Joomla 1.7 NivoSlider developed by NewJoomlaTemplates in collaboration with best web hosting reviews and ratings.
Print

Huế - Quán ven đường - Tiểu Kiều

 

 


     Hầu như trên khắp các nẻo đường của Huế, kể cả tận trong ngóc ngách hẻm hóc đều có những quán bên đường bình dân.
     Quán ven đường còn gọi lá quán vỉa hè, về hình thức đơn giản: dăm bảy chiếc bàn, vài chục chiếc ghế, khi đông khách thì ghế sẽ làm thêm nhiệm vịu của chiếc bàn.
     Thời điểm đến quan vén ven đường tưng bừng đông đúc, buổi sáng khoảng từ 6 giờ, 8 giờ là dần thưa thớt khách, buổi chiều tầm tầm từ 16 giờ 30 cho đến lúc nào các thượng đế hết hứng thú thì nghỉ.
Không khí luôn rộn ràng, dù nắng hay mưa vẫn có khách, khách đủ thành phần trong xã hội: cán bộ công chức nhà nước, giới lao động, văn nghệ sĩ, thanh niên sinh viên… quây quần vui vẻ.
     Sáng sớm, trong các loại hàng ăn uống thì cà phê là nhiều khách nhất, nào là sinh viên trước khi đến trường, cán bộ trước giờ vào công sở, người lao động bắt đầu một ngày mới vất vả… Cứ đúng giờ, đến quán cố định theo sở thích để thưởng thức một ly cà phê cho tỉnh táo, tiếp thêm tinh thần lạc quan cho một ngày mới tốt đẹp.
     Bên ly cà phê thơm ngon họ hàn huyên rôm rả đủ thứ chuyện trên đời: thời sự nóng hổi trong ngày, chuyện đông tây kim cổ, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, chuyện làm ăn mua bán, có đôi tâm tình, người thì ngắm nhìn trời mây non nước mà nghĩ ngợi mông lung… Những cặp vợ chồng cũng có niềm vui uống cà phê buổi sáng – như một sinh hoạt văn hóa của gia đình vậy.
     Giá cả của ly cà phê ở quán ven đường nhẹ nhàng nên mới trụ nổi cho những khách có thói quen và lạc thú uống một tháng 30 ngày. Trong thành phố có cả mấy chục quán cà phê song đắt khách là quán Sơn, cây Si, cà phê Sửu, Thiên Đàng, vỉa hè đường lê lợi, Hoàng Hoa Thám, cà phê Minh ở đầu đường Trưong Định, những con đường đẹp trong Thành nội…
     Gọi là đi uống cà phê buổi sáng, ngoài cà phê đen, đá, sữa, có người đến đây để uống trà Lipton hay chanh nóng… Cách pha, tiếp một ly cà phê rất gọn nhẹ, ly tách cũng bình thường, chẳng ai câu nệ chi miễn là có vị đăng đắng ngòn ngọt thơm thơm trên môi là đầy đủ hương vị tuyệt vời. Nhiều người uống cà phê thay cho ăn sáng.
     Món ăn điểm tâm: bún bò, cơm hến, bánh canh, xôi thịt hon, bánh mì… ven đường rất đa dạng, có nơi khách tự phục vụ, chủ quán chỉ có nhiệm vụ múc ra tô, khách tự bưng bê lấy rồi tự tìm một chiếc ghế ưng ý mà ăn… cũng xong, ngon lành!
     Buổi chiều tan trường, tan sở, anh em bạn bè có thú tạc ngang rẽ dọc vào các quán ven đường, gọi là để thư giản sau một ngày học tập, công tác, cùng nhau tâm tình bên ly bia mát rượi hay cốc rượu ngon (rượu làng Chuồn) ấm lòng lai rai vui vẻ… Thường những món nhậu đưa cay của các quán này giá cả rất bình dân, mỗi dĩa từ 10 tới 15 ngàn đồng và món ăn rất phong phú: hến trộn, vả trộn xúc bánh tráng, nghệ xào núm đuôi, lươn um chuối, ốc um chuối, sườn heo nướng chua ngọt, tim cật xào, tôm xóc tỏi, ghẹ hấp, trìa nướng, đuôi heo chiên dòn, rau xào, gỏi trộn, dưa chua củ kiệu trộn tôm khô… Khách muốn thưởng thức món gì chủ tiệm sẽ sẵn sàng phục vụ tận tình, điều làm khách hài lòng là các món ăn ở quán ven đường đều được chế biến nhanh gọn vệ sinh và ít tốn kém, chỉ vài ba chục ngàn là anh em vui vẻ chiều cuối ngày.
