Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Chợ tết Gia Lạc Huế - TIỂU KIỀU

xuanhue-3   Chợ này do con thứ tư của vua Gia Long là Nguyễn Phước Bình thành lập vào khoảng triều vua Minh Mạng (1820 - 1940)...

Chợ tết Gia Lạc  - Huế

TIỂU KIỀU

Cách cầu Trường Tiền khoảng 3 cây số về phía đông, đường về thôn Vỹ Dạ, ở ngã ba làng Nam Phổ, trên hai lối rẻ về Dương Nổ - Ngọc Anh có chợ Gia Lạc.  Chợ này do con thứ tư của vua Gia Long là Nguyễn Phước Bình thành lập vào khoảng triều vua Minh Mạng (1820 - 1940).

Vùng đất này có phủ của hai vị hoàng thân nghệ sĩ nổi tiếng là Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương, lúc đầu chợ mở ra là để cho những người thân thiết trong phủ đệ mua bán vui chơi,về sau thấy sinh hoạt vui vẻ nên dần dần thu hút rất nhiều khách lịch lãm của kinh thành Huế và dân thường ở các vùng lân cận như Dương Nổ, Nam Phổ, Thế Lại, Ngọc Anh…tìm đến   và được các ông hoàng bà chúa cho tham gia hội họp, tổ chức các trò chơi nhộn nhịp, dù chợ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi  chỉ vỏn vẹn  ba ngày tết Nguyên đán, đây là phiên chợ của con vua cháu chúa và cũng là dịp để bà con thiên hạ đến cùng vui Xuân.

Chợ Gia Lạc - hình thức sinh hoạt như là một chợ trời ngày tết, bán đủ loại hàng hoá: cau trầu, thực phẩm hải thuỷ sản,thịt bò tái,  rau quả hoa trái, những món bánh tết Huế, đồ chơi trẻ con...đều có cả, đặc biệt có món bánh đúc xanh rất đặc sắc được rất nhiều người ưa chuộng, lệ thường gọi là bánh đúc Gia Lạc…

Có hai loại bánh đúc: bánh đúc và bánh đúc xanh, sự khác nhau đơn giản ở màu sắc và nước chấm, bánh đúc có màu trắng, bánh đúc xanh có màu xanh, bánh đúc ăn với mắm nêm ớt càng cay càng ngon, bánh đúc xanh ăn với nước mật ngọt đậm đà.

Về món bánh đúc xanh  thì có phần đặc sắc hơn, cách làm công phu hơn, tuy cũng là thực phẩm từ gạo như bánh đúc  nhưng để có màu xanh và vị thơm, người ta phải giã nhuyễn lá dứa và lá bòng bòng, vắt lấy nước cốt rồi hoà tan trong bột, khi hấp chín sẽ có một màu xanh lục đẹp mắt và mùi thơm thoang thoảng của vị hương đồng nội khá hấp dẫn. Bánh đúc xanh được người dân làng Nam Phổ chế biến và đem bán ở chợ Gia Lạc vào dịp tết.

Đầu xuân, người dân Huế  có thú vui đi chợ tết Gia Lạc, cốt để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn, sự suông sẻ, người ở vùng chợ Dinh,Gia Hội  đi chợ này là để có dịp bói đò nhân năm mới(vì phải qua sông), nếu lúc đến bến  mà đò đang neo bến đợi, nghĩa là ta sẽ được thong dong trong trong mới, ngược lại khi đến bến mà đò đã sang sông, ấy là điềm báo ta sẽ gặp vận xui, sự lận đận trong năm ấy. Lệ thường người đi phiên chợ tết mua một trái cau, một ngọn trầu gọi là để cho đằm giỏ với điều thầm ước sẽ an bình trong năm mới, sau đó mới mua các đặc sản của chợ theo sở thích, không bao giờ người ta mua tôm tươi đầu buổi chợ vì tôm nhảy lóc chóc, sẽ chuốc lấy lật đật long đong cả năm.

