trước kia tôi luôn luôn tất bật trong việc mưu sinh, toàn bộ thời gian đều dành cho công việc. Tôi đã sống theo một thói quen, như một phản xạ, chấp nhận một cách thản nhiên nhịp điệu đều đều của năm tháng và ít khi suy nghĩ vẩn vơ . . . nhưng biến cố xảy ra cho bạn đã làm tôi kinh hoảng nhìn lại mình và từ đó tôi thường hay thắc mắc và ưu tư về ý nghĩa cuộc đời.

Lúc ấy là một buổi chiều mùa thu. Trên nền trời thiên thanh có những cụm mây trắng đang phiêu diêu về một phương trời vô định. Chúng tôi đang đứng trên tầng thứ sáu ở cuối hành lang bệnh viện nhìn xuống những đứa bé trên tay cầm những que kem cuối mùa hay những chiếc bong bóng nhiều màu bay bay trong gió. Không gian im đến nỗi có thể nghe những tiếng reo vui của chúng. Trong đầu tôi vừa lóe lên ý nghĩ là những hình ảnh vui tươi ấy sao mà tương phản với thế giới bên trong, giữa người thường và kẻ bệnh, thì câu nói của David đã làm những hình ảnh trước mắt tôi chao đảo và nhạt nhoà.

Giờ thì David và tôi đã mãi mãi không còn gặp nhau. Nhưng mỗi khi cây phong trong vườn tôi bắt đầu đổi sắc, nhìn những tán lá muôn màu lung linh trong gió thu bắt đầu chớm lạnh, lòng tôi lại không khỏi bâng khuâng nhớ đến người bạn cũ. Những lúc ấy, hình ảnh David cứ chập chờn hiện đến, khi lờ mờ, khi rất rõ, làm đôi khi tôi có cảm giác về sự hiện diện của anh. Tâm trạng đó chỉ đến với tôi trong vài giây ngắn ngủi, nhưng âm thanh của lời nói cuối như vẫn còn vang lên rồi vọng lại từ một đáy sâu thăm thẳm trong tâm hồn.

*

Mười năm trước tôi gặp David trong hội nghị khoa học chuyên ngành. Lúc ấy tôi vừa tốt nghiệp đại học được vài năm và đang phụ trách một nhóm nghiên cứu kỷ thuật dược. Có lẽ tôi là người Á đông duy nhất nên sự hiện diện của tôi đã gây nên một sự chú ý cho các đồng nghiệp. Trong giờ giải lao chúng tôi tình cờ ngồi gần nhau và sau vài câu xã giao, hỏi thăm vớ vẩn, David cho tôi biết là đang làm việc cho một hãng siêu quốc gia có chi nhánh tại Milano. Anh có khuôn mặt rất hiền, dưới vầng trán rộng và cao là đôi mắt long lanh,đầy nghị lực. Lúc đối diện không hiểu sao tôi lại tinh nghịch để ý đến lọn tóc vô duyên bên trái thường rơi phủ mắt, ranh mãnh nhìn anh mân mê rồi hất lên, điệu bộ như cô con gái hay làm dáng.

Sau một lúc David nhìn tôi và hỏi:

-Xin lỗi,tôi không đoán được ông là người ở đâu! Nhưng tôi chắc không là Nhật,cũng chẳng phải Đại Hàn hay Trung Quốc.

-Tôi là người Việt Nam!

Tôi nghĩ David không đoán ra là phải. Thuở ấy sinh viên Việt Nam qua Ý du học rất ít. Có thể nói là đếm được trên đầu ngón tay. Chính quyền miền Nam chỉ cho qua có hai đợt rồi ngưng lại, bởi lệnh tổng động viên sau muà hè đỏ lửa.

Sau tiếng “ ồ “ kinh ngạc, David hỏi tiếp :

-Việt Nam, nhưng quê ông ở đâu ?

-Tôi ở miền Trung.

Tôi chỉ trả lời qua quít vậy thôi. Nhiều người Ý không biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, nhưng khi nghe Việt Nam thì cứ hỏi xấn, làm như hiểu biết ghê lắm. Vài địa danh nếu có tình cờ nghe từ các phóng sự chiến tranh qua đài truyền hình chắc họ đã quên rồi. Họ chỉ chờ chúng tôi trả lời là thuộc về miền Nam hay miền Bắc để bình luận chiến tranh, để phân biệt chúng tôi là loại thân Nga hay thân Mỹ, đưa sâu câu chuyện về nội dung chính trị mà chúng tôi thường tránh mất thì giờ khi thấy không cần thiết. Theo kinh nghiệm khi nói miền Trung là họ bị khựng lại và bắt buộc phải thay đổi đề tài.

