Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Nhà văn DƯƠNG PHAN CHÂU HÀ

 

 

 Giới thiệu nhà văn Dương Phan Châu Hà, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ.

Họ và tên: DƯƠNG PHAN CHÂU HÀ

Năm sinh: 1967

Quê quán: xã Hậu Bổng - huyện Hạ Hoà - tỉnh Phú Thọ

Trình độ chuyên môn: Cử nhân Báo chí

Nơi công tác : Trường Đại học Hùng Vương - Phú Thọ

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ

LÝ LỊCH SÁNG TÁC

Các tác phẩm đã in:

- Hoa trái mùa - Tập truyện ngắn - NXB Văn hoá Thông tin

- Khoảng sáng tối - Tập truyện ngắn - NXB Thanh niên

- Một mình với biển - Tập truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn

- Tiếng chuông cửa lúc nửa đêm - Tập truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn

- Về phía mặt trời - Tập thơ - NXB Công an Nhân dân

 

- Sắp in:

- ADN - Tập truyện ngắn

 

NẾU TÔI  LÀ MỘT NHÀ THƠ...

 

 

 

Thu dịu dàng

                    Thu quyến rũ

                                       Thu khát khao...

Mùa hạ ồn ã qua đi, thu về nhẹ nhàng như cơn gió thoảng. Nắng thu vàng rời rợi làm nao lòng những kẻ đang yêu. Gió thu nhẹ nhàng tựa một bản tình ca.

Đã bao thi nhân trở thành kẻ tình si trước thu quyến rũ. Với cuộc đời, thu làm say lòng người như vốn dĩ đã thế.

            Và với tôi cũng vậy. Mỗi năm vào độ thu về lòng tôi lại xốn xang. Nỗi buồn vu vơ như cơn gió thu thoảng nhẹ, lẩn trốn trong niềm hạnh phúc vô bờ.

            Đứng trước biển vào mùa thu, khi ông mặt trời còn đang ngái ngủ, tôi thấy mình thật nhỏ bé, thấy mình thật hạnh phúc, thật may mắn.

Đứng lặng ngắm nhìn những sợi thu vàng óng ánh, rát bạc lên mặt nước biển xanh đến vô cùng tôi những muốn trở thành thi sỹ. Trước thu những con chữ cũng muốn trở thành thi nhân. Trước thu, tình yêu bừng nở dưới hanh hao nắng vàng và những cơn gió thoảng nhẹ, mơ hồ nhưng quyến rũ.

            Đáng tiếc tôi không phải là nhà thơ, không có tài bắt các con chữ khoe đẹp, khoe xinh trước nàng thu đẹp dịu dàng, trước tình yêu diệu kỳ.

36 bài thơ (tôi mạo muội gọi như thế) chỉ là 36 tia nắng thu nhỏ xinh trong vô vàn tia nắng ấm áp của mùa thu vàng rực nắng, 36 ngẫu hứng bất chợt trước tình yêu (tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, bè bạn…) mà tôi đã và đang cố gắng cảm nhận.

Hy vọng các bạn độc giả  cùng tôi chia sẻ, cảm nhận: TẬP THƠ “ VỀ PHÍA MẶT TRỜI”        

 

   Mùa thu năm 2009                           

                                   

CUỐI TUẦN

 

                                                                         Truyện ngắn

 

Trời mưa, mưa dầm dề. Rét ngọt. Cái rét thấu da thấu thịt. Dền nằm co trong khách sạn. Anh càng ngẫm càng buồn. Cái rét mùa đông hanh hao, cứa ra cứa thịt. Đã hai chục năm nay Dền mới quay trở lại Việt Nam. Xa quê ngần ấy năm trời, lúc đi tóc vẫn còn xanh nay mái đầu đã điểm những sợi bạc. Ngày xưa Hà Nội không đông đúc như bây giờ. Ba sáu phố phường in hằn trong trí nhớ. Còn bây giờ, đường phố vẫn vậy nhưng cuộc sống đã thay đổi nhiều lắm. Những chung cư cao ngất trời, người xe vội vã trong dòng chảy của thời gian.

Đi giữa dòng người xe tấp nập Dền thấy lòng chợt vui, chợt buồn. Đôi mắt trĩu nặng ưu tư. Giữa đâu đó trong tâm thức, anh thấy mình như còn rất trẻ, một cô bé tóc búi vắt vẻo trên đỉnh đầu, cái trán rô trông bướng bỉnh mà ngồ ngộ. Đây là lần đầu tiên anh trở lại thăm quê hương. Cái xóm vùng chiêm trũng nơi anh ở giờ chả còn ai là người thân. Làng xóm láng giềng thì đều lạ hoắc. Những đứa bạn cùng trang lứa cũng người được người chăng. Anh về quê, trở về Hà Nội, cố gắng tìm lại quá khứ đã mất. Một tình yêu đầu đời, một thuở hàn vi khó khăn nhưng hạnh phúc. Mở ti vi xem hết chương trình nọ đến chương trình kia Dền mặc quần áo chỉnh tề, ta phố. Hà Nội về đêm càng náo động. Những quán ăn đêm đông nghẹt khách. Đi bộ qua phố cổ anh quay ra bờ Hồ, vào nhà hàng Thủy Tạ, gọi một cốc kem ba màu. Kem mùa đông đem lại cho anh những kỷ niệm ngọt ngào. Ngày xưa cũng đã có lần anh và nàng cùng nhau thưởng thức kem mùa đông như thế này. Hôm đó lần đầu tiên anh ăn kem mùa đông và cũng là lần đầu tiên anh thấy trái tim mình xao động đến thế. Hai má nàng ửng hồng, mắt đen láy tinh nghịch nhìn anh. Trời về trưa mà ông mặt trời vẫn trốn chạy đẩu đâu, cũng rét như thế này. Hai đứa lên xe đạp về quê. Nhà cách Hà Nội dễ chừng mấy chục cây số ấy vậy mà Dền chả thấy mỏi chân, chả thấy mỏi mệt. Nàng ngồi sau, ríu rít nói cười. Thi thoảng chiếc xe trượt qua một cái ổ gà nhảy lên xong xóc, nàng đổ xô vào người Dền. Mỗi lần như thế Dền thấy cả thân mình rạo rực. Khuôn ngực của nàng áp sát vào tấm lưng đẫm mồ hôi trong tiết trời gió rét của anh. Anh thấy mình như ở trên chín từng mây. Tiếng nói ríu rít của Xuân làm anh thấy đất trời nghiêng ngả.

Ngày ấy, mặc dù chưa một lần nói lời yêu nhưng cả hai như sinh ra đã là của nhau rồi. Xa nhau chưa được mấy khắc đã thấy nhớ. Nhớ đến không chịu nổi, nhớ đến phát phiền. Chiều chiều hai đứa không hẹn mà gặp nhau ở chiếc giếng làng. Chiếc giếng nông choèn nhưng nước đầy ăm ắp. Mùa mưa lũ nước đục một màu phù sa. Vẫn phải đem về dùng. Đánh ít phèn là trong ngay. Nước để nấu thì đã có bể nước mưa. Chả nói gì, chỉ nhìn nhau một chốc một lát là thấy lòng nhẹ nhõm. Bao giờ Dền cũng để cho Xuân về trước. Ngẩn người ngắm nhìn cái lưng ong của cô anh thấy lòng xốn xang. Chiếc mông tròn căng cứ nây nẩy. Mái tóc dài óng mượt đong đưa theo nhịp bước chân. Dền đứng nhìn Xuân xa hút vào khúc ngoặt cuối làng mới quảy quả gánh nước về nhà. Vào những tối cuối tuần Dền đèo Xuân một vòng quanh con đê quai. Gió từ sông thổi lại mát rượi. Hương thơm từ thân thể người con gái đang tuổi sắc xuân làm thằng người trong anh trỗi dậy. Dựng xe xuống khóm tre cuối làng, anh ghé sát vào khuôn mặt cô đặt lên đó một nụ hôn. Theo phản xạ, đôi môi Xuân mím chặt, sau rồi hé mở đón nhận nụ hôn đầu đời. Trái tim loạn nhịp của hai kẻ đang yêu cứ quấn lấy nhau. Cả đất trời nghiêng ngả. Tấm thân trinh nữ nóng hôi hổi, áp sát vào tấm thân đang thì trai tráng của anh. Trời đất ngả nghiêng, cả hai đứa ngất ngây trong men say hạnh phúc.

Nếu như cuộc đời cứ như một dòng sông mãi chảy về xuôi thì…Cũng chả ai biết trước được số phận, cuộc đời mình sẽ trôi chảy về đâu. Dền trúng tuyển vào đại học. Anh khăn gói lên đường lên Hà Nội. Cô đứng ở đầu làng, hai mắt đỏ hoe. Tấm thân thắt đáy lưng ong cứ rung lên từng đợt. Dền những muốn nhảy xuống xe, lao đến bên nàng. Anh cố tình quay đi giấu vào trong lòng nỗi nhớ, niềm thương của thằng con trai lần đầu biết yêu. Những ngày tháng ở Hà Nội, anh làm thêm đủ thứ việc để thêm tiền ăn học. Nhiều bữa nhịn ăn dành tiền mua tặng nàng một chiếc cặp ba lá màu trắng. Những đợt nghỉ hè anh và nàng cùng nhau chăn trâu, cắt cỏ. Hai đứa đuổi nhau tung tăng khắp bãi đê. Hai gấu quần nàng cỏ may bám đầy, trông ngồ ngộ. Chạy chán nàng ngồi phịch xuống bãi cỏ may, Hai lưng quần xắn cao lộ ra bắp chân trắng ngần. Cái cổ kiêu ba ngấn tôn khuôn mặt trái xoan trắng hồng. Đôi môi nàng mọng căng, đỏ như môi lườm lưỡm. Dền thấy lòng mình rạo rực, cái thằng đàn ông trong anh những muốn nổi loạn. Anh và Xuân và những bông cỏ may bên nhau, thầm ước một ngày mai hạnh phút.

Rồi nàng lấy chồng. Nàng không chờ được anh, tình yêu đầu đời. Cả một thời gian dài bên nhau anh chỉ duy nhất một lần hôn lên đôi môi nồng nàn của nàng. Một lần duy nhất nhưng theo anh suốt cả cuộc đời. Hương vị ngọt ngào của nàng cứ lẩn quất bên anh, ám ảnh anh suốt cả quãng thời gian còn lại của cuộc đời. Về quê anh chỉ quanh quẩn quanh nhà, mấy đứa bạn thì đứa đi bộ đội, đứa đi học, đứa đi làm ăn xa. Xuân thì dạy học và lấy chồng tận bên kia sông. Anh chả gặp lại dù trong lòng muốn lắm. Giờ cô đã lấy chồng, anh ấy lại là bộ đội, Dền chả có lí gì làm ảnh hưởng đến cuộc sống đang yên lành của cô.

