Nhà văn NGUYỄN NGỌC TUYẾT
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7362
Nhà văn NGUYỄN NGỌC TUYẾT
Bút danh: Trúc Ty, Chi Lan
Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Cần Thơ.
Tác phẩm:
Đã có nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí; trên các tuyển tập văn xuôi trong nước.
CÕI XƯA tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ 2009.
THƠ
BẠN CŨ
Gủi anh Võ Quê để nhớ một thời…
Bạn cũ gặp nhau cười tóc bạc
Bao năm rồi- một áng mây bay
Mộng ước ngút trời nay đã lỡ
Cầm tay ngậm ngùi tay trắng tay.
Bia cứ rót đầy ta cứ uống
Chút men nồng chẳng dễ say đâu
Nâng ly ực ngọt hồn bay bổng
Một thời xưa sóng sánh mắt sâu.
Bạn cũ gặp nhau cười hết cỡ
Nỗi vui buồn cuồn cuộn tuôn theo
Có hề chi bọt trào ly đắng
Ngồi bên nhau thanh thản trong veo.
Quán nhỏ xưa từng ươm chí lớn
Bạn bè xưa từng hẹn một ngày…
Bao năm lận đận giờ đã mỏi
Thiên thượng phù vân- Mây trắng bay!
Thôi thì ta cứ cười ha hả
Mấy khi mặt nạ cởi ra đây
Dang tay mới biết ta cón bạn
Một cõi đi về vẫn đắm say.
N.N.T
BÔNG HỒNG MUỘN
Truyện ngắn
Buổi sáng chị vào trường, thấy cơ man là hoa. Hoa tươi trên các bàn giáo viên, hoa trên tay các em học sinh nam, hoa đầy sân trường và ngoài cổng trường. Đám sinh viên càng ngày càng biết cách làm ăn, không bỏ qua một ngày lễ nào, tiếp thị hoa hồng đến tận trường, thậm chí cả các trường cấp 2. Nào ngày Tết thầy cô 20-11, nào ngày lễ tình nhân 14-2 và hôm nay, đúng ngày quốc tế phụ nữ 8-3.
Nhìn những bó hoa, đa số là hoa hồng nhung trên tay các học sinh nam, chị không khỏi chạnh nghĩ đến những lớp học trò hàng mươi năm trước. Có đứa hái cho cô một vài cành bông bụp ở vườn nhà, có đứa gom góp đâu đó mấy chùm hoa dại nhưng rất đẹp tặng cô. Những cánh hoa ướt đẫm sương và tươi tắn như chính tâm hồn bọn trẻ khiến đêm về nhìn bình hoa đủ loại cô giáo cứ tủm tỉm cười một mình. Hồi ấy đám học trò của chị ngờ nghệch mà dễ thương làm sao! Giờ thì bọn chúng “điệu đàng” lắm rồi. Những bông hồng đỏ thắm đều được gói giấy thật đẹp, thật sang trọng. Mỗi bông hồng trong những ngày này có khi đến mươi, mười lăm ngàn đồng chứ ít đâu! Đúng là hình thức có tiến bộ hơn nhiều nhưng chả biết tấm lòng người trao tặng có tương xứng vậy không? Bởi “của cho không bằng cách cho” mà!
Vừa bước vào văn phòng, chị chủ tịch công đoàn đã chận lại hỏi:
- Sao, hôm qua em theo cô Thủy ra tòa thế nào rồi?
Chị lắc đầu, ngao ngán:
- Vẫn là chuyện muôn thuở đó mà. Anh quyết ly hôn, chị quyết không chịu. Hai bên kể xấu nhau nghe mà bắt mệt! Em không hiểu nhỏ Thủy nghĩ sao, thằng chồng “cạn tàu ráo máng” vậy mà nó cứ khư khư là còn thương!
- Đã bảo nó “tâm thần” mà. Chứ em không thấy chồng nó đưa lý do đó để xin ly dị sao?
- Thì vậy. Em khuyên nó đồng ý thôi đi, nó lại bảo “Không muốn sau này chồng ân hận”. Mà ngó bộ thằng cha đó thì làm sao ân hận được. Thoát khỏi nhỏ Thủy và hai đứa con nó mừng còn không kịp. Nghe Thủy nói nó đã có sẵn người đàn bà khác rồi mà!
Chị chủ tịch công đoàn cũng lắc đầu:
- Thiệt, hết hiểu nổi mấy cô bây giờ! Cô Thủy mới ngoài ba mươi thôi, ráng chịu đau một lần, vẫn còn cả cuộc đời trước mặt. Hay nó muốn kéo nhùng nhằng cho đã nư?
Không dám lần chần ở những chuyện “rối như canh hẹ” này, chị bước ra ngoài, nhớ hôm nay mình còn rất nhiều chuyện phải làm. Là tổ trưởng nữ công trong ngôi trường có hàng trăm giáo viên mà hơn nửa là nữ, chị phải tổ chức, điều động biết bao thứ trong ngày lễ này. Mỗi năm phải đổi mới trò chơi, đổi mới hình thức đón mừng ngày phụ nữ. Đâu chỉ là những bó hoa được trao tặng cho các cô giáo và các nữ sinh mà còn là các cuộc thi nữ công gia chánh, thi cắm hoa, thi hùng biện hay giới thiệu tuyên truyền sách, có năm lại tổ chức diễn đàn về “tình bạn, tình yêu” cho học sinh, về “ứng xử trong gia đình” cho các chị em trong trường...
Đang đi dài theo hành lang bỗng có tiếng gọi giật ngược:
- Chị Nhân ơi!
Chị quay lại, một thầy giáo trẻ đang nhìn chị cười vui:
- Năm nay sao mình không tổ chức cho các thầy nấu ăn nữa hả chị?
Chị cũng cười, biết là anh chàng chỉ hỏi đùa thôi, chứ không thì mặt hắn ta đâu có tươi tỉnh thế kia.
