Nhà văn NHẬT HỒNG
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 7153
Tên thật Nguyễn Văn Lộc
Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
ĐT: 0939860568
Tác phẩm riêng:
MƯA XANH thơ, NXB Văn Nghệ TP. HCM - 2000.
CÒN BÊN NHAU truyện ngắn, NXB Thanh Niên – 2008.
3 NGƯỜI ĐÀN ÔNG truyện ngắn, NXB Văn Nghệ TP. HCM – 2009.
Tác phẩm chung:
15 Truyện Ngắn và Thơ
Giải thưởng:
6 Giải Văn học ở tỉnh, thành và ĐBSCL (gồm 3 giải thơ, 3 giải truyện ký).
Huế và cuộc hành trình không mệt mỏi
Bút ký của Nhật Hồng
Huế và những địa danh khác không lạ gì với nhiều người, nhưng đối với tôi lạ lắm, vì chưa một lần đặt chân tới đây. Nghe phong phong có chuyến đi thực tế ra Huế tôi đăng ký liền. Ngày giờ đi dời tới lui đôi lần, cuối cùng ngày X, giờ Y xe lăn bánh. Theo lộ trình của Ban tổ chức, đi ra Tây Nguyên lần theo đường Trường Sơn điểm dừng là Huế. Rồi từ Huế theo đường quốc lộ 1A về Cần Thơ.
Đoàn gồm 19 chín người, 7 nữ 12 nam do nhà văn Lê Minh Phán làm trưởng đoàn. Xe qua Bình Phước trời đã trưa, tiếp tục đi Đắc Nông, bác tài xế có lẽ bị nụ cười quyến rủ của cô chủ quán cơm bên vệ đường hút hồn nên lạc lối chạy xuống Lộc Ninh. Biết lạc, tài xế dừng xe cho chúng tôi uống cà phê hỏi thăm đường đi tiếp. Uống cà phê xong, lên xe đi tiếp chạy loanh quanh một hồi trở lại quán cà phê khi nảy. Buồn cười! Tám giớ tối mới tới Buôn Ma Thuột.
Đêm Buôn Ma Thuột ấm áp, yên tĩnh lạ. Dù mệt nhưng tôi không thể ngủ sợ uổng phí thời gian nên xuống nhà khách Công Đoàn làm quen với cô trưởng quầy hàng hỏi thăm một số địa danh nơi đây. Tên cô vừa giới thiệu tôi đã quên liền, nhưng nụ cười và sự niềm nở, trí thông minhcủa cô tôi không thể nào quên được! Cô kể thật vui: “ Thường các suối đổ ra sông, sông chảy về đông, nhưng ở đây có dòng suối chảy ngược về tây, đó là dòng Sérépóc mai anh đến đó sẽ thấy!” Cô ta định kể thêm chuyện khác, thấy khách vô tôi rút lui.
Hôm sau, ngày 22/6 đồan đi Buôn Đôn được sự hướng dẫn của nhà văn Lê Khôi Nguyên PCT.Hội VHNT Tỉnh Buôn Ma Thuột. Khôi Nguyên có lối kể chuyện thật vui và hấp dẫn, đoạn đường dài 45 cây số đến Buôn Đôn không lúc nào thiếu vắng nụ cười. Anh hát bài : Ta yêu nhau trên Cao Nguyên của nhac sĩ Nguyễn Cường có cãi biên “ Tây Nguyên có cái nắng. Có cái gió. Có cái đó…” anh chị em trong đoàn Cần Thơ cười nghiêng ngữa. Khôi Nguyên kể về voi có trí thông minh bằng đứa bé 12 tuổi. Voi cũng có tình cảm như người, cũng yêu cũng… gây nòi giống. Khi yêu ai đó mà không được cưới, hoặc chủ đi cưới chỗ khác sẽ bị trừng phạt. Cách trừng phạt: chủ phải làm lễ cưới voi như tục lệ người. Voi có bầu 16 đến 18 tháng khi sanh quần cả chục hécta cây cỏ. Voi có bầu phải có chế độ nghỉ ngơi và thời gian nuôi con. Nên phần nhiều chủ voi vì lợi trước mắt không cho voi đẻ. Vì thế, voi ở đây ngày một giãm dần.
Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên rất hay nhưng tiếc, tôi không ghi chép nên quên ráo trọi. Chỉ nhớ hương cơm lam trong óng nứa thơm lừng mùi đặc trưng của rừng núi Tây Nguyên. Tôi bắt được ống cơm có cơm cháy, Khôi Nguyên cho rằng tôi hên lắm!
Rời Buôn Ma Thuột đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến Gia Rai. CT Hội VHNT Ô. Lê Xuân Hoan, nhà thơ Văn Công Hùng PCT, cùng Hoàng Thanh Hương, nhà văn Thu Loan tiếp rước nồng hậu. Hôm sau 24/6 đoàn đến KonTum lúc 15 giờ chiều, đoàn đi loanh quanh một số nơi như nhà thờ gỗ… Chiều đó dược anh em Hội VHNT Kon Tum đãi bữa cơm thật vui. Có các anh: Lại Hữu Kim CT.Hội, Nguyễn Viết Huy PCT, Nguyễn Trọng Khanh PCT và nhà thơ Tạ Văn Sĩ, Hồng Thuỷ Tiên cùng các anh Trường Sơn Tuyên Giáo, TT VH Tỉnh cũng đến dự. Buổi tiệc náo nhiệt và tràn đầy tình nghĩa. Chia tay về khách sạn Quang Trung tôi chưa kịp thay quần áo thì có điện từ phòng khách gọi lên báo có anh chị: Lại Hữu Kim, Tạ Văn Sĩ, Hồng Thuỷ Tiên đến chơi. Tôi và phù Sa Lộc, Trung Nguyên, Đặng Hoàng Thám, Nguyễn Thanh Chương đành lôi chai rượu A ma kông mua ở Buôn Ma Thuột ra tiếp khách. Mồi nhấm là trái sầu riêng có tám hột, chia mỗi người một hột.“Gặp bạn hiền nước lã cũng say.” Đàng này cuộc tao ngộ bất ngờ của anh em có tâm hồn nghệ sĩ nên rượu uống như nước không say. Cứ nhắm một miếng rượu là nút chút sầu riêng, nút đến nhẵn bóng cái hột mà không hay. Hết rượu, tưởng thôi Anh Lại Hữu Kim gọi tắcxi đến quán chị nuôi ăn cháo khuya.
Mưa vừa dứt hột đêm Tây Nguyên se lạnh, cháo nóng hổi tôi húp ngon lành, nào ngờ anh Lại Hữu Kim còn hưng phấn mua 3 chai rượu Hà Nội loại một xị thấy mà ngán ngừ. Hồng Thuỷ Tiên rót rượu với ánh mắt chân tình của người thơ nên lắc lẻo cũng cạn hết 3 chai. HồngThuỷ Tiên tác giả của tập thơ “Đoản khúc riêng mình” vừa phát hành tháng 3 năm 2010. Tiên vừa rót rượu vừa kể chuyện đời mình: “Em 8 tuổi mồ côi mẹ, cha bỏ đi, em sống và lớn lên nhờ sự đùm bọc của người bà con. Rất mai em đã tốt nghiệp phổ thông và được các anh các chú trong Hội VHNT giúp đỡ và giới thiệu vào Đại học Văn ở Hà Nội hiện nay.” Chia sẻ và cảm thông với Tiên nên không một ai từ chối, Phù Sa Lộc bệnh cao huyết áp cố tránh né một hồi cũng say. Chúng tôi về khách sạn lúc 2 giờ khuya , cửa khoá kín phải ra chiêu năn nỉ anh bảo vệ mới vô được. Tôi chia tay với anh Kim thắm đẫm sương đêm phố núi Tây Nguyên và men rượu Hà Nội ngà say cuộc hội ngộ và chia tay đầy ấn tượng khó mà quên.