 

The image “http://vietnamnet.vn/dataimages/200601/original/images891341_6.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Chơi bầu cua ở chợ Gia Lạc 

 

             Gian hàng bán đồ chơi trẻ con luôn rộn ràng, những đồ chơi dân gian như con tu huýt, con đất sét đủ màu sắc, đủ chủng loại mỹ miều, chong chóng xoay tít, hàng mây tre đan với những chiếc quạt xinh xắn, rổ rá bé tí xíu dễ thương… tha hồ trẻ con chen lấn chọn lựa, ngày tết các em nhiều tiền mừng tuổi, được tự do sử dụng nên cứ  mua theo sở thích thoải mái, hoặc được đi chợ cùng mẹ và đầu năm ai nở chối từ  niềm vui của con trẻ, các em cứ thế mà vòi vĩnh.

Năm nào chợ tết Gia Lạc cũng có tổ chức thi nấu ăn - từ những món nem công chả phụng trong cung đình đến món ăn mắm muối dân dã, nhiều phụ nữ bình dân đã đoạt được giải thưởng xuất sắc, tương truyền  có một năm món bún bò của Mệ Lựu đã chiếm được giải nhất.

Ngày nay, chợ Gia Lạc tuy không còn tụ tập đông vui như xưa, không gian hoạt động nhỏ hẹp hơn trước nhưng người dân vùng này luôn gìn giữ nét đẹp truyền thống vẫn họp chợ kẻ bán - người mua, dù có thưa thớt người nhưng luôn đầy đủ các mặt hàng cơ bản: ngày mồng một người Huế ăn chay nên chợ chỉ bán cau trầu và rau quả, ngày mồng hai, mồng ba bán đủ thực phẩm tươi sống, vẫn làm bánh đúc xanh, song món bánh này không còn độc chiêu ở chợ Gia Lạc nữa mà đã  phát huy tác dụng, được nồng nhiệt đón chào ở các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự. Lý thú hơn là ngày nay hầu hết các o bán hàng gánh không còn mặc áo dài đi bán như xưa, nhưng riêng với món bánh đúc này, người bán vẫn mặc áo dài khi đi bán rong ở các chợ, phải chăng vì ngày tết nên các o ưa mặc đẹp hay tại họ có sở thích ưa nếp xưa tích cũ.

Đáng tiếc là người dân biết thưởng thức món ăn này cũng ít dần theo thời gian, lớp trẻ ngày nay không  đón nhận món " Mấy đời bánh đúc có xương..." (ca dao) dẫu rằng đây là loại bánh bình dân nhưng có giá trị của một thời làm náo nức lòng bao nhiêu người dân Huế. 

Bình thường người ta đi chợ tết là để mua thức ăn, để vui chơi, để ngắm thiên hạ mua bán như là một niềm vui trần thế mà mọi người hoan hỉ đón nhận, xẻ chia cùng nhau bởi phiên chợ tết ở miền đất nào cũng luôn tạo ấn tượng mạnh, gây nhiều cảm xúc cho con người  đang ở tâm trạng tiễn biệt năm cũ - đón mừng năm mới tốt đẹp hơn.

Ngày nay, một số người Huế vẫn giữ nếp nhà, ngày xưa theo bà theo mẹ đi chợ Gia Lạc, ngày nay cùng con gái con dâu đi chợ Gia Lạc, cũng bán mua chút đỉnh như là một sinh hoạt ngày tết của gia đình thêm một niềm vui đầu năm mới dù chợ Gia Lạc quán sá đơn sơ, cảnh sắc dân dã,song đậm đà hương vị đồng quê,không khí gần gũi, ấm cúng và rất cuốn hút những tấm lòng tri âm đồng điệu.

 

 

The image “http://www.nhakhoalananh.com/vn/images/0707_1716.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

 

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.