Anh lao vào học, nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp anh vào làm ở một viện nghiên cứu ở Hà Nội. Anh lấy vợ, một cô gái gốc Hà Nội xinh xắn và giỏi giang. Cha mẹ già yếu và đi xa, anh em mỗi người mỗi nơi, chả còn ai ở quê, vì thế anh chả còn mấy khi có dịp trở lại thăm quê. Rồi đất nước hòa bình, toàn đất nước đổi mới. Vợ anh thi đậu nghiên cứu sinh và ở lại Mỹ. Hai đứa con một trai một gái cũng theo mẹ. Còn lại một mình anh mải mê nghiên cứu, học tập. Cả gia đình đoàn tụ là điều mà gia đình anh mong mỏi. Anh sang Mỹ làm việc, những kỷ niệm ngọt ngào về quê hương, về mối tình đầu chỉ còn là dĩ vãng.

* * *

            Hôm nay cả đoàn lên đường về Phú Thọ viếng thăm và thắp hương đất Tổ Vua Hùng. Tiếng là người Việt Nam nhưng chả mấy khi anh lên Phú Thọ. Nay trở lại anh ngỡ ngàng trước sự thay đổi của quê hương. Được đầu tư, xây dựng, nâng cấp Đền Hùng khang trang, linh thiêng trong bối cảnh toàn đất nước bước vào hội nhập. Không khí tĩnh lặng, trang nghiêm khiến ai ai cũng thấy lòng mình an bình trong lòng tổ tiên. Những bậc đá dẫn lên Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, mộ Tổ các Vua Hùng và theo những bậc thang đá dẫn xuống Đền Giếng, nơi thờ tự của hai Ngọc Hoa công chúa. Du khách, đặc biệt là những nam thanh nữ tú cúi đầu cầu khấn và thả tiền xuống giếng linh thiêng cầu hạnh phúc. Thắp hương một vòng cả đoàn trở ra lên xe về khu du lịch nước khoáng Thanh Thủy. Là một địa danh du lịch còn sơ khai nhưng nước khoáng La Phù –Thanh Thủy đã thu hút được không ít du khách. Nguồn nước khoáng thiên nhiên của La Phù được đánh giá là một trong những nguồn nước khoáng có chất lượng chữa bệnh cao.

            Dòng sông Đà Giang đang là mùa cạn, hai bên bờ sông xa thăm thẳm. Tắm xong cả đoàn đặt ăn ở quán Hải Xồm. Quán ăn được thiết kế toàn bằng đồ gỗ, ngồi ở tầng hai ngôi nhà sàn quay xuống mặt sông, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Bóng một cô thôn nữ quẩy đôi thùng gánh nước tưới rau bên sông, trông như một bức họa đồng quê. Dền chợt nhớ đến Xuân. Không biết giờ này cô đang ở đâu? Cuộc sống ra sao? Giờ cả anh và cô đầu đều đã hai thứ tóc, tất cả những kỷ niệm xưa chỉ còn là dĩ vãng. Cuộc sống ở hải ngoại đầy đủ vật chất nhưng tình cảm chơi vơi. Thời gian sau khi Dền sang đó ít lâu cả hai chia tay. Vợ Dền chủ động làm đơn li dị. Cô cũng chả có lí do gì ngoài việc: không hợp. Không hợp mà cả hai đã có hai mặt con. Hai mặt con và những tháng ngày hạnh phúc. Vợ anh ảnh hưởng tây hóa, xem chuyện chia tay như chuyện đi chợ, nấu ăn hàng ngày. Dền buồn không biết đến bao nhiêu ngày. Với anh gia đình là trên hết. Tiền nong có quan trọng nhưng cũng chả quan trọng bằng hạnh phúc gia đình. Vợ anh đã quyết, anh cũng chả thể cản được. Cô ấy theo một người Mỹ chính hiệu chứ không phải nửa tây nửa ta như anh. Là bác sĩ, bác sĩ ở Mỹ thì kiếm được ối tiền chứ chả như anh. Từ ngày sang đây anh chuyển nghề sang làm ở một ngân hàng của Mỹ. Là nhà khoa học nay chuyển sang tin học cũng chả bất cập quá. Thế là may rồi. Đâu phải ai sang đây cũng kiếm được công việc nhàn nhã mà thu nhập cũng tạm ổn như thế chứ… Mải nghĩ quay qua đã chả thấy cô gái đâu. Mái tóc dài tha thướt chỉ còn vẳng lại trong tâm tưởng. Dền nghĩ đến Xuân, nhức nhối những kỷ niệm của một thuở con trẻ.

            Về lại thành phố, anh thong dong đi dạo một mình. Hôm nay là cuối tuần, bờ hồ đông nghẹt khách. Khách uống café và trò truyện. Anh chọn một góc khuất, gọi một li kem mùa đông ba màu. Phần kem màu tím chìm khuất, phần kem màu hồng thi thoảng lại ló lên, còn phần kem màu trắng cứ lấp lóa. Anh ăn kem trong vô thức. Thỉnh thoảng hình ảnh của Xuân cứ chợt ẩn chợt hiện. Ngày xưa, vào một ngày cuối tuần anh và cô đèo nhau vắt vẻo bằng xe đạp, bờ hồ chưa được xây dựng như bây giờ, kem cũng chỉ là kem que thôi. Hai đứa dành tiền mua mỗi đứa một que kem sữa. Nhìn Xuân ăn ngon lành Dền thấy lòng mình ấm lại, thấy trời đất như chỉ có nụ cười bẽn lẽn của nàng. Còn bây giờ, vợ anh đang hạnh phúc bên một ông tây, còn Xuân cũng đang hạnh phúc ở tận đâu đó, bên gia đình. Còn anh, chỉ trơ chọi có một mình ở đất khách quê người và giờ khuya này vẫn còn ngồi ăn kem mùa đông một mình. Kem mùa đông, có ai ăn kem mùa đông như anh không nhỉ? Anh lãng đãng nhìn ra mặt hồ, mặt hồ bình yên. Anh soi mình trong mặt nước lung linh huyền ảo, chợt nhận ra khuôn mặt của chính mình anh giật mình thảng thốt. Gã đó chính là anh đó ư? Một khuôn mặt vuông, vầng trán cũng vuông, nước da hồng hào của một kẻ đang xuân nhưng đôi mắt thì u sầu? Trông anh có gì đó không ổn? Một gã đàn ông vừa hiển hiện vẻ  thành đạt vừa ẩn khuất nét u uất.

            Về lại khách sạn anh mở nước thật nóng và tắm. Luồng hơi nước giúp Dền tỉnh táo trở lại. Anh thấy mình lại là chính mình, nhưng vẫn khắc khoải không yên với một hình bóng phụ nữ lẩn quất. Không mặc quần áo, quấn quanh mình một tấm khăn bông to tướng, anh nằm lên đi văng bật tivi. Hết chương trình này đến chương trình kia anh vẫn thấy lòng mình trống vắng. Cứ thế, không mặc quần áo anh vùi đầu trong chăn ấm. Anh thấy mình lạc vào trong một khoảng không gian trong tưởng tượng. Giấc ngủ đến với anh chập chờn, ảo huyền, lung linh. Anh và Xuân tay trong tay, đôi môi của cô nồng nàn, mang theo hương lúa mùa xuân. Ngọt ngào, tấm thân của cô rừng rực đốt cháy anh trong tình yêu nồng cháy. Anh cứ thế hôn như điên lên tấm thân thanh nữ của cô. Đôi môi anh chạm hờ lên hai núm vú căng tròn sắc xuân. Anh thấy mình rạo rực, tấm thân nam nhi đang tuổi trung niên cứ trỗi dậy hừng hực. Anh ghì cả thân hình nàng vào tấm thân anh đang trỗi dậy. Anh…Những tiếng thở phì phò, hưng hức làm anh choàng tỉnh. Căn phòng khách sạn sạch sẽ và trống trơn, chỉ có mình anh giữa chiếc giường trống. Chiếc chăn màu tím sẫm rớt xuống nên nhà, cả thân hình anh trơn nhẫy mồ hôi. Cả thân hình anh rừng rực, đổ ập xuống giường. Hóa ra chỉ là một giấc mơ. Anh và nàng và cô ấy? Ai đang hạnh phúc, ai không? Có ai nhớ đến ai không hay tất cả quay cuồng trong vòng quay kiếm tìm tiền tài và danh vọng?

            Anh vào phòng tắm, xả nước thật lạnh. Nước lạnh làm anh tỉnh ngủ. Anh xoay xỏa với nỗi nhớ trào dâng trong lòng. Ngồi trước màn hành vi tính, những câu chữ từ tâm trí anh nhảy nhót trên màn hình:

Bờ Hồ - đầu đông

gió lạnh quàng khăn voan trắng

kem Thuỷ Tạ trong gió bấc mùa đông ngon lạ.

Anh nhìn tôi

ánh mắt tinh nghịch.

Xe đạp lăn bánh

tôi ngó anh

từ đàng sau.

Ánh mắt anh

xa vời tận đâu đó.

Hà Nội vào đông

hằn trong nỗi nhớ…

            Những câu chữ trong đầu anh tự động sắp hàng trên trang viết. Cũng chả biết có phải là những câu thơ không nữa, trong tiềm thức của anh chỉ còn duy nhất nụ cười bẽn lẽn của Xuân và hơi thở của nàng nóng hổi phả từ sau lưng. Anh thích thú đọc lại. Một lần. Hai lần. Ba lần…Anh lẩm nhẩm như một thằng điên. Bất chợt một người phụ nữ bước ra từ màn hình máy tính. Khuôn ngực tròn trịa nhô cao, phập phồng theo hơi thở gấp gáp. Đôi môi nàng mọng căng như quả sim chín. Anh ngồi chết trân ra đó, không lẽ…

            Anh trở lại giường và cố tìm lại giấc ngủ nhưng giấc mơ cứ trở đi trở lại. Mỗi lần gặp nhau trong mơ anh lại được tận hưởng những giây phút ngọt ngào bên người yêu dấu và cả hai đứa bàn tính chuyện giúp đỡ trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật của thành phố. Những đứa trẻ khuyết tật được xã hội quan tâm, giúp đỡ, nhà nước, cộng đồng nuôi dưỡng, khát khao sống và hồi sinh.

