Bánh đúc Gia Lạc - Huế - TIỂU KIỀU
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 10709
Bánh đúc Gia Lạc - Huế
Cách cầu Trường Tiền (Thành phố Huế) khoảng 3 cây số về phía Đông, đường về thôn Vỹ Dạ, ở ngã ba làng Nam Phổ, trên hai lối rẻ về Dương Nổ - Ngọc Anh có chợ Gia Lạc.
Chợ này do con thứ tư của vua Gia Long là Nguyễn Phước Bình thành lập vào khoảng triều vua Minh Mạng (1820 - 1940), ban đầu là để cho những người trong phủ mua bán vui chơi, về sau dần dần thu hút khách rất nhiều khách của kinh thành Huế đến hội họp đông vui, dù chợ chỉ diễn ra trong 3 ngày tết Nguyên Đán.
Chợ Gia Lạc - hình thức sinh hoạt như là một chợ trời ngày tết,bán đủ loại hàng hoá: cau trầu, thực phẩm hải thuỷ sản,thịt bò tái, rau quả hoa trái, những món bánh tết, đồ chơi trẻ con đều có cả, đặc biệt có món bánh đúc xanh rất đặc sắc được rất nhiều người ưa chuộng, lệ thường gọi là bánh đúc Gia Lạc.
Bánh đúc là món ăn dân dã, là loại bánh làm bằng bột gạo, rất dễ chế biến, trước tiên là hoà tan bột gạo với nước lã, lóng một ít nước trong của vôi (vôi ăn trầu) pha thêm vào, ngâm trong khoảng một giờ, xong bắt lên bếp dáo bột cho đến độ đặc sệt,đổ bột ra trên một cái khay có lót lá chuối và nhớ thoa một tí dầu ăn (để khỏi dính bột vào lá) dùng đôi đũa nấu bếp loại lớn gạt cho mặt bột phẳng lì, láng lẩy, rồi đem vào xửng hấp, lúc bánh vừa độ chín mang ra đặt trên trẹt hoặc mâm đồng để nguội. (Nghệ thuật ngâm bột với nước vôi là để bánh được giòn sẽ ngon hơn mà không độc hại gì, nếu không ngâm với vôi thì pha vào bột một ít hàn the, bánh cũng sẽ giòn nhưng hàn the thì ăn không tốt cho sức khoẻ).
Lúc ăn cắt bánh thành từng miếng nhỏ, nếu bán ở chợ thì người bán cắt bánh theo sự thuận tiện của hình thể chiếc bánh, nghĩa là có thể lát bánh sẽ có hình vuông hay chữ nhật hay tuỳ vào hứng thú và tài hoa của người bán, nhưng nếu để dọn khách tại nhà thì chủ nhân đảm đang khéo tay cắt bánh theo hình thoi để khi sắp bánh lên dĩa sẽ có hình ngôi sao hoặc đoá hoa tuỳ vào ý tưởng của người làm và sự cảm nhận của người thưởng thức.
Có hai loại bánh đúc: bánh đúc và bánh đúc xanh, sự khác nhau đơn giản ở màu sắc và nước chấm, bánh đúc có màu trắng, bánh đúc xanh có màu xanh, bánh đúc ăn với mắm nêm ớt càng cay càng ngon, bánh đúc xanh ăn với nước mật ngọt đậm đà.
Tất cả những lát bánh đúc đã được cắt bày trên dĩa, phết trên mặt bánh một ít hành mỡ đã phi thơm, lúc ăn sẽ có vị béo và mùi thơm, nếu sang hơn và ngon hơn thì rải thêm một ít tôm chấy, ai không thích mắm nêm thì ăn với nước mắm biển, chất lượng không thua gì mắm nêm. Món bánh đúc này có bán thường xuyên ở các chợ.
Về món bánh đúc xanh thì có phần đặc sắc hơn, cách làm công phu hơn, tuy cũng là thực phẩm từ gạo như bánh đúc nhưng để có màu xanh và vị thơm, người ta phải giã nhuyễn lá dứa và lá bòng bòng, vắt lấy nước cốt rồi hoà tan trong bột, khi hấp chín sẽ có một màu xanh lục đẹp mắt và mùi thơm thoang thoảng của vị hương đồng nội khá hấp dẫn. Bánh đúc xanh được người dân làng Nam Phổ làm và đem bán ở chợ Gia Lạc vào dịp tết.
Ăn bánh đúc với dao tre mới là đồng điệu, chiếc dao tre giản dị nhưng lại góp phần làm tăng thêm sự hứng thú cho người ẩm thực,không mấy ai ăn bánh đúc với đũa hoặc muỗng như khi ăn với các loại bánh khác.
Ngày nay, chợ Gia Lạc tuy không còn tụ tập đông vui như xưa, không gian hoạt động nhỏ hẹp hơn trước nhưng người dân vùng này vẫn gìn giữ nét đẹp truyền thống vẫn họp chợ kẻ bán - người mua, dù có thưa thớt người nhưng vẫn đầy đủ các mặt hàng cơ bản: ngày mồng một người Huế ăn chay nên chợ chỉ bán cau trầu và rau quả, ngày mồng hai, mồng ba bán đủ thực phẩm tươi sống như ngày trước, vẫn làm bánh đúc xanh, song không còn độc chiêu ở chợ Gia Lạc nữa mà đã phát huy tác dụng, được nồng nhiệt đón chào ở các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự. Lý thú hơn là ngày nay các o bán hàng gánh không còn mặc áo dài đi bán như xưa nhưng riêng với món bánh đúc này, người bán vẫn mặc áo dài khi đi bán rong ở các chợ, phải chăng vì ngày tết nên các o ưa mặc đẹp hay tại họ có sở thích ưa nếp xưa tích cũ.
Đáng tiếc là người dân biết thưởng thức món ăn này cũng ít dần theo thời gian, lớp trẻ ngày nay không đón nhận món "Mấy đời bánh đúc có xương..." (ca dao) dẫu rằng đây là loại bánh bình dân nhưng có giá trị của một thời làm náo nức lòng bao nhiêu người dân Huế. Khẩu vị người ẩm thực đã thay đổi theo thời đại văn minh, thị trường đã và đang xuất hiện nhiều loại bánh ngon, kể cả bánh ngoại nhập nên bánh đúc chỉ còn dành riêng cho giới " ăn chắc mặc bền " thích món ăn rẻ tiền, no lâu. Thi thoảng còn một số người ăn cho vui, ăn cho biết và ăn để hồi tưởng về những kỷ niệm đã xa, biết bao giờ trở lại?