Sáng hôm sau 25/6 đoàn theo đường Trường Sơn ra Huế. Xe dằn xốc uốn lượn qua khúc quanh thót ruột gan, có khi ôm vách đá cheo leo trên chót vót nhìn xuống thung lũng thấp sâu hun hút thấy mà ghê. Trong cảnh này nhớ các chiến sĩ bộ đội ngày xưa vượt Trương Sơn gian khổ đến mức nào! Chưa nói đến cảnh bom đạn chết chóc luôn bên mình. 12 giờ 43 phút xe chui qua hầm Hải Vân.
Cố đô Huế đón chúng tôi bằng những cơn nắng náo nhiệt trên 35 độ c, ngọn cờ đỏ sao vàng lắp lánh in trên nền trời Điện Thái Hoà, Huế thơ mộng thực sự trong tôi, hơn nửa đời người tới mới có dịp nhận ra. Lúc trưa nghe điện thoai của nhà thơ Võ Quê gọi nhà thơ Phù Sa Lộc sẽ đón đoàn Cần Thơ đặc biệt bằng một suất ca Huế trên sông Hương miễn phí. Tôi náo nức chờ đợi.
Rời thành nội lúc 14g30 mới hay tin cuộc đi chơi thuyền trên sông Hương không thực hiện được vì có những ý kiến khác nhau trong lãnh đạo đoàn. Tiếc quá! Tối đêm đó, chúng tôi gọi anh Võ Quê đến quán bún bò Huế ở đường Điện Biên Phủ lai rai cho đỡ buồn. Không được nghe người đẹp ca Huế trên sông đành bắt nhà thơ Võ Quê làm giai nhân ca Huế, ngâm thơ. Làn điệu Huế qua bài chầu văn, tương tư và bài thơ “Viết trên đồi Vọng cảnh” của nhà thơ Võ Quê làm cho tâm hồn người Cần Thơ dìu dặt vào cơn mê. Không ngờ làn điệu Huế có sức hấp dẫn và lôi cuốn mãnh liệt đến thế! Phải chi ngồi đưới thuyền nghe người đẹp ca còn hấp dẫn biết chừng nào! Đành giã từ Huế với sự thèm câu hát trên sông Hương. Hẹn lần sau vây! Bao giờ có!
Rời cố đô Huế lúc 7 giờ sáng thứ bảy ngày 26/6/2010.Xe qua đèo Phước Tượng, Phú Gia, Đầm Lăng Cô lên dốc Hải Vân xe đừng lại, Tôi leo lên lo cốt nhìn về phía Bắc (cách Huế 80km) đường đèo lượn quanh co uốn khúc dưới mạn sườn đồi núi chen lẫn màu xanh núi rừng trùng điệp. Nhìn về Nam (cách Đà Nẵng 35km) bên trên là rừng núi trùng điệp, dưới là biển xanh mút tầm mắt. Liên tưởng đến người xưa nhọc nhằn mở cõi phương Nam.
Đoàn đến Đà Nẳng 12 giờ trưa, ở nhà nghỉ Red Apple Hotel ( Táo Đỏ) đường Phan Bôi, Sơn Trà Đà Nẳng chiều đi xem làng nghề Non Nước, cầu dây văng Sông Hàn và Phố Hiến. Phố cổ Hội An nằm bên sông Hoài ra cửa Việt, phố tấp nập du khách khắp các châu lục: Tây, Âu, Á … Xưa có câu : Thứ nhất kinh kỳ. Thứ nhì Phố Hiến. Đúng là nơi hội tụ giềng mối mua bán ngày xưa, giờ còn giữ được cổ kín và thu hút nhiều khách tham quam du lịch. Tôi không biết mua gì bắt chước nhà thơ Lê Chí mua một gốc tre tượng nghệ thuật. Nhớ nội tôi khi xưa thuờng đố vào buổi tối: “ Ông già đã chết từ lâu, thi thể đã mất tóc râu vẫn còn…” Nghe người ta giới thiệu phố cổ về đêm có chí mà phủ ( chè mè đen ) ngon lắm, tiếc không ở được!
Chiều tối nhà thơ Lê Chí rủ nhà thơ Thanh Quế ăn ốc biển uống bia Sài Gòn ở đầu đường phan Bôi bên này sông Hàn. Thanh Quế say sưa kể, người nghe cũng say theo. Từ khi ngồi vào bàn đến khi về ông ta kể không dứt chuyện. Khi chia tay về ông còn nói: “ Hôm nay tôi diêm phế quản…”
Rời nhà nghỉ Táo Đỏ lúc 6 giờ sáng chủ nhật 27/6, đoàn đi vô Mỹ Sơn theo tỉnh lộ 610, khu di tích Mỹ Sơn được công nhận di sản Thê Giới. Ở đây thuộc quần thể tháp cổ được gọi là Thánh Địa Mỹ Sơn của dân tộc Champa xây dựng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13 thì mất . Người Pháp phát hiện ra năm 1885. Giờ khu di tích hoang phế với gió núi và mưa rừng.
Chiều về nghỉ khách sạn Hừng Đông tp Qui Nhơn, hổng biết nhà thơ Lê Chí phấn khởi điều gì mà quèo tôi, Phù Sa Lộc, Đặng Hoàng Thám ra quán ăn mực luột uống bia 33. Anh Chí khen đồ ăn của quán ngon, bà chủ vui vẻ. Sáng ra, anh Chí xem lại hoá đơn dĩa mực luột 9 con vỏn vẹn mà 60.000,đ. Thấy bọn tôi nhìn anh, anh đỡ lời : “ Công người ta chế biến, hấp cũng cực lắm!”
Sáng ngày 28/6 đi hòn Đá Dĩa cách QL 1A 18km nằm ở Khu Văn Hoá Diêm Điền. Đặc biệt, đá dĩa chỉ có ở Việt Nam, Hàn Quốc và Ailaint. Từng khối đá hình trụ như có bàn tay người xếp dựng đứng khích khao cập mé biển thật ngộ nghỉnh. Vùng đá dĩa này có tới 500m2, đây là hiện tượng núi lửa phun trào đứng gặp lạnh nên ứng lưu đông lại thành khối còn nguyên dạng lạ mắt.
Chiều đến, Hội VHNT tỉnh Phú Yên tiếp đón bửa cơn thân mật ở nhà hàng sinh thái Thuận Thảo, Nhạc sĩ Ngọc Quang CT Hội, Huỳnh Thạch Thảo, Trần Quốc Cưỡng PCT cùng các cô văn phòng thếch đãi rất nồng nhiệt.
Chiều ngày 29/6 đến Phan Thiết nghỉ ở khách sạn Tây Hồ 403, đường Trần Hưng Đạo. Anh em Hội VHNT Tỉnh Phan Thiết có đủ mặt CT và PCT Hội, nhà văn Lê Nguyên Ngữ ân cần bắt tay chia sẻ với chúng tôi qua những chặng đường dài bằng những ly bia thân thiết. Tối, nhà báo Hồ Việt Khuê rủ tôi, Phù Sa Lộc, Đặng Hoàng Thám ra dốc cầu Cà Ty để chia sẻ những ngày nắng gió đến 11 giờ đêm.Tưởng yên, Hồ Việt Khuê còn chở đi massa về khách sạn 1 giờ khuya. Hồ Việt Khuê say là ngà đọc hai câu thơ của nhà thơ Bắc Sơn : “ Ta vốn ghét đàn bà như cục cứt! Nhưng cớ sao ta lại yêu em!” Đêm cuối của chặng đường du hành ra Huế đầy ấn tượng đẹp! Khó quên!