            Sáng hôm sau chưa bảnh mắt anh đã ngồi trước máy tính và bắt đầu soạn thảo”Kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất  Trung tâm khuyết tật tỉnh…”.

Lâm Thao, 26/1/2010

 

BỮA TRƯA

 

                                                                       

                                                                         Truyện ngắn

 

            Cuối đông, ai ai cũng bận bịu. Năm cũ chưa qua, năm mới đã lại tới. Nào kế hoạch của năm mới, nào công tác tổ chức…Cứ là rối cả lên. Năm nay công ty mình cổ phần hóa. Một nhà máy có bề dày kinh nghiệm đã mấy chục năm nay cổ phần hóa mọi cái cứ gọi là tít mù nó lại vòng quanh. Nào sắp xếp lại tổ chức, nào ra qui chế mới. Úi giời, lãnh đạo cứ gọi là mệt bở hơi tai. Trước đây chỉ có ông giám đốc là to nhất, nay mọc ra cái chân Chủ tịch hội đồng quản trị. Mà ông ta ở tận tận đâu, động cái là điều hành, là chỉ đạo. Trước nay làm việc bao cấp mãi nó quen đi rồi. Công ty có mấy công nhân đâu mà nguyên dân phòng ban đã chiếm đứt mất mấy phần. Hội nhập được ắt phải đổi mới. Mà đổi mới ở đây là đổi mới thực sự chứ đâu chỉ là lý thuyết suông. Mấy ông trưởng phó phòng cứ gọi là ối cả lên. Sợ đến nỗi tè cả ra quần ấy chứ. Ông nào cũng lo lót để giữ ghế. Ôi thôi, ông giám đốc điều hành mới lên lúc nào cũng mỉm cười, thân mật, ngọt ngào hết cỡ nhưng nhất quyết không chịu lấy quà của ai cả. Lần một, lần hai, lần ba…lúc bấy giờ người ta mới ngã ngửa ra là công ty đang đổi mới thực sự. Lúc đầu mấy ông trưởng phó phòng cứ lắc đầu quầy quậy:

-Chúng em biết giảm ai bây giờ chứ? “Rút dây động rừng” lắm xếp ơi…

Đùng một cái hội đồng quản trị họp và ban hành qui chế nội bộ khoán quĩ lương về phòng. Thế là tất cả nhảy nhỡn cả lên. Thế thì đành phải giảm, nếu không lấy đâu tiền mà nuôi nhau. Thế là răm rắp thực thi quyết định giảm biên chế.

Bỗng nhiên mình nảy ra cái định chuyển công tác. Cũng chả biết nữa, đang ổn định công việc vậy mà bỗng chốc nảy nòi ra cái ý định dở người  không đâu. Cũng có thể do số phận mình đến lúc bắt buộc phải rẽ ngang, rẽ dọc.

   Mình làm đơn chuyển công tác. Anh chánh văn phòng chả suy suyển nét mặt.

- Anh sẽ hết sức tạo điều kiện nhưng việc này thực sự là  anh không quyết định được. Em là người có năng lực, việc này phải trình xin ý kiến chỉ đạo của chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc điều hành.

Hóa ra xin chuyển cũng không phải dễ. Cổ phần là giảm biên chế, nhưng lại rất cần những người có năng lực. Mình cũng thấy được động viên đôi chút. Dù sao thì như  thế cũng là khẳng định mình là người được việc. Trong bối cảnh giảm biên chế mà lãnh đạo cơ quan muốn giữ lại là điều may mắn không phải ai cũng có được. Cho dù nó chả đem lại cơm áo gạo tiền nhưng cũng là thêm vào cái phần sĩ diện, cái tôi cá nhân trong mỗi con người.

Thế là chuyển công tác. Mình chuyển về làm ở một cơ quan hành chính sự nghiệp. Mình vốn sinh ra ở công nghiệp, con người ta được đào tạo, rèn luyện nên tác phong công nghiệp nó ngấm vào máu thịt, làm việc gì ra việc nấy. Ngày đầu tiên đi làm, chào hỏi, ra mắt xong được phân công làm tổng hợp, dưới sự  dìu dắt,  trực tiếp chỉ  đạo của chị phó trưởng phòng phụ trách. Phòng chỉ có hai chị em. Chị phó trưởng phòng phụ trách là một người tốt bụng và sởi lởi. Chị coi mình như em út, lo cho từng li từng tí. Thấy cuộc sống tràn ngập màu hồng.

Những ngày đầu tiên của tuần làm việc mới trôi qua không quá nhanh so với tưởng tượng lúc đầu. Công việc nhàn nhã hóa ra lại tẻ nhạt. Thời gian trôi đi từng khắc, chậm chạp, nhích từng chút, từng chút làm mình thấy như muốn phát phiền. Quen với cuộc sống công nghiệp, mình chả để ý gì đến những chuyện vặt vãnh xung quanh. Ấy thế nên người ta bắt đầu ì sèo. Mình cũng chả có gì để người ta phê phán. Nhưng “nhàn cư vi bất thiện”, mấy bà mấy cô trong cơ quan bắt đầu sỉa sói:

- Nó ăn mặc chả giống ai cả. Ai đời mặc váy trắng bóc, áo lại đen nữa chứ?

-Trông cái tướng nó tiểu thư, con nhà giàu thế thì có mà chả chơi được đâu. Cái bọn con nhà giàu nó ẽo ợt lắm.

Mình hơi buồn. Ăn mặc lịch sự cũng là điều để người ta chê trách ư? Tư duy hành chính chả giống với doanh nghiệp tý nào. Buồn. Mình chả để ý đến những chuyện bao đồng. Kệ. Những lời ì sèo vẫn đuổi theo sau lưng. Ngày một, ngày hai…mình vẫn cố nín nhịn. Ấy vậy mà họ vẫn chả buông tha. Họ thêu dệt đủ thứ chuyện. Những chuyện trên trời, dưới đất mà chỉ có ma tây mới nghĩ ra. Cuộc họp phòng lần nào bà phó phòng cũng nhai đi nhai lại đúng một câu:

            - Đồng chí Thảo làm việc rất tốt, tinh thần trách nhiệm cao…duy chỉ có một điều không gần gũi với chị em.

Mình chả nói gì, chỉ im lặng. Những cuộc họp rồi cũng qua, những lời ì sèo rồi cũng hết. Một ngày, hai ngày…cả  đám đàn bà con gái trong cơ quan bỗng chốc ăn mặc đúng một mốt: quần trắng bốp, áo đen cả loạt. Mình nhìn mà kinh hãi. Cả cơ quan cứ gọi là trắng toát, đen kịt như nhà có đám. Thế mới biết cái gì thái quá cũng trở nên lố bịch.

Ông giám đốc có quyết định chuyển cơ quan, cả đơn vị nháo nhào. Người ta thi nhau bổ ngửa đi nịnh đầm bà vợ ông phó giám đốc là người sẽ được bổ nhiệm làm giám đốc trong nay mai. Người ta làm gì thì làm nhưng trước khi thuyên chuyển ông giám đốc cũng cố gắng làm các thủ tục để bổ nhiệm một số vị trí cán bộ chủ chốt. Thế là bỏ phiếu tín nhiệm. Phòng mình cũng nằm trong số đó. Trong suy nghĩ của mình, chả chị phó phòng phụ trách lên trưởng thì còn ai nữa? Vậy mà mấy bà mấy cô trong phòng cũng thì thào, bàn tán ra trò quan trọng quá. Mình nhìn mà thấy buồn cho cuộc đời. tại sao lại cứ nhất nhất phải náo loạn, vắt chân lên cổ vì một chiếc ghế trưởng phòng còm chứ? Bà phó phòng thì cứ gọi là chạy tớn cả lên. Lúc nào bà ta cũng ra cái vẻ quan trọng. Vẻ mặt sống trông càng lúc càng gồ lên trông phát ớn. Chị phó phòng phụ trách thì cứ nhẩn nha, ung dung như không có chuyện gì. Mặc dù phòng chỉ có hai chị em nhưng chưa một lần chị làm động thái ‘mua phòng tổ chức cán bộ chủ trì cuộc họp phòng và tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm cái chân trưởng phòng. Chị phó phòng phụ trách tất nhiên không được có mặt, vì lần này bỏ phiếu tín nhiệm có một nhân sự là chị. Cả phòng có mặt đông đủ tại phòng họp. Trông nét mặt ai cũng bình thản chỉ trừ có bà phó phòng là cứ đăm đăm. Điện thoại trong túi mình rung lên. Lại là tin nhắn của bà phó phòng. “Em ra hành lang chị nhờ chút việc.”. Sau khi liếc mắt nhìn ý nhị mình nhắn tin trả lời “Sau khi họp phòng xong chị nha”. Chiếc điện thoại trong túi mình lại rung lên bần bật “Không. Việc quan trọng, chị đợi nhé”.

Chị ta đứng phắt lên bước những sải rõ dài ra hành lang. Mình đành miễn cưỡng đi theo sau. Cái đầu mình chưa ló ra khỏi cửa phòng họp đã bị chị ta túm lấy, ấn vào góc tường dưới gầm cầu thang:

            - Tý nữa em phải gạch tên nó đi nhé. Dứt khoát đấy.

Mình ớ ra.

- Là bỏ phiếu kín mà chị.

- Thì là bỏ phiếu kín chứ sao? Nhưng cũng phải để cho nó biết nó là ai.

Chị ta còn nói những gỉ những gì nữa, mình chả nghe hết. Những câu nói đầy ẩn ý, cứ rin rít qua lỗ tai làm mình nổi da gà. Đoàn cán bộ phòng tổ chức đi vào. May quá. Mình thở phào nhẹ nhõm, dứt ra khỏi chị ta lao như chạy trốn vào phòng họp.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ như bao cuộc bỏ phiếu kín cấp nhỏ khác. Kết quả thì chắc ai cũng đoán được nhưng nét mặt chị phó phòng thì vẫn ra chiều quan trọng lắm.

Ít ngày sau, một loạt quyết định bổ nhiệm được công bố. Người thì khen kẻ thì dửng dưng, người thì dè bỉu. Thì cuộc đời là vậy. Chị phòng phó phụ trách mời bữa cơm mừng chức mới. Trước bữa ăn bà phó phòng cứ là nhảy loạn cả lên. Cái mặt sống trâu cứ là gồ lên như chuột phải khói. Bà ta ghé vào tai mình mà rít qua kẽ răng:

- Tại em đấy. Tại sao chị đã bảo như vậy mà em vãn bỏ phiếu cho nó?