Nhưng lần này thì khác hẳn. David cứ hỏi tiếp :

-Miền Trung mà ở tỉnh nào? Gần Huế hay Phan Thiết?

-Bình Định. Tôi bất ngờ thú vị, nhưng vẫn trả lời nhát gừng, tinh quái nhìn anh với vẻ thách đố . Ông có biết là đâu không ?

-Sao lại không? Vừa nói David vừa lấy bút vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Bình Định, Qui Nhơn nằm giữa Nha Trang và Đà Nẵng … ở về phía đông Pleiku…

Tôi trố mắt ngạc nhiên. Hoá ra những năm 68-70 David có chân trong phong trào sinh viên tranh đấu đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam nên đã theo dõi tình hình khá kỹ.

Sau hội nghị chúng tôi quen rồi thân nhau.

*

Vì cùng ở Milano nên từ đó tôi và David thường liên lạc. Mới đầu chỉ trao đổi những thông tin nghề nghiệp, nhưng dần dần chúng tôi trở thành bạn thân. Tuy nhiên chúng tôi ít có dịp gặp nhau vì lúc đó tôi ở ngoại ô còn David vẫn ở trong thành phố.

David lớn hơn tôi năm sáu tuổi và là người luôn luôn sống cho công việc. Trong đầu anh lúc nào cũng ám ảnh ý nghĩ làm giàu và toàn bộ thời gian cuả anh đều dành cho mục đích duy nhất ấy. Sau này khi biết anh nhiều hơn, tôi mới lẽ ra là tại sao một người thông minh và vui tính như anh lại có rất ít bạn bè.

Lúc ấy David đã lập gia đình và có một bé trai. Carla vợ anh là một cô gái trẻ, khá đẹp, nhưng ít khi tiếp chuyện với những người quen của chồng mình. Lúc đầu tôi cứ tưởng tại cô ta nhút nhát, hay e thẹn, nhưng David cười và bảo là không phải. Anh cho hay là cô ta làm việc trong công đoàn và trước đây còn là một thành viên hoạt động trong phong trào phụ nữ. Tôi thấy lạ quá. Thông thường những người hoạt động xã hội thường ăn nói hoạt bát, cớ sao… nhưng có lẽ sau khi lấy chồng, bận bịu con cái,cô ta thay đổi tính.

Nhìn bề ngoài vợ chồng David không có vấn đề, họ sống bình thường như những gia đình khác.

Khi mang thai đứa con thứ hai Carla đề nghị chồng mua một villa gần thành phố, có vườn để các con có chỗ vui đùa và họ dọn về đó trước khi đứa bé ra đời. Thời gian sau vì hai con còn nhỏ nên Carla quyết định xin nghỉ việc.

Villa của David nằm khá gần khu nhà tôi tôi cư ngụ nên từ dạo đó chúng tôi thường có dịp gặp nhau, phần lớn đều do tôi chủ động và điện thoại trước chứ David rất ít khi liên lạc . Lúc đầu tôi hơi phiền nhưng về sau biết những bận rộn của bạn, tôi không còn quan tâm nữa.

Thủa ấy tôi còn khá trẻ và cũng rất đam mê công việc. Tôi làm việc rất hăng say, đọc nhiều sách kỹ thuật để trau dồi nghề nghiệp. Đường công danh của tôi thênh thang rộng mở, tôi hăm hở tiến đến những mục đích của mình. Toàn bộ thời gian tôi dành cho việc tiến thân, ít khi quan tâm đến những chuyện tâm tình hay chia xẻ những buồn vui với những người trong gia đình. Những chuyện ấy tôi cho là vặt vãnh, quá tầm thường. Lúc đó tôi còn quá non nớt để nhận ra tầm quan trọng về giá trị của những điều tưởng như tầm thường vì luôn nằm trong tầm tay, tôi nào biết đó là những vấn đề căn bản của hạnh phúc và an lạc trong đời người. Đến lúc đó trong đời tôi chưa xảy ra biến cố nào để giúp cho tôi hiểu – mà thường khi hiểu ra như thế thì đã quá trễ rồi, không sao cứu chữa được - Nhưng cũng có thể là do tham vọng và lòng kiêu hãnh của những người trẻ tuổi, luôn tưởng mình có sức mạnh vạn năng, có thừa sức để thực hiện những ảo tưởng ngông cuồng. Và cái bã lợi danh đã lôi cuốn tôi lao vào dòng đời như muôn ngàn người trẻ khác.