- Thôi đi ông! Cho mấy ông làm bếp còn mệt hơn tụi tôi tự làm. Phục vụ gì mấy ông!
Nhìn anh bạn đồng nghiệp trẻ đi khuất sau dãy phòng lớp học, chị nhớ lại mấy năm trước mình đã vận động các thầy trong trường thi nấu ăn để mừng ngày 8-3. Thôi thì mỗi tổ đăng ký làm khéo một món, tổ chiên chả giò, tổ mì xào giòn, cá lóc nướng, gà rô ti... Các ông hăng hái lắm, thiện chí lắm nhưng cuối cùng vẫn là các cô trong tổ xúm nhau làm trước cả dù luật thi “cấm phụ nữ rớ vào”! Khổ nỗi đến cả việc sắp mâm, bày biện ra dĩa cũng phải các cô “cố vấn”. Thi xong, các tổ ngồi xuống liên hoan, các ông thầy hí hửng vênh váo còn các đồng nghiệp nữ, chủ nhân của ngày 8-3 thì phờ phạc, nuốt không vô. Các cô giáo khiếu nại:
- Thôi, không tổ chức kiểu này nữa nghe, mệt muốn chết!
Đúng là như câu hát đùa mấy anh chàng hay nghêu ngao:
Hôm nay ngày 8 tháng 3
Tui giặt dùm bà cái áo của tui...
Vậy mà họ còn bày đặt than phiền:
- Sao năm nào cũng có ngày 8-3 rộn ràng khí thế như vậy, còn bọn tôi sao không có ngày “Phụ nam”?
Tuy biết chỉ là đùa vui nhưng đôi lúc chị cũng chạnh lòng. Cứ nghĩ giá như không còn ngày lễ phụ nữ này thì mới thực sự là nam nữ bình đẳng phải không? Cứ hô hào, cứ nhắc nhở để nhớ đến vai trò, vị trí người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội cũng chính vì họ chưa được coi trọng, chưa có chỗ đứng xứng đáng như lẽ ra phải có. Nghĩ vậy chỉ thêm buồn thôi! Nhớ có lần, cách đây lâu lắm rồi, khi còn đầy nhiệt huyết, chị đã phát biểu với các học trò nữ của mình trên một diễn đàn:
- Các em phải làm sao cho ngày nào cũng là ngày 8-3 chứ đừng để người ta tổ chức cho mình. Làm sao cho sự bình đẳng về giới tính phải trở thành chuyện tất yếu và bình thường...
Giờ nghĩ lại, chị mỉm cười, bâng khuâng tiếc nhớ một thời sôi nổi, tràn đầy khát vọng mà cũng thật đáng yêu. Cuộc sống đã mài giũa, gạn lọc và mở ra cho chị nhiều điều. Cái ông thầy thời gian ấy thật khắc nghiệt mà cũng thật sâu sắc làm sao!
Căn phòng của câu lạc bộ nữ công đông nghẹt người, đa số là các cô giáo và các em nữ sinh tham gia cuộc thi làm thiệp, cắm hoa. Chị đi qua một vòng, nhìn từng chiếc bình hoa vừa hoàn tất đang đợi giám khảo chấm điểm. Đúng là sức sáng tạo của học trò thật phong phú. Mỗi bình hoa một chủ đề, một cách chưng cắm khác nhau. Có bình hoa như “Suối nguồn tuôn chảy” khắc ghi công ơn mẹ, có bình phơi phới vươn lên như “Tuổi thanh xuân”, có những bông hoa cắm trong cát, trong gai góc như tinh thần “vượt khó”, rồi tình yêu, tình bạn, tình thầy trò hòa quyện trong từng cách cắm, từng loại hoa, cành nhánh sử dụng. Rồi thiệp chúc nữa, muôn màu muôn vẻ từ bàn tay khéo léo của các em nữ. Có thiệp giấy, thiệp vải, thiệp tre trúc... Những bông hoa nhỏ xinh xinh, mấy chú bướm xòe cánh sặc sỡ, mấy cành thủy trúc cứng cáp, cành lan mềm mại, cành hồng kiêu sa... Hình như mỗi lần ngắm nhìn những công trình của học trò, người giáo viên trong chị lại thêm chút niềm tin. Tuổi trẻ vẫn còn đó, sự trong sáng vẫn còn đó trong tâm hồn học trò chị... Những bão giông, cuồng loạn dường như chưa thấm thấu sâu vào mái trường này? Chẳng biết chị có “lạc quan tếu” không đây!
Cũng giống như bây giờ vậy, nhìn mấy cô giáo đang tíu tít ngắm nghía, chấm điểm từng tác phẩm, cô nào cũng hân hoan cười cười nói nói, ai biết được trong lòng họ giấu kín bao nỗi buồn đau, vật vã. Như cô Hạnh, cô giáo dạy nữ công gia chánh đó, cô vừa chia tay với ông chồng tệ bạc, ôm hai đứa con còn trong độ tuổi tiểu học lầm lũi đi về trong căn nhà nhỏ. Đứng kế bên là cô Lan, một cô giáo lớn tuổi sắp hưu, năm vừa qua cô đã phải “đầu bạc khóc đầu xanh” khi thằng con trai gặp tai nạn xe cộ. Còn cô giáo xinh xắn, nhanh nhẩu như lẫn vào đám học sinh nữ kia là cô Thoa, vui vẻ, nhí nhảnh vậy nhưng về nhà là tất bật với bà mẹ nằm liệt giường suốt mấy năm nay, phải gởi hàng xóm trông chừng mỗi khi đi làm... Mỗi người một cảnh đời, một nỗi lo toan phiền muộn mà chị, người tổ trưởng nữ công phải nắm rõ để sẻ chia, an ủi, giúp đỡ. Gánh nặng công việc quả nhiều lúc khiến chị oằn vai, muốn vứt bỏ nhưng lại không đành, bởi suy cho cùng, chị có khác gì đâu!