- Là bỏ phiếu kín, tại sao chị lại biết em bỏ cho ai

- Thì phòng có 10 người, có một phiếu không bỏ cho nó thì mày chả bỏ cho nó còn gì. Phiếu gạch nó là của tao rồi còn gì?

      Trời đất. Tai mình ù đi. Nhắm mắt lại vẫn tưởng tượng ra cái khuôn mặt sống trâu gồ ghề, đen tái và giọng nói rin rít của bà phó phòng. Từ ngày đó bà ta trầm hẳn nhưng cứ cuộc họp là bà ta ỉ ôi, bóng gió về “cái bộ phận tổng hợp”. Chả có gì để chọc ngoáy, bà ta chỉ trích đủ thứ: nào là nhàn rỗi quá. Nào là tại sao không hỗ trợ mấy bà mấy chị quét rác…Trời đất, lại còn thế nữa. Mình nghe mà phát chán. Ai đời chuyên viên, trưởng phòng tổng hợp lại đi hỗ trợ làm vệ sinh. Chả biết bà ta đã học qua lớp quản lý chưa mà ăn nói hồ đồ như vậy. Mỗi lần như vậy cả phòng ai cũng tủm tỉm cười. Duy chỉ có bà ta là cứ rúm ró, rụm rọ đay đi đay lại mấy cái câu bóng gió như của mấy bà bán hàng tôm hàng tép.    

* * *

Cuộc sống cứ thế trôi đi trong tẻ nhạt. Mình cũng dần quen với những gì nhàn nhạt ở cơ quan mới. Có lẽ lâu dần mình cũng thành họ cũng nên. Cũng chả biết nữa. Thì người ta vẫn bảo “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là gì.

Trưa nay cô bạn vẫn thường ăn trưa cùng nghỉ ốm. Một mình ra quán gội đầu. Cô bé ở nhà hàng chỉ bằng tuổi con mình nhưng đã phải lăn lộn để kiếm sống. Có lẽ mình lạc hậu quá chăng? Ra quán gội đầu vài ba lần nhưng đây là lần đầu tiên  mình thử nghiệm matxa mặt. Lạc hậu quá chăng? Mình rất sợ để người khác vày vò cái mặt của bản thân, trừ phi...

Cô bé làm rất thành thạo, mình bỗng chốc buồn ngủ. Giá giờ có được một giấc ngủ trưa theo đúng nghĩa? Các công đoạn của cái công việc gọi là gội đầu rồi cũng kết thúc.Đưa cô bé chủ quán 20.000,0 đồng, cô bé trả lại 5.000, 0 đồng. Ngạc nhiên, hóa ra gội đầu không thôi 15.000,0 đồng, cộng thêm cả công đoạn matxa mặt cũng chỉ có từng ấy? Ra khỏi quán mình vừa đi vừa ngẫm 'Hóa ra mình thật lạc hậu. Cả ngày ở công sở, cuối tuần lu bù với chuyện nhà, chuyện gia đình, chả biết xã hội méo tròn thế nào nữa...

Cái đầu mới gội, khuôn mặt ram ráp vì mới bị vặn ngược vặn xuôi, mình chợt nghĩ đến "cái sân kho hợp tác". Quyết định tạt vào quán ăn nhanh bên đường. Quán ăn này đã mở hàng được mấy tháng nay rồi đấy, nhưng đây là lần đầu tiên mình "bạo gan" thế này. Lần đầu tiên vào mua đồ ăn một mình.

Ăn nhanh là một khái niệm khá mơ hồ vời dân quê vùng này. Mặc dù mở hàng ngay ở cổng một trường đại học nhưng chủ quán cũng phải là người mạnh dạn lắm mới dám đột phá thế. Cửa hàng tuy nhỏ nhưng cũng sạch sẽ. Trong mấy chiếc tủ kính nhỏ có bày bán đủ loại bánh mỳ. Bất chợt nhìn thấy mấy chiếc bánh hămbơgơ  mình đề nghị mua một chiếc.

Cô bé chủ quán mới chỉ hơn chục tuổi đầu, mặc dù không xấu cũng chả xinh nhưng cứ quàu quạu làm sao vậy, trả lời nhát gừng:

- Quán chỉ có mỗi loại hămmbơgơ nhân thịt thôi cô ạ.

Mình gật đầu và trả tiền. Đưa tờ 100.000,0 đồng. Cô bé bảo:

- Cô có tiền lẻ không?

Hóa ra giá tiền chỉ có 10.000,0 đồng/chiếc.

Trời mưa, vừa tung tẩy xách chiếc bánh mình vừa mường tượng vào giờ này cách nửa vòng trái đất người ta cũng đang nhâm nhi một chiếc bánh hămbơgơ và...Mình chả dám nghĩ tiếp. Ăn trưa xong uống chút nước chè pha lại, điện thoại cho người ta. Chả thể nào liên lạc được. Lục trong trí nhớ, chả biết đã bao lâu rồi nhỉ, chưa trả lời Email của người ta? Có lẽ cũng khá lâu rồi. Cuộc sống ở môi trường mới tẻ nhạt khiến cho mình cũng bỗng dưng trở nên nhàn nhạt, chả ra làm sao. Đến chuyện tình cảm cũng vậy, cũng cứ nửa nạc nửa mỡ. Thế mới biết môi trường sống đối với mỗi người quan trọng đến thế nào. Mà cũng chả biết mình giận người ta từ bao giờ? Nói giận thì cũng không phải. Có cãi vã nhau đâu mà nói là giận. Với lại mình và người ta cũng chỉ là trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với nhau những lúc vui, những khi buồn. Mà như thế thì đâu gọi là yêu chứ? Mới chỉ là những mối quan hệ trên mức thân mật một chút, mới chỉ là…Cũng không biết nữa, từ ngày về cơ quan mới mình càng ngày càng trở nên tồi tệ. Vô cảm, lạnh lùng, nhìn đàn ông cứ như là lũ nửa người nửa ngợm vậy. Buồn vậy. Họ cứ như một lũ người dị dạng, đàn ông chả ra đàn ông, đàn bà chả ra đàn bà, phát chán.

Lại sắp đến ngày mùng 8 tháng 3. Ngày trước ở cơ quan cũ những ngày này bọn con gái chúng mình lên ngôi, suốt cả tuần mặt đứa nào đứa nấy cứ như hoa nở, tươi hơn hớn. Các đấng nam nhi được cơ hội thể hiện mình hết cỡ. Những bông hoa, những món quà nho nhỏ, những lời chúc mừng có cánh. Ôi trời, bọn mình đứa nào đứa nấy thấy cuộc đời mới đẹp làm sao. Từ ngày lên cơ quan mới mình cứ ngớ ra, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đàn ông ở đây như lũ mặc quần phíp. Cả năm cả đời có mỗi một ngày 8/3 vậy mà họ như lũ chuột hun khói. Cứ lấm lét chỉ sợ phải chúc tụng, chỉ sợ phải tặng quà. Trời đất, cuộc sống như vậy có còn gọi là cuộc sống nữa hay không? Buồn. Thất vọng. Không nhẽ khăn gói trở về cơ quan cũ. Ở đó còn có những ngày sống cho ra sống, chứ đằng này…

Hôm nay là mùng 7 tháng 3, cơ quan chi cho mỗi chị em 100.000,0 đồng, tiền liên hoan không có, hoa tặng cũng không. Như thế là tốt lắm rồi, mọi năm còn chỉ có 20.000,0 đồng là cùng thôi. Ai cũng tươi hơn hớn, mừng rỡ ra mặt. Mình nhìn mọi người và thấy buồn. Giá trị của một người phụ nữ, của một nửa thế giới chỉ có từng ấy thôi sao? Dân phòng ban hò nhau quên góp để mời chị em ăn mừng ngày Quốc tế phụ nữ. Cả khối hành chính cũng chỉ có đến chục phụ nữ, ấy vậy mà cuộc vận động cứ là náo nhiệt cả lên. Bọn đàn ông người đóng người không. Thế là phải huy động đến cả hội phụ nữ. Là ngày của mình lại tự đóng tiền để liên hoan cho mình? Buồn tình. Mình quyết định đóng tiền nhưng chí định là sẽ không ăn. Nghe nó mới chua chát làm sao. Có 50.000,0 đồng nhưng không phải ai cũng có điều kiện để đóng. Cũng có người không thiếu tiền nhưng lại tiếc, lại cân nhắc được gì, mất gì…thế nên cuộc vận động cũng chả được mấy ai hưởng ứng.

Chiều 7/3, lãnh đạo gặp mặt nữ công nhân viên chức ở hội trường. Bài chúc thì có sẵn, cứ thế là đọc. Những lời chúc sáo mòn cùng năm tháng nghe cứ chờn chợn thế nào, cứ như phải ăn món sắn khô thời bao cấp. Sáng ngày 8/3, chị em phụ nữ ăn mặc chải truốt hơn thường ngày. Mấy đấng nam nhi thì cứ tỉnh khô, chả một lời chúc tụng. Trưa cả bọn hò hét nhau ra nhà ăn tập thể để chúc mừng. Mình cùng cô bạn rủ nhau ra quán cơm bụi thường ngày vẫn ăn. Chị chủ quán tươi cười mua lòng khách như mọi ngày. Anh chủ quán trịnh trọng đặt trước mặt hai đứa một bát loa cơm cháy. Anh đi mấy bước rồi quay quả trở lại nói bằng cái giọng ngài ngại:

 - Chúc hai cô ngon miệng. Hôm nay là mùng 8/3 mà, nhà hàng chả có hoa, chỉ có lời chúc.

Anh ta gãi đầu gãi tai, lủi vội ra sau hè.

Mình và cô bạn cảm ơn. Câu nói cảm ơn lạc lõng giữa không gian ầm ào của một quán cơm bụi. Mấy người khách vốn là lái xe ôm nhìn anh chủ quán bằng những đôi mắt tròn xoe. Mình thấy lòng ấm lại. Hóa ra cuộc đời vẫn còn những điều tốt đẹp. Hóa ra tình người vẫn còn nồng đượm lắm. Đang ăn điện thoại trong túi của mình rung lên. Hóa ra chị bạn làm cùng phòng.

