NHÀ THƠ VÕ PHƯỚC
- Details
- Published Date
- Written by Võ Quê
- Hits: 9495
Giới thiệu nhà thơ Võ Phước, hiện đang sinh sống, làm báo tại DakNông...
TRANG VĂN THƠ VÕ PHƯỚC
MÀU TÍM HUẾ
Thuở ấy phượng hồng lơi lả dòng Hương
Người xưa chợt bâng khuâng: Màu tím Huế
Có phải em của thời thơ bé
Đem thần tiên thắp đỏ con đường
Mùa theo ngày hẹn với hoàng hôn
Em tóc xõa ta theo về líu quíu
Chiều ý hạ đêm mắt buồn con gái
Tím một màu vô thủy vô chung
Ngày xưa đi xao xác muôn trùng
Ôm vò võ lời tỏ tình qua quít
Ai bảo em hồn nhiên ngờ ngệch
Ta già trước tuổi mấy ai thương
Thêm tình si lật đật khôn lường
Hoang đổ từ đây bao mộng đẹp
Xin gìn giữ trong nhau tình thắm thiết
Dẫu bây chừ đôi ngã … tha phương
Đêm vẫn buồn vui cùng người Huế
Biết tìm đâu màu tím thuở ta thương
MÙA BÀNG LÁ
Mùa bàng lá xòe thơm lộc xinh
Dừng gót phiêu du gió tự tình
Ngàn sao tơ tưởng hoài không ngủ
Hao gầy đêm sợ chẳng bình minh
.
Ngày qua đi khắp cùng non nước
Bàng trong tôi muôn lối ngẩn ngơ
Ai gửi lại sắc màu phai úa
Nơi môi em nhàu nhạt mong chờ
.
Dẫu đến tàn xưa chẳng hề quên
Trao em ngần ấy mộng thần tiên
Nay bàng chững lại mùa xanh trước
Thèm được em hờn dỗi tôi thêm
.
Xin được về xưa để yêu em
Mùa xuân bàng lá cánh tay mềm
Ngày mai trở lại trần gian nữa
Bên đời lần hạt chuỗi hoa niên
NGƯỜI ĐÃ XA
Tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Người đã xa rồi người có hay
Tiếng buồn chới với tận dâu đây
Sương mòn mõi cánh chiều Than Thở
Gương hồ xưa con nước chau mày
Cô đơn ơi ! sao cứ mãi cùng ta
Vượt suốí đèo muôn vạn ngày qua
Nắng mưa đâu dễ phai tình cũ ...
Trời bao la có thương mình ta
Ta buồn nước mắt buồn không mấy
Mãi cuốn trôi bao bể muộn sầu
Người đi chiếc áo nhàu phai nhuộm
Hẹn mãi phương nào mơ thâý nhau
Người đã bay lên đỉnh ngàn mây
Cung đàn lạc lõng nhạt nhèo thay
Đêm mơ buông khúc ca ly biệt
Theo gót hồn nhiên cõi đi về ...
THƯƠNG HOÀI CÂU HÁT RU
Ước mơ trong vô số chiếc cầu đang hiện hữu, người đời thưởng tặng dẫu một lời ca… Bởi nơi ấy bắc qua sông suối, thác ghềnh người ta trải lòng yêu thương nơi ấy, yên lòng cho khách sang ngang… Ở Thừa Thiên - Huế, Cầu Ngói Thanh Toàn tồn tại như chứng minh cho hai tiếng " Tình người": Nhân ái là đức hào phóng khi con người hội đủ lòng nhân.