Mãi đến tối mịt chị mới về nhà. Dư vị của buổi tiệc còn đọng trên môi và nỗi mệt mỏi càng lúc càng lan dần lan dần khiến chị lơ mơ, ngớ ngẩn thế nào. Cổng nhà đã khóa, thằng con trai chắc đang say giấc nồng. Chị mở cửa phòng, nhè nhẹ bước vào. Mình thật tệ, bận đến nỗi không hỏi được con trai coi hôm nay nó tặng hoa cho ai? Nó đã kết thân với bạn gái nào chưa? Năm nay nó đã 19 tuổi rồi chứ nhỏ nhít gì đâu. Vậy mà...
Nỗi áy náy, ray rứt càng rõ hơn khi chị bước vào phòng mình. Trên bàn làm việc của chị, một đóa hồng vàng trong chiếc bình nhỏ đang nhìn chị, thoang thoảng hương. Ôi chao, lại bông hồng vàng! Sao mà thằng nhỏ hiểu ý mẹ đến vậy! Chị cúi nhìn bông hồng vàng trong tay mình, bông hồng chị vừa ghé mua ở đầu chợ. Không năm nào chị mang những bó hoa của học trò tặng về nhà. Ở trường suốt cả ngày, sợ hoa héo khô nên chị thường gởi cho các cô khác mang về cắm hộ. Năm nào chị cũng tự mua cho mình một cành hoa hồng vàng cắm vào bình bởi người đàn ông có thể tặng hoa cho chị đã ở một phương trời xa lắc. Ôi, người đàn ông của đời chị! Hình như đã lâu lắm rồi từ khi anh trao cho chị cành hoa hồng vàng cuối cùng, để sau đó chị chỉ cắm toàn hoa hồng vàng trong chiếc bình hoa nhỏ của mình.
Chị khẽ khàng cắm bông hồng vàng mới mua vào bình hoa, cạnh bông hồng của con trai, lòng nhẹ tênh. Bao nỗi nhọc mệt trong ngày như tan biến hết. Đêm nay, người phụ nữ đã có đến hai đóa hoa hồng vàng. Và những đêm của năm tới, năm tới nữa, đóa hồng vàng trong chiếc bình hoa nhỏ sẽ không còn đứng lặng lẽ, cô đơn. Mặc cho ai đó cho rằng màu vàng là màu của sự phản bội trong tình yêu, chị vẫn yêu thích, vẫn trung thành với nó từ khi đọc truyện “Bông hồng vàng” của nhà văn Nga K.Pau-xtop-xki. Bông hồng vàng của người hốt rác già Samet với ước mơ hạnh phúc cho nàng Suzanne yêu thương, bông hồng vàng từ những nhà văn biết bòn đãi những hạt rất nhỏ của bụi vàng để làm thành tác phẩm của mình, “Bông hồng vàng” của truyện, của thơ...
Và, chị đã từng có những ngày hạnh phúc rạng ngời như chính những bông hồng vàng chị từng chắt chiu. Một bông, rồi hai bông, ba bông... Bao nhiêu đóa hoa anh chiều theo ý thích của người yêu trao tặng chị trong ngày lễ tình nhân, ngày tôn vinh phụ nữ, ngày sinh nhật và... bao nhiêu ngày khác nữa, những ngày chị đắm say trong “Hoa vàng mấy độ” ấy. Lâu lắm rồi chị không muốn nhớ, không muốn ngoái đầu nhìn lại. Vậy sao đêm nay, từ một bông hồng muộn màng khuya khoắt chị lại ngậm ngùi xao xuyến thế kia?
Người phụ nữ lặng lẽ thay quần áo, mở ngọn đèn ngủ màu xanh nhạt rồi lên giường nằm, thao thức bồi hồi như cô gái trẻ thuở nào xa. Trong bóng đêm, hai đóa hồng vàng trong chiếc bình nhỏ vẫn lung linh, lung linh như một điểm sáng nồng ấm, thân thuộc đưa chị vào giấc ngủ an lành.
LÁ TRUNG QUÂN
Truyện ngắn
Hơn ba mươi năm chị mới có dịp trở lại căn cứ cũ. Nãy giờ đi cùng các bạn văn nghệ để thâm nhập thực tế sáng tác mà lòng chị cứ bồi hồi. Chị cố căng mắt để tìm lại những hình ảnh cũ, những dấu tích xưa của chiến khu, của Cục “R”, cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong chống Mỹ, cũng là nơi chị sống qua một thời tuổi trẻ khốc liệt mà đẹp đẽ của mình. Nhưng, dường như tất cả đều thay đổi. Từ con đường bon bon chạy vào rừng, từ những trảng rừng trống trải xe lướt ngang qua... đến mọi cảnh sắc chung quanh, chị vẫn chưa nhận ra vóc dáng, tiếng nói của rừng.
Có ai đó trong xe chợt la lên:
- Đường mòn! Đường mòn đi vào rừng kìa!
Vừa lúc chị cũng phát hiện ra những con đường nhỏ ấy hai bên con lộ xe. Đây rồi! Rừng của mình đây mà! Hình như rừng cũng đã nhận ra đứa con yêu của mình, rừng đang mở ra từng con đường mòn sau những tàn lá rậm rạp để đón chị trở về...
Mười ba tuổi, chị đã thoát ly gia đình theo cách mạng. Cái cơ duyên ấy chỉ từ một giọng hát.
- Con có chất giọng được lắm, có muốn theo bác không?
Và cái con bé nghèo khổ, thất học, da mốc cời của vùng đất Mỹ Tho ấy hí hửng cuốn đồ trốn nhà qua sông theo ông bác mà lúc đó nó cũng chưa biết tên, chỉ tin vào lời ông nói:
- Mình phải lên đường gấp. Rồi bác sẽ nói chuyện với ba con. Cũng người cách mạng cả mà!