Nhưng sức làm việc kinh khủng của tôi thật ra chẳng thấm vào đâu so với những năng nổ của David. Ngoài công việc ở hãng, thứ bảy chủ nhật anh còn bận pha chế mỹ phẩm, và buổi tối tuần ba, bốn bận, xin trực đêm ở một pharmaie.

Dù có vị trí vững trong công ty nhưng David vẫn không vừa ý. Anh thường nói là lời khuyên của cha lúc nào cũng văng vẳng bên tai và thôi thúc anh đi tới. Anh cho rằng một chỗ đứng trong công ty dù cao đến đâu cũng phải lệ thuộc vào người khác nên anh quyết vượt qua những ràng buộc ấy để vươn lên. Bởi thế sau khi tốt nghiệp, anh vừa làm vừa học để lấy thêm bằng chuyên khoa chế tạo mỹ phẩm . Sống trong môi trường dược, anh thừa biết là muốn lập một công ty phải cần vốn rất cao mà cả đời anh cũng không thể nào dành dụm nổi, chỉ có chuyển qua mỹ phẩm thì sau này anh mới có thể trở thành chủ, vì luật lệ sản xuất không đến nỗi khắt khe và máy móc dành cho sản xuất tương đối giản đơn.

Có thể nói đây là sự chọn lựa chính xác và suy nghĩ sâu sắc của anh. Ngay trong villa anh trang bị một phòng sản xuất nhỏ và với óc sáng tạo, anh hoàn thành những công thức mỹ phẩm bằng những thiết bị đơn sơ, phần nhiều do tự chế. Trong những đêm trực ở pharmacie anh so sánh, đối chiếu những thành phẩm của mình với những sản phẩm đã nổi tiếng, nếu có chi tiết nào không vừa ý, anh về nhà đổi đi thử lại mãi cho đến khi vừa ý mới thôi.

Sức làm việc bất kể ngày đêm của David đã làm tôi hoảng hồn vì chưa từng thấy ai làm việc như thế. Những thời gian sau, tôi biết rõ những sinh hoạt hằng ngày của bạn: Sáng dậy sớm vì quãng đường từ nhà đến phòng thí nghiệm thường kẹt xe và chỉ có cách rời nhà khi mọi người còn ngủ mới có thể tránh được giờ cao điểm. Ở sở, David luôn bận rộn và trách nhiệm nặng nề, tương xứng với những thăng thưởng thường xuyên. Đến giờ ăn trưa, David thường đi riêngluôn luôn mang theo một tạp chí kỹ thuật và ngồi ở nơi vắng vẻ, Anh ăn vội vã và gần như lén lút đẩy một cái bánh mì nhồi thịt vào xách tay, cầm thêm vài thứ trái cây cho bữa ăn chiều, vì sau khi tan sở anh phải đi trực ở một nhà thuốc tây suốt buổi tối. Từ sở đến pharmacie khá xa, nếu phải mua sắm thức ăn, chắc chắn anh sẽ đến trễ. . .

Những lần tôi gặp anh, không khi nào câu chuyện của chúng tôi không bị gián đoạn. Nếu hẹn ở phòng pha chế trong villa vào dịp cuối tuần thì anh vưà pha chế vừa nói chuyện, đồng hồ điện tử trên tay chốc chốc lại reo lên nhắc nhở một cuộc hẹn hò nào đó phải đi ngay, hay trả lời những cú điện thoại gọi đến để đặt hàng,thương lượng giá. Còn gặp nhau buổi tối ở Pharmacie thì ít khi chúng tôi nói cho tròn những điều cần nói vì khách gọi cửa liên miên, hoặc có khi bị ngắt quảng chỉ vì bọn xì ke bấm chuông, mua ống tiêm để chích choát.