Đoàn về đến Cần Thơ 4 giờ kém 10 phút, cô Thanh Trúc chánh văn phong Hội VHNT hỏi tôi: “ Sao anh về sớm vậy, không tranh thủ đi cho hết ngày!” Tôi chợt nhớ đến lời đề nghị của nhà thơ Lê Chí : Lên đồi Bạch Mã, Cổ Thạch cả hai bị khước từ.
Riêng tôi, Huế và cuộc hành trình không mệt mỏi đã cho tôi niềm tin và lẽ sống, mắt thấy tai nghe lắm điều hay đẹp từ dãy đất Tây Nguyên ra miền Trung yêu mến! Tình người và tình đất nhắc nhở tôi phải viết bằng con tim của mình.
Xin chân thành cám ơn các anh em Hội Văn Học Nghệ Thuật ở các nơi dừng chân đã dành cho đoàn Cần Thơ một sự tiếp đón nồng hậu và chân tình. Hài lòng và thoả nguyện, dù không ngồi được trên thuyền nghe ca Huế, nhưng nghe Võ Quê ca bên bàn nhậu cũng đủ lắm rồi!
N.H
THƠ
Trên từng Huế thương
Nắng chợt vén
bờ sương sa
Một vùng suối tóc
chảy qua kinh thành
Nét giai nhân
lồng trong tranh
Rưng rưng bờ mắt
treo cành vàng mai
Phú Văn Lâu
bỗng nhớ ai
Thuyền xuôi Đập Đá
sáng nay chở tình
Gió như giậm bước
rập rình
Tay nâng vạt áo
buột mình với ta
Ngõ Hạnh vắng
áo tân khoa
Chợt nghe câu hát
bay qua cung đình
Em còn thắm
nét môi xinh
Co duyên dáng cũ
gợi tình bướm ong
Đường đại nội
vút mái cong
Lầu hoa
cỏ bám rêu phong tháng ngày
Rèm châu thoáng
cánh mây bay
Nhớ non nước cũ
dấu hài đế vương
Ta về
ngắm lại Sông Hương
Cố đô bừng nắng
rám đường mây xuân
Sao em còn những ngập ngừng
Nét hoa văn nổi
trên từng Huế thương
Nhật Hồng
Con chữ sống
Truyện ngắn
“Ông ta chụp con nầy đặt ngồi xuống đó, chụp con kia đặt ngồi chỗ kia. Vừa đặt xong, những con chữ nhãy múa lộn xộn. Ông Ta ngồi xếp cả buổi không xong, giận đập đầu từng con cho nó chết rồi đặt vào chỗ mà ông ta đã định. Trong số những con chết nằm nghiêng ngã, có một con ngam ngáp ngồi dậy hỏi: “ Ông đập đâu tui để làm gì?” “Mầy nằm xuống ngay ngắn đi rồi sẽ biết! Để làm gì?” Cả lớp cười một cái rần, vỗ tay tán thưởng câu chuyện vui cuối giờ của thầy Mai kim Đỉnh kể về một chàng thư sinh mới bắt đầu viết văn. Mỗi lần ngồi vào bàn viết chiêu dụ từng con chữ về mà nó không về. Có khi nó kéo về hàng đống lo đùa giỡn mà không chịu vô xếp hàng. Chàng thư sinh nổi giận dùng thướt sắt khỏ vào đầu từng con cho chết.
Tôi nhớ ngày còn đi học cái chữ cái nghĩa đối với tôi xa vời vợi. Cố gắng cho lắm cũng ngần này, thêm nữa không vô. “ Toán dở, văn lại tệ hơn, lỗi chính tả thì đến không xuể!”- Thầy thường quở trách như vậy. Biết mình dở nên lúc nào cũng cố gắng thân thiện với chữ, mài mò những phương trình toán học. Nhưng mà…nuốt không vô, càng cố nuốt lại càng vội ra, mắc nghẹn gần chết! Có lần thầy Đỉnh vỗ vai tôi nói: “Cố gắng lên, ở đời không có gì khó, sợ lòng không bền.” Thầy Đỉnh chỉ hơn tôi một con giáp mà giảng môn văn nhiều trường đại học. Ngoài ra, thầy con viết báo, viết truyện làm thơ… Tôi kính yêu thầy Đỉnh không những trên bụt giảng mà còn ở ngoài đời. Mặc dầu đã ra trường mà tôi vẫn còn tới lui thăm thầy. Thầy Đỉnh cũng mến tôi. Có lần thầy hỏi: “Nguyện vọng của anh làm gì?” “ Em muốn trở thành nhà văn thầy ạ!” Thầy Đỉnh cười: “Có thật không, viết văn là tốt, đáng khuyến khích!”
Biết tôi có ý thích văn và có nguyện vọng trở thành nhà văn, thầy Đỉnh nói: “Muốn trở thành nhà văn, trước hết phải tập cái quan sát thật tinh tế. Có những chi tiết người thường không nhận ra, mà người viết văn nhận ra. Chính xác, tinh tế, nắm bắt được những điểm then chốt, cần thiết… Kế đến phải đọc. Người không viết văn chỉ tìm đọc những thứ mình thích. Còn nguời viết văn ngược lại, đọc luôn những thứ mình không thích. Đọc không vô cũng phải ráng đọc. Đọc để hiểu, để biết! Những lần đàm đạo tôi nhận ra thầy Đỉnh có một kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn học nghệ thuật, trong nước và ngoài nước. Thầy Đỉnh đề nghị: “Anh nên tập viết, trước hết viết giới thiệu các món ăn, thức uống ở quê mình. Tôi sẽ gởi đăng một số báo quen biết. Khi đọc giả quen rồi, phát huy lên viết ký, truyện về đất nước con người ở xứ sở mình… Viết cũng là một cái thú!” Thầy Đỉnh hỏi tôi: “ Tại sao anh chọn nghề viết viết văn?” Sau một lúc lâu tôi giải thích quanh co, thầy Đỉnh nói: “ Lý do của anh chưa vững vàng, sợ đây rồi anh sẽ bị lung lay bỏ cuộc. Vì người viết luôn đối mặt với chính mình. Đối mặt với mình mới quan trọng, không thể khuất tất dù là cây kim, sơi chỉ. Nhưng cũng được đi!” Thầy vỗ vai tôi: “Lẽ đời không phải lúc nào cũng lý giải được đâu. Có sự việc trăm năm rồi mới biết!”