Rồi cô bé vừa đi bộ theo bác, vừa được bác cõng trên lưng khi cô đã buồn ngủ nhíu cả mắt lại. Chừng thức dậy đã thấy mình nằm giữa một đám con nít trạc tuổi, chị chủ nhà đang lúi húi nấu cháo trắng ở góc nhà. Thế là bắt đầu cuộc sống tự lập.
Sau này, chị vẫn thấy mình may mắn. Nếu không có chất giọng “trời cho” làm sao chị được vào khu, được học hành, ca hát để thành nghệ sĩ như bây giờ. Và để mười sáu, mười bảy tuổi, chị đã được về đây, đã là thành viên Đoàn văn công Quân giải phóng.
Bước vào nhà truyền thống của Cục, đập vào mắt mọi người là tấm hình treo trên cao, ngay gian giữa. Chị bước lại gần, rưng rưng xúc động: Trời! Mình đó sao? Trong khuôn hình chính là chị, đứng hàng sau cùng các bạn trong đoàn văn công với đủ bộ kèn trống. Tấm hình như chứng tích của một thời. Ừ, khi chụp hình này mình bao nhiêu tuổi vậy kìa? Mười bảy hay mười tám?
Các bạn đồng hành xúm lại trầm trồ:
- Hình bấy nhiêu năm mà còn rõ quá! Nước thuốc tốt thiệt!
Còn chị, chị chăm chắm nhìn vào khuôn hình, tìm kiếm và đã thấy rồi. Anh vẫn ngồi đó, cây sáo đưa lên miệng, trẻ trung, mãi mãi tuổi hai mươi. Anh đó, mối tình đầu của chị, tuổi thanh xuân nồng nàn e ấp của chị, màu xanh bạt ngàn của rừng trong lòng chị... Tất cả, tất cả như ùa về, như chưa hề bị lãng quên...*Hai người ngồi đối diện bên chiếc bàn vuông bằng cây tạp, ngọn đèn dầu nhỏ để ở giữa, xa một chút trong góc nhà có lúc là một cô bạn cùng đơn vị, lúc là một chị lớn tuổi hơn làm cấp dưỡng trong cứ. Thỉnh thoảng hai đứa mới được gặp riêng như thế này sau khi báo cáo đơn vị về tình cảm của mình. Luật trong cứ rất nghiêm, dù vẫn tập dượt, học hành, hát hò chung nhưng chuyện trai gái gặp gỡ riêng thì tuyệt đối không. Có vậy mới giữ được sự trong sáng, an toàn cho đồng đội và giữ tiếng cho cách mạng.
Vậy mà mỗi lần gặp là mỗi lần ngượng nghịu, bối rối làm sao. Anh nhìn chị, ấp úng:
- Nói gì thì nói đi!
Còn chị, cúi đầu, se se miết vạt áo bà ba:
- Biết gì mà nói. Anh nói trước đi!
Chỉ tội cho người ngồi canh, ngáp vắn, ngáp dài, trong bụng chắc cũng rủa thầm bọn trẻ bày đặt yêu đương. Có khi đang ngập ngừng ngắc ngứ vậy thì bom dội xuống đùng đùng, mạnh ai nấy nhảy xuống hầm, chừng hết bom lại nối tiếp câu chuyện không đầu không đũa mà vui sướng lâng lâng.
Chị lén lau một giọt nước mắt vừa ứa ra để nó khỏi chảy dài xuống má. Ngày anh hy sinh tại cứ này chị khóc đã nhiều vậy mà nhớ lại vẫn không cầm lòng được. Mười chín tuổi, mối tình son trẻ ấy làm sao quên, dù sau cuộc chiến chị đã có gia đình, con cháu đề huề, chồng chị cũng là một trong những đồng đội năm xưa.
Theo chân cậu hướng dẫn viên trẻ măng luồn sâu vào cứ, những giao thông hào quanh co hiện ra như người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Mọi thứ tuy có sửa sang, có phục chế nhưng vẫn giữ nét xưa từ mỗi căn nhà của từng vị bí thư Trung ương Cục cho đến chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc giường ngủ trong nhà. Những căn nhà vẫn lợp một thứ lá trung quân trên mái như ngày nào. Ừ, lá trung quân! Chẳng biết ai đặt tên cho nó mà khi về đây chị đã quen tên. Trong hồi ức chị lại hiện ra hình ảnh mình và đám bạn, những thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi hồn nhiên, tinh nghịch, tay hái lia lịa từng nắm lá rồi túm lại từng túm, giắt đầy vào sợi dây lác quấn ngang lưng để đem về chằm lại lợp nhà. Những chiếc lá suông dài, chi chít trên cây, nhiều không đếm xuể trong rừng già đã che mưa che nắng cho bao người trong chiến khu này. Loại lá lợp nhà này có chỗ rất hay là nếu bị bom lửa, lá chỉ ngún từ từ chứ không cháy bùng lên như lá dừa nước hay các loại lá khác ở đồng bằng quê chị. Trong lòng chị, trong lòng tất cả những ai từng sống ở chiến khu này thì mãi mãi đó vẫn là lá trung quân! Cái tên đẹp đẽ như tấm lòng trung với nước, với dân, với bạn bè đồng đội trong quân ngũ của “một thời khó quên”.
