Tết Sài Gòn nhớ nhung tết Huế - Tiểu Kiều
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6111
Tết Sài gòn hưởng thụ đầy đủ hương vị, có chồng có con sao vẫn thấy thiêu thiếu điều gì...
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}
Tết Sài gòn nhớ nhung tết Huế
Thời gian hưởng thụ hưu trí thật thanh nhàn, hết mọi âu lo nên đôi khi quá rảnh rỗi cũng chợt thấy buồn buồn, dạng buồn mà “không hiểu vì sao tôi buồn “.
Cảnh nhà vắng vẻ, con cái công tác, học tập ở xa, vợ chồng cứ thơ thẩn vào ra, thi thoảng đi chơi đây đó bạn bè thay đổi không khí và để vơi nỗi nhớ thương con cái.
Trong cô đơn hiu quạnh bỗng nảy sinh “sáng kiến du xuân”, năm nay vào Sài Gòn ăn Tết với con trai để xem hương vị tết Sài Gòn – tết xa quê như thế nào, tết Sài Gòn có gì thú vị hơn tết Huế không ?
Đón cái tết đầu tiên ở Sài Gòn, cả nhà đầm ấm đoàn tụ, mười mấy năm học tập và công tác ở đây, tết nào con trai cũng về Huế đón tết cùng gia đình, nay ba mẹ theo con vào ăn tết Sài Gòn, chỉ tiếc là vắng em đang học ở phương trời xa không thu xếp về được, nên niềm vui không trọn vẹn, cũng đành vậy thôi .
Không khí tết Sài Gòn nhộn nhịp mua sắm, dân cư đông đúc hàng hóa phong phú, ngoài lượng khách tại chỗ mua để tiêu dùng, còn có bạn hàng các vùng lân cận đóng hàng về bán lẻ, do vậy siêu thị, các chợ lớn nhỏ đều luôn tấp nập người bán – mua rộn rã.
Lạ cảnh, lạ người, không quen đường đi lối lại, ra đường là xe cộ nườm nượp, hoa cả mắt, chóng cả mặt, phương tiện đi lại luôn là taxi theo yêu cầu của con, lý do là để bảo đảm an toàn cho con yên tâm công tác.
Thêm nữa không biết thực phẩm hàng hóa ở đâu có chất lượng nên khá túng túng, phải nhờ đến TiTi tư vấn thôi, cũng may là cô bé sẵn lòng giúp đỡ. Thế là hai cô cháu tung tăng mua sắm.
Bánh chưng, bánh tét, nem chả đã đặt trước, chỉ mua mứt món, bánh trái và làm thịt dầm, thị trường hàng tết chọn lựa mỏi cả chân, nhất là ở khâu mua áo quần mới mặc tết màu sắc kiểu dáng hợp thời trang… Phụ nữ dẫu ở độ tuổi nào vẫn thích chưng diện vào dịp tết đến xuân sang, sáng mồng một tết thức dậy khoác trên mình bộ đồ mới đẹp bỗng thấy yêu đời làm sao !
Cho đến ngày 29 tết , vợ chồng hưu trí mới đưa nhau đi chợ mua hoa quả, hàng vàng mã, cũng đủ lễ cho bàn thờ vọng, ngoài trời, trên trang bếp… và thực phẩm để làm mâm cơm cúng đón ông bà về ăn tết với con cháu, nghĩa là đầy đủ lễ nghi như thời ăn tết ở Huế - dù là thờ vọng nhưng đây là cơ ngơi mái ấm riêng tư của con trai mà .
30 tết con nghỉ làm ở nhà dọn dẹp nhà cửa, có bàn tay và một phần trái tim của con người đầu tư nhà cửa khang trang sạch sẽ hơn, bàn ghế sáng bóng, trang trí hoa hòe cũng đẹp mắt, nhớ thời còn học ở trường Quốc Học con có tham gia dự thi cắm hoa mà giấu ba mẹ, tình cờ gặp cô giáo chủ nhiệm lớp mới biết con cũng có hoa tay !