     Niềm vui được nhân lên khi mỗi ngày như mọi ngày các đấng nam nhi chẳng hẹn hò nhưng cứ đến giờ lại đi, thi thoảng cũng có những nhóm phụ nữ hân hoan chia xẻ - Với một số người thói quen này không phải vì chuyện ăn uống nhậu nhẹt mà là niềm vui quán xá, như là “miếng trầu là đầu câu chuyện” gặp nhau để giao lưu tình cảm, quý hóa hơn qua bàn nhậu nảy sinh tình bạn thân thiết, có điều kiện quen biết thêm bạn bè mới và có những đôi trở thành thâm giao tri kỷ.
     Thường những quán ven đường ít khi có bảng hiệu tên quán – người ta biết đến tên của chủ nhân hoặc khách gọi theo sự ưu ái riêng của mình. Mỗi nhóm thường kết thân với một số quán nhất định, có thể do nơi ấy có thức ăn ngon hợp với khẩu vị, chỗ ngồi thoáng mát, cô chủ xinh xắn, ông chủ hoạt bát nhanh nhẹn… theo muôn ngàn lý do khách quan, chủ quan của khách. Anh em văn nghệ sĩ thường có mặt ở các quán đường Trần Cao vân, Hoàng Hoa Thám… giới giáo viên thích quán ở đường Trương Định, đường 49, Hàn Mặc Tử… thanh niên sinh viên chọn các quán ở Đội Cung, Nguyễn Thái Học, Trần Quang Khải… cán bộ, công chức ở quán đường Nguyễn Huệ hoặc hai bên bờ nam bắc sông Hương, giới lao động thường đến các quán thịt rừng đường Trần Phú…
    Mùa hè, các quán giải khát mọc lên nhiều, càng nhiều quán, càng đông đúc vui vẻ: nào nước mía, nước dừa, sâm bổ lượng, các loại chè ngon của Huế. Khí trời nóng nực, một ly nước mát lạnh ngọt ngào sẽ xua tan bao mệt nhọc ưu phiền.
     Có khi đúng nghĩa là niềm vui quán xá, nhu cầu gặp gỡ bạn bè anh em nhưng đôi khi “rượu vào lời ra” làm mích lòng nhau vì những chuyện không đâu. Nhưng thật thú vị nếu có dịp quan sát không khí bàn nhậu, hôm nay trách móc giận hờn, ngày mai lại cùng nhau thù tạc như chưa từng thấy có điều gì xảy ra.
Vợ chồng ít khi chung nhau trong một bàn nhậu mà thường là các cháu nhỏ được bố dẫn theo chung vui, bố huyên thuyên bên ly rượu, con nhỏ cũng được ngồi ghế với ly nước ngọt và ngây thơ cười bởi các ông có nhiệm vụ đón con đi học về tiện thể chở con theo vui vẻ với chú bác và quan trọng hơn là thể hiện sự góp phần chia xẻ công việc nhà!
     Về hàng ăn bữa lỡ, quán ven đường nở rộ với các món đặc sắc của Huế, thực khách là sinh viên học sinh tan học chưa chịu về nhà mà cứ ưa la cà quán xá với cơm hến đường Hàn Mặc tử, chè Hẻm, chè Trương Định, xu xa hạt lựu, bò khô chi Lăng, bèo nậm lọc hẻm cung An Định, bà Đỏ, Vườn Cau đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bún xào nghệ Trần Quang Khải… các cháu nhỏ thường được bố mẹ đưa đi ăn chiều cháo giò heo Xuân Phú gần chợ Cống, bánh canh cua Phạm Hồng Thái, món bún mắm nêm Bà Triệu, bún thịt nướng Kim Long, Gia Hội… được khá nhiều ưa thích. Gần ký túc xá sinh viên hay trường học, cơ man nào là quán ốc, bắp nướng, bánh chuối khoai ram, chiều chiều tha hồ là khách ăn.
     Cứ thế ,mà mỗi sáng, mỗi chiều, người ta đến với quán ven đường, mỗi người mỗi thói quen, mỗi ý tưởng, mỗi sở thích… và ai cũng đều có sự hứng thú trong không klhí quán xá và niềm vui với miếng ngon nên quán ven đường, vốn liếng không là bao, công sức cũng không nhiều nhưng vẫn luôn tồn tại góp thêm một nét sinh hoạt ẩm thực cho đường phố.


T.K

 

 

"Nhà văn Nhật Chiêu (áo trắng tay ngắn) và các văn nghệ sĩ Huế ở cà phê Minh, quán ven đường Trương Định, Huế trong ngày 8. 3. 2009."

 

 Ảnh trên: Tác giả Tiểu Kiều ( Photo by Pham Ba Thinh)

 Copyright © 2008 - 2013 Võ Quê All rights reserved.