Chị cứ đi, cứ đi theo cậu hướng dẫn viên đang nhiệt tình thuyết minh về từng nơi bước qua. Qua cây vú sữa trước nhà đồng chí Phạm Hùng, qua cái hố bom nuôi cá của đồng chí Nguyễn Văn Linh, qua căn nhà có cái ban công nhô ra hơi đặc biệt của đồng chí Võ Văn Kiệt... và cặp theo con đường xi măng trơn láng hôm nay vẫn còn đó những giao thông hào với những ngách hầm, những ụ đất khoét sâu cho chiến sĩ ta vừa là hầm tránh bom vừa là ụ chiến đấu. Dù vậy, chị vẫn không thể nhận ra ở khúc đường nào sâu trong lòng đất này cô bạn thân nhất của mình đã hy sinh. Loạt bom nổ khi Hạnh chưa kịp nhảy xuống đã hất nó xuống giao thông hào, ngực đầy máu. Trong vòng tay chị nhỏ bạn chỉ kịp thì thào: “Mày ở lại, chiến đấu tốt nhé! Nhớ an ủi anh Văn giùm tao”.
Bây giờ đứng trên đường nhìn xuống từng đoạn giao thông hào, chị như sống lại nỗi đau xé lòng ngày đó, như thấy những giọt máu của bạn mình đang nhỏ xuống đỏ cả một vệt đất. Năm ấy Hạnh cũng mới mười chín tuổi!
Có lẽ vì lời nhắn gởi thiêng liêng đó mà chị đã đến với Văn, người yêu của Hạnh. Từng đau nỗi đau mất mát người yêu, hai người rất dễ cảm thông cho nhau bởi họ có bạn chung, kỷ niệm chung và cả một thời tuổi trẻ đầy lý tưởng sáng trong, nhiệt thành. Sau này sống cùng Văn những ngày hòa bình, rồi có con, có cháu, chị biết tình yêu mình vẫn dành cho người nằm xuống đất rừng này. Giữa họ, sợi dây cột chặt của tình đồng chí đồng đội còn chắc hơn, bền vững hơn tình nghĩa vợ chồng.
Cuối cùng rồi anh cũng đã rời bỏ chị và con. Cái mảnh đạn trong đầu đã thôi hành hạ anh những lúc trái gió trở trời. Chị đón nhận sự mất mát lần này có bình thản hơn, êm ả hơn chứ không bất ngờ thảng thốt như thời thiếu nữ. Có điều sự trống vắng, hụt hẫng không vì vậy mà nhẹ bớt. Tự nãy giờ, hình như chị không chỉ trở lại cứ cũ một mình. Hình như có chồng chị, có cô bạn, có người yêu năm xưa cùng ngắm nhìn mọi thứ cùng chị. Cảm giác vừa bâng khuâng, ngậm ngùi lại vừa ấm áp cả lòng.
Ra khỏi bìa rừng, đột nhiên nghe râm ran tiếng ve. Có lẽ nắng ấm đã hong khô những cặp cánh mỏng ướt sương của chúng. Lâu lắm rồi chị mới nghe inh ỏi tiếng ve như vậy. Âm thanh cứ rền khắp, vang vang như muốn níu chân người ở lại với rừng già, với cứ cũ, với những cây cổ thụ hàng chục người ôm không hết...
Đến trạm kiểm soát bên ngoài, cậu hướng dẫn viên theo tiễn đoàn chợt chỉ lên mái nhà, tươi cười:
- Các cô chú có thấy mái lợp ở đây không? Lá trung quân nhân tạo đó. Giống như thật vậy phải không? Nghe nói sắp tới sẽ nhân ra ở các mái lá trung quân phía trong cứ để tiện việc bảo quản.
Chị cảm nhận một sự lặng lẽ trùm lên cả đoàn. Rất lâu, rất lâu, một chú cựu chiến binh luống tuổi, mặt đầy vết nhăn thốt ra một câu:
- Sao vậy hả cháu? Cái gì cũng có thể giả nhưng lá trung quân thì không cần giả cháu à!
Ngồi trên xe, ngang qua tấm bia lớn dựng đầu ngõ vào “Di tích Lịch sử Văn hóa, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam”, câu nói của người cựu chiến binh già cứ vang mãi trong đầu chị. Ừ, trung quân làm sao mà giả được! Rồi chị lại bồi hồi. Trong số bạn bè mình năm ấy, ai còn, ai mất? Còn ai về thăm cứ cũ và giữ mãi trong lòng mình hình ảnh lá trung quân?
NGƯỜI XƯA
Truyện ngắn
Cận tết, anh email về: "Anh sẽ về ngày..., ra đón anh nhé!". Lâu lắm chị mới nhận được tin anh. Vậy là như một người tình ngoan ngoãn, chị lại mua hoa ra phi trường. Lần này trông anh còn trẻ hơn hai năm trước. Đi bên anh chị càng thấm thía cái tuổi "bóng xế chiều tà" của mình.
- Anh về ăn tết luôn à?
- Ừ, cũng định vậy. Bên kia lạnh quá!
- Công việc thế nào?
- Cũng nhì nhằng. Nghề tự do mà. Lên lên xuống xuống vậy thôi.
- Bên này bọn em gọi là làm theo phong trào.
Anh cười ngất. Tiếng cười vẫn hào sảng, đáng yêu như ngày nào.
- Dùng từ hay quá hả? Anh lạc hậu mất rồi!
Hai người cứ nói những chuyện không đầu không cuối như vậy. Vậy mà lòng chị cứ như nở hoa. Có lẽ cả một thời gian dài, chị chưa hề thú vị thế trong chuyện trò, trong những giao tiếp hằng ngày. Hay đúng như lời nhỏ cháu gái thường phê bình:
- Cô đòi hỏi cao quá ở mọi người. Cứ như cái thời xưa của cô ấy!
- Sao là "của cô"? Vậy cái thời nay của cháu thì sao nào?
- Thì bọn cháu dễ chơi, dễ hòa đồng và vui hết mình, buồn hết cỡ chứ không giữ kín mọi thứ trong lòng để ngậm ngùi, phiền muộn như cô.
Giá như có mặt lúc này, chắc nhỏ cháu gái lại bĩu môi như mọi lần:
- Cô coi, cái chuyện tình yêu của cô cũng xưa như trái đất! Ai đời người yêu bỏ đi mấy chục năm trời, có vợ con đùm đề mà lần nào về cô cũng đón mừng như báu vật...