Nghe theo lời ba mẹ tôi: Muốn làm ông chủ phải ở đợ. Muốn lập thân phải chọn lấy nghề, trao đổi đức tính tốt, lao động tốt. Buộc tôi nhận lời phụ trông coi cửa hàng Hưng Thạnh của cô dượng. Từ con số trên máy vi tính đến cửa hàng, kho bãi tôi thuộc nằm lòng trong bụng. Kho chia ra nhiều kho nhỏ: Hàng nhập, hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng…Ngày nhập, xuất, tồn… tôi nắm rõ trong lòng bàn tay. Vốn cần mẫn siêng năng nên tôi được ông dượng tín nhiệm, giao luôn việc ngoại giao tiêu thụ hàng hoá. Tôi như con thoi đầy ắp công việc, đầu óc nhồi nhét đủ thứ còn đầy hơn cái kho. Đôi khi tôi quên mất tôi. Ông dượng thấy tôi đảm đương nhìều công việc, hoàn thanh tốt nên coi như con ruột. Một hôm ông nói: “ Tần à, thay quần áo đi công chuyện với dượng.” Đến một cửa hiệu buôn lớn, ông dắt tôi vào phòng khách, chủ cửa hiệu người Tàu vui tính, cười nói cởi mở hết mức. Hai người dắt lên lầu bàn việc gì đó, một lúc sau trở xuống, dượng nói với tôi: “ Con ở đây chờ dượng nhé! Dượng cùng ông Sanh Mậu đi bàn công chuyên làm ăn, khi về dượng ghé rước con. Ở đây đợi dượng nghen!” Hai người phóng lên xe biến mất trong làn bụi.
Tôi ngồi trong phòng khách sang trọng, yên lặng như ốc đảo. Phòng khách bày biện hài hoà giữa đông và tây rất trang nhã. Thời gian thừa thải không biết làm gì, tôi đi lòng vòng trong phòng xem những cục đá nghệ thuật ở Tây Nguyên, những bức tranh sơn dầu, điêu khắc của những tay hôi hoạ danh tiếng trong và ngoài nước. Cả dến những bức tranh khoả thân đầy sức sống, nỗi bật những đường nét độc đáo có một không hai. Tôi thầm nghĩ: “ Nhà kinh doanh mà cũng có đầu óc nghệ thuật ghê!” Mãi mê ngắm bức tuợng “ Cô gái sơn cước” trẻ đẹp . “ Mời anh dùng nước.” Tôi quay đầu lại. Cô gái đứng phía đằng sau lưng bưng một mâm: Cà phê, nước ngọt, trái cây … “Cám ơn cô! Cô có thể cho tôi biết chừng nào dượng tôi về không?” “ Dạ! Em không biết! Chỉ biết đem thức uống cho anh. Mời anh dùng!”
Cô gái quầy quả biến mất sau cánh cửa phòng. Tôi còn định hỏi thêm nhiều thứ, nhưng cô chỉ để lại nụ cười và ánh mắt đen lay láy. Tôi tự thẹn: Sao không xem những tác phẩm khác, lại dán mắt vào đường cong “ Cô gái sơn cước”. Không biết cô ấy là ai? Nếu như người ở thì không sao. Còn như con cháu ông chủ thì cô ấy đánh giá mình là thứ…
Ăn hết phần cây trái trong dĩa và uống ly cà phê đá xong thời gian còn thênh thang không biết làm gì? Tôi bước lần ra ban công nhìn đường phố. Thời gian nhanh thế, mới đây mà đã tối! Bóng dáng của ông dượng biệt tăm hơi. Tôi nghe cồn cào trong bụng, bực bôi…“ Anh Tân ơi!” Tôi quay lại : “ Sao co biết tên tôi?” “Dượng anh cho biết! Ông chủ và dượng của anh bận công việc ở Vũng Tàu chưa xong, sáng mai mới về! Anh phải ở lại chờ. Theo em để biết chỗ ngủ nghỉ.”
Tôi lặng lẽ theo cô gái không một lời phàn nàn. Khi bước lên bậc thang lầu cái mong của cô gái lắc lư theo nhịp chân xinh xắn như vủ khúc. Tôi ngượng ngùng đi chậm lại cho khoảng cách xa hơn. Cô gái đứng chờ ở cửa phòng giục: “ Anh đi chậm quá vậy, trông anh có vẻ mệt mỏi!” Cô gái kéo tay tôi chỉ phòng: “ Anh ngủ ở đây nhé! Tắm đi! Nửa giờ sau em đến mời anh đi ăn cơm. Có cần gì goi số: 0…45.” Tôi chưa kịp hỏi một lời cô ta đã biến mất sau cánh cửa. Tôi khép cửa phòng lại thấy nào kem đánh răng, dầu gội đầu có cả quần áo ngủ để sẳn trên bàn.
Tiếng gõ cửa chừng như lâu lắm mới đánh thức được tôi. Giấc ngủ ngon đến không ngờ. Tôi dụi mắt, mặc vội quần áo vào.
-Ngủ gì mà như chết vậy! Hồi hôm chắc thức dữ lắm hả?
-Thức để làm sổ sách, cô không gọi chắc tôi ngủ một giấc tới khuya.
-Xong chưa đi ăn cơm!
- Để tôi đi một mình cũng được!
-Ông chủ dặn, trái ý ông rầy chết!
Cô gái ra cổng ngoắc tắc xi, miệng lầm bầm:
-Có xe hai bánh kìa, đi xe này khoẻ hơn.
Tôi nhìn cô gái có sóng mũi thẳng, đôi mắt sáng, nụ cười thật tuơi. Nhanh nhẹn, gọn gàng.
Tôi nghĩ cũng nên biết tên cô ta, nên hỏi:
-Cô tên gì!
-Ở đây thường gọi em A Đẩu. Anh cũng gọi như vậy đi!
-Vậy em còn có tên khác nữa à?
-Tên ấy ở đây không dùng.
-Em là con gái của ông Sanh Mậu hả!
-Dạ không. Em là cháu kêu ông ấy bằng ông dượng.
-Quê cô ở đâu?
-Ở Cần Thơ.
-Lên đây khi nào!
-Mười một tuổi.
Hỏi đến quê, thoáng thấy A Dẩu có vẻ buồn buồn. Cô lặng lẽ một lúc lâu mới nói:
-Nhắc đến quê, đến thân phận em buồn lắm! Cô đơn côi cúc. Vừa mới sanh em ra má chết cho em sống. Ba rượu chè bê bết đi làm ở Phú Quốc rồi ngộ độc rượu cũng chết. Em ở với dì dượng cũng nghiện rượu đánh đập, em và dì khổ lắm! Dì thấy vậy đem em gởi lên đây. Bà Sanh Mậu là chị em với ngoại.
-Em học đến đâu mà nghỉ!
-Mười hai.
-Vậy là quí lắm rồi, hạnh phúc cho em đó!
A Đẩu nhìn tôi định nói cái gì đó nhưng cô lại thôi, nhìn lãng ra đường phố. Cô cho xe ghé vào một khách sạn sang trọng đủ các món ăn Tây, Tàu. Cô nhường cho tôi chọn. Tôi cười:
-Anh quê lắm, em gọi món gì anh dùng món ấy!
A Đẩu rất rành các món ăn, biết cách chế biến, chừng như cô ta có học qua khoá nấu ăn? Cô khoe với tôi:
-Em nấu được nhiều món ăn Nam bộ và của Tàu… Khi nào có dịp em sẽ nấu cho anh ăn.
Ngồi với A Đẩu mà đầu óc tôi để đâu đâu, không một chút hứng thú. Cứ lẩn quẩn nghĩ tới ông dượng đi đâu, để mình ở đây! Từ trước giờ chưa có cảnh này.
Thấy tôi ngơ ngẩn A Đẩu hỏi:
-Trông anh có vẻ băn khoăn vấn đề gì đó phải không!