Từ khi chiếc cầu nhỏ nhắn có hình dáng một mái đình mảnh mai, cong vút bắc qua con sông đào Thanh Thuỷ, Thuỷ Thanh, Hương Thuỷ... cái tên ngồ ngộ "Cầu Ngói Thanh Toàn" ra đời cũng là lúc câu ca, khúc ca trong dân gian xướng lên tỏ lòng ngưỡng mộ người đã xây nên chiếc cầu có một không hai ở đất thần kinh. Chiếc cầu trở thành đề tài khơi nguồn cho bao nỗi lòng, cảm xúc: "Ai về Cầu Ngói Dạ Lê/ Cho em về với thăm quê bên chồng". Hẳn những ai là người dân Huế, khi xa xứ mà không mang theo câu ca... câu ca ấy luôn chập chờn cùng tiếng à ơ... làm man mác buồn, chạnh lòng người ru:
"Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui"
Có thể bên trong còn chất chứa nỗi lòng mênh mang khôn xiết mà câu ca vượt ngưỡng thời gian, hiện hữu như nỗi buồn, niềm vui của bao người con xứ Huế trên chặng đường phiêu bồng hầu mưu sinh, câu ca ấy hiện thân của sức mạnh tinh thần, phép màu nghị lực giúp từng số phận con người vượt qua sóng gió, dập vùi... Câu ca không chỉ theo họ đến các vùng miền cao nguyên, trung du, vào Nam, ra Bắc... mà còn vượt muôn trùng đại dương tạo nên thanh âm đồng vọng tình hoài hương trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Điều vô cùng thú vị là câu ca luôn gợi niềm thân thương, gần gũi gắn bó hình ảnh chiếc cầu có mái ngói đình làng rêu phong rợp che. Nhiều người cho rằng đến Huế mà có dịp thưởng ngoạn công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian, ngất ngây với hương trầm, hương mộc, thả hồn theo "Lối xưa xe ngựa..." tìm thăm Cầu Ngói Thanh Toàn, đi chợ quê, trò chuyện với dân làng... thì mãn nguyện thay một chuyến đi!
Câu chuyện xưa hiện vẫn lưu truyền trong dân gian rằng ở làng Thanh Thuỷ, Thuỷ Thanh... thế kỷ XVIII, có người đàn bà nhũ danh Trần Thị Đạo tự bỏ tiền của xây dựng chiếc cầu có cấu trúc ngôi đình duyên dáng, lạ mắt. Từ ấy chiếc cầu hữu tình, thơ mộng này đã thu hút nhiều lớp người già, trẻ, trai, gái hằng ngày thường nghỉ chân, tụ tập, hẹn hò... Những ai đến đây lòng cứ lẫn lộn giữa mơ hồ và khâm phục: "Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ". Thương những người vỡ nhát đất đầu tiên làm nên vùng đất cố đô cho người sau thừa hưởng! Bởi đâu mà câu ca "Cầu Ngói Thanh Toàn" luôn roi rói tinh khôi nỗi niềm da diết quặn lòng bao người, bao thế hệ? Đường về Cầu Ngói cứ bồn chồn chạy giữa cánh đồng bao la, núi tiếp núi xa xa ra tới biển. Con đường này xưa kia chắc hẹp lắm, chỉ đủ để một người đi. Người nối người, bước nối bước giữa đồng không mông quạnh, côn trùng nỉ non: "Đến đây sông nước lạ lùng/ Tiếng con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh...".
Nghe rằng ở Quảng Tây, Trung Quốc có những chiếc cầu được xây dựng na ná như Cầu Ngói Thanh Toàn, cũng cái kiểu "thượng gia hạ trì", "thượng gia hạ kiều", "khai phong kiều"... Chiếc cầu vừa giúp cho người đi đường sang sông an toàn, chở che họ những khi mưa gió thất thường. Xưa kia ở Trung Quốc, vào đời Đường, nhà thơ Đỗ Phủ đã từng day dứt: "Ước được nhà rộng muôn ngàn gian/ Che khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo hân hoan...". Nguyễn Du cũng từng sùi sụt, xót thương: "Có những kẻ nằm cầu gối đất/ Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi...".
Giờ đây chiếc cầu đã thành báu vật thiêng liêng được đời sau nâng niu, gìn giữ. Chiếc cầu là hình ảnh gợi cảm, gợi tình chiếc cầu của "sầu thương": "Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói, dạ em thương mình bấy nhiêu", "Qua cầu ngả nón trông cầu/ Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu". Chiếc cầu còn vun đắp thêm tình yêu cho đời sau như lời nhắn nhủ rằng dẫu mai đây có nên nỗi gì thì hãy đừng quên thuở hàn vi mà chối bỏ cội nguồn. Bởi thế trên đất nước mình cũng đã có người tự ý xây nên chiếc cầu cho người nghèo, cho trẻ nhỏ an toàn qua sông học chữ. Công đức thật đáng ca ngợi biết bao.