- A lô. Em đang ở đâu vậy? Bận à. Chị đòi lại tiền ăn của em mà không được. Mấy đứa chúng nó bảo “Đóng rồi không được rút ra. Chị đòi phần hoa của em cũng không được. Hoa của em chúng nó cũng không trả. Tức thế chứ…”.

Miếng ăn nghèn nghẹn ngang cổ. Mất hứng, mình chả ăn được nữa. Cô bạn cười ha ha:

- Chị mà còn vậy không sống nổi ở cơ quan này đâu. Phải biết làm ngơ, họ vốn dĩ đã như vậy rồi. Tại sao chị lại còn nộp tiền chứ? 50.000,0 đồng không to nhưng với chúng nó thì phải thế.

Mình chả còn nghe thấy cô bạn nói gì. Sau bữa trưa hai đứa cùng nhau ngồi trong một quán sinh tố. Cô bạn uống café nâu, mình thì sinh tố chanh leo. Hai đứa ngồi im lặng, mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ. Mình cũng chẳng biết đang vui hay buồn nữa. Mọi cái cứ nhàn nhạt trôi đi. Điện thoại của mình rung lên liên tục. Mấy anh ở cơ quan cũ nhắn tin, điện thoại chúc mừng loạn cả lên. Mọi người vẫn chu đáo và tình cảm như vậy. Một số điện thoại lạ hoắc, toàn số 2. Hóa ra là người ta. Người ta điện thoại chúc mừng. Anh vẫn chu đáo như những ngày chúng mình ở bên nhau. Giọng anh ấm áp, chan chứa tình cảm làm mình thấy buồn hơn. Anh và mình cũng chỉ là những người bạn, không hơn không kém nhưng ở bên anh mình thấy ấm lòng. Thế rồi một ngày kia anh xuất ngoại. Anh ở cách mình những nửa vòng trái đất. Những niềm vui, nỗi buồn của mình chẳng còn biết chia sẻ cùng ai. Cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi đi, như dòng sông không ngừng chảy trôi và mình ngày một già thêm. Những lúc vui hay buồn mình vẫn Mail cho anh. Những dòng tâm sự ngày một dài thêm, nếu gom lại có thể thành một cuốn tiểu thuyết nữa không chừng. Cuộc điện thoại rồi cũng kết thúc, mình liên hồi chào tạm biệt anh. Mình lo anh vì mình mà tốn tiền. Vậy mà khi điện thoại chỉ còn tiếng tút tút mình vẫn thấy hụt hẫng. Mình cũng chả biết mình muốn gì, cần gì nữa. Hết giờ trưa, hai đứa rủ nhau về cơ quan. Một buổi chiều ngột ngạt, ai cũng cố làm ra vẻ ta đây, ai cũng làm ra vẻ ga lăng bằng những câu nói xã giao nhàn nhạt, những nụ cười nhàn nhạt.

            Chiều về nình cố tình bỏ lại bó hoa nhỏ mà mấy anh em trong phòng tặng lúc sáng, lên xe ô tô của một nhóm bạn dự tiệc mừng 8/3 ở cơ quan cũ. Như thế cũng là không phải nhưng không biết phải giải thích thế nào với bạn bè, người thân ở cơ quan cũ khi đem theo một bó hoa bé xíu trong ngày mùng 8/3. Xe chuyển bánh mình chợt nhớ đến người ta. Giờ này bên đó anh đang ngon giấc ngủ, có mơ thấy mình không? Hay là đang mơ tặng hoa cho ai đó trong ngày 8/3…

 Lâm Thao, 25/1/2010

 

NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI

 

 

                                                                         Truyện ngắn

 

            Năm nay cô con gái ông Tưởng đi xem bói, ông thấy  phán: Năm nay phải đổi mộ cho ông cụ. Thì ông cụ mất cũng được hơn bốn năm rồi còn gì. Thường chỉ sau ba năm người ta đã đổi mộ. Ấy vậy nhưng gia đình ông cụ Tưởng thì hơi đặc biệt. Thường thường người ta cãi nhau, từ nhau vì cuộc sống nghèo khó quá, đằng này…Con cái nhà cụ Tưởng từ mặt nhau chỉ vì tiền phúng viếng trong đám ma của bố. Đúng là hết chuyện. Cha ông ta tổng kết cấm có sai bao giờ, đúng là " Nước mắt chảy xuôi".

            Ông cụ Tưởng có năm người con, người con trai cả là liệt sỹ, người con dâu ở vậy nuôi con. Cuộc sống khốn khó nên chị ta đưa các con về quê ngoại tận trên Lào Cai làm ăn. Còn lại hai trai hai gái thì nửa ở ngoài Bắc nửa vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Anh con trai thứ hai làm trong một doanh nghiệp, cuộc sống cũng chẳng khấm khá gì nhưng được cái ổn định. Chị con gái thứ ba theo chồng vào tận Quảng Nam. Người con trai út vào tận Sài Gòn, nhưng lại sa cơ lỡ bước nên đùng một cái từ một thầy giáo trở thành vô gia cư, vô nghề nghiệp. Còn có người con gái thứ tư là kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp đại học loại giỏi hẳn hoi nhưng lại "theo chồng bỏ cuộc chơi". Bao năm ăn học vậy mà chồng làm ăn khấm khá một chút nói bỏ là bỏ. Anh chồng trúng một cái chân quan chức nên thừa tiền nuôi vợ nuôi con.

            Còn lại hai ông bà già ở quê, cuộc sống cũng đủ đầy, sung túc. Vườn rộng cả quả đồi, ông Tưởng là người đàn ông chịu thương chịu khó và có đầu óc nên cuộc sống của ông bà được xếp vào loại phong lưu so với trong làng, ngoài xã. Đấy là chưa kể thỉnh thoảng con cháu gửi về thêm thắt đồng quà tấm bánh.

            Nhưng không ai tránh được tuổi già. Nhìn người ta con cháu đề huề mà ông bà Tưởng buồn hiu hắt. Người già như trái chín cây, ăn chả được mấy tý, cần là cần cái tình cảm. Suy đi tính lại, cũng có lẽ là không thể chịu nổi cảnh cô quạnh ông bà bán nhà, bán vườn, khăn giói quả mướp theo anh con trai thứ hai. Có bao nhiêu vốn liếng ông Tưởng vét sạch mua một mảnh vườn, xây một ngôi nhà nhỏ. Chị con dâu thứ hai là y tá trong một công ty lắp máy. Hai vợ chồng anh con trai thứ hai sinh 2 đứa con gái. Anh chồng nằng nặc bắt chị vợ phải sinh một đứa con trai nối dõi. Thế là có bầu, thế là đẻ. Run rủi thế nào chị ta không những sinh thêm một bé gái mà lại còn sinh đôi hai tố nữ. Chị vợ bị buộc thôi việc, cơ quan thương tình làm chế độ cho về mất sức. Chi tiêu trong gia đình trông chờ cả vào đôi vai gầy gò, trễ nải  của anh chồng. Cuộc sống trở nên bức bối, khó khăn quá nỗi. Hai ông bà Tưởng lại không có lương hưu. Chị con dâu sinh ra xấu tính, cả ngày vào lườm ra nguýt. Thì cũng chỉ là lườm trộm thôi vì bà Tưởng nổi tiếng đanh đá, chua ngoa. Bà ra chửi vào chửi làm chị con dâu đến phát ngán. Được cái bà ăn khoẻ, ngủ khoẻ. Ông Tưởng lại được tiếng hiền lành, biết điều chỉ phải cái sợ vợ nên mới nên nỗi. Ông cao và gầy nhưng rắn rỏi. Ông ăn uống đều đặn, có giờ có giấc như một thầy Y nên khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Hơn tám mươi tuổi mà trông dáng dấp, tác phong ông như thanh niên. Chả bù cho anh con trai, nước da trắng bạch như hòn bột, trông cứ như một con cua bấy.      Là thợ cơ khí mà vụng thối vụng nát, may có ông chú là phó giám đốc nên được chuyển sang làm cái chân trực ban của xí nghiệp. Công việc nhàn nhã, không phức tạp gì  tuy lương thưởng có thấp hơn một chút. Gọi là trực ban cho oai chứ  ở xí nghiệp thì trực ban cái nỗi gì, chỉ nghe điện thoại là chính. Do vẫn còn bao cấp nên hàng tháng cứ lĩnh lương đều đều. Con cái đông đàn dài lũ thì đã có cái vườn. Rau sạch bây giờ là nhất. Ngoài vườn còn có con gà con qué. Ăn trứng gà hoài cũng chán nhưng được cái là trứng gà sạch. Cuộc sống ba sạch thế là nhất rồi.