Chị liếc nhìn anh. Ừ, có lẽ mình vô duyên thật. Sao mình cứ như đứa trẻ được quà thế kia? Sao mình vẫn còn xúc động, bồi hồi trước người tình xa lơ xa lắc này? Còn anh thì... Chị thèm biết mấy cái vẻ tự nhiên nhẹ nhõm ấy của anh mỗi lần gặp lại. Cứ như không hề có cuộc chia tay ngày nào, cứ như hai người vẫn ngày ngày gặp mặt với những câu chuyện nổ dòn như pháo tết ấy thôi...
*
Đêm. Góc sân trước nhà ngát hương nguyệt quế. Hai chậu hoa chi chít những nụ hoa nhỏ, trắng ngần. Chị ngước mặt lên trời, hít thật sâu mùi hương ngọt nồng. Cụm hoa này một cô bạn chiết nhánh cho, chị trồng cả mấy năm trời, lá lên xanh mịt mù mà không hề ra hoa. Cô bạn bảo:
- Tại cành mận che rợp nên thiếu nắng đó mà, cứ bứng vào chậu mang ra chỗ thoáng, đừng tưới nước gì cả. Khi nào lá nó già đi, quắt lại cây sẽ phát hoa thôi.
Ngẫm ra thật đúng. Mấy hôm nay nguyệt quế đã nở đầy. Mùi hương đêm đêm theo chị vào giấc ngủ như nụ hôn đầu chị không thể nào quên, nụ hôn ướp đầy hương nguyệt quế bên thềm nhà anh một thuở xuân thì. Có phải vì vậy mà chị vẫn xao xuyến, vẫn nhớ mong?
Kỳ này anh về, chị sẽ khoe với anh hai chậu hoa này, loại hoa anh đã từng yêu thích. Chị sẽ châm một bình trà "quạu", thứ trà Thái Nguyên hạng nhất, pha cho mỗi người một "phin" cà phê đậm đặc trên chiếc bàn đá trước sân để cùng nhau đối ẩm trong hương nguyệt quế thơm nồng. Và mọi thứ lại như xưa, như tất cả vẫn đứng yên từ những năm tháng ấy. Trời, chị ao ước biết bao một lần được sống lại, chỉ một lần thôi...
Mỗi buổi sớm, đi tập thể dục nhìn thấy nhiều cặp vợ chồng già, chậm rãi đi từng bước bên nhau, thanh thản, yên bình như họ đã đi cùng nhau tự kiếp nào, chị thật ngưỡng mộ làm sao! Dường như những biến động, quay quắt của cuộc đời đều cúi đầu lùi bước trước những mái đầu bạc phơ, những gương mặt vô ưu kia. Và chị muốn được nhập vào họ, đi cùng họ, những "người xưa" ấy...*
Trước tết một tuần, đột nhiên anh thông báo:
- Mai anh phải trở qua thôi, bên ấy có việc!
Chị ngỡ ngàng:
- Sao vậy anh?
- À, con gái anh gọi về, chuyện làm ăn ấy mà.
Thì ra vậy. Anh vẫn nói tuy hai vợ chồng ly thân nhưng mấy đứa nhỏ vẫn "quấn" ba lắm, vẫn qua lại thường xuyên. Còn chuyện công việc thì làm sao lường được. Có điều chị vẫn nghe hụt hẫng trong lòng. Nhớ lúc mới về anh siết vai chị, hứa:
- Nhất định năm nay anh ăn tết quê nhà. Lâu lắm rồi anh thèm không khí, hương vị tết của mình, ăn tết bên kia buồn lắm, trống vắng lắm...
Hóa ra "hương vị quê hương" vẫn không sánh được chuyện làm ăn! Hình như có điều gì đó vừa vỡ vụn trong chị. Một chút vị trà Thái Nguyên đắng đót mà ngọt mềm trên lưỡi, mùi thơm lừng của tách cà phê bốc khói, hay thoáng hương nguyệt quế trong đêm... Ôi nguyệt quế trắng ngần của nụ hôn xưa đã rơi rụng rồi sao, trong lòng con người chân vừa chạm ngõ đã thấp thỏm rời xa?
Đưa anh đi rồi, chị trở về căn nhà quạnh quẽ. Nhỏ cháu đã theo bạn đi chợ tết. Chị ngồi lặng trên băng đá trước sân nhà. Hai chậu nguyệt quế vẫn tỏa hương mà người yêu hoa đã đi mất. Đêm vẫn trôi lặng lẽ. Đêm dịu dàng ủ kín chị trong bóng tối êm ả. Chị nâng tách trà lên uống một ngụm rồi cười khan một mình. Có lẽ nhỏ cháu gái chị nói đúng. Chị quả thật là "người xưa"!
Nguyễn Ngọc Tuyết
TƯ LIỆU:
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết nhận giải Nhất tác phẩm “Tiệm sách cũ bên đường” của cuộc thi Nét đẹp tiềm ẩn do Tạp chí Du lịch TPHCM tổ chức trong thời gian từ ngày 1-5 đến 15-12-2009.Nguồn: http://tintuc.xalo.vn/001865234428/trao_giai_cuoc_thi_tho_van_tphcm_net_dep_tiem_an.html
***
Vài hình ảnh nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết với các văn hữu
Với nhà văn Hồ Tĩnh Tâm
Với nhà thơ Thái Hồng
***
"Cõi xưa" hồn hậu NHỮNG CHỮ A VUI
Tập truyện ngắn “Cõi xưa” (NXB Văn Nghệ, tháng 12-2009) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết như đưa người đọc trở về quá khứ: thời mà nước sông rạch Cần Thơ còn trong veo, nhà cổ phố phường hiền hòa nép mình giữa những hàng cây xanh, những làng nghề truyền thống đã hóa “lạ lùng” trong đời sống hiện đại... Tập sách gợi cho người đọc cảm xúc của một thuở ấu thơ.