Chiếc cầu cùng với câu ca đã làm rạng danh một vùng quê hiền hoà Thanh Thuỷ, Thuỷ Thanh. Người xây nên chiếc cầu... lãng mạn, thương người, thương đời lắm. Chiếc cầu thành nơi minh chứng cho lòng tri ân, nơi kỳ ngộ cho bao mối lương duyên, thành lời hò hẹn về với phiên chợ quê, lễ hội, lễ tết... Câu ca không chỉ là lời ướm tình, ghẹo trêu... mà còn ấp ủ nỗi nhớ niềm thương khiến đường đi, tình quê, tình người tha thiết, gần gũi hơn khiến lòng người sôi nổi rộn ràng làm hiện thực hơn ước mong trên chặng đời lỡ bước được về tới Cầu Ngói Thanh Toàn, khao khát "trú chân" cái lẻ loi, đơn côi của mình trong biển tình mênh mông của làng xóm. Xin được kết thúc bài viết bằng những dòng tâm tình dài thêm câu ca, nhủ lòng thương hoài câu hát ru tình tứ:
"Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui
Dù mai quảy gánh ly bôi
Mặc lòng ai đó bạc vôi với tình
Ra đi mới thấy thương mình
Đắng cay càng tỏ lòng trinh vàng mười
Ai đi mô rứa đông người
Bởi em lỡ chuyến đò thôi...phải chờ
Cũng đành lỗi với người xưa
Nhờ câu hát cũ tạ từ ân sâu..."
V. P
http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=6&ID=2688
KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG... MỘT DI SẢN TINH THẦN VÔ GIÁ
Cũng như Nhã nhạc cung đình Huế, không gian Văn hóa cồng chiêng (VHCC) Tây Nguyên, đã được Tổ chức Giáo dục Khoa hoc và Văn hoá Liên Hiệp Quốc UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại! Tự hào, nhớ ơn tổ tiên xưa! Đây là cơ hội để cộng đồng chúng ta cùng nhau gìn giữ, phát huy tài sản văn hoá vô giá của các dân tộc anh em ra đời và tồn tại hàng ngàn năm qua, xứng đáng trước tôn vinh của nhân loại.
Người dân Tây Nguyên luôn mang trong mình niềm tự hào về một tổ tiên xưa không những đã sản sinh ra những người con khỏe mạnh, bền bỉ chịu đựng thử thách trước thiên nhiên núi rừng huyền bí, khắc nghiệt mà còn gồm nhiều thế hệ ưu tú, trên chặng đường mưu sinh, họ không ngừng nâng cao đời sống vật chất, làm đa dạng, giàu có đời sống tâm hồn...
Từ bao đời nay đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn tự hào nền văn hoá truyền thống lâu đời mang bản sắc rất riêng của một dân tộc có phong tục, tập quán gắn liền với một đời sống khá đặc biệt của cộng đồng mình. Không gian núi rừng bao la và hùng vĩ là môi trường không chỉ giúp họ nương tựa mà còn là thế giới siêu nhiên mang đầy bí ẩn, thế giới của đấng thần linh rất gần gũi với con người và cũng là nơi luôn thổi vào tâm hồn họ sức sống mãnh liệt, lãng mạn lạ thường… Cũng từ đó không gian VHCC đã được sản sinh.
Bản thân người Tây Nguyên rất yêu quí cồng chiêng. Tổ tiên của họ vốn coi cồng chiêng là báu vật. Cồng chiêng tồn tại, hiện diện trong cuộc sống bình dị thường nhật của họ với vai trò như một nhân chứng lịch sử cho bao cuộc chuyển giao thiêng liêng của tổ tiên nhiều thế hệ trong đó có gia sản văn hoá vô giá: VHCC. Người Tây Nguyên thể hiện tình cảm qua sự giao tiếp trong cộng đồng, giữa họ với thần linh. Theo họ giao lưu gửi trao tâm tư của mình không chỉ trực tiếp bằng lời nói mà thanh âm của cồng chiêng là một thứ ngôn ngữ trữ tình mang hơi thở của một cộng đồng, nhiều thế hệ... giao tiếp cùng thế giới siêu nhiên thổ lộ tình cảm thương yêu, oán hận, lòng ngưỡng mộ nhưng chứa đựng đầy ắp khát vọng muốn chinh phục thiên nhiên…!