            Ngày mấy đứa con cụ Tưởng còn nghèo khó thì chả nói làm gì. Chị con gái thứ ba ở Quảng Nam ốm yếu luôn. Giáo viên cấp 2 chỉ biết trông chờ vào đồng lương ba cọc ba đồng làm gì mà giàu có được. Mấy đứa con lại đang tuổi ăn tuổi lớn. Anh chồng mấy đồng lương hưu còm. Cuộc sống như vậy nên năm thì mười hoạ mới về thăm cha mẹ lấy một đôi lần. Anh con trai út ở trong Sài Gòn cũng chẳng hơn gì. Hai vợ chồng đang là giáo viên, bảo nhau bỏ nghề vào Sài Gòn nuôi chí làm giàu. Cả nhà khuyên can thế nào cũng không được. Chị vợ cứ động một cái là bễ cái mồm ra khóc. Chị ta bị ung thư vú, sau phẫu thuật bên còn bên mất, dễ tủi thân, động cái là đòi chết nên anh chồng cấm chả dám động đến. Mỗi khi không vừa ý là chị ta lại khóc vật khóc vã, kể lể nỗi niềm.Vì vợ vì con anh chồng đành nhẫn nhịn làm đơn xin thôi việc, theo vợ nuôi chí làm giàu. Thằng em cậu có nghề cơ khí nên xin  vào làm ở công ty dầu khí, lương thưởng cao ngất ngưởng. Thương anh, thương chị nên cũng bù trì bù chít nhưng cũng chẳng thấm tháp gì. Hai vợ chồng nhất quyết bỏ nghề giáo viên để làm giàu, nhưng khổ nỗi ngoài cái nghề " bán cháo phổi" ra cũng chả biết buôn bán gì. Thầy giáo, cô giáo mà đều là con buôn hết thì có mà chả còn ai nghèo, chả còn là xã hội. Cậu em cho dù tốt đến mấy thì cũng chỉ đỡ đần chút đỉnh, chứ danh ai phận nấy, cũng chả thể nuôi ăn hàng ngày được. Mấy năm lận đận, nhờ có chút vốn liếng của cậu em cho vay dài hạn, cộng với tiền quà cáp của mấy  học trò cũ, hai vợ chồng tậu được một cái rẫy ở một nơi cách xa thành phố dễ chừng mấy trăm kilômét. Là giáo viên sinh vật nên anh chồng suốt ngày lam lũ ngoài nương rẫy. Anh ta đã đen đúa nay lại càng đen đúa hơn. Ông Tưởng trắng ngần nào anh ta lại đen ngần ấy. Nếu như anh con trai thứ hai hưởng nước da trắng trẻo của cha thì anh ta lại thừa hưởng nước da đen sỉn đen sìn của mẹ. Cuộc sống khốn khó đến vậy ai còn nghĩ đến chuyện thăm cố hương. Mỗi một chuyến máy bay khứ hồi cũng mất vài ba dăm triệu. Đấy là chưa kể tiền quà cáp cho cha mẹ, họ hàng. Tiền của nhà khó tính từng trăm lấy đâu ra tiền triệu. Thế là quanh năm suốt tháng anh ta quanh ra quẩn vào với mấy cái rẫy, đến nỗi bà con hàng xóm lại nghĩ ông bà Tưởng chỉ có hai người con ở ngoài Bắc. Anh con trai thứ hai thì lại cũng vì đông con, cuộc sống chẳng khấm khá gì nên suốt ngày đánh nê vào cô em thứ tư, cô em áp út. Chồng cô con gái áp út nguyên là lưu học sinh tốt nghiệp ở Rumani,  về nước gặp thời lên như diều gặp gió. Con đường thăng quan tiến chức cứ gọi là rộng thênh thang, từ giám đốc  chi nhánh anh ta leo lên cái chức phó giám đốc  sở cứ gọi là dễ như bỡn. Là quan chức nhưng anh ta yêu thương vợ hết mực, lại là người có nhân có đức nên hàng tháng vợ chồng con cái vẫn về thăm và chu cấp tiền cho ông anh nuôi nấng bố mẹ. Hàng tháng đã có cô em áp út lo chu cấp tiền nên anh con trai thứ hai quen được bao cấp. Bố mẹ động sụt sịt, trái gió trở trời là anh ta lại điện thoại ngay cho cô em thông báo và đòi tiền. Từ tiền điện thoại, tiền nước đều do một tay cô em lo lắng. Được cái ông Tưởng khoẻ mạnh nên anh ta cũng không phải chăm lo gì cho ông cụ, chỉ có bà Tưởng là mắt loà, chân chậm nên phải chăm sóc. Nói là chăm sóc nhưng thực chất con cái chả phải động chân, mó tay. Tất tần tật việc chăm lo cho bà cụ đều do một tay ông Tưởng hết. Bà Tưởng suốt ngày ăn xong lại nằm chềnh ệch ra giường và chửi chó chửi mèo. Hết chửi con dâu hư hỏng không biết đẻ con trai, chửi con trai là đồ sợ vợ bà lại quay sang chửi chồng sai sách, bán nhà theo con trai để bà phải sống khổ sống sở, thành ra kẻ ăn nhờ ở đợ. Căn nhà nhỏ chỉ được yên ắng khi bà Tưởng về chơi nhà chị con gái. Tiếng bà Tưởng chửi bới nghe mãi thành quen, hoá nỗi vắng thì lại thấy  thiêu thiếu.

            Cuộc sống trong căn nhà nhỏ cứ thế bình lặng trôi đi. Chẳng mấy chốc đã hơn chục năm. Đang khoẻ mạnh thì đùng một cái ông Tưởng hai năm mươi. Ông cụ  đã trên chín mươi, gần một trăm tuổi nhưng  đang khoẻ mạnh là thế, kém ăn đâu có một tuần là đi. Hàng xóm, anh em cấm có ai biết ông ốm. Gọi là ốm chứ thực ra ông chỉ ăn ít đi một chút, nằm một chỗ không nhúc nhắc đi lại được. Nằm ngẫm ngợi chán ông gọi anh con trai, dặn dò những gì chả rõ rồi nhắm mắt xuôi tay. Câu cuối cùng chỉ nghe thấy tiếng ông nhắc đi nhắc lại hai tiếng: Thằng Quỳnh! Thằng Quỳnh!...Thằng Quỳnh là cháu đích tôn của ông bà Tưởng. Nó ngoan ngoãn, làm ăn khấm khá nhưng vì ở xa nên mỗi năm chỉ về thăm ông bà vào những dịp tết.

            Đám ma ông Tưởng to đình to đám. Có anh con rể làm to thế nên đình đám chả có gì ngạc nhiên. Người đến viếng toàn khách sang, đi ô tô đủ các loại, đỗ kín cả ngõ xóm. Tiền đám hiếu anh con rể tuyên bố cho anh con trai thứ hai để lo cúng giỗ.

            Vợ chồng con cái anh con trai thứ hai vui vẻ, mãn nguyện. Thì ông cụ cũng đã ở vào cái tuổi làm hội được rồi. Gần trăm tuổi có lẻ, con cháu chăm sóc chu đáo nên cụ ra đi cũng không phải ân hận gì.

            Từ ngày ông Tưởng mất bà Tưởng cứ như một cái bóng. Đang da dả chửi bới suốt ngày mà nay cứ lặng câm ngồi góc nhà. Ông Tưởng mất bà Tưởng ngày càng dở tính dở nết. Bà ăn đến đâu tháo ra ngoài đến đấy. Mà cứ tháo khoán tự nhiên ấy chứ. Anh con trai ngày ngày cặm cụi chăm mẹ. Chị con dâu lấy cớ đi chăm sóc cháu ngoại cả năm mới đoảng qua nhà lấy một lần.

            Chăm sóc người già mới thấy thương bố. Bao năm ông Tưởng chăm sóc, nhẫn nhịn người vợ lắm điều không một lần ca thán. Thế mới biết sức chịu đựng của ông giỏi đến mức nào.

            Ông Tưởng mất được gần ba năm, gần đến ngày giỗ lần thứ ba thì bà cũng ra đi. Con cháu vừa thương vừa tiếc. Chỉ còn mấy tháng nữa thôi là bà tròn trăm tuổi. Trăm tuổi là làm hội rồi. Bà hơn ông đến mấy tuổi, nếu như ông còn sống chắc là bà đã hưởng thọ 100 tuổi cũng nên.

            Đám ma lần này còn to hơn lần trước. Cuộc sống ngày càng khấm khá, anh con rể đã là giám đốc sở. Giám đốc được ngươì ta nể trọng hơn phó giám đốc là lẽ đương nhiên. Những chiếc ô tô các cỡ, đủ loại, đủ sắc màu nối đuôi nhau kéo dài dễ chừng ngót nghét hàng nửa cây số. Sau đám ma mấy đứa cháu, con ông con rể là giám đốc chia nhau phong bì ngay tại trận. Họ hàng nhìn chúng ái ngại. Hương khói vẫn còn đang nghi ngút, con cháu đầu vẫn còn chít khăn tang, những đôi mắt vẫn còn sưng mọng, vằn đỏ. Số phong bì còn lại đưa cho anh con trai thứ hai giữ. Anh con trai út từ Sài Gòn cũng vừa về kịp dự lễ tang. Trông anh ta đen sắt lại như một nông dân sống ở Tây Nguyên. Trông cái dáng điệu đờ đẫn, thèn thẹn cũng biết cuộc sống của anh ta chẳng sung sướng gì. Còn chị con gái thứ ba đang bị bệnh nên không thấy đâu, cả ông chồng lẫn mấy đứa con cũng chẳng thấy tăm dạng. Vì thế cả đám tang trông chờ cả vào ông con rể áp út. Chị con gái áp út chỉ đạo chỗ này chỗ kia cứ là rát ràn rạt. Miệng nói đến đâu, tiền đưa đến đấy nên công việc cứ là răm rắp.

            Vào dịp cúng cơm  ba ngày, sau khi tất cả ăn uống no say, ngồi uống nước chị con gái áp út bảo:

- Tiền phúng viếng mẹ lần này tất cả ngót trăm triệu. Để lại mười triệu gửi anh hai lo giỗ lạt cho cụ, còn lại cho cháu Quỳnh giữ. Chả gì cháu nó cũng là cháu đích tôn của cụ, sau này còn có trách nhiệm, lo cúng giỗ, mộ phần cho ông bà.

Anh con trai thứ hai nghe thấy thế nhảy dựng lên, chửi bới lung tung. Đám con gái nhà anh ta cũng nhảy lâng câng, chửi la chửi lối. Mùi hương trầm trên ban thờ ngàn ngạt. Cả gia đình giải tán trong không khí nặng nề.

            Chiều hôm sau, mấy đứa con gái nhà anh con trai thứ hai xuống trước cổng cơ quan của ông chú rể là giám đốc, vứt toẹt mười triệu xuống đất và chửi lấy chửi để. Cả đời lương thiện, mẫu mực ông đâu có ngờ  lại có ngày xấu mặt vì mấy đứa cháu đằng vợ thiếu sự giáo dục, dạy dỗ như thế.

            Chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, người thì bảo khổ thân ông, người lại bảo là giám đốc mà tham, tiền ma chay của bố mẹ vợ mà còn thế.

            Trước những miệng lưỡi thế gian ông không biết phải làm thế nào, nếu làm cái chân nhân viên quèn thì đã đành, đằng này…

            Chị vợ nghe tin vội chạy đến cơ quan của chồng, nói lý chán không được thì  doạ dẫm mấy đứa cháu:

- Nếu chúng mày không về để tao gọi cảnh sát 113.

            Đến nước ấy mấy đứa cháu mới leo lên xe máy phóng đi.        

  D.P.C.H

 

  

CỬA LÒ VÀO THU

                                                                                       

Biển Cửa Lò

                 vào thu

                         êm đềm

                                 lặng lẽ.

Gặp lại nhau

            sau hai mươi lăm năm có lẻ.

Hai đứa cùng nhau ôn lại chuyện ngày xưa.                                                   

Những chiếc vỏ sò

                      nghiêng nghiêng trong cát trắng

hé miệng nằm nghe

                        những câu chuyện thủa học trò.

Tôi và bạn tuổi đều không còn trẻ,

thời gian không còn dài,

                 gánh nặng cuộc đời

                           trĩu nặng bờ vai.