Cuộc sống của David luôn luôn bị hối thúc bởi thời gian và hoàn toàn bị ám ảnh về tiền bạc.

*

Một thời gian sau, Carla nói là cô chán ở nhà một mình chỉ để dọn dẹp nhà cửa và lo cho con cái, nên xin phép anh được đi làm trở lại. David sợ vợ buồn nên chẳng những không ngăn cản mà lại còn khuyến khích. Mấy đứa con thường được gửi ở nhà ông bà ngoại. Dần dần Carla bị cuốn hút vào sinh hoạt chính trị, họp hành liên miên nhiều bữa đến khuya mới dứt. Đôi khi trở về căn nhà quạnh quẽ David cũng thấy buồn, nhưng nỗi buồn chưa kịp ngấm thì anh đã hăm hở lao vào giòng đời để đuổi bắt thời gian.

*

Thấy anh làm việc quá đáng nên có lần tôi gặng hỏi. David thường nói là tao cần tiền, rất nhiều tiền. Chỉ có tiền thì tao mới được tự do và hạnh phúc. Tôi không bị những lý lẽ đó thuyết phục, nhưng rất tò mò muốn biết vì sao một con người nhạy cảm và thông minh như anh lại chọn một lối sống không mấy thông minh như thế .

Một lần David tâm sự và kể tôi nghe về gia cảnh của anh. Khi nghe chuyện tôi cứ thắc mắc mãi và không biết là những lời giáo huấn của cha mẹ khi các con còn thơ ấu có ảnh hưởng ra sao đến việc hình thành nhân sinh quan của chúng sau này.

David sinh ra trong một gia đình khá nghèo. Những buổi tối về nhà với bàn tay còn dính đầy dầu mỡ, người cha thường lập đi lập lại “ Nhớ nghe con, trên đời này chỉ có học thức và tiền bạc mới mang lại một cuộc đời hạnh phúc”. Bà mẹ đang chờ chồng rửa tay ở bồn nước trong nhà bếp, ngước đôi mắt lơ láo nhìn ông, Những lời ấy đối với bà quá cao xa, chẳng khác gì chuyện người ta mong cầu trúng số .

Từ nhỏ David là một đứa bé rất ngoan và học hành chăm chỉ. Anh luôn luôn tâm niệm là mình cần cố gắng tối đa để xứng đáng với công lao khó nhọc của cha, những lúc sau luôn về trễ vì hay nhận việc ngoài giờ. Sau khi lấy xong Tú tài, cha anh khuyên con nên chọn một phân khoa kỹ thuật ở đại học vì tin rằng đó là sự chọn lựa tâm đắc nhất.

Có lẽ đó không phải là con đường đúng nhất đối với David. Hình như văn khoa mới hợp hơn với tính tình nhạy cảm, hay mơ mộng của anh. Nhưng không phải vì thế mà việc học hành của anh bị trở ngại. Trái lại là khác, bởi anh luôn là sinh viên xuất sắc từ khi nhập học cho đến ngày trình luận án ra truờng. Nhưng tiếc rằng người cha thân yêu không đợi được ngày vinh quang đó của con mình. Một buổi tối mùa đông, các đồng nghiệp làm việc ngoài giờ thấy ông ngồi tựa đầu trên bàn máy, như đang say ngủ. Nhưng đó là giấc ngủ không bao giờ tỉnh dậy. Cơn nhồi máu cơ tim đã cướp ông đi vĩnh viễn. David còn lại một mình với mẹ. Bà lão sau cái chết của chồng càng đâm ra đờ đẫn. Sau khi tìm được việc, David đề nghị thay đổi căn nhà cho mẹ, nhưng bà gạt đi, thích được sống trong căn phòng âm u quen thuộc, vì đã từ lâu không còn ước mơ gì nữa.