Tôi không trả lời mà mắt nhìn con bé ăn ngon lành, chóc chóc cô ta đưa khăn giấy cho tôi và cười thật hồn nhiên. Ăn xong cô giành trả tiền. Về nhà thấy trời còn sớm, tôi đề nghị tản bộ dọc theo lề đường cho thư giãn một chút. Vừa đi, A Đẩu kể khoảng đời thơ ấu ở quê. Cô kể thật say sưa: chuyện hái rau bắt ốc mò cua…Lội qua con rạch mua rượu chịu cho bố. “ Lúc đó, em ốm nhom ốm nhách như con nhái mén. Mà đúng là nhái mén, cái tên vừa sinh ra không có sữa bú, chuyên bú thép và sữa lon mập làm sao nổi. Ba em gắn cho cái tên Lê thị Mén cho tới bây giờ.” Tôi bỗng thấy A Đẩu có một chút gì đó gần gũi với tôi.
Đêm đã khuya khoắc nhưng Sài Gòn như mới bắt đầu vào đêm, bắt đầu thức. Tôi thao thức với đêm lạ lẫm.
Tiếng gõ cửa quen quen đánh thức tôi dậy. Mặt trời lên cao từ khe cửa sổ. A Đẩu báo dượng sắp về tới, để tôi chuẩn bị. A Đẩu tiễn tôi lên xe bằng đôi mắt hẹp bởi nụ cười mở. Cái vẫy tay đuổi theo xe lưu luyến hoài. Dượng hỏi tôi:
-Ăn ngủ só ngon không?
Tôi tỏ lời cám ơn dượng. Dượng khoe:
-Đêm rồi được mối làm ăn lớn, lời to.
Từ chuyến ấy, dượng thường bảo tôi lên cửa hiệu của ông Sanh Mậu để ký nhận hàng. Mỗi lần đến, cô bé A Đẩu càng thấy dể thương hơn. Một hôm ông Hưng Thạnh nói với tôi:
-Thấy con cũng trưởng thành, dượng định đứng ra cưới vợ cho con, đã bàn với ba mẹ con đồng ý rồi.
-Ai vậy dượng!
-A Đẩu đó, chịu hông?
Ông Hưng Thạnh lo chi phí từ đầu đến cuối việc cưới hỏi, còn dành cho tôi một căn phòng hạnh phúc trong ngôi nhà. Thấy nghĩa tình sâu đậm đến thế, A Đẩu về phụ giúp việc mua bán hết mình không một lời than thở. Theo lời ông Sanh Mậu và ông Hưng Thạnh sẽ cho vợ chồng tôi một cửa hàng ở tỉnh để có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, tự lập. Đứa con gái đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên: Nguyễn Thị Gia Hiệp, ông Sanh Mậu gắn thêm cái tên A Cẩm.
Dầu tất bật với công việc mua bán, nhưng tôi cũng nhín ít thời gian đọc và tập tễnh viết. Một hôm lật tờ báo ra, thấy bài viết: “Nhân -vật- đương- thời” đề tên Chánh Nam. Đúng rồi, bút hiệu của thầy mình. Víết về văn học thầy đề tên Mai Kim Đỉnh còn về những đề tài khác thì Chánh Nam, Chánh Phong… Bài viết có nội dung ca ngợi ông Sanh Mậu-bố nuôi vủa vợ . Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần văn phong thanh thoát , nhẹ nhàng hay vô cùng. Người đọc như có cảm thấy nhân vật trước mắt bay bổng một cách tự nhiên, toã sáng rực rỡ bằng tự bản thân. Từng chữ, từng dấu chấm phếch không thể bỏ đi, thêm vào chỗ nào cho được. Bài viết ca ngợi ông Sanh Mậu khởi đầu bằng chiếc đòn gánh với đôi chân chai cứng lội bộ khắp các ngõ ngách Sài Gòn, chợ Lớn để mua ve chi lông vịt., mà giờ này ông có trong tay hàng tỷ tỷ bạc. Giàu có, rộng luợng, thương người, tốt bụng. Ông là thành viên tương trợ cho trẻ mồ côi, khuyết tật, thiên tai bão lụt…Tôi cầm tờ báo chạy về nhà thảy xuống bàn cái phẹp, nói với A Đẩu:
-Báo chí ca ngợi bố của mình đó!
A Đẩu đang ngồi kiểm tra sổ sách không nói lời nào. Tối A Đẩu nói với tôi:
-Anh! Chánh Nam là ai vậy?
-Thầy Mai Kim Đỉnh đó, Bài viết hay quá hả em! Không ngờ bố của em có chí, thương người, thành công đáng học hỏi.
-Nhà ông ấy xa hay gần, mình đi đến đó chơi.-A Đẩu hỏi.
-Cũng gần, đi thì chơi, thầy Đỉnh cũng là chỗ thâm tình với anh, em nên đến một lần cho biết!
Thầy Đỉnh đang ngồi đọc sách nghe tôi đến vội ra mừng rỡ:
-Chào anh chị!
-Thưa thầy, đây là vợ em!
Thầy Đỉnh rót nước mời vợ chồng tôi. Bỗng dưng A Đẩu đứng phắc dậy, mặt mày dữ tợn:
-Thầy viết bài báo ca ngơi ông Sanh Mậu đó hả? Ông Sanh Mậu là con người đê tiện bỉ ổi, đạo đức giả. Không xứng đáng được ca ngợi. Thầy sai lầm rồi! Lầm rồi!
Tôi hốt hoảng kéo A Đẩu ra khỏi nhà, chỉ kịp nói với thầy mấy câu:
-Thầy ơi! Tha thứ cho tụi em. Vợ em bị thần kinh rồi!
Tôi chạy bán mạng đưa A Đẩu về nhà, kéo lôi vô phòng đóng cửa lại:
-Em bị bịnh hồi nào vậy! Quá rồi! Anh mất mặt với thầy Đỉnh biết cách nào chuộc lại đây! A Đẩu ơi! A Đẩu!
Hai con mắt A Đẩu đỏ ngầu trợn trừng như điên, một lúc lâu rồi ôm đầu khóc rắm rức.
Tôi đóng xầm cửa lại:
-Khóc cho đã đi! Đồ điên!
Nửa giờ sau tôi vô thăm A Đẩu đang nằm vật vã, rả rời có vẻ khổ sở lắm. Tôi an ủi:
-Thôi rửa mặt đi! Có gì từ từ sẽ nói. A Đẩu ôm tôi khóc:
- Anh tha lỗi cho em! Em không thể dằn được. Và em không thể giấu anh. Ông Sanh Mậu là người bỉ ổi, đạo đức giả. Tài sản của ông có ngần ấy là sự làm ăn gian lận mà nên. Số mặt hàng nhập đưa cho duợng anh không phải ở xa mà ở ngay chợ Lớn này. Còn… trăm thứ dối trá khác.
A Đẩu khóc lớn hơn, phẩn nộ:
-Đời em đã bị ông ấy cưỡng hiếp, làm nhục, em định phóng ra đường cho xe cán chết! Không hiểu ông ấy bàn tính đổi chác việc gì với ông Thạnh Hưng mà gả em cho anh. Hiện giờ ông ấy đang có ý đồ xấu với những đứa cháu nuôi như em.
-Trời ơi! Tôi có nghe lầm không! Tôi như người lên cơn điên, nhìn A Đẩu trân trân. Rồi mắt tối sầm lại. Khi tỉnh dậy thấy A Đẩu ngồi một bên nước mắt ràng rụa:
-Anh khoẻ chưa, biết vậy em giữ kín trong bụng cho tới chết!
Tôi khoát tay nói với A Đẩu:
-Anh muốn yên một mình.
