TẾT THỜI NỮ SINH ĐỒNG KHÁNH - Tiểu Kiều
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6947
Hằng năm. Cứ vào thượng tuần tháng 12 âm lịch là lớp học, sân trường Đồng Khánh rộn ràng không khí tết, các cô tiểu thư vừa trả nợ xong kỳ thi học kỳ đang tự thư giản nên tha hồ kháo nhau rôm rả đủ thứ chuyện về lễ tết sắp đến.
Điều đầu tiên họ quan tâm, hân hoan và trao đổi thảo luận hoài không chán, ấy là việc chọn áo quần mặc tết bởi quanh năm suốt tháng mang đồng phục áo dài trắng đến trường nên khi tết đến là dịp để các cô xinh đẹp duyên dáng hơn trong trang phục tự chọn theo sở thích.
Thế là trong sân trường, giờ ra chơi từng đôi, từng đôi thì thầm (nữ sinh Đồng Khánh ít chơi theo nhóm mà thích chơi từng đôi thân thiết). Họ bàn nhau về màu sắc, kiểu dáng hợp thời trang, các tiệm may đẹp, giá cả phải chăng được các cô vào ra vui vẻ, với người khéo tay đây là cơ hội để áp dụng bài học nữ công của cô Tuyết Mai vào thực tiễn, sự sáng tạo cho riêng mình một chiếc áo mẫu mã độc đáo.
Giờ tan trường, chưa ai chịu về như thường lệ mà to nhỏ với nhau đến hiệu sách Gia Long, Bình Minh, Ưng Hạ… để mua thiệp chúc tết thầy, cô, bạn bè, các cô tuổi mộng mơ này rất kỹ tính khi chọn lựa, có khi hàng giờ chỉ chấm được vài ba chiếc, hẹn hôm sau sẽ đi tiếp!
Tiết mục hấp dẫn, mất thời gian và tốn công sức nhất nhưng ai cũng hăng hái tham gia một cách sôi nổi, đó là việc làm bánh mứt cho tết. Ở Huế, quan niệm giáo dục nữ giới là “công, dung, ngôn, hạnh”, trong gia đình mẹ dạy bếp núc cho con với những bài bản nấu nướng chính xác kể cả tí mẫu gia vị và từng độ nóng lạnh của bếp lửa hồng. Khi tết đến xuân sang là lúc để nữ sinh Đồng Khánh thực hành bài học của mẹ và vận dụng kiến thức trường học của cô Kim Cúc trong giờ gia chánh bằng đôi tay tài hoa của mình trên những chiếc bánh, lát mứt ngon và đẹp, dù với các món ăn đơn giản, bình thường cũng được các cô tô vẽ để trở thành những bức tranh nghệ thuật, như nhà văn Nguyễn Tuân nói: “Người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng miệng”. Có chi tiết khá thú vị là ai đó rất thông thuộc về lý thuyết, nắm vững bài bản và đã từng đạt điểm cao ở nhà trường, nhưng khi về nhà trỗ tài thì kết quả ngược lại.
Bánh mứt ngày tết ở Huế rất phong phú và bất kỳ cô nữ sinh Đồng Khánh nào cũng rất giỏi giang với mứt gừng, mứt bí đao, mứt hạt sen, riêng với mứt cam quật và mứt me các cô rất chăm chút bởi phải có một bàn tay vàng và tâm hồn thư thái mới mong gọt tỉa những trái me, trái quật láng lẩy. Trong quá trình làm các loại mứt trên thì bên cạnh những rổ, rá, dao… luôn có dĩa muối ớt đợi chờ, nếu lỡ tay làm gảy me, hư quật… là vội vàng lén mẹ chấm muối ăn ngay: cay, chua, mặn hít hà và phi tang nhanh chóng!
Bánh tết thì nhiều nhưng các cô nữ sinh xứ Huế rất lấy làm hưng phấn với các món bánh ngũ sắc, bánh thuẩn… bánh ngũ sắc sặc sỡ và các cô lại thích chọn bánh theo tình yêu sắc màu.
Đặc biệt với món bánh thuẩn, những chiếc bánh xinh xắn theo khuôn mẫu tự chọn, và bói bánh là điều thú vị nhất.
Trong nhà việc làm bánh tét, mẹ là nhân vật chính, song các cô là người phụ việc đắ lực nhất từ công đoạn vút đãi nếp, lau lá, phải rất chịu khó mới mong có được đòn bánh đạt chuẩn: ngon và đẹp. Điều cuối cùng là các cô không bao giờ từ chối sự phân công nấu bánh, vào đêm giao thừa, ngắm ánh lửa bập bùng mà mộng mơ!
Sáng mồng một tết, xúng xính trong quần áo mới, chúc tết ông bà cha mẹ, đợi chờ phong bao lì xì rong chơi ba ngày tết thoải mái nhưng không ai quên nhiệm vụ nấu nướng cúng ông bà về với trời đất vào chiều mồng ba tết.
Tết của các cô nữ sinh Đồng Khánh vẫn còn dư âm mãi: những câu chuyện râm ran, những lát mứt ăn vụng trong lớp học… dài dài!
TIỂU KIỀU
Bến đò Thừa Phủ (Ảnh: Internet)