Do vậy người Tây Nguyên thường quan niệm thanh âm cồng chiêng luôn gắn bó, theo suốt một đời của mỗi con người từ khi còn trong bụng mẹ, thời thơ ấu, đến trưởng thành cho đến khi trở về với tổ tiên, cội nguồn.. Cồng chiêng luôn hiện hữu như để sẻ chia cho từng thành viên, cho cả cộng đồng bao nỗi niềm, khát vọng thường nhật, do vậy buôn làng khi có đứa trẻ vừa mở mắt chào đời, già làng tìm đến với chiếc cồng cổ xưa nhất, bên trẻ dóng lên tiếng cồng, hàm ý báo hiệu với mọi đấng thần linh, với mọi người rằng dòng tộc, bộ tộc họ đã có thêm một thành viên mới, nay mai sẽ là chủ nhân, gánh vác mọi việc của buôn làng…. Đất trời vào thời khắc này đang ngân lên thanh âm cồng chiêng thiêng liêng trước một tin mừng. Còn đối với đứa trẻ tiếng cồng là lời mừng mở đầu một giao ước của sự đón nhận, âm thanh cồng chiêng suốt đời sẽ theo cùng đứa trẻ... Từ nét văn hoá này cho thấy VHCC là văn hoá truyền thống giàu tính nhân văn của cộng đồng cư dân các dân tộc Tây Nguyên.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá, văn hoá dân gian khẳng định VHCC Tây Nguyên xuất hiện khá sớm được phát triển từ nền văn hoá Đông Sơn, ra đời cách thời đại chúng ta khoảng 3.000 năm. VHCC là loại hình nghệ thuật gắn liền với sự hình thành và phát triển lịch sử văn hoá của các dân tộc thiểu số sống dọc theo dãy núi Trường Sơn-Tây Nguyên. Nhạc cụ được chế tác bằng đồng này có nhiều kích cỡ, cồng chiêng có thể được diễn tấu đơn lẻ hoặc dàn bộ. Cồng chiêng được gõ bằng dùi hoặc bằng tay. Nguyên thuỷ, dòng họ nào cũng có cồng chiêng. Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để diễn tấu những bản nhạc của riêng dân tộc mình.
Qua bao thời gian, qua bao biến cố, VHCC được dày công xây dựng, sáng tạo của tổ tiên, của nhiều thế hệ ông cha… nghệ thuật của cồng chiêng Tây Nguyên đã đạt đến đỉnh cao. Tổ chức Giáo dục khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc UNESCO đánh giá rất cao giá trị văn hoá, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ngày 25.11.2005, công nhận không gian VHCC là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần phải nâng niu giữ gìn, không làm mai một, biến dạng. Festival cồng chiêng Tây Nguyên 2007 đã tạo được không gian cồng chiêng gồm các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng… đặc biệt những địa điểm tổ chức lễ hội như nhà dài, nhà rông, bến nước, nhà mồ, các khu rừng nguyên sơ... khuyến khích, động viên niềm tự hào dân tộc giá trị đích thực của VHCC Tây Nguyên phải gắn liền với cộng đồng và cuộc sống của các dân tộc thiểu số.
Nghệ thuật cồng chiêng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thể hiện giá trị đỉnh cao ở chỗ nỗi niềm hoài cổ của cả cộng đồng đồng bào các dân tộc gắn chặt cuộc đời mình với núi rừng như cá với nước. Từ cảnh sinh hoạt, nhảy múa quanh đốm lửa bập bùng cháy trong đêm giữa rừng thiêng đến những lễ nghi, lễ hội, phong tục. Cồng chiêng làm cho hơi thở nhịp sống của họ càng thêm bền bỉ, ngàn năm qua không ngừng vươn cao đôi cánh khát vọng giữa không gian mênh mông núi rừng Tây Nguyên giàu chất sử thi, huyền thoại, lãng mạn.
V.P
http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=6&ID=2687
Nhà thơ Trần Vàng Sao & Võ Phước
(KS Duy Tân, Huế 21. 1. 2010)
(Trang nhà thơ Trần Vàng Sao: http://voque.org/index.php?option=com_content&task=view&id=353&Itemid=47)
Võ Phước
http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=9&ID=2685