Mọi việc quá bất ngờ đến với tôi. Có ai ngờ được những người xung quanh toàn là…Tôi là con nai tơ ngơ ngác đạp lá vàng. Hèn gì, trong nụ cười và ánh mắt của ông Sanh Mậu ngờ ngợ có cái gì đó mà đến bây giờ tôi mới hiểu ra. Hèn gì, lần đó tôi giao hàng cho khách ở dưới tỉnh. Hôm sau khách đến nhằn nhện với ông Thạnh Hưng: Hàng giả, kém chất lượng. Tôi bị ông dượng quát nạt trước mặt khách: “ Mày giao hàng lộn rồi! Đổi lại thứ tốt cho người ta. Xin lỗi khách đi!”
Hôm sau, tôi còn thắc mắc, ông dượng vỗ vai: “ Con đừng buồn, chuyện mua bán mà! Phải nặng lời với con như vậy trước người lạ dượng không muốn, nhưng để cho hài lòng khách. Ở đời, trong cái giả có cái thật, trong thật có cái giả. Thật giả song hành tồn tại. Làm cái nghề này phải biết phán đoán, biết nhiều nói ít. Giữ đồng vốn, nắm vững đồng lời, lợi nhuận càng cao càng tốt. Mọi thứ là phương tiện.” Tôi muốn hét lên cho đã cái miệng, muốn chạy đến đấm vô mặt ông Thạnh Hưng cho hả cơn giận.
Tôi nằm thiếp trên giường hai hôm rồi mà không thèm ăn uống. A Đẩu ngồi một bên khuyên:
-Anh đừng làm khổ mình nửa! Phải đứng dậy tỉnh táo đối phó với sự việc đang diễn ra trước mặt. Phải tỉnh táo, vì em và bé Gia Hiệp cần có anh .
Tôi tự hỏi: “A Cẩm là con ai?!! Chẳng lẽ…Trời!” Tôi nghe như muôn ngàn mũi kim châm chích khi nghĩ tới A Đẩu và đứa con. Liệu sự ray rức này có dủ sức vật ngã tôi, làm cho tôi ghẽ lạnh với Gia Hiệp và cho hạnh phúc gia đình âm thầm đổ vỡ? Đứa bé có tội gì! A Đẩu có tội gì! Ai là người có tội trong bi kịch này! “ Cả thế gian đều lầm! Lầm cả đám!”- Lời của A Đẩu nói có lý. Tôi bị mục rả nổi lều phều trong suy nghĩ, lẩn quẩn với mình. Chợt nhớ câu của thầy Đỉnh: “ Lẽ đời không phải lúc nào cũng lý giải được!” Làm cho tôi tĩnh táo.
Tôi mệt mỏi đến xin lỗi thầy Đỉnh. Thầy tiếp tôi với vẻ mặt trầm ngâm. Tôi nhỏ nhẹ:
-Em xin lỗi thầy về thái độ của A Đẩu hôm nọ. Vợ của em bị thần kinh đang thời kỳ bộc phát. Thầy tha thứ cho tụi em nhé!
Nửa tháng sau, tôi vô tình bắt gặp tờ báo có tin: “ Ông Sanh Mậu bị khởi tố về tội tiêu thụ, làm hàng giả, trốn thuế nhiều năm…” Mắt tôi đổ đom đóm khi cầm tờ báo trên tay. Chiều hôm ấy, thầy Đỉnh đến nhà tôi vẻ mặt buồn buồn nói:
-Người xin lỗi là tôi mới đúng. Anh chị thông cảm cho tôi. Giờ tôi khổ sở khi nhìn thấy bài báo: Người-đương-thời của mình viết. Chỉ trước đây vài hôm người ta còn khen ngợi náo nức. Con chữ đã bay đi khắp nơi rồi, làm sao bắt lại được đây! Làm sao mà nói với độc giả vài câu nhờ có sự cảm thông, tha thứ đây!
Thầy Đỉnh khổ sở ra mặt. Tôi an ủi:
-Thầy đừng gom gió bão vào lòng để tả tơi. Xét ra, cho cùng thầy không có lỗi gì! Những sự việc thầy viết về ông Sanh Mậu là chuyện có thật. “Mỗi sự vật ở đời luôn có hai mặt. Cũng như mặt trăng kia soi sáng nơi nơi, mặt trái của nó đen đúa ai biết!”- Thầy đã từng dạy như vậy!
-Đây là bài học rỉ máu trong sự nghiệp viết lách của tôi.-Thầy Đỉnh nói.
Thầy Đỉnh ra về trông cái dáng buồn hiu. Tôi thẩn thờ đi vô phòng viết, hai bài báo vô tình để gần nhau. Tôi nhìn con chữ của thầy Đỉnh nằm la liệt trên trang báo. Bỗng có có một con chữ ngóc đầu ngồi dậy hỏi: “ Anh ơi! Tôi và thầy ai là người cần biết!” Tôi giật mình để rơi “ tách” tờ báo xuống bàn, nhìn chồng bản thảo có bài đã viết xong, có bài còn dang dở. Tự hỏi: Liệu mình có đủ can đảm cho những con chữ này lặn lội ra đời hay không?
Phía đằng sau lưng có tiếng trẻ con: “ Thưa ba, con đi học mới dìa!” Tôi quay lại nhìn mắt của con sáng loá. Hỏi: “ Ai rước con về vậy!” “ Má Đẩu!”
Dã quỳ và giọt cà phê Tây Nguyên
Truyện ngắn
Tôi không thèm để ý đến cô gái mặc váy ngắn tới lui mang đồ ăn thức uống, chỉ quan tâm người bạn lâu ngày mới gặp. Văn rót bia vào ly cho tôi: “ Uống đi anh! Lâu lắm rồi mình mới có dịp gặp nhau. Hơn mười năm rồi còn gì! Sau khi tốt nghiệp đại học mỗi đứa một nơi. Ai có ngờ tớ vướng chân mọc rể ở nơi này! Thỉnh thoảng những giấc mơ trở về thời còn sinh viên ở Sài Gòn. Anh có nhớ hôm đi chơi khu Văn Miếu Đồng Nai không, bọn con Thuỷ, con Lan mắc mưa ướt tèm lem lồ lộ da thịt mình ngại ngùng không dám nhìn bạn. Tưởng cậu dính với Thuỷ rôi chớ, lúc ấy tớ ghen với cậu, nhớ lại tuổi trẻ thật ngóc!”
Tôi lặng thinh, đưa ly bia lên chông chênh quá khứ, nói: “ Tớ cũng như cậu thôi, thời ấy nhớ hoài không thôi. Vì lẽ đó, nên hôm nay lẽ ra tớ thẳng đường ra Huế nhưng vòng vô Tây Nguyên thăm cậu. Không ngờ, mới ngần ấy năm mà cậu thành nhà doanh nghiệp lớn ở đất địa này!”
Cô gái phục vụ để lộ cặp đùi thon thon tròn trịa, nước da bánh mật, đôi mắt buồn buồn, nụ cười ngược lại thật vui. Em lễ phép rót rượu, Văn cười đáp như quen thân. Văn giới thiệu:
-Đây là em gái Kim Hà, đời em khổ lắm, nhưng lúc nào cũng lạc quan với đời. Tôi mượn ly bia của Văn mời em. Em nhẹ nhàng đưa ly lên môi hớp thật nhẹ tưởng chừng như em hớp không khí, nhưng ly bia cạn khá sâu. Em đặt ly bia chỗ cũ và xin phép đi vào trong. Nói khẽ với Văn : “ Cần thêm gì, anh gọi em!”