Những chiếc vỏ sò

                vô tình nghe chuyện hai người,

                      nước mắt hoà trong cát trắng tinh khôi.

Hai người đàn bà cùng lắng nghe

                                      bờ cát chuyển mình.

Biển Cửa Lò

         thu về

                 thoảng nhẹ con gió đón hoàng hôn.

Tôi và bạn

           và những chú vỏ sò xinh xắn

                 cùng  lắng nghe biển lặng

                                            một chiều thu ./.

                                                   Cửa Lò, 9/10/2009

 

MỘT NGÀY VẾT NỨT THỜI GIAN

 

Một ngày

tình yêu đến.

Hạnh phúc ngập tràn

trái tim thao thức

nhớ và thương.

Một ngày

chợt tỉnh cơn say,

 nhận ra mình đang ở cuối chân trời

còn tình yêu - hạnh phúc

ở tận đâu đó

cuối con đường.

Con tim thổn thức

đi tìm

tình yêu.

Khát vọng

sống

yêu…

Một ngày…

                                              Phú Thọ 15/10/2009

 

VẾT NỨT THỜI GIAN

                                                        

Gặp lại nhau sau hai mươi lăm năm có lẻ

bọn trẻ ngày nào giờ đã bốn mươi

những khuôn mặt méo, tròn cùng năm tháng

đôi mắt, nụ cười hằn lên vết nứt thời gian.

Tôi và bạn

Bạn và tôi

Hai mươi lăm năm và những chuyện bao đồng

Kẻ khóc, người cười

những mảnh đời gẫy vụn.

Bạn khóc

Tôi cười

Bàn tay bạn chai sần vì lam lũ

ruộng bùn, mạ ngấu thấm vào những giọt thời gian

những kẻ vô tình cười ngạo nghễ

ánh mắt giá băng, khinh khi

nhìn những đồng tiền lần tìm từ những giọt mồ hôi

Bạn khóc

Tôi cười...

                                 Lâm Thao ngày 30/10/2009

MỘT NGÀY

 

Một ngày

tình yêu đến.

Hạnh phúc ngập tràn

trái tim thao thức

nhớ và thương.

Một ngày

chợt tỉnh cơn say,

 nhận ra mình đang ở cuối chân trời

còn tình yêu - hạnh phúc

ở tận đâu đó

cuối con đường.

Con tim thổn thức

đi tìm

tình yêu.

Khát vọng

sống

yêu…

Một ngày…

 

                                              Phú Thọ 15/10/2009

NẾU

 

Nếu có một ngày chúng mình gặp nhau

Em sẽ dẫn anh về thăm đất Tổ

Nơi có Đền Hùng linh thiêng ngàn năm văn hiến

 

Nếu có một ngày chúng mình gặp nhau

Em sẽ dẫn anh thăm rừng đại ngàn Xuân Sơn

Nơi có “gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”

 

Nếu có một ngày chúng mình gặp nhau

Em sẽ yêu anh chừng nào có thể

Và trao tặng anh nụ hôn đầu, ngọt ngào, đắm say

 

Nếu có một ngày chúng mình gặp nhau

Em sẽ là em của ngày hôm nay, của mai sau và mãi mãi

Trao tặng anh những năm tháng còn lại của cuộc đời./.

Phú Thọ, 2/2/2010

 

D.P.C.H

 

 

 

 

HUẾ TÍM

 

Ngắm chị Tiểu Kiều và đọc những bài viết của chị, cả bài thơ anh mới sáng tác tặng chị nữa Châu Hà thấy lòng mình ấm áp.

Gởi tặng chị bài thơ "HUẾ TÍM", chúc chị mau khỏe.

 

      Thương yêu tặng chị Tiểu Kiều 

 

Huế trong tôi

Xa vời như ước vọng

Tà áo  tím thướt tha

Em

Nón trắng nghiêng chao

Nụ cười duyên nghiêng ngả đất trời

 

Huế trong tôi

Dịu dàng trong những câu thơ mỏng manh

Phượng mộng mơ

Ánh mắt em ngát tím

Đợi

Một tình yêu

 

Huế trong tôi

Một miền ký ức lãng đãng bóng hình

Cô gái Huế mộng mơ, đằm thắm

Nụ cười duyên - Bão tố một chiều thu

Để tôi

Khát một trời yêu./.

 

Phú Thọ, 22/3/2010

 

HUẾ  CHIỀU MƯA

 

Qua nhữing câu thơ anh viết tặng chị Tiểu Kiều, em cảm nhận tình cảm của hai người thật đẹp. Em mới tập toẹ làm thơ, nhất là với Huế thì đây là lần đầu tiên. Xin gửi tặng anh chị bài thơ "HUẾ CHIỀU MƯA", là cảm nhận của em sau khi đọc một số bài thơ anh tặng chị.
Cầu chúc chị mau bình phục, tình cảm của anh chị luôn đẹp như một bài thơ.

Kính tặng anh chị Võ Quê - Tiểu Kiều


Huế dịu dàng qua trang  thơ tình anh viết
Nét chữ nghiêng nghiêng, dáng em yêu kiều
Đôi mắt đen huyền ngân ngấn lệ
Giọt u sầu tan vào khoảng trống hoàng hôn

Em trong Huế - Huế ở trong tôi
Dáng eo thon trong tà áo tím
Mái tóc huyền đùa trong nắng sớm
Nét dịu dàng tím ngát bến đò trưa

Một chiều thu Huế chìm trong nỗi nhớ
Ánh mắt ai nhuộm tím một miền thơ
Dáng  hao gầy mong manh trên phố cũ
Tôi tìm em trong Huế vắng một chiều mưa ./.

Lâm Thao, 23/3/2010 – Dương Phan Châu Hà

 

“Về phía mặt trời” thơ và Điệp khúc tình yêu của Dương Phan Châu Hà

 

Tôi cầm tập thơ của Dương Phan Châu Hà (ĐT: 0912099009, email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. ), giống như nhận được món quà tặng ngẫu nhiên đầy bất ngờ. Đột nhiên được cùng yêu thương, cùng thổn thức, cùng say, cùng khát…, có lẽ đó không phải là món quà ai cũng có được!

“Về phía mặt trời” – NXB Công an Nhân dân, vừa ấn hành cuối năm 2009 - gồm 36 bài. Mỗi bài một cung bậc, vậy mà gần như lại như nhất ở cái dung dị trong vắt của tình yêu. Tiếng nói của tâm hồn phụ nữ vừa đa cảm vừa già dặn vừa ngây thơ khiến người ta cứ nao cả lòng. Tứ thơ dường như không cần vuốt ve mà vẫn nối nhau sinh sôi, tự nhiên giống như hơi thở, giống như đời sống. Nó phủ nhận sự “cố ý” làm duyên trong thơ và minh chứng nguồn xúc cảm thực đang cuộn trôi khi ào ạt, khi sâu lắng, khi nồng nàn, khi diết da… - nguồn sống thường trực của con người trong mỗi bước đường thăng giáng, buồn vui của cuộc đời.

 

Dương Phan Châu Hà giống như biết bao nhiêu người khác, viết nhiều về tình yêu và sống hết mình với nó. Trong 36 bài thì có tới 17 bài được chắt nguồn từ những xúc cảm say, khát, giận, hờn, đắm đuối, ước mơ… của một tâm hồn phụ nữ đa cảm. Yêu và được yêu, đó chẳng phải là câu trả lời cho hạnh phúc  đó sao (?). Châu Hà đã để bản tình ca uyên ương cứ ngân lên như tiếng lòng của con người: “Nước suối vắt vẻo/Róc rách bài ca tình yêu./Hoa trong rừng bừng tỉnh giấc thu/ mỉm cười trong mắt lá/ hát bản tình ca…” (Đá núi); “Hai má em hây hây chín đỏ/ đốt cháy thân anh trong ngọn lửa hồng./ Đôi mắt em hay chén rượu nồng say/ nung chảy trái tim anh run rẩy/ men rượu say say hay ngọn lửa tình say?” (Tình say); “Mắt anh đáy nước hay biển hồ đầy, /nhấn chìm em trong nỗi nhớ một chiều thu?” (Mỏi mòn trăng khuyết); “Hai đứa bồng bềnh trong sóng nước mặt hồ./ Huyền thoại tình yêu ru ta vào nỗi nhớ” (Ru vào nỗi nhớ)…

Tâm hồn người phụ nữ thường đa cảm. Dương Phan Châu Hà thể hiện rất rõ cái tôi nội cảm trong từng bài. Khi lãng đãng (Rơi vào biển xa), khi thẹn thùng (Những bước chân trốn chạy), khi khắc khoải với lời nguyện thề (Mong manh giao mùa), khi đợi chờ rơi nước mắt (Đợi tình), khi hờn dỗi ngơ ngác (Giận hờn), khi trống trải cô đơn (Thu hững hờ  ), khi mỏi mòn tìm kiếm (Mỏi mòn trăng khuyết)…. Vẫn nói về tình yêu, nhiều bài, nhiều câu thơ của chị “trong veo” “trong vắt”, nhí nhảnh  như thiếu nữ tuổi 15, nhiều bài lại ấm áp, nồng hậu, bời bời âu lo như trái tim người đàn bà từng trải. Em lúc “nũng nịu dỗi hờn”, “đôi môi cong cong giận dỗi” để lại một khối trống trải mênh mông (Giận hờn); em – lúc đợi, đã thấy mình khát cháy, lạc lõng trước công việc bộn bề của người mình yêu, nhưng rồi vẫn “mỉm cười hạnh phúc/nước mắt thấm vào bờ vai anh thấm đẫm mồ hôi”(  Đợi tình). “Em” đắm chìm trong hạnh phúc nhưng thoáng chốc đã tự ngẩn ngơ đặt dấu hỏi về những gì đang có thực. Và lo lắng cũng là điều tất yếu khi hạnh phúc mỏng manh, lại dễ vỡ, khó vô cùng khi níu giữ (Rơi vào biển xa, Những bước chân trốn chạy)… Nỗi nhớ và hành trình kiếm tìm tình yêu là sợi chỉ nhỏ, óng ánh, không đứt rời, nó xuyên suốt trong nhiều bài thơ, tạo thành một điệp khúc dài: Nỗi nhớ lặng câm/ không nhạc – không lời. (Quả trám chua bắc cầu hai đầu nỗi nhớ); Đôi mắt vô hồn/khao khát/tình. Đôi môi bị bỏ quên/khao khát/yêu (Đợi tình); Sóng/ lang thang/Gió/lang thang/Em kiếm tìm anh/ suốt cả cuộc đời/ như gió lang thang/ như sóng lang thang (Biển thu); …khắc khoải đi tìm/mỏi mòn đến ngày trăng khuyết/hao gầy một mảnh trời thu… (Mỏi mòn trăng khuyết); Con tim thổn thức/ đi tìm/ tình yêu./ Khát vọng/ sống/ và/ yêu… (Một ngày). Nỗi nhớ, tình yêu, khát vọng hạnh phúc là động lực khiến người phụ nữ dù mỏng manh cũng trở nên vững trãi, dù mềm yếu vẫn trở nên can trường, mạnh mẽ. Bền bỉ suốt cả cuộc đời, họ kiên trì kiếm tìm, dù hao khuyết, dù “mỏi mòn”! Có ai đó từng khẳng định: hạnh phúc chỉ có thể có được khi người ta có người để yêu thương và được yêu thương! Chúng ta được đánh thức bởi cái cảm quan yêu, bởi cái khát vọng hạnh phúc của Dương Phan Châu Hà. Đó là lẽ sống mà ai cũng công nhận nhưng không dễ gì nói ra được.

