Hương vị nấm tràm -Tiểu Kiều
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 6480
Hằng năm cứ vào độ cuối thu Huế thường có những cơn mưa chuyển mùa mà người dân ở đây ưu ái gọi là mưa nấm tràm, bởi sau những cơn mưa làm mát đất dịu trời ấy thì khắp các rừng tràm có vô số nấm tràm mọc lên tươi roi rói trông rất ngon mắt và đẹp như một tấm thảm nhung nâu. Núi Ngự Bình, Thiên Thai, Thiên An... rộn ràng người qua lại, người ta đi hái nấm để bán ở các chợ.
Người phụ nữ Huế đảm đang thường nắm được quy luật của mùa nấm nở và trong mâm cơm của các gia đình những ngày này thường có tô canh nấm tràm nấu với tôm tươi và rau tập tàng. Cái duyên của nấm tràm là khi đã biết ăn rồi thì rất mê - cứ vấn vương mãi cái mùi vị đăng đắng mà ngon ngọt của những tai nấm giòn tươi.
Trong món rau tập tàng thường có rau khoai lang vì chất của nó có khả năng trị được vị độc của nấm.
Cháo nấm tràm cũng là một món ăn mát dạ lúc xế chiều. Vài chục con tôm tươi, một ít thịt ba chỉ, nếu hào phóng thì thêm thịt bò, hành ngò tiêu ớt nữa là có ngay một nồi cháo tuyệt vời để chiêu đãi bạn bè vào bữa lỡ rất lý thú.
So với nấm mối và nấm rơm thì nấm tràm rẻ tiền hơn, chỉ cần mua khoảng hai nghìn đồng là có một tô canh đậm đà hay một nồi cháo cho cả gia đình ăn. Một năm chỉ có một lần thoáng qua, nấm tràm xuất hiện và biến mất trên các chợ rất nhanh, khoảng trong hai mươi ngày đến một tháng. Do vậy người căn cơ hay tranh thủ phơi sấy nấm để thủng thẳng ăn dần cho đỡ thòm thèm.
Mùa nấm - chợ Huế vui hẳn lên, những tai nấm thấm mầu tươi giòn níu chân các bà nội trợ, nhất là khi các chị bán nấm đon đả mời chào.
Nấm tràm đã làm mê người ở Huế. Người Huế xa quê thường vẫn nhớ đến món ăn đạm bạc nhưng vô cùng đặc sắc này của quê hương.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Ăn uống:
http://www.suutap.com/Hue/default.asp?id=361&trang=3&muc=3&nhomtheotua=-1&nhomtheotacgia=17&xeptheotacgia=1&xeptheotua=-1
*
Ảnh: Internet.