Văn chăm sóc cho tôi từng miếng ăn quí lạ. Ăn không vô nhưng Văn cứ ép: “Ăn đi đặc sản Tây Nguyên đó!” Bụng dạ nào ăn cho vô trong khi mỗi đứa nóc cả chục lon bia. Văn nói như ra lệnh : “ Đêm nay tớ phải dẫn cậu nhắm cho hết các món ngon vật lạ ở xứ sở nắng gió cồng chiêng này! Tôi ngồi lúc lắc không cách nào cãi lại được.
Đêm càng khuya rượu bia càng thấm, Văn lái xe về, tôi nhớ chập chờn chừng như đã qua ba bốn điểm ăn uống. Lỗ tai nghe đầy tiếng chào mời ngọt ngào giọng Quảng, giọng Bắc, Nam đủ cả, rạng rỡ những nụ cười xa lạ và rất đổi thân quen. Xe bỗng dừng Văn bước xuống nói gì đó với cô gái đứng bên đường, cô gái theo cánh tay Văn mở cửa xe chui vào ngồi gần tôi. Văn nhanh miệng giới thiệu với tôi:
-Hà về phòng trọ gần nhà mình. Đêm nào cô ấy phải đi làm để kiếm tiền đi học. Tội nghiệp! Văn như phân trần:
-Hôm nay có cậu tớ mới dám cho em quá giang chớ thường khi không dám, vì vợ của tớ cao tay ấn hơn tớ nhiều, con ruồi bay ngang qua là biết đực cái liền!
Kim Hà ngồi khép nép bên tôi dáng dấp như con mèo cảm lạnh. Tôi hỏi:
-Quê em ở đâu!
-Quê em ở Đắk Lắk vô hai cây số.
-Đến đây từ lúc nào!
-Hơn một năm.
Hỏi về gia cảnh, em buồn buồn:
-Đời em là một chuổi buồn dài lê thê không thể kể hết! Khi nào có dịp rảnh rổi nếu anh cần nghe, em sẽ kể.
Tôi không nói thêm gì với em, mắt nhìn ra hai bên đường hàng cây lặng yên đưới đèn đêm vàng vọt. Em xuống xe đi vào lối cánh cổng hẹp bên trên có tấm bảng đề hàng chữ: “ Phòng trọ cho sinh viên thuê” Dáng lưng gầy của em nổi rõ trong vuông cửa lờ mờ bóng tối.
Văn dừng xe trước nhà, mở cổng bật đèn dắt tôi vào nhà vừa đi vừa giới thiệu chỗ ăn nghỉ. Đầy đủ tiện nghi.
-Cậu có thể ở đây bao lâu tuỳ thích, tớ cùng gia đình ở bên kia đường, căn nhà này bỏ không, bán thì uổng, giữ lại để nhớ thời đôi vợ chồng son về đây gầy dựng cơ nghiệp. Chúc cậu ngủ ngon nhá! Sáng sớm tớ qua cùng đi ăn sáng.
Văn rồ ga biến mất, tôi thênh thang với căn nhà lạ, giấc ngủ lềnh bềnh như say sóng.
Tôi đành ở nán lại ngày hôm sau vì sự níu kéo của Văn. Buổi trưa vừa ra ngồi trên băng đá trước nhà bỗng Kim Hà đi ngang qua. Thấy tôi em cười chào:
-Anh còn ở đây à!
Tôi không trả lời mà mời Hà vô chơi. Có lẽ em đi học về, mặt mày lựng đỏ với nắng trưa. Thấy em hơi mệt tôi rót nước mời. Gợi chuyện:
-Hôm nay em có thể kể chuyện về đời em! Anh đang muốn nghe!
Kim Hà nhìn tôi giây lác tỏ ý đồng tình. Em kể:
-Em cút côi, tám tuổi má chết vì bệnh đột ngột, em sống với bố rất bình yên, bỗng một hôm em đang ngủ trưa chợt giấc nghe người đàn ông lạ nói chuyện với bố:
-Lúc anh đi làm ăn vắng nhà, lối xóm thường gặp người đàn ông dong dỏng cao từ trong nhà anh bước ra lúc gần sáng. Tôi không tin để ý rình, quả nhiên có thật. Việc này tôi không dám gạt anh đâu, dẫu sao chị ấy cũng đã mất rồi!
Từ ấy, bố của em thường nhìn em với cặp mắt lạ lắm! Tính tình ông gắt gỏng cau có với em! Rồi một hôm, em đi học về thấy bố đang ngồi uống rượu một mình chai rượu ngã nghiêng, em “Chào bố con đi học mới về!” như mọi khi. Hai con mắt của bố trừng lên đỏ ngầu rồi chồm người lên tát vào mặt em một nhát đổ lửa. Em té vô vách, hoảng hồn chạy trốn ra sau hè. Đợi yên em mới rón rén vô nhà, nhà trống vắng bố gom quần áo đi mất. Em về sống với cậu mợ , cậu mợ thường vắng nhà vì bận mua bán. Em ở nhà một mình bị người đàn ông lối xóm…Em đau khổ lội bộ đường núi hai mươi cây số tìm nhà dì. Dì dượng rất tốt với em. Những khi gia đình con cái dì cùng vui vẽ em tủi thân cuộn tròn trong mền khóc. Những cảnh ấy diễn đi diễn lại với em suốt thời thơ ấu.Thèm gọi một tiếng má, thèm được bàn tay vuốt ve lên tóc mà không bao giờ được!
Tôi ngậm ngùi gợi sang chuyện khác:
-Em làm ở đó tháng được bao nhiêu tiền! Đủ chi xài không!
-Tháng được triệu hai, em lúc nào cũng thiếu, nhín nhúc tiện tặn cũng qua. Khi cần nhiều như đóng tiền trường thì xin dì. Mở miệng xin ngại lắm, em cố tự lập.
Tôi động viên:
-Anh không thể ngờ trong dáng dấp yếu đuối của em lại ẩn chứa một sức mạnh phi thường, chưa hẳn trong cánh giới đàn ông con trai như tụi anh có những tư chất ấy! Em đã vượt qua hai phần ba đoạn đường gian khổ gần đến đỉnh vinh quang rồi, gắng lên nghe em đừng để gục ngã. Mà em nên nhớ giai đoạn này là giai đoạn thử thách quyết liệt với em giữa hai bờ vực tối sáng. Phía nào cũng cố kéo lấy em. Hẳn, em đã có lập trường rõ rệt. Em là biểu tượng của loài hoa dã quỳ của ở xứ sở nắng gió khắc nghiệt này! Hoa hiện thân trên sỏi đá, chắt cạn nhựa trong thân cây để cho những đoá vàng lộng lẫy sắc màu giữa Tây Nguyên.
Kim Hà cười hiền:
-Anh khen tặng em quá lời! Dã quỳ mặc dù chịu đựng được nắng gió, nhưng tự thân cũng là loài hoa dại mọc theo khóm chòm tách rời ra sẽ khô héo chết liền, bởi thế không ai đem dã quỳ cắm vào chậu để xem để ngắm nhìn.
Tôi ngầm hiểu phần nào câu nói của Hà. Có lẽ, em đã tìm thấy cái nhược điểm của dã quỳ mà điều chỉnh lấy bản thân cho thích nghi với hoàn cảnh mà không đánh mất chính mình. Tôi thầm thán phục sự thông minh dẫn dụ trong câu nói để bày tỏ nỗi niềm riêng.Tôi rót thên nước vào ly cho em và trân trọng mời em đi ăn cơm tối với tôi. Và cũng là bữa cơm chia tay với nhau, dù cuộc quen biết chỉ là khoảnh khắc. Em phân vân đôi phút rồi gật đầu.