*

Một hôm sau khi ăn mẩu bánh mì và đang chuẩn bị đi trực ở pharmacie thì David chợt nghe dạ dày đau nhói lên như có nghìn mũi kim châm chích. Thoạt đầu anh tưởng ăn không tiêu nên vội pha một gói Alka Selzer, nhưng uống xong cơn đau vẫn không thuyên giảm. Anh nghe bụng mình sôi lên và thức ăn bên trong như cứ chực trào ra. Không nhịn nổi, anh ôm bụng lăn lộn và gập người như con tôm. Khi nghe vị mặn dâng trong cổ họng, anh chạy vào phòng tắm rồi nôn oẹ ra trong bồn rửa mặt. Một thứ bầy nhầy hôi hám màu đỏ bầm hiện lên, có xen vài giọt máu tươi. Anh vội vã súc miệng và khi ngẩng lên, nhìn khuôn mặt mình phờ phạc và hốc hác trong gương, anh sững sờ quay đi phía khác.

Sau phút hoảng hốt, anh cố gắng lấy lại bình tĩnh. Chắc chẳng có gì nghiêm trọng đâu. Chẳng qua chỉ là một cơn viêm dạ dày, nếu cố gắng chữa trị chắc sẽ đâu vào đấy. Nhưng anh thấy mình mệt mỏi và đầu óc vô cùng căng thẳng. Anh định bụng sẽ xin nghỉ một thời gian dưỡng sức. Anh sẽ bảo Carla xin phép để dẫn các con cùng đi. Lâu nay gia đình không có dịp sum họp. Bỗng dưng anh thấy mình có lỗi với vợ con. Rồi để tự trấn an anh cố hình dung đến những ngày lý thú sắp tới, nhìn các con tung tăng trên bãi biển.

Sáng hôm sau cơn đau vẫn không hề thuyên giảm. Những ngày kế tiếp cũng chẳng khá gì hơn. Khi David đi khám, bác sĩ cho nhập viện khẩn để xác định bệnh lý.

Kết quả kiểm nghiệm cho hay là anh bị ung thư bao tử!

David hoang mang vô kể. Làm sao bây giờ đây? Anh thẫn thờ như người mất trí. Chiều đó anh nằm đợi ở nhà để báo cho vợ hay thì lại còn nhận thêm một cú điện thoại bất ngờ. Bên kia đầu giây, luật sư của Carla thông báo là nên tiếp xúc với ông ngay để dàn xếp vấn đề li dị! David bàng hoàng. Lâu nay hạnh phúc gia đình của anh đã tan thành mây khói mà anh vẫn không hề hay biết. Nhưng nỗi đau xé ruột là tại sao một vấn đề sinh tử như thế, Carla lại không trình bày với anh trước, để đến nỗi phải thông qua trung gian một người lạ mặt. Và oái ăm thay, lại chọn đúng lúc này!

*

Khi David nằm điều trị ở bệnh viện, Carla mang một xấp hồ sơ đến yêu cầu anh chuyển tên cô và các con làm sở hữu chủ villa và các trương mục ngân hàng. Lần đó David lặng người đi và xấp giấy rơi tung xuống đất bay lả tả. Rồi anh thiếp đi trong mê man, phần vì mệt mỏi và căng thẳng, phần vì không muốn nhìn người đàn bà, mà đằng sau khuôn mặt mỹ miều kia có che dấu những âm mưu thâm độc, mà lâu nay anh vẫn ngu ngơ không hề hay biềt.

Cho đến lúc này tôi vẫn còn thắc mắc về chuyện Carla và David. Tôi nghĩ dẫu họ không hoàn toàn hạnh phúc đi nữa, nhưng ít ra cũng có thể sống một cách bình thường như những cặp vợ chồng an phận trên dương thế. Trên đời này đâu có thiếu gì những cặp vợ chồng sống với nhau chỉ vì bổn phận, vì thói quen hay vì quyền lợi. Có thể sự mải mê làm việc của David đã tạo cho cô mặc cảm bị bỏ rơi, nhưng điều này cùng lắm là đưa đẩy cô đi tìm nguồn an ủi ở một người đàn ông khác, tình cảm giữa hai người đổ vỡ và đi đến li dị. Nhưng tại sao Carla lại có thể nhẫn tâm như vậy? Cái gì đã biến tâm hồn cô trở nên xơ cứng và bạo tàn như thế, đến nỗi đòi hỏi và chọn lựa thời điểm khi mạng sống của David mong manh như ngọn đèn trước gió? Tôi thấy trong thái độ ấy có dáng dấp của một sự trả thù ( ? ), có khi được xem như một cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa giai cấp nam và nữ, phát sinh từ sự hiểu biết lệch lạc và cực đoan về phong trào phụ nữ! Còn lòng tham lam bệnh hoạn và ý muốn ly dị của Carla, sau khi quyết định có đứa con thứ hai, là một điều vô cùng khó hiểu .