Ba mẹ nấu nướng bếp núc, hào soạn đủ món kho nấu chiên xào… tất cả xong xuôi đến giờ thắp hương cúng vái, vợ chồng nhìn nhau, ai đứng lễ đây? Là ba mẹ theo truyền thống? Nhưng đây là nhà của cu cậu, thổ thần sẽ chứng giám cho chủ hộ, cũng thấy vui vui, dẫu hiểu rằng con nay đã không còn trong sự bao bọc chở che của ba mẹ nhưng trong tâm tưởng và tình yêu thương của ba mẹ con vẫn là trẻ thơ, ngày trước mỗi lần nhà có kỵ giỗ con chỉ lăng xăng giúp đỡ. Giờ đây đứng lễ cúng vái, thế là con đã lớn khôn rồi, tự lập, tự chủ và tự do rồi !
Nhìn con thắp hương vái lạy ông bà, đất trời mà lòng trào dâng cảm xúc lâng lâng, khóe mắt cay cay mừng con trưởng thành chững chạc dù chưa có gia đình riêng, ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi, chỉ thiếu bóng dáng của một cô con dâu, không biết đến bao giờ con mới cho ba mẹ được lên thêm chức mới.
Rồi vợ chồng cùng thầm cười khi thấy cảnh trên bàn thờ trong mâm ngũ quả có trái dưa hấu, bên dưới con cúi đầu vái lạy, cái đầu húi cua – trái dưa hấu – tròn trĩnh ngộ nghĩnh - như nhau!
Cúng xong thì cấp, cũng cụng ly bia bọt ngọt ngào. Khi giây phút giao thừa đến, thời điểm chuyển giao cũ, mới của đất trời và lòng người thì sao nhỉ? Thôi thì như thế này cũng là đã sum vầy rồi, chỉ thiếu Sao Khuê đang bận học xa không về được, tội nghiệp con chắc nhớ nhà lắm!
Mồng một tết, ở nhà xem phim, nghe nhạc và đón trẻ con nhà hàng xóm sang chơi mừng tuổi các cháu vui vẻ, chưa dám đến chúc tết nhà láng giềng bởi mới vào ở chưa quen nên cũng ngại ngần. Mồng hai, mồng ba tết chở nhau đi chợ hoa, phố xá ngắm người qua lại rộn ràng tìm niềm vui riêng trong niềm vui chung của thiên hạ.
Ba ngày tết Sài Gòn - gia đình đầm ấm và đầy đủ ý nghĩa nhưng lòng vẫn xốn xang nhung nhớ về những cái tết ở Huế trước đây, nhà ta mua sắm lương thực, thực phẩm nhiều hơn, khách khứa vào ra tấp nập, có khi phải xoay như chong chóng rồi lại tranh thủ thời gian đi chúc tết chú bác cô dì, bè bạn… cho đến chiều tối thì mệt phờ người. Do vậy mà sau tết ai nấy dẫu nhiều thức ngon vật lạ vẫn sụt ký, nhất là khi chén thù chén tạc chúc nhau những điều may mắn tốt lành trong năm mới, mỗi nhà mỗi loại rượu, mỗi thứ bia khác nhau tha hồ mà ngà ngà say.
Tết Sài gòn hưởng thụ đầy đủ hương vị, có chồng có con sao vẫn thấy thiêu thiếu điều gì đây, phải chăng là hơi ấm kỳ diệu của quê hương, bỗng nhớ chợt thương vu vơ… cho ta cảm giác lạ lẫm về sự cách xa vời vợi.
Nhớ thuở thanh xuân, cứ mỗi chiều 30 tết sau khi lo xong việc nhà mình vẫn thường lang thang một mình trên các con đường nhỏ đẹp của thành nội – mùi hương trầm thoang thoảng từ các nhà, các am miếu bay xa, thiêng liêng và huyền bí tạo ấn tượng khó quên về sự tiếc nuối, nỗi nhớ nhung khôn nguôi trong tâm thức, trong tư thế tiễn năm cũ – đón mừng năm mới.
Tết năm nay, do hạn chế về sức khỏe của mẹ nên ba mẹ không vào Sài gòn ăn tết cùng con.
Hãy về Huế đón tết đoàn viên ấm cúng cùng ba mẹ nhé, con trai yêu quý !
Tiểu Kiều
Huế 11. 2010