Đêm Tây Nguyên có lẽ nhàm chán với người bản địa, nhưng với tôi từ hạt sương, hạt bụi, nhất nhất rất thú vị thiết tha với tôi. Thú vị nhất là hương cà phê Tây Nguyên sắt se đầu lưỡi, Kim Hà bỗng đẹp lộng lẫy bên tôi. Em nép sát vào vai tôi thì thầm… tôi như lạc vào cung bậc tột cùng của sự đam mê. Hà bình thản hướng dẫn giải thích giới thiệu những món ăn, thức uống, đất nước và con người Tây Nguyên. Thời gian em ở đây không lâu lắm nhưng qua cách nhận xét và sự hiểu biết nhận định các vấn đề tôi thấy em già giặn đi nhiều. Nếu không nói là em khôn trước tuổi. Có lẽ, trong sự nhọc nhằn túng thiếu, đã dạy cho em những vốn sống quí báo đó, người bình thường chưa hẳn có được! Đêm trở lạnh, hơi em toả ra ấm lạ! Bỗng em nhìn sâu vào mắt tôi, nói thật khẽ:
-Anh là người đàn ông đầu tiên mà em có đôi chút thiện cảm. Trước đây, đàn ông với em luôn là điềm quái gỡ, luôn hiện thân sự bất hạnh cho đời em. Người đàn ông thứ nhất, thót mét cho tình bố con tan vỡ. Người đàn ông kế đến là bố em, ông ấy đã vứt bỏ em giữa dòng xoáy định mệnh không một chút lương tâm và trách nhiệm chỉ vì câu nói vu vơ nào đó! Người đàn ông thứ ba là ác quỷ cố tình giết chết em chỉ vì cơn khát thèm thú vật! Cũng may cho đời em còn vươn lên được. Em lớn lên luôn bị cái bóng của đàn ông đe doạ. Em mặc cảm, thù hận và xem đàn ông là thứ tai hoạ luôn rình rập đời mình. Và từ nay em còn phải đối phó với bao nhiêu dạng đàn ông nào nữa đây!
Hà nói như xả hơi, tuôn ra một sự chất chứa trong lòng từ bấy lâu không có dịp bày tỏ với ai. Tôi lặng lẽ hớp chút cà phê giọt đắng thấm vào chân răng, chẩm rải nói với Hà.
-Em! Trong hoàn cảnh của em nghĩ như vậy là đúng! Và hôm nay em trót tuôn ra với anh là hay lắm! Cũng như ung nhọt dập bể ứa mủ ra là có cơ mai lành lặn thịt da, dù có vết thẹo, nhưng vết thẹo không đủ thành nỗi đau. Chỉ có ung mủ mới làm nên nhứt nhối. Em vốn mất tuổi thơ bình yên, đời vồ dập lấy em, em luôn chống đỡ mệt mỏi. Vì thế, đôi khi em quên mất em là ai! Em là con gái có chút nhan sắc đó! Lại là một sinh viên tương lai đầy tươi sáng. Em có biết cái ước ao duy nhất của con gái là gì không! Là hạnh phúc bên nguời đàn ông nào đó, trong một mái ấm gia đình. Người đàn ông ấy có lẽ em đang kiếm tìm. Anh hy vọng em sẽ may mắn trong việc kiếm tìm này! Và anh cũng hy vọng nỗi ám ảnh đàn ông trong tìm thức sẽ như bọt cà phê trong ly này, em hớt bỏ ra một cách dễ dàng. Còn lại là cà phê ngọt ngào trên môi.
Hà nhìn tôi với đôi mắt trong veo qua ánh đèn đêm. Tôi chợt thấy mình đi quá đà. Liệu có nên đem cái triết lý cà phê vừa rồi với Hà không! Và Hà có thể hiểu được ý nghĩa lời nói của mình không! Hay em cho rằng : Những thứ triêt lý ấy cũng là sản phẩm của đàn ông mà em đã từng nghe chán ngấy lỗ tai rồi!
Tôi nắm tay em ra về, hơi sương loang rất nhẹ vào mũi tôi dễ chịu.
Sáng hôm sau, tôi rời Kon Tum, em chào tôi không bằng cái vẫy tay mà bằng một tin nhắn : “ Chúc anh khoẻ! Thành đạt trong cuộc sống!” Tôi về giữ tin nhắn trong máy ngót cả năm trời. Nhiều công việc bộn bề quấn lấy tôi. Em chìm khuất trong núi rừng Tây Nguyên.
Sáng hôm nay, bên ly cà phê, tôi bỗng chợt nhớ đến cô gái Tây Nguyên! Tôi vội vàng bấm điện thoại hỏi thăm Văn. Văn cho biết: Sau khi cậu đi về , mỗi lần Hà gặp tớ luôn nhắc và hỏi thăm cậu. Không biết lý do gì Hà vắng biệt không còn làm tiếp viên ở đó nữa, và em dời chỗ ở đi đâu không biết! Hay có chuyện gì xảy ra với em cũng không chừng! Công việc của tớ thì chồng chất như cậu thấy đó, rảnh đâu mà tìm hiểu. Còn phần cậu sao để mất hút em vậy!
Tôi buông máy điện thoại xuống ngẩn ngơ nói một mình: Có lẽ Kim Hà thay đổi chỗ ở đột ngột không kịp báo cho Văn, dù ở trong hoàn cảnh nào, tôi tin rằng em vẫn tồn tại và luôn phát triển ở trên cõi đời này! Dã quỳ ở Tây Nguyên vẫn đẹp rực rỡ kia mà!
N.H
THƠ
Qua Hải Vân
Ta làm khách du hành một lần dừng chân
leo lên chót tháp
bên kia đường Trường Sơn
như con rắn quấn lấy lưng đèo
bên này biển đông xanh ngan ngát
rừng ngàn đời dùi kinh sử
núi ngàn năm mài giũa khí thiêng
làm nên vóc dáng hình hài dân tộc
qua từng ngày tắm gội nắng mưa
ly cà phê đen trưa nay pha mùi biển
ta nhắm một hơi nghe ngọt vị quê hương
tiếc tuổi người thua tuổi đá
để nghe gió hát thành lời
ai ra Bắc
ai về Nam
nhớ dừng chân đôi phút
để nghe nhịp tim dồn dập từng hồi
đèo Hải Vân lộng gió
mây qua độc đạo lưng đèo
câu thơ vùi trong cỏ
hồn chữ cuộn tròn theo viên sỏi buâng khuâng
Nhật Hồng
27/6/2010
Hương Dã Quỳ
Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió
mênh mông rừng và vách đá cheo leo
trong thì thầm hoang dã
anh chợt nhận ra mùi hương của đoá dã quỳ
khiêm tốn
cô đơn như tượng
ôm nỗi đau làm hành trang khôn lớn
giữa đại ngàn hoa vẫn toả hương
Tây Nguyên không phù phiếm
tìm đâu ra lụa là
em mọc lên trong khô cằn sỏi đá
vắt kiệt thân mình cho những đoá hoa
anh đánh đổi cả đoạn đường xa
và khoảng thời gian dài mệt mỏi
để nhận ra em
hạnh phúc vô cùng
mai ta xa dã quỳ
câu thơ nghèn nghẹn đêm sương
biết rồi đây phố núi mây rừng che khuất
nhưng anh vẫn nhớ
ở nơi đó có đoá dã quỳ
vắt kiệt thân cho hoa đẹp
dã quỳ ơi!
ta nhớ em!
Nhật Hồng