*

Sau khi cắt bao tử và lưu lại bệnh viện một thời gian xạ trị, sức khoẻ David dần dần trở lại bình thường. Như vậy cái mầm bệnh hiểm nghèo đã được loại trừ khỏi cơ thể, nhưng còn lại một niềm đau khác đang xé nát tâm hồn.

Ý là nước tự do, tuy không cấm, nhưng do ảnh hưởng của toà thánh Vatican nên luật li dị rất rườm rà và phiền phức. Trước khi hoàn tất thủ tục cần phải ly thân từ ba đến năm năm, có lẽ người soạn luật hy vọng là thời gian dài dằng dặc đó sẽ có những đổi thay và các đương sự có thể xin rút đơn, tránh đổ vỡ gia đình.

Thời gian ly thân David vẫn tiếp tục đi làm như cũ và mức độ làm việc cuả anh cũng không hề thuyên giảm. Villa lúc này vắng ngắt vì không có Carla và các con nên lúc buồn anh thường đến thăm tôi. Ít khi tôi thấy bạn đăm chiêu và suy nghĩ như thế. Có khi anh ngồi lặng hằng giờ, không nói tiếng nào.

Một hôm anh điện thoại báo tin là sẽ ghé lại thăm tôi để bàn vài việc trước khi đi trực ở Pharmacie. Tôi ân cần dặn anh đến sớm và nhân tiện mời anh dùng cơm chiều với gia đình.

Khó thể nào tôi quên được buổi chiều hôm ấy. Anh ngừng xe mô-tô trước nhà, tháo mũ casque cầm trước bụng bằng hai tay, điệu bộ vô cùng thiểu não. Lúc bước vào anh chỉ kịp chào hỏi qua loa rồi xin phép ngồi nghỉ chừng vài phút. Tôi bảo anh cứ tự nhiên. Thoạt tiên anh ngồi tựa đầu lên bàn nhưng chỉ một lát sau, vẫn giữ nguyên quần áo anh nằm xuống divan trong phòng khách rồi ngủ thiếp đi.

Tôi ái ngại nhìn anh, lắng nghe tiếng ngáy nặng nề nhưng vẫn để yên cho anh ngủ. Hơn một giờ sau tôi mới đánh thức vì sợ trễ công việc của anh. David bẽn lẽn nhìn tôi, miệng lí nhí vài lời xin lỗi không nghe rõ.

Bữa cơm diễn ra thật vội vàng và không ai còn nhớ đến câu chuyện anh định nói với tôi. Trước khi từ giã tôi khuyên anh nên hạn chế việc trực tối ở Pharmacie và việc sản xuất cuối tuần,nhưng anh gạt đi “ Không được đâu, tao phải làm. Tiền khám chuyên khoa và thuốc men bây giờ đắt lắm! “

*

Một buổi tối muà đông, David ngồi một mình trong căn nhà vắng vẻ. Anh nhìn trân trân những đồ vật quý giá đang bày biện khắp nơi. Anh đứng lên mân mêø cái tv đắt giá, bộ HiFi tối tân, đặt chân lên tấm thảm Ba Tư trải nền phòng khách thênh thang. Anh bước qua gian sản xuất mỹ phẩm … rồi mở toang cử sổ ngó ra vườn, sân chơi của các con …. Đó là tất cả những hy sinh cuả mình và anh từng gán cho chúng những giá trị cao sang. Rồi đột nhiên một câu hỏi vụt loé lên trong đầu. Những thứ ấy nay dùng để làm gì? làm vương làm tướng gì chăng? Nó có thể thay vợ, thay con, thay hạnh phúc gia đình? Nó hàn gắn được những đổ vỡ? Nó sẽ giúp anh thu hồi lại mười mấy năm hoang phí trong ảo vọng mang niềm hạnh phúc cho anh và những người thân?

Không!

Thế tại sao anh đã đổi trao những thứ vô tri này với một phần đời tươi trẻ của anh!

