NHỚ TIỂU KIỀU – PGS. TS. NGUYỄN THỊ BÍCH HẢI
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 8054
Mới viết xong ba chữ Nhớ Tiểu Kiều, bao nhiêu kỷ niệm buồn, vui bỗng ùa về, xốn xang.
Kiều ơi, sắp kỷ niệm 55 năm thành lập Đại Học Huế, Đại Học Sư Phạm và Khoa Văn rồi. Ở đâu đó trên miền Lạc Quốc, chắc Kiều đang nhớ về Khoa, về bè bạn phải không em?
Nhớ cũng vào những ngày này 5 năm trước, sắp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, khoa, Kiều bận lắm vì Kiều là thư ký văn phòng, một đầu mối liên lạc giữa Khoa với cả hằng ngàn cựu sinh viên đang công tác khắp mọi miền đất nước, có người còn ở tận bên kia hành tinh, nơi đối xứng với Huế mình qua tâm trái đất. Kiều nói:
- Bận lắm chị ạ, nhưng mà vui.
Kiều là vậy đó, luôn bận tâm với công việc và mọi người. Bấy giờ Kiều sắp nghỉ hưu và có lẽ cũng vì sắp nghỉ hưu nên Kiều càng tận tuỵ với công việc, vui vẻ nối hôm nay với đầu nửa thế kỷ đầy biến động hôm qua.
Kiều không được khoẻ, nhưng có ai ngờ em sớm đi xa như thế.
Nhớ khi cầm cuốn sách “Trò chơi dân gian của thiếu nhi” mà Kiều tặng, tôi bất giác mỉm cười. Người khảnh ăn và ít chơi như Kiều lại là tác giả của những cuốn sách “ăn chơi”.
Nhớ khi anh Võ Quê ngậm ngùi thay mặt Kiều trao cho tôi cuốn sách Kiều để lại trước lúc đi xa mà rơi nước mắt như nghe tiếng gọi thiết tha,
- “Người thân ơi! Bạn bè ơi!
Của Kiều gửi lại.
Nhớ đầu những năm 80 còn phải dùng phiếu mua củi, tôi với Kiều được cấp chung một phiếu, có hôm tôi nói với Kiều:
- Kiều cứ cầm mà mua, anh chị vẫn tranh thủ chủ nhật lên Thiên An quét lá thông. Đun cũng đượm lắm.
Ánh mắt Kiều thoáng nét xao động.
Nhớ có lần thầy cô Khoa Văn tụ tập làm chi đó ở văn phòng, tôi nói đùa:
- Người Nghệ An thế mà “ngầu” ra phết. Họ có câu “Biết sống đến mai không mà để củ khoai đến mốt”, tớ rất ấn tượng về câu ấy.
Thế mà về sau Kiều lại bảo:
- Bích Hải nói “Biết sống đến mai không mà để củ khoai đến mốt”.
Tôi phải nghiêm khắc nhắc Kiều:
- Câu này là ngạn ngữ Nghệ An, Bích Hải chỉ trích dẫn thôi chứ không phải là tác giả. Bích Hải đâu có sáng tác được một câu “hiện sinh” đến thế. Tiểu Kiều nói vậy người Nghệ An nghe được họ lại khép tớ vào tội “đạo văn” thì nguy tai!
- Thế thì Tiểu Kiều mở ngoặc đơn trích lại từ Bích Hải đóng ngoặc đơn là ổn chớ gì.
Nhớ có một hôm lưng lửng chiều, tôi đi dạy về, thấy con gái chạy ra nói:
- Mẹ, có dì Kiều tới chơi.
Kiều nheo nheo mắt, đưa tôi một cái phong bì.
- Chi đây em?
- Anh Quê nói em đưa cho chị. Có một tạp chí nào đó của Việt Nam ở ngước ngoài họ đăng lại bài “Những nét tương đồng và dị biệt của ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát” của chị nên họ gửi chút ít gọi là “nhuận bút”.
Nhớ khi Kiều đau nặng, từ thành phố Hồ Chí Minh về Huế điều trị để gần ngưới thân và bạn bè hơn, nhưng Kiều lại giấu không cho bạn bè biết sợ mọi người lo. Hôm tôi đi thăm một người bạn nằm viện, đang trên đường về, tình cờ gặp một em sinh viên cũ nơi hành lang.
- Em đi thăm ai vậy?
- Dạ, mạ em nằm viện. À mà cô, cô Kiều nằm cùng phòng với mạ em.
Tôi vội vàng quay lại. Kiều yếu. Tôi hỏi Kiều sao không nhắn tin với bạn bè. Kiều nói:
- Em nghĩ ai cũng đang bận, biết em ở đây mọi người đến thăm lại ảnh hưởng công việc…
Chao ơi Kiều đau nặng mà lại giấu bạn bè… lòng tôi rưng lệ.
Anh Quê thật tận tình. Khi tiễn tôi ra cầu thang bệnh viện, anh nói:
- Kiều chắc còn điều trị lâu đây. Bích Hải nói anh chị em trong Khoa yên tâm, lúc nào cũng có Võ Quê túc trực ở đây cả… chỉ còn biết dìu nhau qua biển khổ.
Biết tin Kiều nằm viện, bạn bè ai cũng đến thăm, cả anh chị em trong Khoa, cả bạn bè từ thuở Kiều còn đi học, bạn bè trong Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế… có cả bạn bè từ xa bay về… ai cũng tìm cách giúp Kiều điều chi đó.
Hương trầm lặng lẽ. Ai cũng lặng nhìn nụ cười rạng rỡ của Kiều thấp thoáng sau khói trầm lặng lẽ… như mây…
Nhớ dạo Kiều đang hoàn thành bản thảo cuốn” Huế ăn hương mặc hoa”, tôi thích lắm, nói với Kiều:
- Món ăn Huế nổi lên vị thơm cay, phải ngồi ăn trong khi trời lay phay mưa mới thú vị… Hay là… chị em mình liên thủ viết về đề tài “Du lịch trong mưa”, Kiều thấy có được không?
Kiều gật đầu, nghĩ lâu lâu rồi nói:
- Đề tài này hay đây, nhưng khó lắm chị ạ!
Tôi nói:
- Đề tài này có ích cho Huế, vì mấy tháng mưa dầm khách du lịch ngại đến. Mình tìm cái hay, cái “có thể” trong cái “không thể” xem có thể góp phần mời gọi bạn bè du lịch đến Huế ngay cả trong mùa mưa không.
Kiều bật cười chế giễu:
- Chị cứ hay nghĩ ngược đời, trách chi chị Nga cứ nói chị là “ngẳng ngộ”. Đề tài này hay nhưng chỉ hai chị em mình e viết không nổi… phải rủ thêm người nữa.
- Vậy thì… giao cái việc rủ rê ấy cho em vì em là thư ký văn phòng, đầu mối giao lưu, em lại là Huế gốc, sành điệu “ăn hương mặc hoa”… Em chủ trì đề tài…
Kiều ơi, Em đi xa rồi, tôi cũng kế cận cổ lai hy rồi… ý tưởng của chị em mình đành chỉ dừng lại ở ý tưởng mà thôi… Không rõ có ai cũng nghĩ về cái ý tưởng “ngược đời” này không.
Em phù hộ cho bạn bè nhé!
N.T.B.H
Nguồn: Đặc san Khoa Ngữ Văn trường ĐHSP Huế 55 năm xây dựng và phát triển (1957 – 2012)