Sách được viết bởi một cô giáo - nhà văn đã sống cả cuộc đời tại Tây Đô, thông thạo địa danh, huyền sử và những con người mang khí chất đặc trưng của mảnh đất này. Chất liệu đó được thể hiện bằng bút pháp giản dị, mạch lạc, tự nhiên, chân thành, giàu hình ảnh và giàu cảm xúc, khiến mỗi trang viết như vẽ ra trước mắt người đọc những khung cảnh sống động và cả những nỗi niềm dường như chỉ còn trong ký ức của người Cần Thơ xưa. Mỗi khung cảnh ấy đều được điểm xuyến, tái hiện quanh một nhân vật, luôn khiến độc giả cảm thấy rất gần gũi vì đó chỉ là những người dân lao động bình thường.
Người đọc sẽ vừa hạnh phúc vừa bùi ngùi cùng bà Mười Mót, nghệ nhân dệt chiếu cao niên cuối cùng của “Xóm Chiếu ngày xưa” ở rạch Cái Răng. Sáng nào bà cũng băng qua cây cầu mới xây nối khu vực Đình Nước Vận với các tuyến đường xung quanh, chỉ để tủm tỉm cười vì “Ở cái vùng sông rạch chằng chịt, mỗi bước đi ra là xuống ghe xuống xuồng, chân đi không bén đất này, việc đi thẳng qua bên kia sông trên một cây cầu thênh thang há chẳng phải là một giấc mơ sao” (trang 44). Nhưng bà Mười Mót không khỏi ngậm ngùi vì sự đổi thay đó làm mai một nghề dệt chiếu truyền thống, bởi thời nay không còn ai dệt chiếu thủ công như bà, mà dùng máy dệt, hay xài chiếu ni-lông nhập từ Trung Quốc.
Câu chuyện của bà Ba Thời khiến người đọc xót xa. Dù tuổi cao sức yếu, bà vẫn ráng giữ nghề đan giỏ lùn trong ngôi nhà mà con cháu đang sùng sục đòi bán đi bởi cầu Cần Thơ đi ngang nhà khiến giá tăng vọt. Truyện “Người đan giỏ lùn cuối cùng” kết thúc cùng với cái chết do tuổi cao của bà Ba Thời, để lại chiếc giỏ “có hai quai mảnh nhẹ bỗng, có những cái mắc nhỏ xíu, tròn xoe như từng con mắt mở ra” (trang 36) dở dang, có lẽ sẽ không có người tiếp nối.
Còn rất nhiều nhân vật khác trong “Cõi xưa” với nhiều mảnh đời đầy xúc động, như bà Ba Tiệm bán tạp hóa có tấm lòng nghĩa hiệp ở một xóm lao động nghèo, vợ chồng Hai Côn ở xóm ve chai với nỗi lo nuôi dạy thế hệ sau ăn học đàng hoàng, nỗi buồn của người phụ nữ rời bỏ mảnh đất quê nhà lên thành phố mở quán cà phê kiếm sống qua ngày để rồi bàng hoàng nhận ra đứa con trai của mình đã học hư tự khi nào. Gắn liền với mỗi nhân vật là những địa danh Cần Thơ xưa như dãy phố 18 căn, Ngã ba Cầu Xéo... Ẩn trong trang sách vẫn thấp thoáng nỗi lo lắng của một người hoài cổ trước việc đô thị của “thủ phủ miền Tây”, mải mê phát triển về kinh tế, nhưng dường như đánh mất bản sắc riêng trong đời sống tinh thần, khiến tâm tánh con người thay đổi.
“Cõi xưa” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết còn có những trang viết đầy kỷ niệm về tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, tình đồng nghiệp trong các truyện ngắn “Người xưa”, “Tiếng chim trên nền nhà cũ”, “Học trò già”, “Tình hoa kiểng”, “Bông hồng muộn”... Tất cả mở ra cho người đọc một thế giới tình cảm trong trẻo, vô tư, không vụ lợi mà dường như nhiều người đã quên mất trong cuộc sống hiện đại. Khép sách lại, người đọc hoàn toàn đồng cảm với lời bộc bạch của nhà văn: “Phải chăng đến một lúc nào đó, mắt ta mờ dần, tai ta lãng đãng, ngọn lửa trong tim ta chỉ còn hiu hắt, ta lại muốn sẻ chia với mọi người “miền nhớ” trong ta. Bởi sẻ chia là hạnh phúc, là được sống lại một lần nữa những kỷ niệm ngọt ngào”.
XUÂN VIÊN
Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&id=49265
NHỮNG CHỮ A VUI
AT - Buổi sáng nhận được điện một anh bạn ở Biên Hòa. Anh cho hay anh và mấy người bạn sắp về Cần Thơ để ngắm cầu. Cây cầu Cần Thơ đã thông xe hơn hai tháng nay mà bạn bè các nơi vẫn tấp nập tìm về. Vậy mới biết người dân "đất chín Rồng" này tha thiết với cây cầu hoành tráng của mình như thế nào.
Minh họa: Mặc Tuân
Một anh bạn tôi quê gốc ở Bến Tre, năm trước đây vui sướng trước việc cầu Rạch Miễu quê anh thông cầu thông xe, đã nhắc đi nhắc lại một câu khiến bạn bè ai nấy cũng vừa cười vừa rưng rưng nước mắt: "Khi nào được đi lên cầu Cần Thơ qua sông Hậu tôi có chết cũng cam lòng". Nay thì ước nguyện của anh đã thỏa rồi. Cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á với dự án hình thành từ năm 1996, khởi công từ năm 2004, trải qua bao trở ngại, khó khăn đến nay đã 14 năm! Một khoảng thời gian quả là dài dằng dặc và đầy mệt mỏi, pha lẫn với mất mát, đau thương.