David không tìm ra câu giải đáp. Đầu óc anh như muốn nổ tung. Anh tuyệt vọng. Và căm thù. Anh hận đời. Anh oán người. Anh giận dữ với chính anh. Anh bỗng thấy ganh tức và đố kỵ với tất cả loài người còn có nguyên bao tử, không bị cắt bỏ như một phế nhân. Bỗng dưng ý thức nổi loạn trong anh lại bùng lên. Anh muốn đập phá cho nư giận. Anh muốn thiêu hủy và đốt cháy tất cả. Chỉ cần một mồi lửa là mọi vật sẽ tan thành tro bụi và không còn gì nữa.

David cười lên như một thằng điên rồi dập cửa, bước ra ngoài. Anh cảm thấy cuộc đời thật là vô nghĩa nên không còn thiết tha gì nữa. Anh sẽ rải xăng quanh nhà rồi lái chiếc Mercedes xông vô cửa chính với mồi lửa trên tay. Ha ha! Ha ha! Con đàn bà khốn nạn ngày mai sẽ đọc tin trên báo Và sẽ thất vọng biết bao, khi âm mưu chiếm đoạt đã không thành…

Nhưng gió đêm lành lạnh bên ngoài đã làm anh bình tĩnh lại. Không, không thể như thế được. Cuộc đời đầy những lọc lừa và xảo trá, có nhiều nỗi khổ đau, nhưng dẫu sao cũng vẫn còn đáng sống. Tội gì phải hủy hoại thân mình, nhất là sau khi đã đối chọi và chiến thắng căn bệnh nan y.

Anh thẫn thờ bước ra đường rồi lầm lũi bước nhưng chẳng biết đi đâu cho đến khi thấy một quán nước hãy còn mở cửa. Anh bước vào. Đã lâu lắm anh không đi lang thang như thế hay sống qua đêm trong những quán mở khuya.

Ở một bàn kê trong góc quán có một cô gái da đen khá đẹp, ngồi một mình. David nhìn cô và mỉm cười, cô gái cũng cười theo, phô ra hai hàm răng trắng và đều như răng chuột. Họ gợi chuyện làm quen và lúc sau cùng bước ra khỏi quán trong đêm lạnh lẽo đầy sương mù. Anh đưa Julie về nhà mình. Khi ôm cô trong vòng tay rắn chắc anh cảm thấy lòng mình ấm lại và thân thể nóng bỏng của cô ta đã làm anh rạo rực. Đã từ lâu anh không còn cái cảm giác buông xuôi. Bản năng đàn ông trong anh vùng thức dậy và bừng lên ngọn lửa. Anh ôm siết cô vào lòng, ve vuốt, chải những ngón tay trong mái tóc mềm mại của Julie. Mùi thơm của cô gái phả lên nhè nhẹ như hun đốt thêm làm anh càng siết chặt bờ vai cô gái đang run lên lẩy bẩy. Đến khi cởi hàng nút áo, trên làn da đen láng lộ ra đôi vú dậy thì căng cứng, anh gục đầu xuống như đứa trẻ tham lam rồi quên đi tất cả những cay đắng vừa qua. Tự dưng anh thấy mình vô cùng thương yêu cô gái bất ngờ xuất hiện, đến từ một cõi nào xa vời vợi, đang vuốt ve và âu yếm anh trong yên lặng, như một điều tự nhiên, không có gì phức tạp và đớn đau.

David yêu cầu Julie ở lại với mình và những chiều David đi làm về cô hay ngồi trên divan chờ đợi. Từ xa trông thấy ánh đèn cửa sổ le lói, lòng anh bỗng trào dâng một cảm xúc diệu kỳ và ngay lúc bước vô, anh ôm chầm lấy cô, nâng bổng lên và quay một vòng rất mạnh.

*

Hạnh phúc đến đột ngột làm David ngây ngất. Nhưng chỉ vài tháng sau Julie lặng lẽ bỏ đi không một lời giải thích. David không làm sao hiểu được lý do. Nhà cửa lúc cô đi vẫn hoàn toàn ngăn nắp và không hề mất mát một vật nhỏ nhoi nào. Con chim đen của anh đã vỗ cánh bay đi như những ảo ảnh khác trong đời.