Khá đa dạng trong đề tài, tác giả chú tâm đến tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Đó là những mảnh đời, những số phận, những rung cảm ngọt ngào hay đắng chát về cuộc đời và những gì đang chảy trôi... Dương Phan Châu Hà đã dùng trái tim phụ nữ để thao thức và dùng suy tư của một người đàn bà khá từng trải để cảm nhận. Trong cái tâm sự ấy, độc giả nao lòng trước “Vết nứt thời gian” – những chuyện “bao đồng” đã lôi con người vào cuộc chiến. Dấu tích để lại là những “vết nứt”, những mảnh đời và những tiếng cười, tiếng khóc, “những khuôn mặt méo, tròn cùng năm tháng”. Thời gian làm thay đổi biết bao điều. Và chị đau đớn trước đổi thay “đen, trắng” của cuộc đời, của lòng người:

Năm tháng qua đi, anh và tôi và cuộc đời

đổi thay, trắng và đen, cao và thấp

anh chẳng còn là anh, tôi cũng không phải là tôi

đồng tiền ngạo nghễ cười, đưa con người ta

            xuống từng bậc thang cuộc đời.

                                    (Trắng và đen)

  

Dương Phan Châu Hà bị ám ảnh sâu sắc bởi sự đổi thay của con người trong cơ chế thị trường. Mặt trái của đồng tiền, của quyền lực đã khiến người ta không còn là chính mình nữa. Chị đau đớn hơn khi nhận ra đôi khi cả những bậc làm cha cũng rơi vào bi kịch bị bỏ quên bởi sự mải mê kiếm tìm tiền tài và danh vọng của chính con cái họ:

Xuân qua rồi, tuổi già quạnh hưu

Con trẻ mải miết kiếm tìm tiền tài và danh vọng

bỏ lại hai người già

lẻ loi, đơn chiếc

chung cư lạnh lẽo, thiếu vắng hơi người.

                                    (Đất khóc)

Tinh tế trong cách nhìn, chỉ với một con đường và những bàn chân, Dương Phan Châu Hà đã đưa ra nhận thức về những số phận, những cuộc đời (Những bước chân trần). Và thông qua “Những con đường khóc”, chị đã khơi dậy biết bao suy tư về những “con đường” dang dở mãi trong mùa thi công. Ở đó, những công nhân làm đường vẫn ngày ngày lầm lụi, không quản nắng mưa, sương gió. Cái nhìn ấm áp của Hà giành cho nhiều đối tượng khác, những người lao động lặng thầm mà cao cả, bình dị mà đáng trân trọng (Người kiếm tìm màu xanh, Nón lá nghiêng chao, Tìm trăng, Mây leo dốc núi…). Chị khắc khoải đối với những số phận rủi ro, bất hạnh, đau nỗi đau của họ và gắng thấu hiểu để sẻ chia (Xuân – hạ - thu – đông, Người đàn bà không chồng…). Thơ chị tràn đầy những tha thiết thương yêu, tiếc nhớ khi viết về người thầy, về bè bạn, về tuổi thơ. Hầu hết đó là những kỉ niệm, dường như nó đã thao thức cùng chị suốt những chặng đường dài (Khoảng trời bình yên, Ảo vọng, Cánh diều tuổi thơ, Vết nứt thời gian).

Xin được nói về bài thơ mang tên cả tập thơ. “Về phía mặt trời” là một bài thơ ngắn được ngắt thành 13 dòng nhưng khá sâu sắc trong triết luận. Bốn dòng thơ mở đầu:

Một ánh mắt khinh khi

Một cái bắt tay hững hờ

Một nụ cười nhàn nhạt

Cuộc đời!

Là mặt trái, là sự cay nghiệt, phũ phàng, là hiện thực, là một định nghĩa chua chát về cuộc đời. Đôi khi, cái giả, cái nhạt nhẽo, cái hờ hững được người ta đem ra để đối xử cùng nhau. Những “chiếc mặt nạ” khiến cho nhiều người e dè, sợ hãi. Nhưng quan trọng hơn, Dương Phan Châu Hà cho chúng ta thấy một cái khác: một đôi bàn tay, một nụ cười, một tấm lòng xua đi tất cả sự lạnh lẽo, sự đơn chiếc, sự giả dối. Và mặt trời phía trước vẫn chiếu sáng trên con đường của họ:

Anh nắm tay tôi

bước đi trên đường đời oan nghiệt

Một nụ cười

Một ánh mắt

và tấm lòng của anh  

xua tan giá lạnh mùa đông

cùng tôi

về phía mặt trời.

Tôi rất thích bài thơ này của chị. Nó công nhận những gì tàn nhẫn, nhưng nó vẫn đốt lên ngọn lửa khơi dậy niềm tin của con người. Khi biết hướng tới, khi được ôm trùm trong sự yêu thương, con người sẽ vượt qua tất cả. Và cuộc đời vẫn tỏa hương.

*

Có một cảm giác cấu tứ thơ Hà rất tự nhiên và “mộc”. Hầu như tất cả các bài thơ, các câu thơ đều tự nhiên tuôn chảy chứ không cần uốn éo khuôn nắn. Nó tự nhiên như suy nghĩ, lúc thì nhẩn nha, dùng dằng đến sốt ruột, lúc thì say bồng bềnh, lúc thì nhấm nhẳn, lúc xót xa… Chính điều đó tạo nên cái rất riêng cho thơ chị. Kết thúc mỗi bài thơ luôn là sự bâng khuâng trải rộng. Chị thường hay đặt dấu ba chấm cuối bài. Dĩ nhiên đôi khi có cảm giác hẫng bởi cảm xúc đòi hỏi sự tiếp tục. Nhưng có lẽ tác giả không muốn nói hết mà dành khoảng lặng đó cho suy tư.

Yếu tố tự sự trong thơ Dương Phan Châu Hà tương đối rõ. Hầu như các bài thơ đều bắt đầu trong mạch kể. Và xúc cảm được diễn biến theo trình tự thời gian:

+ Một ngày/ tình yêu đến (…)/ Một ngày/chợt tỉnh cơn say (…)/Một ngày…

(Một ngày)

+ Một ngày em đến…/ Một ngày em đến…/Một ngày vắng em…

(Vắng em)

+ Vũng Tàu/ một ngày thu…

                                                (Rơi vào biển xa)

+ Vũng Tàu/ Một sáng mùa xuân…

(Quả trám chua bắc cầu hai đầu nỗi nhớ)

 “Mong manh giao mùa”, “Đợi tình”, “Người mang danh anh hùng núp”, “Đất khóc”, “Cảnh sát nhí”, “Khoảng trời bình yên”… cũng được thể hiện như thế.

 Tôi đã có một cảm giác trong veo trong vắt khi lần đầu đọc tập thơ. Bao nhiêu cái thương, bao nhiêu cái nhớ, bao nhiêu cái da diết được Hà “pha trộn” trong âm thanh của tuổi thơ khúc khích. Các đại từ nhân xưng trìu mến được đưa ra làm cho nỗi đau cũng giảm nhẹ hơn. Rất nhiều những “câu chuyện” được Hà dẫn dụ, đan xen bằng những câu thơ như thế này:

  Ông mặt trời chín đỏ

               ngỡ tưởng

                      một chiếc mâm đồng,

                              lúng liếng đôi  mắt cười duyên.

                              (Những bước chân trốn chạy)

 

Tình yêu, nỗi nhớ cũng được gắn vào những hình ảnh thơ ngộ nghĩnh này. Khi “em” đến -  tình yêu được đánh thức – ông mặt trời cũng được đánh thức: Ông mặt trời tròn mắt ngó trông/Ông mặt trời miệng cười rạng rỡ. Khi vắng em: Ông mặt trời ngủ muộn/rụi mắt ngu ngơ buồn.(Vắng em). Thiên nhiên biết khóc, thiên nhiên biết cười, thoắt ẩn hiện trong thơ Hà, nhiều lúc như một đứa trẻ. (Tôi tự thấy sao nhiều lúc Hà … trẻ!). Nhưng có lúc sự hóa thân của thiên nhiên – xúc cảm khiến người ta rất thích thú. Mảnh khuyết, Đá núi, Thu hững hờ… là những ví dụ. Mảnh khuyết – trăng – được 3 lần hóa thân: lúc lẻ loi cô độc như bị bỏ quên (trăng cuối tháng), lúc non nớt như một đứa trẻ (trăng đầu tháng), lúc mặn nồng, say ngất trong tình yêu (trăng giữa tháng). Và bầu trời cũng biến đổi theo, khi “Tím – đợi”, khi “tím – nhớ”, lúc “tím - khát”. Theo tôi, Hà đã khá thành công khi dùng thiên nhiên chở tâm trạng con người. Đá núi cũng vậy. Sự cô độc trầm mặc của đá chỉ biến mất khi suối hát khúc ca của tình yêu!

Khép lại tập thơ 'Về phía mặt trời' của Dương Phan Châu Hà, dư âm của nó vẫn còn. Tôi nao nao về tình người, những trăn trở, những khắc khoải và cả những nụ cười… Nếu được đặt tên cho tập thơ này, tôi sẽ gọi: “Điệp khúc tình yêu”!                                       

 

Phú Thọ, 12- 2009

Tùng Diệp

 

 

 

 

 

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.