Còn nhớ một ngày trước khi khánh thành cầu, tôi đã đứng trên khu du lịch Phù Sa, nơi trước kia là Cồn Ấu của TP Cần Thơ để nhìn cho rõ tổng thể cây cầu sắp thông xe. Trên sông nước mênh mông, cây cầu giăng ngang như một sợi chỉ mảnh mai, thanh thoát với những tao chỉ tỏa ra, tỏa ra từng đoạn đều nhau.
Và nhìn từ đây, những trụ cầu cắm vào lòng sông hiện rõ hình những chữ A mang ý nghĩa sâu sắc như lời một nhà thầu Nhật phát biểu trong ngày khởi công căng cáp dây văng cầu Cần Thơ: "Trụ thấp cầu Cần Thơ được thiết kế theo hình chữ A. Chữ A mang ý nghĩa đặc biệt là A Di. Người Á Đông đa số theo đạo Phật, khi chấp tay niệm A Di Đà Phật là mong ước sự an lành, bình an. Cầu Cần Thơ thiết kế theo ý nghĩa đó và mang màu sắc phương Đông". Hôm ấy, nhà thầu Nhật kia sau đó đã đứng thẳng người, chắp tay đưa quá đỉnh đầu, hai chân khép lại đúng như biểu tượng của cầu Cần Thơ, khiến mọi người dự lễ rất thú vị.
Tôi đã đứng đó, nhìn cây cầu của quê mình, nhìn những trụ cầu hình chữ A với bao nỗi cảm hoài. Vui vì đây là cây cầu cuối cùng trên đường xuyên Việt từ Bắc đến Nam đã hoàn thành. Vui vì từ nay "đất chín rồng" sẽ bay lên trong vận hội mới bằng con đường giao lưu nối liền đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và cả nước. Vui vì niềm mơ ước bao năm của 16 triệu dân miền Nam sông Hậu đã thành hiện thực, một hiện thực đẹp như một giấc mơ. Nhưng niềm vui có đầy tràn đến mấy, nỗi náo nức có sôi lòng đến mấy cũng không thể quên những ngày sông nước quặn mình đau.
Vẫn còn đó nhà tưởng niệm, tấm bia tưởng niệm khắc tên 55 người dưới chân cầu trong khuôn viên chùa Bồ Đề, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long. Vẫn còn đó những khoảng trống của đứa con, của người cha, người chồng để lại ở xóm này. Trong nỗi cảm hoài, tôi lại nhớ đến câu nói của một anh bạn trong bài báo hôm nào: "Mai này qua cầu Cần Thơ đừng quên họ! Nhớ để tri ân những người nằm xuống! Nhớ để nói với con cháu rằng để có được cây cầu này không chỉ có mồ hôi mà còn có cả máu xương, nhiều lắm của những công nhân, kỹ sư đã đổ xuống...".
Và đối với người dân cả đời sống trên đất Vĩnh Long, Cần Thơ thì đâu chỉ đơn giản là chuyện cây cầu bắc qua sông Hậu! Bởi trên con sông Hậu đỏ ngầu phù sa mỗi mùa nước nổi kia còn có "trăm năm phà Cần Thơ”! Những chuyến phà đã đi vào nỗi nhớ một thời như lời một bài hát quen thuộc "Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm trên bến Bắc Cần Thơ...".
Đêm cầu Cần Thơ vừa khánh thành, tôi đã tìm lên bến Bắc Cần Thơ, nơi mấy chuyến phà vẫn còn qua lại mấy hôm trước khi chấm dứt nhiệm vụ lịch sử để thấy không chỉ có mình tôi. Một số khách hai bên bờ sông Hậu vẫn tiếp tục qua phà. Họ đi vì công việc hay giống như tôi, có ai đó muốn từ biệt những chuyến phà từng gắn bó một đời với mình?
Tôi đã đứng hồi lâu nơi nhà chờ bến phà, nhìn mãi những đóm mắt đỏ lừ của từng chuyến phà đang về bến, chậm rãi cập vào cầu phao mờ mờ trắng trong đêm, cảm thấy như những con phà cũng đang mang tâm sự, đang thổn thức vì cuộc chia ly sắp diễn ra trên mênh mông sóng nước này. Nhắm mắt lại, mùi ngai ngái của hơi nước, của phù sa sông Hậu vẫn ùa vào mũi như ngày xưa, mỗi lần cô học trò tỉnh lẻ từ Sài Gòn trở về. Đứng trên phà, hít một hơi thở thật sâu, cái mùi đất, mùi bùn, mùi nước ấy cứ tỏa ra, tỏa ra, lâng lâng nồng nàn: vậy là đã tới nhà!
Mai này chắc không còn dịp đứng giữa sông nước mênh mông mà cảm nhận mùi vị của quê nhà như thế nữa. Bù lại cây cầu kỳ vĩ bắc ngang sông kia cũng say đắm lòng người biết mấy! Nói như anh bạn tôi: "Một đời được thấy cả hai cây cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu như vậy còn mong muốn gì hơn"...
Giờ thì niềm vui, nỗi háo hức cũng lắng xuống rồi. Nhưng mỗi lần bạn bè đâu đó nhắn tin sẽ về Cần Thơ coi cầu, lòng không khỏi tự hào. Mỗi lần theo bạn bè lên cầu, lại ngắm hoài những chữ A nối tiếp nhau, miệng muốn niệm A Di Đà mong yên bình cho những người đã khuất, A Di Đà cho hạnh vận của cư dân đồng bằng, cho "đất chín Rồng" có ngày bay lên...
Những lúc đó cây cầu trong mắt tôi, trong lòng tôi đã trở thành "những chữ A vui"!
NGUYỄN NGỌC TUYẾT
Nguồn: ÁO TRẮNG số 13 (15. 2. 2010)