*

Hơn năm sau bệnh tình của David tái phát nên phải nhập viện. Lúc này tóc anh đã rụng nên không còn lọn tóc thường rơi phủ mắt . Tôi linh cảm là anh sẽ không còn sống bao lâu nữa khi những tế bào ung thư theo mạch máu lan đi ,nên mỗi tuần đến thăm anh ít nhất là hai lần. Anh cũng thừa biết thế, nhưng bản năng sinh tồn đã giúp anh chống chỏi với nỗi nguy hiểm cận kề, thế nhưng nỗi đam mê công việc trong anh vẫn không hề giảm sút. Một hôm anh bảo: Mầy biết không, hồi sáng cô ý tá có thoa một loại kem rất mới để cạo râu cho tao, mịn và mùi thơm rất dịu. Tao đang nghĩ là hôm nào sẽ làm một công thức như vậy, chắc lời cao. Tôi yên lặng, không biết nên cười hay nên khóc. Đến nước này anh vẫn còn nghĩ đến chuyện làm ăn và tin rằng tiền bạc sẽ giải quyết được mọi điều .

*

Bẵng có một tuần bận việc không đến thăm mà khi trở lại tôi khựng lại trên ngạch cửa. Tôi ngần ngừ không biết nên vào hay chăng. Lúc đầu tôi cứ tưởng là bệnh viện đã đổi phòng cho David.

Trước mặt tôi hình như không phải là David. Đó là một người đàn ông cao lêu nghêu và gầy kinh khủng. Hai đường rãnh thật sâu kéo dài từ sống mũi đến cằm. Hàm râu lâu ngày không cạo, lởm chởm phun những chấm đen đầy trên khuôn mặt. Anh đang liếm một que kem, xin lỗi người bạn đã một thời gắn bó với tôi, hình ảnh đó giống như con khỉ đói trong sở thú. Tôi bụm mặt bước ra ngoài, chạy dọc theo hành lang và khóc lên nức nở. Chuá ơi! Sao bạn tôi lại đến nông nỗi này !

Tôi quay trở vào sau khi lấy lại bình tĩnh và lau khô nước mắt. Trong David chỉ còn đôi mắt sáng , nhưng tia nhìn hình như mang nặng những lo âu.

Khi thấy tôi David cố gượng cười. Sau vài câu thăm hỏi thường lệ, anh cho biết là ăn không ngon, chỉ có khát, và bảo tôi tẩm khăn ướt đắp lên trán. Lát sau anh nói lâu ngày không vận động nên thấy tù túng quá. Tôi đỡ anh ngồi lên xe lăn, thu xếp các ống nhựa, rồi đẩy anh ra khỏi phòng, đi đến cuối hành lang rồi quay lại. Đến vòng thứ hai anh bảo tôi ngừng và yêu cầu tôi mở cửa. Lúc đó trời đã vào thu và tôi sợ là gió lạnh về chiều sẽ làm anh khó chịu, nhưng giọng nói của anh nghe sao tha thiết quá. Tôi dìu anh đến bên cửa sổ và mở tung cửa kính. Anh gượng đứng lên, mắt đăm đăm nhìn khoảng trời mở rộng. Anh đứng bất động một đỗi rất lâu rồi quay sang tôi : “ Nhìn kia Trung, những đám mây kia đẹp quá. Nhẹ nhàng và mềm mại như bông. Mầy có thấy từ mặt trời đỏ rực những tia nắng nhiều màu xuyên qua mây rồi chiếu xuống theo hình nan quạt kia không? Hoàng hôn ! Một cảnh sắc tuyệt vời. Thú thực đây là lần đầu tiên tao thấy nó. Trong đời tao, chưa bao giờ tao có thì giờ, Tao-chỉ-nhìn-chứ-chưa-bao-giờ-thấy.”

Tôi lặng đi. Có cái gì cay đắng chẹn ngay cổ họng nên không thốt ra lời. Dường như David còn nói gì thêm, mà tai tôi ù đi, mơ hồ, nghe không rõ .

Về sau tôi hay là ngay đêm ấy David đã vĩnh viễn từ giã cõi đời. Năm ấy bạn tôi chỉ vừa bốn mươi lăm tuổi.

 

TR.V.D

&

IMG_1906 IMG00056.BaoCuong,TVDan,VoQue,TuhoaiTan[1]

Trần Hữu Dũng, Bảo Cường, Trương Văn Dân, Võ Quê, Từ Hoài Tấn tại cà phê Dung,

53 Trần Quốc Thảo, SG. 11. 2009.

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.